Người đàn ông ấy và sách và tôi

casanohu

Cựu quản lý
Tham gia
8/1/2010
Bài viết
474
Người đàn ông ấy và sách và tôi
Năm đó tôi tròn 20 tuổi và đang học đại học năm thứ 2. Tôi là một sinh viên khoa văn hẳn hoi nhưng lòng đầy hoang mang, ngờ vực về bản thân cũng như tương lai của mình. Thậm chí, tôi có bài thơ được đăng trên một trang tạp chí học trò, với những câu ủy mị, kiểu như: “Tách cà phê buổi sáng. Tách trà buổi chiều. Giọt nước mắt buổi tối. Từ lâu rồi, tôi có thói quen tự hỏi: Đời mình sẽ trôi về đâu?”.
Khoảng cuối tháng 9 năm đó, Sài Gòn đang vào thu. Dù đất này không có khái niệm về mùa nhưng thời tiết nhẹ trong, thoáng nắng thoắt mưa vẫn dễ làm cho những ai còn trẻ, sống xa gia đình, cảm thấy có nhiều chống chếnh. Ai từng trải qua giai đoạn làm sinh viên ở trường tôi đều biết, việc kết thúc kỳ học sớm và nhập học muộn là thường xuyên. Thường, tôi thức dậy vào 8 giờ sáng, thừ người nằm trên tấm chiếu trải trên nền gạch cũ của phòng trọ và ngẫm nghĩ về đủ thứ chuyện trên đời. Thời gian đó, nếu không khăn gói về thăm nhà hay bắt xe đò đi lang thang ở một tỉnh xa nào đó, tôi chỉ quanh quẩn cả ngày ở “thư phòng” của mình để đọc sách, chờ đến giờ đi dạy thêm vào các tối.
Bây giờ, mỗi khi nhắm mắt lại, nhớ về những ngày xa xôi, tôi vẫn ao ước: giá khi mở mắt ra sẽ lại thấy mình là đứa con gái 20 tuổi, ngồi chống cằm trên chiếc bàn gỗ nhỏ của căn phòng trọ nhỏ xíu nằm ở tầng 4 khu chưng cư cũ kỹ bậc nhất thành phố. Tôi chỉ muốn được sống lại cảm giác của những ngày tuổi trẻ, vừa có phần ủy mị, vừa pha chút lãng mạn trong gian phòng 9m2 với hai kệ sách to được đóng trên tường và một chiếc tủ gỗ xinh xắn đầy sách đặt cạnh một cái bàn xếp. Cái bàn ấy, có cửa sổ mở hướng nhìn xuống khoảng vườn xanh mát của khu nhà biệt thự cao cấp. Từ chỗ ngồi của mình, đã bao lần tôi im lặng, sững người nhìn những cây sa kê vươn cao từ dưới lên. Khoảnh sân phía dưới ấy thuộc về một thế giới khác hẳn nơi tôi đang sống. Thế giới của sự sạch sẽ, ngăn nắp, tiện nghi, của mùi thơm và những đồ vật sáng bóng. Tôi thích ngắm khoảnh vườn vào những ngày nắng, những ngày mưa, những buổi chiều và sáng tinh mơ, hoặc có khi là đêm khuya vắng lặng. Tôi nhớ nhất là hai người phụ nữ một gầy một béo ú ở trong ngôi biệt thự. Cứ tầm 9h tối, họ lại tập thể dục tới khuya bằng cách đi ngược đi xuôi tới lui theo chiều dọc hình chữ nhật nhỏ xíu của khu vườn. Quả là một thế giới thảnh thơi và (mà) chật chội.
Tôi nhớ có lần, sau một ngày mệt nhoài trên giảng đường, len lách giữa dòng người chật như nêm từ trường đến chỗ dạy kèm với cái bụng lép cứ chợt thắt lại mỗi khi qua đoạn đường có mùi phở, mì xào thơm ngào ngạt, tôi bị một cú trời giáng khi sau giờ học nhận số tiền dạy kèm 300.000 đồng từ tay vị phụ huynh của học trò kèm theo thông báo: đây là bữa dạy cuối cùng. Lý do: cô học trò cảm thấy cách dạy của tôi hơi rối rắm. Họ thậm chí không cho tôi kịp có thời gian phản ứng về lời nhận xét này. Vừa cầm tiền trên tay, tôi đã nghe tiếng chìa khóa khua lạch cạch inh ỏi của người giúp việc mở cánh cửa đồ sộ để tiễn khách.
