Nghịch lý tiếng mẹ đẻ

rio_sp

Cầu bao nuôi, hứa sẽ ngoan
Thành viên thân thiết
Tham gia
16/11/2011
Bài viết
14.545
Tại một hội thảo mới đây, dự thảo đề án đổi mới tuyển sinh Đại học Quốc gia TP.HCM đã tách môn tiếng Việt thành môn thi độc lập. Với quan điểm này, tiếng mẹ đẻ ở nước ta được đánh giá đúng tầm quan trọng của nó. Và việc này cũng là giải pháp thỏa đáng, khắc phục được sai lầm từ bấy lâu nay trong giảng dạy môn tiếng Việt ở nhiều cấp học.

tieng-viet-b4c86.jpg

Thí sinh dự thi vào Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM) tại kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2012. (Ảnh: Minh Đức)
Trò ngơ ngác, trường thờ ơ
Trong một cuộc khảo sát đầu vào môn kỹ năng sử dụng tiếng Việt do tôi trực tiếp phụ trách dành cho sinh viên năm 2-4, có không ít sinh viên đăng ký môn học này (tự chọn) vì lý do “dễ qua” (dễ thi đậu cuối kỳ). Thậm chí có sinh viên cho biết đăng ký vì... tò mò, bởi nghe tên môn học không hình dung được là môn này sẽ dạy những gì.
Sinh viên ngơ ngác với môn học về tiếng mẹ đẻ theo kiểu của sinh viên. Nhà trường thờ ơ theo kiểu của nhà trường, bất kể là công lập hay ngoài công lập.
Ở các trường cao đẳng, đại học công lập, trừ trường sư phạm (và một số trường có đào tạo ngành khoa học nhân văn), các trường hầu hết đều không tổ chức dạy môn tiếng Việt thực hành, đặc biệt là các trường đào tạo khối ngành tự nhiên.
Chẳng hạn tại Đại học Quốc gia TP.HCM, chương trình đào tạo hiện hành của hầu hết các khoa thuộc các trường đại học nhóm khoa học tự nhiên của Đại học Quốc gia TP.HCM đều không có môn tiếng Việt thực hành. Những khoa đào tạo sinh viên về kiến thức lập trình, dịch tự động, có giảng dạy môn lý thuyết automat và ngôn ngữ hình thức, nguyên lý ngôn ngữ lập trình, xử lý ngôn ngữ tự nhiên... nhưng không tổ chức dạy môn tiếng Việt thực hành thì không hiểu sinh viên sẽ lấy kiến thức nền tảng (về ngôn ngữ tự nhiên) từ đâu để xử lý ngôn ngữ tự nhiên?
Phạm vi cao đẳng, đại học ngoài công lập còn tệ hơn. Ngoại trừ số rất ít trường nhờ lãnh đạo có tầm nhìn chiến lược tốt nên có môn này (hoặc một tên gọi khác tương đương), còn lại hầu như không có. Có trường đại học trước kia còn tổ chức, từ sau năm 2009 trở đi tất cả khoa trong trường này đều loại môn tiếng Việt thực hành ra khỏi chương trình đào tạo.
Hậu quả nhãn tiền
Ở các công ty xây dựng, kỹ sư rất sợ phải thảo văn bản. Những kỹ sư mà tôi tiếp xúc, đến gần 100% đều nghĩ được nhưng không biết phải trình bày như thế nào. Giám đốc nhân sự một công ty chuyên sản xuất kính cường lực có nhà máy đặt tại Bình Dương than phiền: “Nhân viên nói chuyện với mình thì ổn. Nhưng chỉ cần đặt bút thảo văn bản là có sai sót. Không sai chỗ này thì sai chỗ khác mặc dù được nhắc nhở nhiều lần, kể cả cử nhân ngành luật”.
Trong các lớp tôi phụ trách giảng dạy môn kỹ năng sử dụng tiếng Việt, ngay buổi đầu tiên trước khi tôi tiến hành khảo sát bằng văn bản thì dao động 90-95% sinh viên cho biết “hiểu được nhưng không biết nói thế nào”. Và tỉ lệ cao hơn cho biết: “Nói được nhưng khi viết thành văn bản lại không biết viết như thế nào”.
Tình trạng chệch choạc trong việc sử dụng tiếng mẹ đẻ ở VN còn yếu, không chỉ ở lĩnh vực nhân lực ngành kỹ thuật mà còn thể hiện ngay trong lĩnh vực báo chí - truyền thông.
Theo một bản tin của Đại học Văn hóa Hà Nội (dẫn lại từ VnMedia), kết quả đợt xếp hạng tháng 6-2010 về tình hình chính tả trong văn bản tiếng Việt của một nhóm nhà khoa học thuộc Viện Công nghệ thông tin Đại học Quốc gia Hà Nội và Trung tâm Nghiên cứu phát triển công nghệ GRID (Công ty VIEGRID JSC) cho biết: báo chí và truyền thông là đối tượng có tỉ lệ lỗi chính tả cao nhất. Nhóm tác giả nói trên đã thống kê trên 67.000 mẫu với kết quả: tỉ lệ lỗi chính tả trung bình của văn bản tiếng Việt là 7,79%, cao hơn nhiều so với mức yêu cầu tối thiểu.
Trong chương trình giáo dục phổ thông của ta, môn tiếng Việt lâu nay được gộp chung với môn văn học. Và đấy là sai lầm. Vì như thế, hệ quả là môn tiếng Việt được nhìn nhận chủ yếu ở chức năng thẩm mỹ. Còn chức năng giao tiếp và chức năng suy luận thì gần như không được người học (và cả người dạy) ý thức đến.
Trưởng khoa ngôn ngữ và Đông phương Trường đại học HUFLIT (TP.HCM) - tiến sĩ ngôn ngữ học Trần Văn Tiếng - cho biết: “Sinh viên các khoa quản trị kinh doanh quốc tế, du lịch - khách sạn... mà không vững tiếng mẹ đẻ thì rất khó trong công việc. Bởi vì nếu vững ngôn ngữ thì có thể tự tin trình bày các vấn đề cũng như tự tin trong giao tiếp với khách hàng”.

Theo Võ Anh Tuấn
Tuổi Trẻ
 
Hiệu chỉnh bởi quản lý:
×
Quay lại
Top Bottom