Nguyễn Mạnh Hùng - Làm giàu, ai bảo không khó?

Newsun

Believe in Good
Thành viên thân thiết
Tham gia
11/11/2008
Bài viết
9.439
Thế giới có biết bao tỷ phú chật vật với con đường khởi nghiệp, thất bại ê chề và có lúc trắng tay. Nhiều doanh nhân không có đêm ngon giấc, và có lúc họ gần như phát điên. Như vậy, ai bảo làm giàu là không khó? Tôi trăn trở nhiều khi viết bài này. Ngay chỉ cái tên thôi cũng làm tôi suy nghĩ nhiều. Nên đặt là “Làm giàu rất khó” hay “Làm giàu không hề dễ”. Đặt thế nào để toát lên ý mình định nói, để tránh hiểu lầm. Tôi viết bài này bởi đã được nghe nhiều người nói, thuyết giảng rằng - làm giàu không khó.

Nếu coi ý kiến “làm giàu không khó” là lời khích lệ, là sự động viên, là cách để những người muốn làm giàu không bị nhụt chí thì tôi hoàn toàn đồng ý. Cần khuyến khích, cổ vũ các bạn trẻ và những ai chưa giàu có làm giàu một cách chính đáng. Còn chuyện để trở nên giàu có, thực sự giàu có, giàu có bằng chính trí tuệ, công sức của mình thì tôi thấy không hề dễ. Thậm chí là khó.

hung.jpg


Giám đốc Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: P.H.

Tôi có đọc và nghiên cứu về cuộc đời cũng như cách và quá trình làm giàu của nhiều tỷ phú trên thế giới thì thấy rằng phần nhiều họ có xuất phát điểm không thuận lợi. Có nhiều người trong số họ khởi nghiệp khá vất vả. Họ trải qua nhiều thất bại. Họ đồng hành cùng biết bao thử thách. Không ít lần, họ trở thành người trắng tay. Không biết bao đêm, họ mất ngủ. Chẳng biết bao lần, họ gần như phát điên. Họ ngày đêm trăn trở với sự nghiệp, với việc làm giàu của mình. Và họ trở nên giàu có. Họ thật sự trân trọng những đồng tiền họ kiếm được. Họ biết rằng làm giàu là quá khó. Các doanh nhân Việt Nam cũng vậy. Những người giàu Việt Nam cũng rất cực nhọc để làm ra đồng tiền. Và, họ hiểu rằng làm giàu không hề dễ.