Tôi đạp xe (Ra) về, lướt qua những tòa cao ốc, công viên, rạp chiếu phim… lướt qua những đám đông, tiếng người cười nói, tiếng còi xe, tiếng ai quát nạt vì tôi không xin khi sang đường. Đầu tôi quay cuồng hình ảnh nụ cười nhếch mép của con bé học trò lớp 12 khi tôi nhận tiền từ tay mẹ nó. Ở buổi dạy trước, tôi phàn nàn với bà ta về chuyện nó học Anh văn nhưng không bao giờ chịu để tâm học thuộc từ vựng, thay vào đó cứ nhoay nhoáy nhắn tin trên chiếc Nokia đời mới. Hậu quả là giờ tôi lại phải bỏ đồng lương của một công việc mà tôi cầm cự trong 3 tháng qua, trở lại chuỗi ngày lê la ở các trung tâm tìm việc. Tất cả cũng chỉ để đảm bảo cho dạ dày trong tháng không bị lép và sách vở không bị gián đoạn.
Tôi đã cố nén cảm giác cho tới khi về đến phòng trọ, kéo được tấm cửa gỗ phòng mình lại. Lúc đó, tôi rũ người trên chiếc chiếu và tức tưởi như chưa bao giờ được khóc. Đó cũng là đêm gần như tôi thức trắng để đọc Khát vọng sống của tiểu thuyết gia Xtoun. Khoảng 3 giờ sáng, tôi mở cửa phòng ra lan can nhìn xuống khu vườn - thế giới thần tiên trong tâm tưởng của mình - và mỉm cười hạnh phúc. Tôi quá cường điệu cảm xúc của mình chăng? Chuyện tối qua chỉ là hạt cát nhỏ trong đại dương cuộc đời này. Rốt cuộc, những bữa đói vì gia đình quên chưa kịp gửi tiền, những khi không tìm được việc làm thêm có đáng gì chứ. Bên tôi lúc nào cũng có người bạn thân thiết: sách.
1308826382_Girl-Reading-Book-books-to-read-3325650-321-400.jpg
Tôi rất yêu căn phòng trọ được thuê với giá một triệu một trăm nghìn đồng của tôi. Có thể bạn cho nó quá xa xỉ khi dám bỏ tiền thuê riêng, thay vì chia tiền nhà cùng vài ba đứa bạn. Nhưng với tôi, đó không phải là sự tiêu xài vung tay mà là cái giá để có được thế giới riêng, thế giới bớt va chạm vụn vặt hàng ngày, bớt những buổi tụ tập nấu nướng ăn uống hát hò. Thế giới để tôi có thể đứng yên nhìn khu vườn đầy gió ngoài khung cửa sổ, để tôi có chút tĩnh lặng, lắng nghe nỗi buồn tuổi thanh xuân sểnh ra lại gõ vào tim những tiếng đập thổn thức, khó hiểu. Tôi cần có một thế giới riêng đến nỗi, đôi khi, trong mắt bạn bè, tôi là người có phần cao ngạo, lập dị.
Sách mang tôi đến những miền đất xa lạ, chắp cho tôi đôi cánh đến với xứ sở sương mù của Anh, dòng sông Misssissipi của Mỹ, những cánh đồng tuyết trắng của Nga… Sách không chỉ là con chữ mà là một thế giới sống động âm thanh, màu sắc và cảm xúc. Ở đó có tiếng reo vang của cô gái 18 tuổi: “Cuộc đời ơi! Tôi yêu người!” trong Lẵng quả thông. Ở đó có buổi chiều tà trong khu vườn im ắng, chỉ có tiếng sóc chạy sột soạt đâu đó trên lá khô và sự ngây thơ, trong sáng của nàng Jane Eyre đã khiến cho ông chủ Rochester xao xuyến. Có lúc, khi khép sách lại, tôi thấy chữ không còn là chữ mà là những quả chuông ngân vang, đinh đong âm thanh trong trẻo. Thế giới của sách bao trùm lên tuổi trẻ cô đơn của tôi không khí của tình yêu, sự tự tin và huyền hoặc.
