Mối quan hệ của bạn với tiền bạc.

rubi_mos2002

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
28/10/2011
Bài viết
824

Tham khảo : cuốn Ealy, C. Diane; Lesh, Kay. (1999). Our Money, Ourselves: Redesigning Your Relationship With Money. New York, NY: AMA Publications
link tải sách:
https://www.mediafire.com/?ovn5k66otyoijkd

Mục tiêu của cuốn sách này là giúp bạn nhìn vào những thông điệp về tiền bạc ( hạn chế ) mà bạn nhận được và phác hoạ ra những con đường mới trong quan hệ với tiền bạc lành mạnh hơn, thú vị hơn.

Tất cả chúng ta đều chấp nhận định nghĩa của xã hội về tiền bạc, bao gồm mục đích và chức năng của tiền trong cuộc sống của chúng ta. Cuốn sách này sẽ giúp bạn tái định nghĩa lại tiền bạc và chức năng của nó. Chúng tôi đề nghị bạn xem tiền bạc như một dạng của năng lượng và hiểu về khía cạnh tâm linh của tiền bạc l sẽ cho phép bạn phát triển một mối quan hệ lành mạnh với tiền.

Khám phá những Thái độ về tiền bạc của bạn:

Hãy thử trả lời Bảng hỏi ‘Quan niệm về tiền bạc’ để tự nhận ra khá đủ đầy chướng ngại cản ngăn, nguồn gốc phòng vệ sâu xa thúc đẩy mình sợ hãi, thấy rằng cơ sở tạo nên sự cân bằng giữa nhu cầu kiếm tiền và xây dựng quan hệ tốt đẹp với tiền bạc nằm sẵn ở nội tâm mình.
Câu 1: Những thông điệp về tiền bạc và cách kiếm tiền bạn từng nhận được khi còn bé?

Câu 2: Là người trưởng thành, các quan niệm đó thực sự đang tác động tới bạn ra sao?

Câu 3: Làm ơn hoàn thành các câu theo ba lối khác nhau: đầu tiên, giả định bạn là mẹ; thứ hai, vào vai bố; và thứ ba, tư cách chính mình.
(Mẹ) Tiền là...................
(Bố) Tiền là...........
(Bản thân) Tiền là..............
(Mẹ) Khi nghĩ về mối quan hệ với tiền bạc, nhận ra rằng.........
(Bố) Khi nghĩ về mối quan hệ với tiền bạc, nhận ra rằng...................
(Bản thân) Khi nghĩ về mối quan hệ với tiền bạc, nhận ra rằng..............
(Mẹ) An toàn, yên ổn là..............................
(Bố) An toàn, yên ổn là..............................
(Bản thân) An toàn, yên ổn là..............................

Câu 4: Tiền bạc giữ vai trò gì trong cảm nhận của bạn về sự an toàn, yên ổn?

Câu 5: Với bạn, đâu là nỗi sợ tệ hại nhất liên quan tới bản ngã và sự an toàn tài chính?

Câu 6: Vui lòng bình luận cụ thể về các lĩnh vực bản thân bạn thấy dính dáng . Trước mắt, bạn cần tập trung giải quyết lĩnh vực nào?
- Tiền bạc và sự tự tin
- Đòi hỏi những gì mình đáng được hưởng
- Tiền bạc như nguồn năng lượng
- Tiền bạc và các mối quan hệ
- Bản chất tâm linh của tiền bạc
- Quan hệ lý tưởng với tiền bạc

***

Khám phá những thông điệp về tiền bạc của bạn:


Tiền bạc = An toàn.

Đối với phần lớn mọi người, việc tách rời tiền bạc và sự an toàn là rất khó. Trong khi cả hai giới đều nhận được thông điệp này, thì phụ nữ đặc biệt bị thúc đẩy phải tìm được một người chu cấp tốt và bám lấy anh ấy bằng mọi giá.