Tôi không bao giờ quên những đồng tiền đầu tiên tôi kiếm được khi học lớp 4. Ông bà nội tôi ở quê nuôi lợn. Vào thời đó, người ta dùng phân chuồng để bón ruộng, mà phân chuồng hình thành từ rơm, rạ, cỏ và phân lợn. Sau khi được những chú lợn quần nát để rồi rơm, rạ, cỏ ngấm cùng những gì lợn thải ra trong nửa năm trời người nông dân có phân chuồng để bón ruộng. Một năm cấy 2 vụ lúa, tức một năm cần 2 mẻ phân chuồng.
Tôi đã nhận ra cơ hội này và đã “dành” được “hợp đồng” đầu đời của mình. Tôi đi cắt cỏ bán lại cho chính ông bà nội mình. Mỗi gánh cỏ được một hào. Đống cỏ cao ngất trước cửa chuồng lợn nhà ông bà nội tôi là kết quả của “hợp đồng” đáng nhớ này. Cũng nhờ sức lao động, sự cần cù chăm chỉ và sự “đàm phán” với ông bà nội mà tôi có đến cả chục đôla khi còn bé xíu. Để rủng rỉnh tiền mua bút mực, giấy vở, dụng cụ học tập và sách,… Nhà tôi khi đó nghèo lắm. Nghèo kiết xác - như người làng vẫn nói.
Tôi cũng không quên các năm từ lớp 4 đến lớp 7 mình đi cắt cỏ nuôi trâu và thực hiện “hợp đồng” với ông bà nội cùng “dụng cụ hành nghề” là đôi quang gánh phải buộc lên rất cao. Người tôi quá thấp để có thể sử dụng được đôi quang và chiếc đòn gánh của người lớn! Thời đó người ta chưa làm ra quanh gánh cho trẻ con. Tôi cũng chẳng bao giờ quên được những lần bị gió thổi bay xuống ruộng hay bờ đê bởi mình không đủ sức chống chọi với gió. Nhất là gió của những ngày giông tố bất ngờ.
Và có lẽ ngay khi mới học lớp 7 tôi đã có số tiền vài chục đồng, tương đương với cả vài chục đôla thời bây giờ. Những đồng tiền đã giúp tôi không phải xin tiền cha mẹ. Tôi thậm chí đã biết và có cơ hội trợ giúp cha mẹ mình trong miếng cơm, chén nước mỗi ngày. Cũng từ khi đó đến mãi bây giờ tôi không phải xin tiền bố mẹ nữa.
Một trăm đôla đầu tiên tôi tự mình kiếm được khi học dự bị tiếng Nga (chuẩn bị trở thành sinh viên năm thứ nhất đại học) khi học tại khoa Dự bị trường Đại học Tổng hợp Matxcơva mang tên Lomonosov. Khu ký túc xá chúng tôi ở khi đó là phố Svernhika, số nhà 19. Ngay năm dự bị này tôi đã có cơ hội cầm trên tay, có cơ hội sở hữu thật sự những đồng đôla thật. Câu chuyện là khi đó các bạn sinh viên nước ngoài, nhất là sinh viên da đen bán đôla Mỹ lấy rúp Nga để tiêu (3 rúp một đôla). Những người có nhu cầu mua lại với giá 3,3 rúp lấy 1 đôla. Lãi suất 10%. Quay vòng càng nhanh, lãi càng nhiều. Vốn không phải bỏ ra thì còn gì tốt hơn. Nhưng kiếm những đồng đôla đầu tiên đó cũng không dễ. Tổn hại nơ ron thần kinh. Mất thời gian. Nguy hiểm. Rủi ro. Và tôi biết ngay từ khi đó rằng làm giàu không dễ.
Cùng trong năm dự bị tiếng Nga tại thủ đô của Liên Xô những năm 80 của thế kỷ trước tôi được sở hữu 1.000 đôla đầu tiên. Thời đó đôla Mỹ bị cấm. Người Việt Nam (và cả người dân các nước xã hội chủ nghĩa) không được dùng đôla nói chi đến chuyện sở hữu. Chỉ có người các nước tây Âu, châu Phi, châu Mỹ… mới có quyền có và sử dụng ngoại tệ mạnh. Nếu bị phát hiện sở hữu hay sử dụng ngoại tệ mạnh có nguy cơ bị đuổi về nước.
1.000 đôla lúc đó tương đương với quãng 3.000 rúp là con số rất rất lớn đối với những ai chuẩn bị là sinh viên năm thứ nhất. Mà nó cũng là rất lớn đối với tất cả mọi người vì học bổng một tháng chỉ có 80 rúp, một chiếc bàn là chỉ có 7 rúp, một dây may xo để làm bếp điện chỉ có 25 xu, 1 cốc nước có ga chỉ là 1-3 xu mà thôi. Tiền giá trị vô cùng. Nhất là khi dùng tiền đó mua thuốc tây, mua đồ điện, áo bay gửi về Việt Nam.