Ba tôi đã nói với tôi một cách nghiêm túc như thế này vào năm tôi 5 tuổi: “Con hãy làm bạn với sách, một ngày nào đó, trong một cuốn sách nào đó, con sẽ tìm được cây đũa thần”. Đến tận ngày hôm nay, khi câu chuyện “chiếc đũa thần” đã lộ nguyên bản chất giả tạo đầy tính trẻ con của nó, thì như một thói quen, tôi vẫn không ngừng tìm kiếm điều gì đó trong sách. Chuyện này là sự thật 100% chứ hoàn toàn không phải là một chuyện kể nghệ thuật sống, giống kiểu hàng trăm câu chuyện nghệ thuật sống được in sách, bán đầy rẫy hiện nay.
Và tôi cứ sống như thế qua những ngày mưa, tháng nắng của thành phố đông dân nhất nước, đong đưa qua lại giữa hai thế giới: một do tôi tạo ra: căn phòng đầy sách – khu vườn, và một là thuộc đám đông còn lại: Giảng đường - thầy cô – bạn bè – chỗ làm – tiền lương. Mỗi khi lao đao, hụt hẫng ở cái thế giới thứ hai, tôi lại vội vã rút vào thế giới thứ nhất để tìm chút an ủi, để lấy lại thăng bằng. Như tôi đã nói với bạn ở trên, tôi là người hay cường điệu hóa mọi vấn đề, tôi cứ nghĩ mình không thể làm bạn với ai, ngoài sách.
Dù mang não trạng tự thu mình vào vỏ ốc, thỉnh thoảng, tôi vẫn mở cánh cửa chính của căn phòng trọ, cánh cửa hướng ra hành lang chung cư, để cảm nhận thế giới ồn ào ngoài ấy. Những đứa trẻ con nhà lao động lăn lê bò toài, chơi đùa trên nền gạch cũ. Những người đàn bà ngồi lê la tán gẫu, những cô gái làm nghề “bán hoa”, rã rời sau một đêm làm việc, sáng ra vận áo ngủ mỏng dính, ưỡn ẹo ngoài hành lang để hít thở chút khí trong lành… Tôi cám ơn họ vì họ nhắc tôi trở lại với hiện thực, bên ngoài trang sách. Có lần một chị gái như thế đã đứng trước cửa phòng tôi hắng giọng hồi lâu để nhờ dịch giùm mấy câu tiếng Anh gửi cho ông bồ già người Hà Lan. Trong khi chờ tôi viết, chị ta ngó quanh quất căn phòng 9m2 của tôi nói vu vơ: “Em có nhiều sách quá em ha!”.
Rồi một lần. Khi tôi đang chống cằm nhìn trân trân ra khung cửa sổ từ chỗ ngồi quen thuộc của mình để trấn tĩnh trước những dòng chữ mãnh liệt từ trang sách của Romain Garry đang giở trước mặt, chợt tôi có cảm giác có ai đó ở phía sau mình. Quay phắt lại, tôi bắt gặp một người đàn ông gầy guộc đang tần ngần trước bậc cửa. Đó là một người bán dạo và ông ta quảy chiếc kệ gỗ chất đầy kem đánh răng, tăm bông, thắt lưng nam, móc khóa, đồ chơi trẻ em nhỏ nhắn bằng nhựa, vớ, khăn… Chúng tôi nhìn nhau một lúc. Tôi chưa kịp nghĩ gì và mắt vẫn còn ngân ngấn nước khi nghĩ đến hoàn cảnh khốn cùng của bà cháu cậu bé Momo, thì ông ta đã lên tiếng trước. “Ở đây nhiều sách quá!”. Rồi khi tôi chưa kịp nghĩ gì tiếp theo, ông nói luôn: “Cô cho tôi ngồi đây nghỉ mệt chút được không?”. Thấy tôi gật đầu, người đàn ông oằn người sang trái, hạ chiếc kệ gỗ trên một bên vai xuống. Đoạn ông ta ngồi bệt trước phòng tôi, bó gối nhìn kệ sách. “Lâu lắm rồi tôi không được nhìn thấy nhiều sách như vậy cô ơi. Ở Sài Gòn này hơn một năm chứ tôi chưa bước vô cái nhà sách nào!”, ông ta nói.
