- Tham gia
- 20/10/2012
- Bài viết
- 200
Ngày bé, cứ dịp tết hay hè tôi náo nức về quê. Ngõ xóm quanh co trước nhà bà nội là nơi tôi cùng lũ trẻ ẩn tìm, trèo rào, víu cây và bao trò chơi khác. Ngõ hẹp và sâu hút. Đường gạch, vỉa nghiêng nghiêng. Hai bên chỗ tường đất, chỗ bờ rào duối rậm rịt, hay dải cúc tần hăng hắc.
Có nhà lại trồng râm bụt, thấp thoáng những bông hoa phớt đỏ. Về làng, từ xa tôi đã thấy cây gạo bóng cao vút, đỏ ối hoa. Làng tôi có câu:
Đầu làng cây gạo
Cuối làng cây đa.
Con gái làng Đà,
Như hoa thiên lý.
Từ đường cái vào làng có hai trụ gạch sừng sững, người ta gọi ấy là cổng làng. Bà tôi bảo, trước cổng làng to lắm, có mái, phía trên đắp nổi mấy chữ Nho, nay cổng làng sót lại là hai cái trụ gạch đấy. Cổng làng có cánh cửa lim to dày, đêm đêm đóng lại phòng cướp. Tôi ngây thơ hỏi: Đóng cổng lại kẻ cướp vòng qua bên cạnh vào thì sao - đấy là cánh đồng và những bờ rào lúp xúp sát ngay bên trụ gạch. Bà cười bảo: Ngày trước, làng không trống tềnh, trống toàng như bây giờ, mà có luỹ tre dày trồng trên bờ đất bao quanh, đến đạn Tây bắn còn không xuyên nổi. Tôi không hình dung được luỹ tre và bờ đất dày đến cỡ nào mà đạn cối tây bắn không qua, nên cứ ngạc nhiên mãi cái cổng làng phòng cướp...
Cổng làng như vậy, nhưng cổng của ngõ xóm nhà bà nội tôi lại còn khá nguyên vẹn. Thành cổng tường xây dày đến ba, bốn mươi phân, trên là vòm xây khum cong cong. Từ đường làng rẽ vào, phía trên nhìn thấy mấy chữ Nho đắp nổi, to bằng cái bát ô tô. Chỉ còn mấy cụ cao niên trong làng là đọc được. Đấy là chữ ghi lại năm xây dựng cổng. Nghe nói xây từ đời vua Tự Đức. Đôi cánh cổng lim dày, vẫn còn đóng ra khép vào được. Lớp gạch hai bên bị xe cải tiến va quệt và trâu, bò qua lại gõ sừng, làm vẹt lõm, trơ ra mạch vữa và những hàng gạch mỏng quẹt. Người ta bảo ngày trước vữa xây bằng mật mía, muối và vôi cát đánh nhuyễn; còn gạch dùng rơm rạ đốt. Tôi cứ phân vân, cổng ngõ to lớn thế, phải tốn nhiều mật mía để xây và rơm rạ đốt gạch lắm. Thảo nào bao năm, vữa xây còn bền, gạch thì không phồng mà mỏng đều và một màu gan gà, trơ trơ trước thời gian cùng mưa nắng.
Làng tôi đường đất, duy nhất con đường ngõ nhà bà nội tôi là vỉa gạch nghiêng nghiêng. Quãng giữa ngõ, có cái bệ thờ. Không hiểu sao tôi lại nhớ như in cái bệ thờ đó. Nó bé nhỏ, khiêm nhường, không mái, nằm hơi lùi trên một khúc tường đất. Bát hương trong bệ thờ bao giờ cũng có cụm chân hương. Chân hương cái thì màu phẩm còn đỏ tươi, cái lâu ngày xỉn thẫm. Bà tôi gọi là thờ hậu và bà kể: Trước ở làng có những người mua hậu - tức là nộp tiền, hiến ruộng cho làng, cho chùa để làm một công trình nào đó. Thường là những nhà ấy không có con giai, mua hậu, sau này họ mất đị, được làng xã, hương khói, cúng giỗ. Trước tiên họ phải bỏ một số tiền nộp lệ cho làng, cho chùa, cho bản tộc làm công trình, sau đó hiến một số ruộng để làng xã lấy hoa lợi cúng giỗ. Hậu có ký hậu làng, ký hậu xóm, ký hậu chùa, ký hậu họ. Ngõ nhà bà nội tôi trước có gia đình không con cái, ông bà mua hậu ở chùa, ở đình và còn mua hậu ngõ bằng con đường gạch.