Từ mốc 1.000 đôla lên mốc 10.000 đôla là cả một câu chuyện

Kiếm tiền và làm giàu ai đó tưởng dễ nhưng không hẳn như vậy. Người kinh doanh phải tính toán và lo đủ thứ. Phải tính được các rủi ro. Phải tự lên kế hoạch kinh doanh chi tiết. Phải có tư duy tổng thể. Phải quản lý được tiền. Phải quay vòng đồng tiền nhanh nhất. Mà thời đó có ai trong chúng tôi được học về quản trị kinh doanh, về bán hàng, về kiếm tiền đâu. Bao cấp mà. Nhất là lũ sinh viên ngu ngơ từ vùng quê nghèo xuất ngoại chúng tôi.
Một kỷ niệm không bao giờ quên trong cuộc đời là tôi đã phải chứng kiến nỗi buồn tê tái: Mất 17.000 đôla trong khi tổng tài sản chỉ có 13.000. Tôi đã hầu như mất trí nhớ. Tôi đã hầu như phát điên. Tôi đã thất vọng và cảm thấy chán nản vô cùng. Tôi thấy cô đơn và bất lực. Và khi đó, tôi mới thấu hiểu ý nghĩa của 2 từ thiêng liêng này. Cô đơn và bất lực. Số tiền mất mát quá lớn. Lớn quá mức tưởng tượng của một cậu bé thời đó.
Một bài học cũng rút ra từ đó trong tôi rằng tư duy làm giàu là quan trọng nhất. Muốn giàu thì phải có tư duy làm giàu. Nếu có tư duy làm giàu rồi thì dù có mất trắng tay cũng bắt đầu lại từ đầu và làm giàu lại một cách nhanh chóng hơn và không quá đỗi khó khăn. Tư duy làm giàu là mấu chốt, là bắt đầu của mọi bắt đầu. Sau này có cơ hội đi Mỹ, đi Anh, đi Australia, đi Nhật,… tôi có mua mua được nhiều sách dạy làm giàu bằng đủ các thứ tiếng. Tôi đã đọc ngấu nghiến để học, để hiểu, để biết cách làm giàu một cách bài bản. Tôi cũng đã may mắn mua được cuốn “Think and grow rich” của Napoleon Hill. Ở đó tôi tìm thấy nhiều điểm giống tư duy của tôi ngày xưa. Cuốn sách trở thành cẩm nang, sách gối đầu gi.ường của tôi ngay từ khi mua được. Đi đâu cũng thường mang theo. Để đọc. Để ngẫm. Để ứng dụng. (Và may mắn thay chúng tôi đã mua được bản quyền cuốn này và xuất bản ra tiếng Việt với cái tên “Think and grow rich - 13 nguyên tắc nghĩ giàu làm giàu”). Cuốn sách đã mang lại lợi lộc lớn cho rất nhiều doanh nhân, rất nhiều bạn bè tôi, rất người muốn và đang làm giàu (như chị Trang, giám đốc John Robert Powers, như anh Steve Gandy phó chủ tịch tập đoàn Metso…)

