Glass castle - lâu đài mộng tưởng

_Aquarius_

You Know You Do ~~
Thành viên thân thiết
Tham gia
14/10/2012
Bài viết
46
Mình xin dành một góc của box này để đăng những cảm nhận hay chỉ những dòng viết vội về cuốn sách mình đọc.

Lâu lâu mình có thể xem lại lúc trước mình đã đọc gì hay suy nghĩ như thế nào.

 
Hiệu chỉnh:
[Cảm nhận] Trái tim mách bảo - Susanna Tamaro

trai-tim-mach-bao.jpg

Tác giả: Susanna Tamaro
Dịch giả: Nguyễn Huy Trọng
Nhà xuất bản: NXB Trẻ



Shane Filan - Me And The Moon
***
Cuốn sách được viết dưới hình thức những lá thư của một người bà gửi cho người cháu đi học xa. Hay chính những lời kể về cuộc đời của người bà không thể chính miệng kể cho cháu nghe.

Được viết đồng nghĩa với trải qua suy nghĩ, cân nhắc và không bị bất cứ câu hỏi nào chen ngang. Là lá thư, sẽ có những lời hỏi thăm nhắn nhủ tình cảm chứ không phải chỉ những dòng tự sự của cuốn nhật ký. Là lời kể của người bà cho cháu nghĩa là câu chuyện vốn vì khoảng cách thế hệ, khoảng cách lòng người được thay thế bằng những trải nghiệm mà ta ít nhất một lần thốt lên mình từng như thế dù ở bất cứ độ tuổi nào.

Tình yêu không dành cho kẻ lười nhác, đôi khi nó đòi hỏi những hành động thật quyết liệt và chính xác. Cháu có thấy không? Bà đã che giấu sự nhút nhát vô tình của mình bằng ý nghĩ cao cả về sự tự do cá nhân đấy!

Những lá thư bắt đầu được viết khi người cháu gái bỏ sang Mỹ du học vì sự nổi loạn tuổi dậy thì hay những khao khát đến những chân trời mới hay vì cả hai qua những hồi ức sơ lược của người bà. Khi đi cháu yêu cầu bà đừng liên lạc gì cả. Bà cũng làm như thế cho đến một ngày nhìn cây hoa hồng của cháu trong vườn và cảm nhận được sự thôi thúc của nó rằng hãy viết thư cho cháu đi.

Ừ thì khi người ta thường được nhắc, được khuyên không nên làm một điều gì đó, ban đầu có thể họ sẽ nghe theo đến khi tìm được một lý do nào đó để dựa vào. Cái lý do đó có trọn vẹn hay không, có hiện thực hay không chẳng còn quan trọng vì lúc này con tim đã lấn át lí trí. Bà hẳn đã rất muốn viết thư hay gọi điện cho cháu nhưng bị những lời của cháu ngăn lại. Nay nhờ cây hoa hồng trong vườn bà có một lý do để viết thư cho cháu.

Tại những ngã rẽ trên đường đời, cháu sẽ gặp bao nhiêu cuộc đời khác. Việc làm quen với họ hay không, đồng hành cùng họ hay ngoảnh mặt quay đi là hoàn toàn phụ thuộc vào quyết định của cháu tại chính khoảnh khắc ấy; cho dù cháu không biết thì cả cuộc đời cháu và cuộc đời của những người ấy đều được quyết định vào lúc cháu chọn đi thẳng hay rẽ ngang.