Chuyện mua hậu con đường gạch của gia đình ấy mất nhiều công sức và cũng cầu kỳ lắm, phải bao lần lên xuống, làng và dân xóm mới đồng ý. Chỉ riêng khâu cuối cùng là việc xây dựng đã rất nhiêu khê, kỹ càng. Gạch đặt trước, rồi chọn lựa từng viên. Xem xét, chọn lựa mãi qua mấy ông thầy, mới được ngày giờ tốt khởi công. Công trình xây dựng rất kỹ càng. Trước hết người ta san phẳng nền đường ngõ, rồi dải một lớp ba ta vữa, sau lát một lớp gạch nằm, tiếp đó lại một lớp ba ta vữa và trên cũng vỉa gạch nghiêng. Công trình cẩn thận như vậy, trước đây lại chỉ độc người đi bộ, cùng trâu bò gia súc, chứ không công nông, xe máy như bây giờ, nên trải qua mấy chục năm, nó vẫn tốt như nguyên. Thế nên sau khi ông bà già mua hậu mất, đã thành lệ, hàng năm vào lúc trước giao thừa cúng thổ công, cúng gia tiên, dân ngõ ra bệ thờ dâng đĩa hoa, thắp nén hương, khấn người mua hậu ngõ con đường.
Ngày bé mỗi dịp về quê, đi qua bệ thờ, tôi thấy sờ sợ, nhưng vẫn lấm lét nhìn vào, rồi rảo cẳng bước nhanh. Tôi cứ tưởng tượng ấy là nơi ma quỷ trú ngụ. Sau này lớn về quê, nhớ chuyện xưa, qua bệ thờ tôi lại bâng khuâng nghĩ về tuổi thơ, dừng lại thành kính thắp nén hương, cúi đầu lẩm rầm khấn tiền nhân. Nhìn làn hương mong manh mà nghĩ về thời gian trôi, nghĩ về một tập tục, nét văn hoá chốn quê.
Giờ quê tôi đường làng mở rộng, đổ bê tông. Con đường ngõ nhà bà nội tôi cũng bê tông phẳng phiu. Nền đường tôn cao, làm cổng ngõ thấp xuống, vướng chắn tầm cao người qua lại, nên nó bị dỡ bỏ. Còn gạch vỉa đường, trước nhà nào, nhà ấy khuân về, mỗi nhà được dăm chục, một trăm viên. Khuân về nhưng ít ai biết gạch ấy nguồn gốc do đâu. Bà nội tôi sai xếp thành đống ngay ngắn trong sân và bà lại kể câu chuyện mua hậu con đường xưa...
Trước hai bên ngõ là bờ duối, hay rặng cúc tần, râm bụt, người ta còn để đất rộng, nay tường gạch nên nhà nào nhà ấy đều xây sát đất, tường cao vượt cả tầm nhìn. Nhà nào cũng một cổng xây, tường gạch bao quanh, cánh cửa sắt ra vào tiếng đẩy kót két.
Đâu rồi dậu râm bụt điểm hoa phớt đỏ, bờ duối lấm tấm quả vàng. Bâng khuâng tôi dõi tìm bệ thờ mua hậu xưa mà không rõ là đâu.
Sưu tầm
Có nhà lại trồng râm bụt, thấp thoáng những bông hoa phớt đỏ. Về làng, từ xa tôi đã thấy cây gạo bóng cao vút, đỏ ối hoa. Làng tôi có câu:
Đầu làng cây gạo
Cuối làng cây đa.
Con gái làng Đà,
Như hoa thiên lý.
Từ đường cái vào làng có hai trụ gạch sừng sững, người ta gọi ấy là cổng làng. Bà tôi bảo, trước cổng làng to lắm, có mái, phía trên đắp nổi mấy chữ Nho, nay cổng làng sót lại là hai cái trụ gạch đấy. Cổng làng có cánh cửa lim to dày, đêm đêm đóng lại phòng cướp. Tôi ngây thơ hỏi: Đóng cổng lại kẻ cướp vòng qua bên cạnh vào thì sao - đấy là cánh đồng và những bờ rào lúp xúp sát ngay bên trụ gạch. Bà cười bảo: Ngày trước, làng không trống tềnh, trống toàng như bây giờ, mà có luỹ tre dày trồng trên bờ đất bao quanh, đến đạn Tây bắn còn không xuyên nổi. Tôi không hình dung được luỹ tre và bờ đất dày đến cỡ nào mà đạn cối tây bắn không qua, nên cứ ngạc nhiên mãi cái cổng làng phòng cướp...
Cổng làng như vậy, nhưng cổng của ngõ xóm nhà bà nội tôi lại còn khá nguyên vẹn. Thành cổng tường xây dày đến ba, bốn mươi phân, trên là vòm xây khum cong cong. Từ đường làng rẽ vào, phía trên nhìn thấy mấy chữ Nho đắp nổi, to bằng cái bát ô tô. Chỉ còn mấy cụ cao niên trong làng là đọc được. Đấy là chữ ghi lại năm xây dựng cổng. Nghe nói xây từ đời vua Tự Đức. Đôi cánh cổng lim dày, vẫn còn đóng ra khép vào được. Lớp gạch hai bên bị xe cải tiến va quệt và trâu, bò qua lại gõ sừng, làm vẹt lõm, trơ ra mạch vữa và những hàng gạch mỏng quẹt. Người ta bảo ngày trước vữa xây bằng mật mía, muối và vôi cát đánh nhuyễn; còn gạch dùng rơm rạ đốt. Tôi cứ phân vân, cổng ngõ to lớn thế, phải tốn nhiều mật mía để xây và rơm rạ đốt gạch lắm. Thảo nào bao năm, vữa xây còn bền, gạch thì không phồng mà mỏng đều và một màu gan gà, trơ trơ trước thời gian cùng mưa nắng.