Cái mốc có 100.000 đôla rất đáng nhớ

Tôi không bao giờ quên rằng mình đã để nguyên cọc tiền còn nguyên đai nguyên kiện, nguyên serie, còn bọc nguyên trong bao ny lông trong suốt để ngắm. Tôi đã ngắm rất lâu. Tôi đã ngủ cùng cọc tiền nguyên đai này suốt một đêm và trải qua những phút giây sung sướng hiếm có. Sau này khi có nhiều tiền hơn, những cảm giác ngất ngây khi sở hữu và ngắm những đồng tiền không còn nữa. Hay nói đúng hơn là không thể bằng một phần của cái ngày đáng nhớ này.
Tôi nhớ rằng đã không biết bao nhiêu lần mình bị đói khi đang sở hữu một đống tiền. Đói vì nhiều khách hàng đến mua hàng. Mà toàn những lô hàng lớn, những hợp đồng “ngon”. Mình thì không muốn từ chối. Không muốn mất khách. Họ đến lấy hàng đúng vào lúc ăn trưa, ăn tối. Nhiều ngày đứt bữa. Nhiều hôm nhai cơm như nhai rơm, nhai trấu. Còn cảm giác gì nữa đâu.
Tôi không thể quên rằng đã bao lần nằm đói ở sân bay. Tiền có bao nhiêu đã mua hết hàng. Chỉ tính toán để có đủ tiền đi taxi, tiền thuê bốc vác. Nhưng máy bay chậm vì sương mù, vì tuyết rơi nhiều, vì sự cố kỹ thuật, vì trăm nghìn nguyên nhân khác. Biết vậy nhưng lần khác vẫn đói, vẫn không còn tiền để ăn - tham quá. Người kinh doanh luôn dùng tối đa số tiền, huy động tối đa tài chính để kiếm tiền, để xoay vòng. Để giàu nhanh. Để thật nhanh.
Người có tiền, sở hữu nhiều tiền nhưng phải chịu rét cắt da cắt thịt. Phải chịu cái nóng như thiêu như đốt. Phải chịu muỗi cắn, ong châm. Phải “ngấm” mồ hôi đầm đìa như tắm. Người có nhiều tiền nhưng nhiều khi cũng chẳng được hưởng thụ, được sướng, được làm người giàu.
Mỗi đồng tiền kiếm ra là những giọt mồ hôi. Những giọt mồ hôi không chỉ thấm trên quần, trên áo, trên tóc, trên da mà ngấm vào từng đồng tiền. Mồ hôi ngấm vào khi ta nhận, khi ta đếm. Mỗi đồng tiền kiếm ra là chứa đựng những nơ ron thần kinh bị hao tổn, những suy nghĩ và tính toán, những phương án và biện pháp. Nhiều khi người doanh nhân có tâm trạng hơn cả ngồi trên đống lửa. Nhiều khi doanh nhân gần như điên khùng, nhiều khi tưởng chừng không thể vượt qua. Nhất là khi khủng hoảng.
Mỗi đồng tiền kiếm ra là những vất vả, gian nan, những cực nhọc khó tưởng tượng. Bao đêm không ngủ. Bao sáng thức giấc khi cả thế giới đang ngủ ngon. Bao nhiêu ngày không nhìn thấy ánh mặt trời. Bao đêm thức chỉ nghe thấy tiếng tíc tắc của đồng hồ.
Bao doanh nhân chúng ta ăn trưa chỉ là cái bánh mỳ kẹp, là bát phở nguội, là đĩa cơm bình dân. Ngồi ăn ngay tại bàn làm việc. Bao doanh nhân phải ngủ gục trên bàn. Nhiều doanh nhân, tôi biết, qua đêm tại cơ quan. Chuyện nửa đêm mò về nhà khi cả nhà đã ngủ say là chuyện thường. Cá biệt, có những trường hợp cha con cả tuần không gặp nhau: cha về thì con đã ngủ. Con đi học sáng thì cha chưa tỉnh giấc.
Tôi viết bài này trong lúc đang triển khai chương trình “15 phút tư duy” giai đoạn 2 tại các trường đại học trên cả nước. Tôi muốn các em sinh viên thay đổi tư duy. Cần có tư duy đúng trong mọi phương diện, trên mọi lĩnh vực. Tư duy làm giàu. Tư duy thành công. Tư duy quản lý mới. Tư duy học và hành. Tư duy khởi nghiệp. Tư duy đọc sách siêu tốc…. Các trường đại học tại HN và TP HCM đã tổ chức và tôi đến để mong muốn giúp các em thay đổi tư duy. Ngay sáng nay là chương trình tư duy sáng tạo tại Đại học FPT TP HCM.
Từ hàng chục chương trình này, với hàng nghìn bạn sinh viên tham gia tôi nhận thấy rằng, các bạn trẻ ngày nay khát khao làm giàu. Quyết tâm làm giàu của thế hệ trẻ thật là mạnh mẽ. Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng các em sẽ thành công. Trong quá trình giảng dạy, thuyết giảng hay trao đổi, tôi nhận thấy sinh viên Việt Nam chúng ta nắm kiến thức kinh doanh cơ bản khá tốt. Các em rất thông minh, nhanh nhẹn, có nhiều ý tưởng. Tuy nhiên, các em đang thiếu thực tế thương trường, ít va chạm. Các em chưa thật sự có những người “thầy” có kinh nghiệm và trải nghiệm. Hơn nữa có lẽ các em chưa có tư duy làm giàu thật sự đúng, khát khao làm giàu chân chính chưa thật sự mạnh. Tôi muốn các em học được nhiều hơn nữa từ những người đi trước: từ thành công và thất bại. Để các em rút ngắn thời gian, giảm bớt vấp ngã và trở nên giàu có nhanh hơn và bền vững. Tôi muốn các em hiểu rằng làm giàu không dễ nhưng hoàn toàn có thể. Muốn giàu có phải có tư duy của một người giàu. Muốn trở thành triệu phú phải có tư duy của triệu phú.
Làm giàu không dễ. Tuy nhiên làm giàu cũng là trách nhiệm của mỗi chúng ta. Cần phải làm giàu để giúp mình, giúp gia đình mình, giúp quê hương mình và giúp đất nước mình. Đất nước Việt Nam chúng ta sẽ trở nên giàu có khi có rất nhiều, rất nhiều doanh nhân, rất nhiều, rất nhiều người giàu.
Nguyễn Mạnh Hùng
Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Thái Hà Books

(Nguồn Vnexpress)
 
Từ nghèo kiết xác, cuộc đời tôi nay đã sang trang mới

Mong rằng những ai nghèo sẽ không quá tự ti, mặc cảm mà hãy tiếp tục sống, lao động và phấn đấu nhiều hơn...

* Tâm sự cùng tác giả bài viết "Làm giàu ai bảo không khó?"