Ông tên gì? Người quê ở đâu? Sao ông làm nghề này? Ông cũng thích đọc sách lắm hả? – Tôi ở Quảng Ngãi cô ơi, mấy năm lụt, nhà cửa mất trắng chỉ còn nền gạch, khăn gói vào đây làm gửi tiền về quê. Tôi cũng có học mà cô, nhà tôi ngày trước nhiều sách lắm. Thời trẻ, tôi đọc nhiều lắm cô. Đừng tưởng ở quê chỉ biết cày ruộng chứ. Càng ở quê sách càng quý. Mà sao càng lớn càng khó đọc cô ơi. Giờ tôi chỉ còn nhớ mang máng những cuốn tôi thích. Rồi lụt về mất hết, con heo con gà, con chó mình không giữ được, sách cũng trôi ra sông ra bể hết. Không có tiền mua lại, tiếc đứt ruột…
Ngày thứ hai, người đàn ông ấy quay lại. Tôi mua cho ông ta một ống kem đánh răng và mời ông một bát đậu hủ nóng có gừng cay thơm. Hai chúng tôi ngồi trên nền gạch trải giấy báo, vừa nhâm nhi vừa trò chuyện về sách:
- Tôi thích Herman Hess, Câu chuyện của dòng sông đó, một triết lý thật hay về cuộc đời (Ái chà, ông ta đọc cả Herman Hess! Tôi như nghe cuốn sách có bìa màu vàng nhạt nhẹ trên chiếc kệ của tôi reo lên như thế). Thật khó hình dung người đàn ông gày gò, đen sạm trước mặt tôi là người thích đọc Herman Hess. Nếu ông ta đang nói với tôi về giá của một bó rau, về chuyện chạy lũ thì mọi thứ trong đầu tôi trở nên rõ ràng, nhưng khi ông nói về Herman Hess, về Victor Hugo, về Dostoievski, Chevkov… trật tự dường như đảo lộn và màn sương mùa thu mờ ảo ngày càng phủ lên tôi.
Người đàn ông đang ngồi trước mặt tôi, hai bàn tay xương xẩu của ông tay run nhẹ sau làn áo thun khi ông thu lu giấu tay vào khi gió ngoài hành lang thổi u u trong buổi chiều mưa. Thứ áo thun ông ta mặc in đầy các logo quảng cáo thương hiệu sản phẩm.
- Tôi không biết thế nào chứ cũng bao phen làm việc bậy, vì để có cái ăn, có tiền cô biết đấy. Nhưng mỗi khi nghĩ đến cái ông Giăng trong Những người khốn khổ là tôi không làm được cô ạ. Ông ấy khổ hơn tôi gấp trăm, nghìn lần. Đời mình có gì mà viện cớ để làm việc bậy phải không cô?
Người đàn ông cứ nói nhỏ nhẹ, từ người ông mùi dầu gió ấm áp. Còn tôi ngồi im nghe như sợ khung cảnh này sẽ bị mất nếu cử động mạnh.
1308826479_girl_reading_book1.jpg
Ngày thứ ba. Lại một ngày không cần lên giảng đường, tôi đi chợ sớm mua vài trái cà và một giỏ cá với ba con cá nục bé tẹo để chuẩn bị thức ăn cho cả ngày. Tôi mở toang cánh cửa hướng ra hành lang chung cư và chờ đợi. 15h, người đàn ông bán dạo xuất hiện ở đầu cầu thang. Ông bán được cho một người hàng xóm của tôi hai ống kem PS và mấy cái cuốn tóc. Rồi không cần mời, ông bước đến bậc cửa phòng tôi, giỡ đồ lề và nhìn vào những kệ sách.
