Một thời đã xa

phương linh

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
18/7/2011
Bài viết
37
Huế đang bước vào những ngày cuối đông. Se lạnh, mưa như rây bụi và cái khí sắc nhợt nhạt của bầu trời dễ khiến người ta thấy nao lòng. Tự nhiên mình lại nhớ tới hồi nhỏ, nhớ những tháng ngày sống với ông Nội trong ngôi nhà gỗ cũ và thấp ấy.
Hồi ấy mình gần 4 tuổi, nhưng ba mẹ mình nuôi mãi mà cứ èo ọt, không lớn lên được, đã thế lại thường xuyên đau ốm nữa, nên ba mẹ mình đi tới quyết định cho mình về sống với Nội. Hai lý do cơ bản được nêu ra là Nội ở một mình và có thể, theo lời của một ông thầy tướng số nào đó, khi sống xa ba mẹ thì mình sẽ mau lớn hơn. Thế là mình khăn gói về nhà Nội (à không, mẹ mình sửa soạn cho mình, tại hồi đó còn nhỏ biết gì mà lo liệu chứ).
Nhà Nội là cái nhà gỗ xưa lắc xưa lơ. Ấn tượng đầu tiên của mình về ngôi nhà là hắn quá cũ kỹ và có thật nhiều cột. Những tối nhớ ba mẹ, mình lại nằm đếm mấy cái cột trong nhà, hình như có tới 8 hay 10 cái cột gì đó. Nhà Nội còn siêu thấp và siêu tối nữa. Có cảm giác như lớp ngói liệt lợp trên mái nặng quá khiến cho ngôi nhà phải chùn vai để đỡ lấy. Ngôi nhà cổ xưa ấy giờ chỉ thuộc về ký ức của mình thôi, bởi vì sau đợt lũ lịch sử cũng như những gánh nặng thời gian mà nó mang trên mình, ngôi nhà đã không còn sức trụ vững được nữa.
Những ngày đầu tiên ở với Nội, tối nào mình cũng khóc. Mình không thích nằm ngủ trên bộ ngựa cao vợi thế này, hắn cứng đơ và mỗi lần sơ ý ngã đụng đầu là y như mọc ngay một cái trứng lộn. Vì mình nhớ mẹ lắm. Tối nào ngủ mình cũng ôm mẹ, gác chân lên người mẹ, lại được mẹ hát cho nghe nữa. Ngủ với Nội mình nằm thẳng băng, bất động, không dám cựa quậy gì cả. Mình cũng sợ tối nữa. Căn nhà 3 gian thấp cũ này ban ngày còn u u mờ mờ, huống gì là ban đêm. Đã thế bộ ngựa lại đặt gần bàn thờ, nơi khi nào cũng có hai cây đèn dầu leo lét, nơi mà mới nhìn thôi mình đã sợ. Hình như Nội cũng sợ thì phải, vì mỗi lần đi ngang qua gian giữa Nội đều cúi đầu và bắt mình cũng phải cúi đầu (sau này mình hiểu ra vì tỏ lòng kính trọng với tổ tiên nên đi qua bàn thờ phả gập đầu xuống). Thế là tối nào Nội cũng dỗ mình ngủ. Nội kiên nhẫn đến lạ, không to tiếng hay la mắng, Nội chỉ khẽ nói: Ngoan, ngủ đi con, mai Nội mua kẹo kéo cho! Mình không ngủ ngay từ những lời dỗ dành đầu tiên của Nội mà cứ khóc rền rỉ mãi, đến giữa khuya, khi không còn đủ sức chống chọi với cơn buồn ngủ nữa, cái miệng mình mới chịu ngưng hoạt động. Nội bỏ màn, khẽ thở dài: Cha mi!
Sống với Nội một thời gian, mình quen dần và thấy thích thú với lối sống thư nhàn của Nội. Mình theo Nội ra vườn cuốc đất trồng cây, rồi vòi vĩnh Nội mua cho con tò he hình cá chép làm bằng bột lọc nhuộm xanh đỏ, đôi khi còn bắt Nội làm ngựa để cưỡi nữa. Những lúc rãnh rỗi, Nội dạy cho mình học Tam thiên tự, rồi Tam tự kinh. Hồi ấy mình chưa biết chữ, và nói thật thì cũng chẳng hiểu mấy sách đó viết cái gì, nhưng mình vẫn học thuộc, có lẽ vì sợ Nội. Nội kể cho mình nghe về những câu chuyện trong Nhị thập tứ hiếu. Đến bây giờ hình ảnh của cậu bé Lục Tích mới 6 tuổi đã giấu quýt về dâng mẹ hay chuyện Mạnh Tông khóc măng vẫn in sâu trong tâm trí mình. Và cũng chính nhờ Nội mà khi vào ĐH, học môn Hán văn mình không thấy bỡ ngỡ, mà lại thấy thân thuộc.
Nội rất thương mình. Chính tay Nội đút cơm cho mình ăn, tắm rửa cho mình và thoa lưng để mình dễ ngủ. Mỗi lần làng có việc hay kỵ giỗ gì đó, Nội đều không quên mang về cho mình cái bánh gatô có bọc giấy nilông trong, một thứ quà đáng giá với mình. Rồi những tối nhớ ba mẹ, mình cứ cẳng rẳng suốt đêm, Nội lại đọc cho mình nghe mấy câu thơ Đường, đại loại như là:
Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu
Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi
hay
Công danh phú quý nhược trường tại
Hán Thủy dã ưng tây bắc lưu
Lúc đó mình cứ tưởng là Nội hát tuồng hay ngâm vịnh gì đó. Sau này lớn lên, học thơ Đường, biết được nghĩa của mấy câu thơ đó, mình lại bật cười và thấy thương Nội nhiều hơn. Có lẽ trên đời này chỉ duy nhất có ông Nội mình mới ru cháu ngủ bằng cách đọc thơ Đường (thật độc đáo biết bao) và mình đúng là một đứa trẻ may mắn.
Thỉnh thoảng, Nội chở mình đi chơi trên chiếc xe đạp giàn cà tàng của Nội từ chợ Vỹ Dạ qua cầu Tràng Tiền, đến phố Phan Đăng Lưu (Nội gọi phố này là Phan Bội Châu, làm mình cứ tưởng đường Phan Bội Châu dài nhất nước Việt Nam). Bạn của Nội là thầy thuốc đông y, ông ấy có bộ râu dài nhưng chỉ lưa thưa mấy sợi. Ông vẫn thường bế mình để mình tùy thích vuốt râu của ông và lúc nào cũng giúi vào tay mình mấy quả táo tàu hay nhãn nhục.
Mỗi tuần vào chiều thứ bảy, ba mẹ mình lại xuống thăm Nội rồi chở mình lên nhà. Chủ nhật lại đèo mình về nhà Nội cùng với rất nhiều bánh trái do mẹ chuẩn bị cho một tuần "chiến đấu" mới của mình. Bao giờ mình cũng làm một cơn mưa dầm dề trước khi lên đường. Bao giờ ba mình cũng cố lôi bằng được mình lên xe. Bao giờ mình cũng thấy những giọt nước mắt rơm rớm của mẹ.
Rồi mọi thứ đi vào quỹ đạo, mình không khóc nữa mà háo hức hơn vào mỗi chủ nhật. Những lần lên nhà, mình đem chuyện ở với Nội kể cho con Bo hàng xóm, khi nào hắn cũng trố mắt ngạc nhiên. Hắn không tin nhà Nội có nhiều cột đến thế, hắn cũng không biết ở Huế có cầu Tràng Tiền "chín vài mười hai nhịp" (kể cũng đúng, lúc ấy hắn có 3, 4 tuổi).
Sau những cơn mưa dầm lê thê của xứ Huế, lối nhỏ vào nhà Nội đầy rêu phong. Hai Nội cháu ngồi cạo những mảng rêu xanh bám dày trên nền gạch để đi khỏi trượt ngã. Dáng người khòm khòm của Nội với đôi tay gầy đang đưa con dao qua lại trên nền gạch luôn hiện về trong tâm trí mình những khi mình nghĩ về Nội.
Thời gian như nước chảy chân cầu. Cuối cùng mình cũng được ba mẹ đón về nhà. Lần chia tay Nội mình vui buồn lẫn lộn. Vui vì lại được sống bên ba mẹ, gặp lại mấy đứa bạn trong xóm (ở với Nội mình chỉ lúc thúc bên Nội, đâu có bạn bè gì). Nhưng buồn vì xa Nội, xa con người hiền từ, gần gũi và thương yêu mình hết mực. Chiếc xe của ba đã cách xa lắm ngôi nhà gỗ của Nội nhưng mình vẫn ngoái đầu mãi. Nội vẫn đứng bên hàng chè tàu, đưa bàn tay gầy vẫy vẫy.
Những khi nhớ mình, Nội lại đạp xe lên tận Đàn Nam Giao để thăm mình, mang theo không biết bao nhiêu là quà. Mình lại ôm vai Nội, bắt Nội làm ngựa để cưỡi. Nội xoa đầu mình, giọng vui mừng: Hắn bữa ni có da có thịt rồi tề! (Nếu bây giờ Nội còn sống, chắc Nội sẽ thảng thốt: Chao ôi! Con thành heo khi mô rứa?) Hình ảnh Nội với cái mũ phốt trắng, bộ đồ kaki bạc màu ngồi trên chiếc xe đạp chở đầy quà bánh và tình thương vẫn khắc ghi trong trái tim mình. Để mỗi lần nhìn thấy những cụ già đạp xe đạp, mình lại chạnh lòng và nhớ Nội thiết tha.
Tết đã sắp đến rồi. Sau cơn mưa dai dẵng, trước sân nhà mình lại nổi lên những đám rêu xanh, những tảng rêu với mùi ngan ngát đặc trưng và cái sắc xanh tràn ngập ký ức ấy luôn khiến mình xao xuyến, bồi hồi. Ngồi gỡ chúng ra khỏi vách tường mà lòng không khỏi nhớ tới Nội. Ở một chốn u minh nào đó, Nội vẫn như đang dõi mắt theo mình. Nội ơi, con nhớ Nội nhiều lắm!:KSV@12:
 
×
Quay lại
Top