Mở đầu lá thư là những câu chuyện hằng ngày của bà, sau đó là câu chuyện về cuộc đời bà. Bà không phải là một người cổ hủ, sáo mòn; bà rất khai sáng và cầu tiến, nhưng rồi bà vẫn không thoát khỏi chiếc lồng giam cũ kĩ vì định kiến, sự xa cách của người nhà vì những tư duy được họ cho là phù hợp. Bà yêu thương mỗi người thân của mình. Nhưng những ràng buộc về tư tưởng, giai cấp, và đủ mọi thứ trên đời khiến người ta không thực sự bày tỏ hết nỗi lòng, suy nghĩ với nhau. Có lúc bà chen qua được khoảng trống của chiếc lồng giam và bay lượn như một cánh chim tự do. Để rồi khi phải trở lại lồng giam bà lại càng khao khát tự do hơn. Bà luôn do dự trước mỗi lựa chọn, và vì trì hoãn quá lâu mà tất cả mọi thứ xung quanh đều mất hết kiên nhẫn để rồi từ đó quyết định thay cho bà. Cuộc đời không có nếu như, ta không biết được liệu con đường bên cạnh kia có tốt hơn con đường ta đang đi. Không thể dùng lối tư duy đạo đức để phán xét bà sai, cũng không thể biện bạch vì hoàn cảnh để bảo bà đúng. Bà cũng không cần lòng thương hại, chỉ mong sự đồng cảm.

Bà là đại diện cho bất cứ con người nào trong xã hội ở bất cứ thời đại nào. Những lời tâm sự của bà là một chuỗi những chiêm nghiệm, đúc kết của con người từng trải. Chúng không phải là lời nói phiếm diện từ một phía mà là sự so sánh, lập luận trên các khía cạnh khác nhau. Người ta ai cũng sợ khi vạch lớp sẹo của mình cho người khác xem, ai cũng sợ những đôi mắt soi mói của người khác. Có khi họ làm những điều ngốc nghếch và họ cố che dấu nó bằng nhiều lời dối trá hơn. Nhưng thực ra những lời phán xét của người khác không ảnh hưởng đến họ nhiều như của chính họ.

Khi lớn lên, cháu sẽ luôn bị thôi thúc bởi ý nghĩ cần phải thay đổi mọi thứ, phải sửa những điều sai thành đúng, nhưng mỗi khi làm vậy, cháu hãy nhớ rằng cuộc cách mạng đầu tiên và quan trọng nhất phải bắt nguồn từ cháu. Đấu tranh cho một điều gì đó mà chưa biết rõ chính mình là điều nguy hiểm nhất, cháu biết không.

Bà hẳn rất dũng cảm, yêu thương cháu nhiều lắm khi kể cháu nghe về cuộc đời bà đã đi qua, để từ đó cháu rút ra những bài học cho con đường tương lai của mình.