Chào chú Hùng,

Đọc bài viết của chú, cháu như tìm thấy chính mình trong đó. Cháu không còn ở lứa tuổi mới lớn chập chững vào đời nhưng cũng chưa đủ lực và trí tuệ để thực hiện một phương án làm giàu như hoài bão của mình.
Gia đình cháu nghèo, "nghèo rớt mồng tơi" như người đời vẫn nói. Thực tế, ngày trước nhà cháu làm nghề nông. Cũng có vài công đất để ngày ngày vợ, chồng, con cái kéo ra đồng , khi thì gieo hạt, cuốc đất, bón phân, thu hoạch. Mỗi năm 2,3 vụ, bắp, đậu, lúa cứ xoay vòng. Ai cũng nghĩ, ngày hân hoan nhất của nhà nông là ngày thu hoạch, nào ai biết sau những bức tranh rộn ràng, tấp nập, gặt mùa là biết bao tâm trạng, rạng rỡ trên những gương mặt được mùa, nhưng đôi lúc lại là những nếp nhăn âu sầu, lo lắng và thất vọng do thất mùa, do phải trả nợ, do đã bán "nông sản non" để mua gạo, mua phân trước đó. Và rồi, Ba cháu làm thêm nghề đánh cá để kiếm tiền nuôi vợ và 5 đứa con thơ ăn học.

Ba tuổi, cái tuổi thơ mà người ta gọi là đẹp nhất. Cháu biết theo chị đi bán bắp ở chợ chiều. Lên 5 tuổi, khi bạn bè cùng trang lứa tung tăng đến trường mẫu giáo cùng ba mẹ thì cháu chiều chiều lại ra bến phà nhặt củi về cho mẹ nấu cơm hoặc đem bán. Rồi cháu cũng được đi học, vào lớp 1, học hết phổ thông, thậm chí là đến bây giờ, 27 tuổi cháu vẫn còn là một sinh viên đại học.

Cháu may mắn sinh ra trong một gia đình hiếu học. Dù nhà nghèo, đi làm quanh năm suốt tháng mặc cho mưa, bão, sóng gió và cả ngày quốc tế lao động 1-5, nhưng ba mẹ cháu vẫn chưa bao giờ có ý định cho con cái nghĩ học. Mà ngược lại, ba luôn khuyến khích và làm mọi cách để con cái được đến trường. Một ngày mưa tầm tã, chị em cháu đang trong kỳ thi học kỳ, cả xóm mất điện. Ba quyết định trèo lên mái nhà hàng xóm để sửa điện dù biết rằng nguy hiểm vô cùng. Nhưng vì vùng sâu, vùng xa, cả xóm chỉ có một cầu dao điện chung mà gọi mấy ngày rồi cùng chưa thấy bác thợ điện về làng.

Hẳn Chú không có gì ngạc nhiên khi nghe cháu nói " đến bây giờ cháu vẫn còn là một sinh viên". Năm cháu học lớp 6, Ba cháu phải nằm ở bệnh viện Chợ Rẫy mấy tháng trời để mổ Thận. Và sau đó, Ba yếu hẳn đi, sức khỏe không còn như trước. Chiếc ghe bủa lưới và vài công đất đã bán để trang trải khoảng viện phí đắt đỏ so với một nhà nông. Mẹ lại bệnh sau đó, số đất còn lại được bán tiếp để cho mẹ đi Sài Gòn trị bệnh. Hai chữ Sài Gòn thời đó nghe xa xỉ vô cùng. Ai được đi Sài Gòn chơi là cả 1 ước mơ. Gia đình cháu bỗng chốc rơi tỏm vào một vị trí bèo bọt nhất của xã hội. Còn một số vốn nhỏ từ lần bán đất thứ 2, Ba bán luôn căn nhà đang ở và mua một miếng đất nhỏ ở thị trấn, cùng đứa em trai 8 tuổi của cháu bán vé số hằng ngày để nuôi gia đình qua bữa. Chị em cháu vẫn đi học, trong sự nghèo khó,c ũng may thay, được hỗ trợ từ phía nhà trường và xã hội dưới diện “ nghèo”.