Thông điệp " tiền = an toàn " có nguồn gốc từ thời thơ ấu và thời thanh niên của chúng ta. Chúng ta nhìn thấy mẹ mình sợ hãi vì không có đủ tiền cho sự an toàn và chúng ta học cách trở nên sợ hãi. Thêm nữa, thông điệp rằng việc kiếm tiền phụ thuộc người đàn ông, còn phụ nữ chỉ quản lý công việc nhà, nên đối với nhiều phụ nữ, " sự an toàn là một người chồng với một công việc có thu nhập".

Thông điệp " tiền = an toàn " rất khó để xử lý vì nó bắt rễ từ trong lịch sử gia đình của chúng ta.

Niềm tin là tiền có thể mua sự an toàn là một ảo tưởng vì nhiều lý do. Thứ nhất, sự an toàn dựa trên người khác thì sẽ nhanh chóng biến mất. Những phụ nữ buộc chặt sự an toàn của họ vào thu nhập của người chồng tức là họ đang bỏ qua 3 yếu tố nguy cơ của đời sống hôn nhân : ly dị, sự mất khả năng ( sự tàn tật ) và cái chết.

Thông điệp " tiền = an toàn " cũng đóng vai trò trong đời sống công việc của chúng ta. Một số phụ nữ làm trong những môi trường việc làm không lành mạnh vì lý do an toàn.

Sự an toàn thực sự chỉ có thể được tìm thấy trong chính chúng ta. Sự bán mình cho ảo tưởng an toàn hiếm khi mang lại hạnh phúc.

Thứ hai, niềm tin " tiền = an toàn " đòi hỏi một cái giá khủng khiếp. Những người lao động cảm thấy bị kẹt trong cái bẫy của một công việc mà họ ghét... Những người vẫn ở lại trong một công việc đã mất đi sự thách thức và phát triển như là những tù nhân của sự sợ hãi. Sự phiền muộn kinh niên thường là kết quả của điều này. Vì tâm trí và cơ thể chúng ta có mối quan hệ mật thiết nên sự bất hạnh thường bộc lộ qua một triệu chứng thể lý. Mệt mỏi, đau nửa đầu, đau lưng, dị ứng, rối loạn ăn uống có thể là cách mà cơ thể nói với chúng ta rằng có một số điều mà chúng ta cần thay đổi trong cách sống của mình.

Sự an toàn đích thực không thể mua bằng tiền. Sự an toàn đến từ việc hiểu mình là ai và điều gì là quan trọng đối với chúng ta. Nó đến từ việc tin tưởng vào bản thân trong việc thực hiện những lựa chọn tốt và vẫn sống sót nếu chúng ta có những lựa chọn tồi. Tập trung quá nhiều vào tiền bạc sẽ khiến chúng ta bị mất cân bằng về cảm xúc và tâm linh.

Một phần quan trọng của việc hiểu được những thông điệp về tiền bạc trong quá khứ ảnh hưởng như thế nào đến những hành vi trong hiện tại của chúng ta là xem xét cẩn thận làm thế nào mà chúng ta đặt ngang hàng tiền bạc với sự an toàn. Hãy thử bài tập sau :
Làm thế nào bạn học cách trở nên sợ hãi về vấn đề tiền bạc. Bạn nghe thấy giọng nói của ai khi bạn nghĩ về những nỗi sợ đó ? Người đó đã nói gì ? Viết câu trả lời của bạn.

Thông điệp " tiền = an toàn " quả thực là rất mạnh mẽ. Bằng cách ngắt kết nối giữa hai điều này, chúng ta có thể tiến đến đời sống cân bằng về cả hai mối quan hệ tài chính và mối quan hệ cá nhân. Sự cân bằng này cho phép chúng ta đưa ra những chọn lựa từ vị trí sức mạnh chứ không phải vì sợ hãi. Chúng ta được tự do xem tiền bạc là một công cụ , nếu được sử dụng đúng, đóng góp vào đời sống thể chất, cảm xúc và tinh thần của chúng ta. Khi nhìn từ quan điểm cân bằng thì những mối quan hệ trở thành một lựa chọn hơn là sự sinh tồn cần thiết.