Còn nữa, khi có nhiều con đường mở ra trước mắt và cháu không biết nên đi lối nào thì đừng chọn bừa nhé; hãy ngồi xuống và chờ đợi. Hãy thở thật sâu với tất cả niềm tin, như cái cách cháu thở vào ngày mình chào đời ấy, đừng để bất cứ thứ gì làm cháu xao động, hãy đợi, và đợi thêm chút nữa. Hãy ngồi yên, thật im lặng và lắng nghe trái tim của cháu. Và rồi khi nó cất tiếng, hãy đứng lên và đi theo những lời trái tim mách bảo.
Một cuốn sách nhẹ nhàng, tình cảm và sâu lắng.
~~~
 
SUY NGHĨ VỀ NGUỒN CỘI QUA ORIGIN VÀ LẮNG NGHE YÊU THƯƠNG

Mình trì hoãn đủ lâu rồi. Cần viết vài dòng trước khi chuyển sang cuốn sách khác.

"Chúng ta đến từ đâu? Chúng ta sẽ đi về đâu?" ("Where do we come from? Where are we going?") là hai câu hỏi đặt ra xuyên suốt cuốn tiểu thuyết Origin của Dan Brown. Và tình cờ thay tôi lại tìm thấy hình bóng hai câu hỏi đó trong cuốn Lắng nghe yêu thương của Susanna Tamaro.

Trong Origin, một nhà khoa học theo thuyết vị lai (futurist) chuẩn bị công bố lời giải cho hai câu hỏi trên với toàn nhân loại. Mở đầu nó tựa như một cú knock out của giới vô thần dành cho tất cả các tôn giáo trên thế giới. Một kế hoạch được đầu tư tỉ mỉ.

Lắng nghe yêu thương lại là câu chuyện của cô cháu gái trở về nhà sau cái chết của bà ngoại, người thân duy nhất hiện tại cô sống cùng suốt mười mấy năm. Cô gái ấy chính là người cháu mà nhân vật bà trong Trái tim mách bảo viết thư cho ở những tháng ngày cuối đời. Hoang man, lạc lõng cô tìm lại những bí mật phủ bụi trong ngôi nhà của hai bà cháu.

Origin lấy bối cảnh ở Tây Ban Nha. Robert Langdon lần này đóng vai trò một người thầy, người bạn của nhà khoa học được mời đến buổi thuyết trình. Sau cái chết bất ngờ do bị ám sát của nhà khoa học, Langdon cùng cô thư kí của nhà khoa học cũng là vị hôn thê của người thừa kế của vương quốc lên đường tìm kiếm chìa khóa/mật khẩu để công bố kết quả nghiên cứu của nhà khoa học cho thế giới nhờ sự giúp đỡ của siêu máy tính Winston.

Là một câu chuyện kể ở ngôi thứ ba nhưng dưới quan điểm của rất nhiều nhân vật. Vai trò của Langdon dường như trở nên mờ nhạt dưới sự chỉ dẫn của siêu máy tính Winston. Ngoài sự kiện ám sát đẩy sự việc lên, câu chuyện cứ diễn biến đều đều khó xác nhận mạch truyện vì ngắt quãng nhưng lại khiến ta có cảm giác như bị một cái gì đó thao túng. Những kiến thức về văn hóa, nghệ thuật Tây Ban Nha được đề cập đến qua sự hiểu biết không chuyên của Langdon cũng đủ khiến độc giả choáng ngợp.

Giống như Hỏa ngục, cái kết không mấy thuyết phục nhưng đặt ra những câu hỏi, những suy ngẫm đương thời mà độc giả ở mỗi lứa tuổi sẽ tìm ra những đáp án khác nhau. Đúng sai không còn là vấn đề quan trọng mà cần xét vào vị trí mà ta nhìn nhận nó. Lý thuyết tương đối lại được khẳng định.

Origin không khiến tôi đọc ngấu nghiến ngày này sang ngày khác mà chỉ vài chục trang một ngày. Tôi đọc bản tiếng Anh nên còn mất công tra từ điển. Dù có đoán được kết thúc qua những gợi ý trong cuốn sách, việc hoàn thành nó cũng không khiến bạn cảm thấy mất thời gian hay vô ích.

Trong Lắng nghe yêu thương, cô cháu gái tìm hiểu về mẹ, về những người họ hàng qua những món đồ cũ được giấu khắp nơi trong ngôi nhà. Cô cũng có khát vọng tìm về cội nguồn của mình và cô đã theo lời trái tim mách bảo.