Năm 18 tuổi, ngày chuẩn bị thi tốt nghiệp PTTH, cháu làm ngay 1 bộ hồ sơ xin việc, những mong có thể tìm được việc gì đó ngay sau đó để giúp đỡ cho Ba Mẹ. Nhưng cháu cũng khát khao được đi thi đại học một lần như chúng bạn. Thế rồi, sự khát khao đó thôi thúc cháu nộp đơn đi thi vào Trường Du Lịch. Không phải là Trường Đại Học mà chỉ là một trường nghề. Mong muốn của cháu lúc đó là làm sao để ra trường thật nhanh để đi làm, để kiếm tiền, và để giúp gia đình. Cháu thi đỗ, cầm lá thư báo nhập học kèm theo bảng thông báo học phí khiến nụ cười trên môi cháu tắt hẳn, niềm hy vọng được là sinh viên vừa lóe lên biến mất ngay trong tư tưởng.
Cháu giấu lẹm tờ giấy báo ấy cho đến cận ngày nhập học. Cháu cầm đến và đưa cho Ba. Ba hiểu tất cả và ôn tồn nói: “ Nhà mình đông con, con còn 3 đứa em nữa, Ba mẹ chỉ có thể lo cho con đến 18 tuổi. Giờ con đã đủ lông, đủ cánh, con có thể tự bay vào đời được rồi”. Tối hôm đó, ngồi dưới trăng, nước mắt cháu lăn dài trên má. Cháu không trách Ba, cháu hiểu gia đình mình đang khó khăn thế nào và cháu quyết định lên Sài Gòn học với kỳ học phí đầu tiên ba mẹ tích góp cho mình. Những mục tiêu phải có bằng ngoại ngữ, vi tính trong 18 tháng dường như bị bỏ lại trong lãng quên. Cháu lao vào các công việc làm thêm bất cứ giờ nào được rảnh, và bất kể ai mướn. Từ bán quán cơm, phục vụ nhà hàng và cả làm gia sư để có tiền ăn cơm, chi trả điện nước và đóng học phí cho các kỳ sau.
Gần như những công việc tay chân đã chiếm hết thời gian của cháu nên ngủ gục trong lớp học, trong thư viện, trên xe đạp khi trở về không phải là chuyện hiếm. Có những ngày bệnh chỉ còn đủ tiền mua thuốc, phải ăn nhờ nữa ổ bánh mì của bạn học mà uống thuốc, 500 đồng gửi xe đôi lúc trở nên khan hiếm và cháu phải xin khất nợ với anh bảo vệ trong trường mà không một ai hay biết. Những cuộc chơi cùng bạn bè với cháu là cả một thú vui xa xỉ vì ăn mì gói hàng tháng thường xuyên, bịch bánh mì 6 miếng (2000 đ) luôn là bạn đồng hành trong cặp sách mỗi khi ở lại thư viện học bài. Hầu như chưa bao giờ cháu tham gia những cuộc vui “ có đóng phí” do trường hay lớp tổ chức. Mặc dù vậy, cháu chưa bao giờ chùn bước. Ngược lại, hàng tuần cháu vẫn dành 2000 đồng để đến CLB Tiếng Anh vào sáng chủ nhật để tập nói ngoại ngữ và giao lưu với bạn bè. Hiếm khi được rảnh rỗi để ngồi nghĩ ra một cách kiếm tiền nhiều hơn, dễ hơn với một cô bé nông thôn 18 tuổi, một cô sinh viên không dám mua sách chuyên nghành để học, nghèo kiết xác, chiếc xe đạp cũ thường xuyên bị trật chân chó, chiếc áo dài cũ xin của cô em họ và đôi giày đứt quai vẫn còn cài hậu để tiện cho đi lại. Chạy xe lạch cạch trên con phố tấp nập người, cháu ngẩn ngơ với ý nghĩ “cái khó bó cái khôn”. Thầm nghĩ không biết bao giờ mình được như bạn bè cùng trang lứa.

Rồi cuộc sống cũng mỉm cười với cháu. Cuộc đời cháu mở sang một trang mới, khang trang hơn. Cháu ra trường với cái bằng loại khá và một công việc đúng chuyên ngành. Cháu dọn về ở trọ cùng cô bạn thân với căn phòng nho nhỏ nhưng ấm áp và thoải mái hơn; được ngả lưng ngay khi về nhà; điều mà trước đây cháu chưa bao giờ có thể khi phải ở nhờ nhà Cậu Mợ. Được học bài ngay trong phòng thay vì phải ngồi dưới cây cột điện hằng đêm, thậm chí là bữa cơm tối trong tĩnh mịch.