Làng tôi đường đất, duy nhất con đường ngõ nhà bà nội tôi là vỉa gạch nghiêng nghiêng. Quãng giữa ngõ, có cái bệ thờ. Không hiểu sao tôi lại nhớ như in cái bệ thờ đó. Nó bé nhỏ, khiêm nhường, không mái, nằm hơi lùi trên một khúc tường đất. Bát hương trong bệ thờ bao giờ cũng có cụm chân hương. Chân hương cái thì màu phẩm còn đỏ tươi, cái lâu ngày xỉn thẫm. Bà tôi gọi là thờ hậu và bà kể: Trước ở làng có những người mua hậu - tức là nộp tiền, hiến ruộng cho làng, cho chùa để làm một công trình nào đó. Thường là những nhà ấy không có con giai, mua hậu, sau này họ mất đị, được làng xã, hương khói, cúng giỗ. Trước tiên họ phải bỏ một số tiền nộp lệ cho làng, cho chùa, cho bản tộc làm công trình, sau đó hiến một số ruộng để làng xã lấy hoa lợi cúng giỗ. Hậu có ký hậu làng, ký hậu xóm, ký hậu chùa, ký hậu họ. Ngõ nhà bà nội tôi trước có gia đình không con cái, ông bà mua hậu ở chùa, ở đình và còn mua hậu ngõ bằng con đường gạch.
Chuyện mua hậu con đường gạch của gia đình ấy mất nhiều công sức và cũng cầu kỳ lắm, phải bao lần lên xuống, làng và dân xóm mới đồng ý. Chỉ riêng khâu cuối cùng là việc xây dựng đã rất nhiêu khê, kỹ càng. Gạch đặt trước, rồi chọn lựa từng viên. Xem xét, chọn lựa mãi qua mấy ông thầy, mới được ngày giờ tốt khởi công. Công trình xây dựng rất kỹ càng. Trước hết người ta san phẳng nền đường ngõ, rồi dải một lớp ba ta vữa, sau lát một lớp gạch nằm, tiếp đó lại một lớp ba ta vữa và trên cũng vỉa gạch nghiêng. Công trình cẩn thận như vậy, trước đây lại chỉ độc người đi bộ, cùng trâu bò gia súc, chứ không công nông, xe máy như bây giờ, nên trải qua mấy chục năm, nó vẫn tốt như nguyên. Thế nên sau khi ông bà già mua hậu mất, đã thành lệ, hàng năm vào lúc trước giao thừa cúng thổ công, cúng gia tiên, dân ngõ ra bệ thờ dâng đĩa hoa, thắp nén hương, khấn người mua hậu ngõ con đường.
Ngày bé mỗi dịp về quê, đi qua bệ thờ, tôi thấy sờ sợ, nhưng vẫn lấm lét nhìn vào, rồi rảo cẳng bước nhanh. Tôi cứ tưởng tượng ấy là nơi ma quỷ trú ngụ. Sau này lớn về quê, nhớ chuyện xưa, qua bệ thờ tôi lại bâng khuâng nghĩ về tuổi thơ, dừng lại thành kính thắp nén hương, cúi đầu lẩm rầm khấn tiền nhân. Nhìn làn hương mong manh mà nghĩ về thời gian trôi, nghĩ về một tập tục, nét văn hoá chốn quê.
Giờ quê tôi đường làng mở rộng, đổ bê tông. Con đường ngõ nhà bà nội tôi cũng bê tông phẳng phiu. Nền đường tôn cao, làm cổng ngõ thấp xuống, vướng chắn tầm cao người qua lại, nên nó bị dỡ bỏ. Còn gạch vỉa đường, trước nhà nào, nhà ấy khuân về, mỗi nhà được dăm chục, một trăm viên. Khuân về nhưng ít ai biết gạch ấy nguồn gốc do đâu. Bà nội tôi sai xếp thành đống ngay ngắn trong sân và bà lại kể câu chuyện mua hậu con đường xưa...
Trước hai bên ngõ là bờ duối, hay rặng cúc tần, râm bụt, người ta còn để đất rộng, nay tường gạch nên nhà nào nhà ấy đều xây sát đất, tường cao vượt cả tầm nhìn. Nhà nào cũng một cổng xây, tường gạch bao quanh, cánh cửa sắt ra vào tiếng đẩy kót két.
Đâu rồi dậu râm bụt điểm hoa phớt đỏ, bờ duối lấm tấm quả vàng. Bâng khuâng tôi dõi tìm bệ thờ mua hậu xưa mà không rõ là đâu.
Sưu tầm