Tôi đồng cảm và nghiêng về người bà nhiều hơn trong Trái tim mách bảo nên đôi lúc vẫn không hiểu được suy nghĩ của một đứa trẻ mới lớn như cô. Nhưng cô có tuổi trẻ cô làm được những điều người bà không thể. Cô tìm được người cha thất lạc của mình. Không phải một đứa trẻ khao khát tình thương mà chỉ tò mò muốn biết cha của mình như thế nào. Cô tìm về nhà họ hàng của bà mình, để xem họ sống như thế nào. Để rồi khi thanh thản trở về ngôi nhà ấu thơ của mình với bà cô mới tìm thấy chồng thư bà viết cho cô.

Nếu đọc hai cuốn sách ở hai thời điểm khác nhau chắc tôi không cảm thấy khó chịu như vậy. Trái tim mách bảo giống một áng thơ còn Lắng nghe yêu thương giống như một bài văn viết vội, phản ánh được suy nghĩ của hai thế hệ chỉ là chưa hẳn thế hệ của bà lạc hậu hơn chỉ là sự theo đuổi của con người ta thay đổi theo thời đại. Origin lại khiến người ta suy nghĩ nhưng chưa đủ để dẫn đến hành động. Hiểu biết nguồn cội của mình là cần thiết, nhưng hiểu được nó để suy nghĩ làm gì trong tiếp theo mới quan trọng. Sự khác biệt không phải là khoảng cách mà là lập trường để ta nhìn lại hành động của mình.

 
Hiệu chỉnh:
VỤN VẶT VỀ BÍ ẨN VỀ CON CHÓ LÚC NỬA ĐÊM
264385410579039bff2bo-918951-1368182304_m_460x0.jpg
Tác giả: Mark Haddon
Dịch giả: Phạm Văn
NXB: Văn học


Cuốn sách này không có một bài cảm nhận hoàn chỉnh vì thực sự chẳng có nhiều điều đọng lại trong tôi khi gấp nó lại ngoài những sự liên hệ và những suy nghĩ gián đoạn.

Tôi biết đến cuốn sách này từ dạo đọc Nỗi cô đơn của những số nguyên tố. Tôi mê mấy số nguyên tố lắm. Tôi cũng mê những suy nghĩ khoa học của tác giả trong cuốn ấy nên tôi đã đưa cuốn này về vì nghe đồn cũng liên quan đến những số nguyên tố.

Tôi đã đọc Bí ẩn về con chó lúc nửa đêm trong gần ba năm. Cuốn sách không hề dễ đọc. Vì tôi quyết định trở về với văn học đọc chính thống nên mới cố gắng đọc tiếp cho xong. Có thể vì thời gian quá lâu, cũng có thể do dịch giả, tôi không tìm thấy chất hài hước, dí dỏm như người ta ca ngợi trong cuốn sách.

Nói cuốn sách không hề dễ đọc vì người kể chuyện là một cậu bé mười lăm tuổi không thể hiểu được những cảm xúc của con người vì không có quy luật hay nguyên tắc gì. Nhưng cậu bé lại là thiên tài toán học. Trong Nỗi cô đơn của những số nguyên tố Mathew cũng là thiên tài đấy thôi. Cậu lại không ngừng rạch đầy tay mình xem như sự trừng phạt khi để lạc mất em gái thiểu năng của mình lúc còn bé. Cái kiểu trời không cho ai tất cả ấy.

Cốt truyện Bí ẩn về con chó lúc nửa đêm cực kì đơn giản. Nhưng qua ngôi kể "tôi" tác giả đi sâu vào việc soi rọi nội tâm của một đứa trẻ tự kỉ. Tôi không phải thiên tài hay kẻ tự kỉ nên không hiểu được Christopher hay Mathew hay Alice, chỉ cảm thấy đáng thương thay cho các em. Con người ta luôn áp đặt cái nhìn phiến diện của mình lên tất cả mọi việc. Người ta soi mói, phán xét thay vì tìm hiểu, cảm thông. Họ sợ những thứ họ cho là không bình thường. Ai biết điều gì xấu sẽ xảy ra khi họ đến gần chúng chứ.

