Nghĩa trang online: Mộ ảo nỗi đau thật

Loverise

Tập phũ phàng
Thành viên thân thiết
Tham gia
22/12/2014
Bài viết
4.706
"Không ít bà mẹ trẻ sau những lần trót dại phải từ bỏ đứa con trong bụng đã lập mộ phần cho những hài nhi trên... Internet. Những tâm sự trĩu nặng cũng được ghi chép lại trên "nghĩa trang ảo

"Nghĩa trang hài nhi" trên mạng và những tự thú muộn màng


Trên một "nghĩa trang" online hoạt động 24/24, khu vực đông người viếng thăm nhất là những mộ phần của thai nhi. Không hương khói, không di ảnh, nhưng đến viếng những mộ phần được làm từ những hình ảnh cắt ghép bằng vi tính, trên "bia" ghi tên, tuổi hưởng dương, quê quán đủ trên khắp các tỉnh thành... không khỏi khiến người xem bàng hoàng.

Hiện có hơn 10.000 ngôi mộ ảo trên "nghĩa trang" này đã được lập cho các thai nhi. Có những mộ đơn, nhưng cũng có những mộ 4 – 5 hài nhi chung một mẹ, có khi được lập cách nhau vài tháng. Những mộ phần không có thi thể thật, nhưng đó là nơi những ông bố, bà mẹ, đa phần là những người trẻ, không ít người còn ở tuổi hoa niên "chôn" bí mật riêng tư, thầm kín, "chôn" day dứt, hối tiếc muộn màng, những câu chuyện trái ngang… của mình.

"Mẹ còn nhớ như in cái ngày hôm đó, khi lần đầu mẹ nhìn thấy hình ảnh của con trong bụng mẹ. Mẹ đã rất vui, mẹ muốn để sinh, nhưng lại vấp phải sự phản đối của bố con. Mẹ đành nuốt nước mắt buông xuôi. Tận sâu trong thâm tâm của mẹ, mẹ không đành đoạn bỏ con khi chưa kịp nhìn thấy mặt, nhưng bố con và bà nội không chấp nhận sự có mặt của con trên đời…" – một người mẹ tâm sự.

Cũng có những ông bố trẻ vào viếng "mộ" con, tâm sự với con về chuyện "bố không đủ bản lĩnh để giữ con", chuyện "mẹ đã bỏ bố ra đi" hay những kỷ niệm ngày đầu biết đến sự hiện diện của hài nhi bằng ngôn ngữ rất… tuổi teen: "pa (ba) không thể nào quên được ngày mà pa mẹ “phát hiện” có một baby (em bé) đang được mẹ con “cất giữ” trong bụng… Mẹ con cứ than đau bụng hoài, pa kêu đi khám, về mặt mẹ con “tươi rói” đưa cho pa giấy báo có thai. Pa như “đứng hình”, hàng ngàn cảm xúc ùa về… Pa chẳng biết phải nói gì với mẹ con nữa, nhưng chắc chắn là pa phải có trách nhiệm với mẹ và yêu mẹ hơn (lúc đó pa thấy mình trưởng thành hơn)". Nhưng rồi, sự trưởng thành ấy cũng không giúp người cha tuổi teen kia đủ can đảm để giữ lại con mình trước áp lực của mẹ cậu.

Một bà mẹ khác kể chuyện cho con mà như thú tội: "Cái ngày ba chở mẹ ra bác sĩ, mẹ phải can đảm lắm mới dám trả lời phá đi. Sau 30 phút uống thuốc cho con, ba mẹ rất hối hận, ba không muốn phá nữa nhưng tất cả đã muộn con ạ. Ba đã khóc khi ôm bụng mẹ mà bảo 'con đừng quậy mẹ nữa, mẹ mệt, tội mẹ nhé con'. Nhưng mẹ hiểu, khi ấy con còn đau gấp 10 lần mẹ, có phải không con? Con đau vì con phải lìa xa cái thế giới này mà chưa kịp một lần gọi ba, mẹ và đau vì những viên thuốc độc đang ngấm dần vào cơ thể…"


1_zps01ea2445.jpg

1_zps01ea2445.jpg

Một "ngôi mộ" thai nhi ảo và lời trần tình của mẹ.

Danh sách những cái tên khác nhau được đặt cho các thai nhi không có cơ hội làm người trong nghĩa trang ảo càng lúc càng dày lên. Có những người lập bia mộ cho con với một cái tên đầy đủ, vẹn toàn; có những bia mộ mang tên Mèo Con, Rắn Con, Bé Na, Bé Mít, Bé Su…; và cái tên “Vô Danh” cũng được nhiều ông bố bà mẹ chọn đặt cho con mình như Nguyễn Vô Danh, Phạm Vô Danh, Trần Vô Danh… gắn với họ của người đã "lỡ lầm" tạo ra những bào thai.