Hình như cả hai chúng tôi đã ngồi đó hàng giờ liền như thế, trong tiếng trò chuyện đối đáp rù rì qua lại như thế. Nghe êm như tiếng mưa đang quất ràn rạt ngoài kia của tấm lưới chăng phía ngoài khu chung cư để ngăn cho quần áo các tầng trên khỏi bị rơi xuống hố nước đen bên dưới. Gió thông thốc, u u kéo dài qua hành lang ngoằn nghèo của chung cư. Trời mưa nên đám trẻ con bị người lớn giữ rịt trong phòng. Vì thế, cuộc trò chuyện của chúng tôi không bị ngắt quãng bơi tiếng hét thất thanh, tiếng chửi rủa, tiếng đồ chơi điện tử rẻ tiền bi bo…
Bất ngờ, người đàn ông lóng ngóng lôi từ trong túi áo căng phồng của ông ra một quả xoài vàng ươm.
- Tôi biếu cô. Cô ốm lắm. Đang tuổi ăn tuổi học, cô cần bồi dưỡng nhiều!...
Tôi nhận quả xoài từ đôi tay đen đúa… Tôi không biết ông ta bán được bao nhiêu ống kem đánh răng để có thể mua quả xoài này. Trông nó rất ngon, mũm mĩm, vàng ươm như sắp tươm hết mật ngọt ra ngoài. Tôi đặt quả xoài lên kệ sách. Mùi hương dìu dịu, ấm áp của nó tỏa ra trong không khí ướp mùi lạnh lẽo. Quả xoài xua đi cái màu xám nhạt buồn tẻ của cả gian phòng.
- Thôi tôi về, hôm nào tôi phải quay lại mượn sách cô đọc cho đỡ buồn…
Người đàn ông đứng dậy và mở miệng cười như cố pha trò. Tôi tiễn ông ta ra cửa. Mưa vẫn chưa ngớt hạt nhưng tôi biết mình cũng không thể giữ ông ở lại lâu hơn. Tôi nên tặng lại cho ông ta cái gì nhỉ? Tôi suýt tặng ông quyển Lẵng quả thông có bìa bọc bằng bao xi măng cũ mà ba tôi đã cho tôi năm tôi 15 tuổi. Nhưng khi thấy ông ta xốc bộ đồ lề bán dạo lên người, tôi chựng lại, một cuốn sách liệu có ý nghĩa gì với ông ta lúc này?...
Người đàn ông quay đi, oằn mình về phía trước. Tôi hình dung cái dáng lầm lũi của ông ta chúi xuống dãy hành lang mờ tối. Tôi hình dung dáng ông thất thểu trong những ngày nắng ngày mưa ở Sài Gòn và đêm về, trong căn phòng trọ chật chội, ông ngồi chen bên những người đồng hương buôn gánh bán bưng, những đôi tay đen đúa cẩn thận xếp phẳng phiu từng tờ tiền lẻ, gói vào mấy lớp nilon dành chờ gửi về quê. Người đàn ông ra đi để lại thư phòng của tôi khoảng lạnh mênh mông của hơi mưa và cây lá. Khi tà áo xanh mất dạng dưới hành lang cũng là lúc hai giọt nước mắt lặng lẽ trào ra khỏi khóe mắt tôi.
Tôi hối hận khi đã không tặng ông một quyển sách. Tôi đã chờ ông quay lại để thực hiện điều này nhưng không hiểu vì sao, kể từ buổi chiều đó, người đàn ông bán dạo không bao giờ quay lại. Ông là quyển sách hay, mà tôi chỉ kịp đọc vài trang rồi mãi mãi thất lạc…
Tuổi 20 đã ở lại phía sau tôi xa lắm, Nhưng những cuốn sách vẫn không có gì thay đổi. Mỗi khi giở chúng ra, tôi vẫn thấy bé Momo cặm cụi cõng bà Do Thái già xuống tầng hầm. Jean Valjean vẫn dành trọn trái tim cho Cosette. Rhett Butler chưa biết có quay về với nàng Scarlett xinh đẹp hay không. Hoàng Tử Bé vẫn lơ lửng với hoa hồng và con cừu đâu đó trên hành tinh lạc.
Và mỗi lần nhớ về buổi chiều hạnh ngộ đầy mưa gió của những ngày cũ, mắt tôi mềm trong nước…
Dương Thanh Vân
TP HCM ngày 23/12/2009.​

Nguồn: Yume.vn
 
×
Quay lại
Top Bottom