Christopher đặt các chương sách của mình theo thứ tự các số nguyên tố, nhưng tôi cũng chỉ chú ý đến chúng vài trang đầu. Christopher đưa ra những lí giải, nguyên lí rất khoa học, nhưng tôi chỉ dừng lại suy nghĩ ở vài ví dụ đầu. Về lý thuyết tác giả thành công đưa vào sự so sánh đối lập nhưng lại quá nhiều với tôi. Tôi lại đứng về phía những người lớn bình thường với những cảm xúc hỉ nộ ái ố nên thật khó để thấu hiểu những cảm xúc phức tạp của một cậu bé khi cậu nghĩ chỉ người khác mới có những cảm giác đó trong khi cậu không nhận thấy và giải thích được cảm xúc của mình.

Và đừng trông chờ vào cái kết. Christopher trở về nhà như chưa có chuyện gì xảy ra, tham gia cuộc thi toán vượt cấp. Sẽ chẳng ai biết được liệu cậu có lên một kế hoạch trốn thoát dài hơi khác không.

Đánh giá: 2,5/5
 
Hiệu chỉnh:
NĂM NGƯỜI GẶP TRÊN THIÊN ĐƯỜNG NHỮNG VÒNG LẶP NHÂN QUẢ

cover_l.jpg

Nguyên tác: The Five People You Meet in Heaven
Tác giả: Mitch Albom
Người dịch: Lê Minh Cẩn
Nhà xuất bản: NXB Văn Nghệ TP.HCM
Nhà phát hành: Phương Nam
Khối lượng: 240 gram
Kích thước: 13x21 cm
Ngày phát hành: 07/2006
Số trang: 248 trang

Trích dẫn:

Trong khoảnh khắc ông nhận ra thật lạ khi thấy mình đã già nua ở một nơi có mùi kẹo bông của đám trẻ.

Không có câu chuyện nào đơn lẻ. Đôi khi câu chuyện này nảy sinh ra câu chuyện khác và đôi khi chúng lại che lấp hoàn toàn một câu chuyện khác, giống như những cục đá bị chìm xuống đáy sông.

“Chẳng có cử chỉ nào tình cờ. Tất cả chúng ta đều có liên đới với nhau. Anh không còn có thể tách rời một cuộc sống này với một cuộc sống khác cũng như là anh không thể tách một làn gió nhẹ khỏi một cơn gió mạnh”.

"Thỉnh thoảng khi anh hy sinh cái gì đó quý giá, thực ra anh không đánh mất nó. Anh chỉ chuyển cái đó sang cho người khác”.

Nuôi giữ sự tức giận là một liều thuốc độc. Nó ăn mòn anh từ bên trong. Chúng ta nghĩ sự căm ghét là một loại vũ khí tấn công người làm hại chúng ta. Nhưng lòng thù ghét là con dao hai lưỡi. Và những gì chúng ta làm hại người khác thì cũng là làm hại chính chúng ta.

***

Qua những trích dẫn trên ta thấy được bóng dáng của nhân quả. Không phải là một cuốn sách giáo điều khuyên răn này nọ, Năm người gặp trên thiên đường là câu chuyện kể về những cuộc gặp gỡ giữa Eddie một người mới lên thiên đường và năm người có mối liên quan gần hay xa với Eddie. Họ kể cho Eddie những câu chuyện xung quanh Eddie nhưng ông không hề hay biết để Eddie hiểu rõ hơn về những điều mình đã hy sinh hay đã nhận được.

Không có cao trào kịch tính nhưng khiến ta tò mò về điều gì tiếp theo sẽ được tác giả giới thiệu. Đó là một vòng quay lặp lại năm lần với năm người, mỗi người mang lại cho Eddie những cảm xúc khác nhau: hối hận, giận dữ, hạnh phúc, thanh thản. Những đoạn xen kẽ quá khứ, hiện tại khiến ta không nhàm chán chỉ là càng về sau cảm giác như tác giả viết càng vội. Những cột mốc thời gian của các câu chuyện dựa vào những bữa tiệc sinh nhật của Eddie, qua đó ta quan sát được cả cuộc đời của một con người.

Về diễn biến nội tâm nhân vật, Eddie - một người muốn thoát khỏi gia đình mình, quê hương mình, công việc của cha mình lại dành cả đời để ở đó, làm công việc đó để rồi cũng ra đi tại nơi đấy, vì công việc đấy. Tác giả hẳn rất thích thú xây dựng những vòng lặp nhưng không hề rập khuôn cho nhân vật của mình mà khéo léo đưa vào những tình tiết cởi bỏ những nút thắt của vòng lặp. Có thể nói sau khi mở một nút thắt lòng Eddie lại thanh thản hơn một chút. Những cảm xúc xây dựng từ cảm nhận phiến diện được bổ sung lấp đầy. Cũng làm cho ta thấy hình bóng của mình đâu đó.