Thời gian hưởng dương của các bào thai chỉ tính bằng ngày, bằng tuần, từ 1 tuần tuổi, 2 tuần tuổi, 6 tuần tuổi, 13 tuần tuổi... cho đến 8 tháng tuổi. Có những mộ phần chỉ có một mình, cũng có những ngôi mộ 4 – 5 hài nhi của cùng một mẹ, đồng nghĩa với việc người mẹ đã phá thai hoặc sảy thai 4 – 5 lần.

Nhiều hài nhi bị bỏ rơi do "hoàn cảnh", "bố mẹ còn đi học", "mẹ mới chỉ là một cô bé 16 tuổi, mẹ còn chưa lo được cho mình, làm sao chăm sóc được cho con"… Có những thai nhi bị chối bỏ từ khi còn là một giọt máu, nhưng cũng có những hài nhi đã 7 – 8 tháng tuổi, như lời tự thú của một người mẹ: "Con à, nếu mẹ không bỏ rơi con, con của mẹ giờ đã sắp biết đạp, biết lắng nghe mẹ nói rồi đấy. 2 tháng nữa thôi, con sẽ được nhìn thấy ánh mặt trời, thấy cuộc sống, thấy mẹ và thấy bố của con, nhưng mẹ đã không cho con cơ hội ấy. Mẹ thật quá nhẫn tâm khi đã tạo ra con mà lại tước đi cuộc sống của con, không cho con được làm người. Càng đến gần cái ngày mà đáng lẽ ra mẹ phải được thấy con yêu của mẹ, mẹ càng đau lòng nhiều hơn…"

Cũng không ít trường hợp, người mẹ vô tình hủy hoại con: "5 năm qua mẹ nghĩ rằng mẹ không có khả năng làm mẹ, không thể sinh con, vậy mà khi có con mẹ lại không thể cảm nhận được sự tồn tại của con. Min à, mẹ có lỗi với con, giá mà mẹ có thể cảm nhận được, chỉ một chút thôi sự thay đổi trong người thì mẹ đã không nghe lời bà ngoại đi tiêm thuốc ngừa Rubella, để hai tuần sau mẹ đi khám thì đã quá muộn rồi... Mẹ muốn con phải khỏe mạnh, muốn nhìn thấy con khôn lớn, mẹ không muốn sinh con ra mà nhìn con bị mù mắt, bị dị tật, bị thiểu não...... nếu con bị như vậy thì lỗi của mẹ còn nặng hơn nhiều vì làm cho con phải khổ, phải đau đớn".

2_zpse926a2a9.jpg

2_zpse926a2a9.jpg

Có những "mộ phần" nhiều hài nhi trên nghĩa trang ảo.

Hay như tâm sự đầy nước mắt, nghẹn ngào của một bà mẹ trẻ bị sảy thai: "Bác sĩ bảo với mẹ con mất rồi, không biết lý do và khuyên mẹ nên lấy con ra, để con tự ra thì không biết bao giờ và ảnh hưởng sức khỏe. Ba cũng bảo mẹ vậy. Nhưng.... mẹ sợ, sợ mất con, sợ không giữ được thân xác con để mà chôn cất, nên mẹ không đi. Mẹ mang đứa con bé bỏng đã ngừng thở trong th.ân thể mẹ hơn 1 tháng nữa. Nhiều khi mẹ nhớ con, mẹ sờ bụng thì thấy con vẫn nằm đó, nhưng...

Con biết không? Nếu con còn sống thì mẹ vẫn sinh con ra, cho dù ai bắt mẹ bỏ con thì mẹ cũng không bỏ đâu. Mẹ không biết con là trai hay gái. Ông nội bảo con là con gái. Mẹ ngủ cũng nằm mơ thấy con là con gái đó, Con xinh lắm, mặc cái váy màu trắng chấm hoa đỏ. Mẹ đã thấy con hai lần như vậy. Tuy rằng thân xác con đã phải 3 lần mới yên nghỉ được, nhưng giờ mẹ vui vì con cũng có một nơi yên nghỉ, một nấm mộ bé xíu. Mãi yêu con…".

Mộ ảo, day dứt thật

Không ít những "ngôi mộ" chẳng có dòng ghi chép nào ngoài thông tin về hài nhi. Bố hoặc mẹ các bé lập ra mộ ảo, rồi để đó… Ngày rằm, ngày một, những người đến viếng hoặc quản trị nghĩa trang đều thắp nến, đặt sữa tặng những mộ phần này cho bớt hiu quạnh. Cũng có những ngôi mộ đầy những bình sữa, đồ chơi, gấu bông, ô tô bằng hình ảnh… mà người cha, người mẹ mỗi lần vào thăm con đều "mang" đến. Nhưng những ngôi mộ bị bỏ hoang hay mộ được chăm sóc đều có điểm chung nhất là sự ám ảnh và day dứt của những người lập mộ. Ít có ông bố, bà mẹ nào cảm thấy thực sự thanh thản, dù đã "chăm lo" một phần cho con.