Một năm sau, em cháu vào Đại Học, thật may mắn là ĐH Sư Phạm thì SV không phải đóng tiền học phí. Nhưng đồng lương trung cấp chân chính của cháu không đủ để 2 chị em cháu có cuộc sống đầy đủ nơi đất khách. Cháu quay trở lại tất bật với 2 công việc (16 tiếng mỗi ngày) mới mong có thêm chút tiền mua quà cho em út những lúc về quê chơi hay lễ, tết. Như một thói quen, hễ được nghỉ hè hoặc rãnh rỗi, cháu lại tìm thêm việc gì đó để làm, để kiếm tiền như một người nô lệ bị đồng tiền chi phối.

Thú vui duy nhất của cháu không phải là mua sắm, họp mặt bạn bè, hay đi chơi với bạn trai… mà vô cùng đơn giản, chọn một góc khuất trên tầng cao của quán café nào đó khi rảnh rỗi, ngồi gặm nhấm café và nhìn người người qua lại và ngẫm lại những gì đã trải qua trong đời, vẽ ra một viễn cảnh tươi đẹp của ngày mai. Cái cảm giác được thoát khỏi dòng người tất bật, chen lấn mưu sinh thật thú vị làm sao! Trong phút chốc mình bỗng là một thượng đế dẫu biết rằng ngày mai, khi bình minh ló dạng, cũng là lúc mình trở về với cuộc sống đời thường, tất bất như bao ngày, như bao người, thậm chí còn vất vả nhiều hơn để vươn lên, vươn xa…

Thời gian thấm thoát thoi đưa, còn một năm nữa em trai cháu ra trường. Công việc tạm ổn định vì cháu được sếp tin tưởng và thương như con cháu. Cháu quyết định thi vào đại học dưới sự động viên nhiệt tình của sếp và đồng nghiệp; và cũng cho thỏa lòng khao khát ước mơ. Niềm vui được đến trường bừng lên và cháu thấy hạnh phúc vô cùng khi mỗi tối lại được đi học sau giờ làm, được học triết học, xã hội học, toán cao cấp… Những môn học mà hầu như nhiều sinh viên không lấy gì làm hồ hởi khi nhắc đến. Mấy tháng sau, được tin Cô em gái vừa đậu vào một trường cao đẳng trong thành phố. Niềm vui đến cùng với nỗi lo mặc dù gia đình đã khá hơn ngày trước. Số tiền Ba kiếm được cũng chỉ để có cuộc sống no ấm ở quê nhà chứ ở Sài Gòn, nó chẳng thấm thía là bao. Cháu lại làm nhiều hơn, lúc này, kiếm tiền không còn quá khó khăn như trước nhưng yêu cầu cuộc sống mỗi lúc một cao hơn, cháu muốn làm một điều gì đó đột phá. Nhưng cháu vẫn chưa có cơ hội, hay đúng hơn cháu vẫn chưa đủ lực và trí tuệ để thực hiện hoài bão của mình. Không dừng lại ở tiền, danh vọng và địa vị…Cháu muốn mình sáng lên từ chính những nỗ lực của mình nhưng sao khó quá như chú đã nói.

Hiện nay, cháu không phải là một Doanh Nhân, cũng chưa có gì để gọi là giàu Nhưng không có lý do gì để cháu phủ nhận sự tiến bộ của chính mình. Với một công việc khá ổn định và một tương lai đang mở rộng, ngẫm lại những ngày mình đã đi qua, cháu viết lại câu nói ngày xưa trên trang sách mới của cuộc đời mình: “ Cái khó ló cái khôn” . Và cháu sẽ cố gắng, cố gắng nhiều hơn nữa để thực hiện những điều mình đã ấp ủ từ lâu.

Cháu không thể so sánh với chú được, mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau và sẽ có những cách xử lý khác nhau. Nhưng cháu thấy đồng cảm với bài viết của chú nên viết ra trang đời của mình. Mong rằng những ai có hoàn cảnh giống cháu sẽ không quá tự ti, mặc cảm để tiếp tục sống, lao động và phấn đấu nhiều hơn…vì có rất nhiều những mảnh đời khó khăn, cũng đang bươn chải mưu sinh, ngụp lặn giữa dòng đời như mình vậy…để cùng vươn tới một ngày mai bình minh rực rỡ, vẹn tròn hạnh phúc.

Xin chúc Chú và những ai đang đọc bài viết này luôn thành công và hạnh phúc, sớm thực hiện được những ước mơ và hoài bão của chính mình.

Trương Ngọc Quý

(Nguồn Vnexpress)
 
×
Quay lại
Top Bottom