Tác giả thành công khi độc giả không đặt nặng vấn đề thực tế của cuốn sách mà dẫn dắt họ khám phá sự tò mò của bản thân. Độc giả vừa tìm thấy được một cuốn sách giải trí vừa tìm được những triết lý đáng suy ngẫm.

Đánh giá: 3/5

* Nhận xét về bản dịch: Có rất nhiều câu tối nghĩa khó hiểu. Dịch giả Việt hóa không chuẩn, dùng dấu câu không thống nhất, dùng ngôi thứ ba nhưng cách gọi lộn xộn, sử dụng từ ngữ địa phương không cần thiết. Không có lỗi chính tả.
 
Ở quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối
2019-02-15-09-07-13.jpg

(Pic: by me)
Cuốn sách tôi chọn mở màn cho 2019. Không biết có "điềm báo" gì không khi đây là một cuốn sách tôi đọc dở mấy năm trước và bài cảm nhận của tôi cũng bị bỏ dở tới bây giờ chỉ vì mất sạch bản nháp trên này. Và hiện tại cuốn sách không có bên người nên cũng chẳng có dòng trích dẫn nào hết. Mà thật ra cũng chỉ có một câu thôi. Tôi sẽ bổ sung khi nào có điều kiện vậy.

Phần do đọc lâu rồi, phần cũng không cảm được cuốn sách thế nên tôi cứ thả mình cho cảm xúc trôi nổi thôi. Và có thể sẽ bị ảnh hưởng bởi những cảm xúc hiện tại nữa.

Tôi lạc. Lạc giữa mỗi ngóc ngách của cuốn sách. Lạc giữa các nhân vật. Lạc giữa những câu chuyện họ kể.

Cuốn sách viết ở ngôi thứ nhất nhưng lại qua góc nhìn của mỗi người kể chuyện và kể về một nhân vật với cái tên được đặt cho, Louki. Và hẳn người lạc lối duy nhất trong cuốn sách đến tận cùng là Louki.

"Ở quán cà phê Le Condé..." hẳn là câu cửa miệng của mỗi người kể như để xác định ranh giới riêng cho một khu vực khác biệt. Và vì bất cứ lí do gì khiến họ đến Le Condé trước đó, tất cả đều xoay quanh Louki khi nàng xuất hiện. Có thể gọi họ, trừ Louki, là những người quan sát đặc biệt của Louki. Thật kì lạ là Louki lại mờ nhạt như một cái bóng, khiến người ta như có như không cảm nhận được sự hiện diện của nàng, vậy mà những người kể chuyện lại để ý mọi thứ xung quanh Louki. Phải chăng trầm lặng cũng là một sức hút đặc biệt?

Trong khi những người khác dường như tìm được mục đích của mình, Louki như vẫn cứ lang thang vô định. Lặp lại những hành động tẻ nhạt vô thức. Nửa muốn hòa mình vào cuộc sống, nửa lại muốn hòa tan trong bóng đêm vô hạn. Và rồi một mộng cảnh nào đó đã đến và mang nàng đi.

Có rất nhiều chữ "Nếu như..." mà tôi đặt cho cuốn sách và rồi cũng tự mình gạch bỏ. Cuộc sống luôn có những sự sắp đặt, những ngã rẽ. Có vẻ ta chưa lựa chọn gì nhưng có thể thực sự đã đi gần hết con đường đó rồi. Nhân duyên thật lạ kì thế đó. Nếu như Louki không xuất hiện những người kể chuyện có thể lạc lối hơn nhiều. Nếu Louki không xuất hiện có mấy người nhận thấy được sự đặc biệt của Le Condé. Nếu như... Ừ nếu như tôi không bị bìa sách dụ dỗ vì rất ghét đọc những tác phẩm buồn.

Với lối kể chuyện mang màu trầm buồn của những bế tắc, lạc lối tác giả khơi dậy nỗi cô đơn vô hạn trong lòng người đọc. Lại như nhắc nhở về một thời tuổi trẻ bị lãng quên.



 
×
Quay lại
Top Bottom