3_zps7f0bd162.jpg
3_zps7f0bd162.jpg

Một người mẹ "đưa" sữa cho đứa con bị bỏ.

Một người mẹ đã bỏ 4 hài nhi "vì tương lai" tâm sự: "Trong tâm trí mẹ vẫn khắc sâu cái ngày mà mẹ hay tin các con có mặt trên đời này và cái ngày mẹ đau đớn quằn quại cả thể xác lẫn tâm hồn để đẩy các con ra khỏi tử cung của mẹ. Hãy yên lòng các con nhé, mẹ hứa, mẹ đã hi sinh các con để đánh đổi lấy cái tương lai đang rộng mở trước mắt, mẹ sẽ không để một phút giây nào uổng phí".

Một người mẹ đã có tình yêu mới đã ghi chú dưới "mộ" con: "Mẹ nhớ lại nỗi đau thể xác, nhưng nỗi đau về tinh thần dằn vặt mẹ mỗi ngày, nhất là khi mẹ nhìn thấy những đứa trẻ hoặc một đôi vợ chồng hiếm muộn. Giờ đây cũng chỉ còn lại bố cô đơn lẻ loi, mẹ đã tìm được hạnh phúc mới, tìm được người tốt hơn bố, con cũng đừng trách mẹ con nhé!"

Nỗi ám ảnh, day dứt, xấu hổ đeo bám những ông bố, bà mẹ trẻ. Nhiều người thường xuyên đến thăm "mộ" con và luôn dặn dò "nếu có kiếp sau, con hãy về lại với bố mẹ nhé", "bố sẽ chăm sóc mẹ thay con", "con đừng đi nắng kẻo ốm nhé" hoặc kể với con "Chính mẹ cho đến giờ cũng không hết dằn vặt và không thể tha thứ cho bản thân mình. Nhiều hôm say, mẹ khóc rất nhiều, mẹ muốn được ôm hai con vào lòng, hôn nhẹ lên má, rồi mẹ sẽ hát ru cho hai con ngủ 'À á à ơi, con ơi con ngủ cho ngon, để mẹ lên núi rửa bành con voi... thiên thần của mẹ ngủ ngon…".


4_zps67664380.jpg
4_zps67664380.jpg

Không ít hài nhi được đặt tên "Vô Danh".

Ngay cả khi họ may mắn có được những đứa con khác, nỗi đau và ám ảnh khi dứt bỏ máu mủ cũng không nguôi. Một người mẹ mang song thai, đã ra nước ngoài sống ghi chú ở một phần của con: "Mẹ rất thấy xấu hổ mỗi khi nhủ lòng xin các con tha thứ, nhưng mẹ xin các con để mẹ được yêu thương các con như mẹ đã và đang yêu thương em các con. Trước khi rời Việt Nam, mẹ và ngoại gửi con vào chùa rồi, đêm nào mẹ cũng ra ngoài cổng nhìn sang cổng chùa mà khóc. Mẹ nói với em rằng, chắc con giống anh và chị lắm (vì mẹ cảm giác 2 đứa con là trai và gái) và khi em ngủ rồi mẹ thường ngắm em mà tưởng nhớ các con...

Các con thương yêu của mẹ giờ chắc lớn lắm rồi , con trai thì chắc đã cao hơn mẹ và chắc con gái của mẹ cũng vậy. Dù mẹ đã bước thêm một bước, mẹ vẫn cho chồng mẹ biết sự hiện diện của hai con và Dad (bố) cũng chia sẻ cùng với mẹ. Dad thương em thì chắc chắc Dad cũng thương các con nữa. Các con ở trên trời phù hộ cho em được khỏe mạnh nha..."

Một thành viên đã đưa lên nghĩa trang thai nhi bài hát với ca từ uất nghẹn: "Có bông hoa chưa kịp nở đã vội tàn, có trái non chưa kịp chín đã rụng rơi. Có khát khao được sống chưa kịp vào đời đã vội trở về linh thiêng. Có nỗi đau chia lìa lúc chưa hạnh ngộ, có ước mơ giờ là tiếc nuối thở than..." Bài hát vang lên giữa hàng triệu nén hương điện tử được thắp, vậy mà "nghĩa trang hài nhi" vẫn lạnh lẽo mênh mông…
 
×
Quay lại
Top Bottom