Những nỗi sợ quá mức về việc mất đi sự an toàn tài chính cũng có thể bắt nguồn từ sự lớn lên trong những gia đình mà ở đó tiền bạc được sử dụng như một phương pháp để kiểm soát. " Mọi thứ đều có một thẻ ghi giá tiền : điểm số ở trường, công việc nhà, những hành vi tốt " . Và khi tiền được phát ra thì nó cũng có thể bị lấy đi. Tiền được dùng để trừng phạt và kiểm soát.

***

Tiền bạc = Tình yêu.

" Bạn biết tôi yêu bạn vì tôi mua cho bạn những món đồ." Những món đồ vật chất có một vị trí trong tình yêu. Một món quà không phải là biểu tượng cho tình yêu trong những tình huống lành mạnh , thay vào đó , nó trở thành một sự thay thế cho tình yêu. Một người trưởng thành mang theo niềm tin này sẽ gặp nhiều thách thức trong việc xử lý với tiền bạc và những mối quan hệ. Cô ấy có thể sống phụ thuộc về mặt tài chính vào bố mẹ cô vì số tiền đều đặn cô nhận được đồng nghĩa rằng họ yêu cô. Hoặc cô có thể liên tục yêu cầu nhiều món quà vật chất hơn từ bạn tình để cô có thể tin là mình được yêu thương.

Khi tiền bạc và tình yêu bện vào nhau như vậy, việc đánh mất mối liên hệ tiền bạc với người khác cũng có nghĩa là đánh mất tình yêu của người đó. Niềm tin này tạo ra kết quả là những mối quan hệ phụ thuộc, không lành mạnh với tiền bạc cũng như với người khác.

***

Tiền bạc như một sự nghiện ngập.

Tiền bạc liệu có thực sự đủ khả năng trở thành 1 sự nghiện ngập không ?
Phụ nữ có thể trở nên nghiện theo đuổi và giữ tiền không ?
Câu trả lời cho 2 câu hỏi trên là có.

Sự nghiện ngập xuất hiện khi ai đó có thói quen hiến mình cho một số thứ và không thể từ bỏ nó nếu không có sự cố gắng .Con người trở nên nghiện tiền bạc cũng giống như họ trở nên nghiện thức ăn, rượu hoặc ma tuý.

Nếu chúng ta nghiện một thứ gì đó, cho dù nó là thức ăn, rượu, những mối quan hệ hoặc tiền bạc, tức là chúng ta đã có một mối quan hệ yêu - ghét với nó. Thêm nữa, chúng ta dành một số lượng thời gian bất thường để suy nghĩ làm thế nào đạt được đối tượng mình thèm muốn này. Chúng ta sẽ không hạnh phúc một khi đạt được nó, tuy nhiên, vì đó là bản chất vòng tròn của sự nghiện ngập. Chúng ta đạt được cái mình tìm kiếm, nhưng thay vì dành thời gian tận hưởng nó, chúng ta ngay lập tức phải bắt đầu suy nghĩ làm thế nào lấy được cái tiếp theo. Đây là mô hình của sự nghiện ngập : chúng ta không hạnh phúc khi không có nó, nhưng khi chúng ta lấy được nó chúng ta vẫn không hạnh phúc.

Sigmund Freud nói với chúng ta rằng việc huấn luyện đi vệ sinh từ thời thơ ấu đã ảnh hưởng đến cách thức và lý do tại sao chúng ta tiêu tiền hoặc tiết kiệm tiền.

Những cách mà sự nghiện ngập tiền bạc bộc lộ trong đời sống của chúng ta :

Tiêu tiền bốc đồng ( compulsive Or emotional spending )

Nhìn chung, đàn ông thường tiêu quá mức vào máy tính, xe cộ; trong khi phụ nữ thì chọn quần áo, mỹ phẩm và những vật dụng gia đình.

Tiêu tiền bốc đồng cũng có thể được dùng vì một mục đích vô thức. Các nhà tâm lý trị liệu về hôn nhân và gia đình đã nhận thấy cách thức sử dụng tiền bạc bộc lộ những vấn đề sâu xa trong những mối quan hệ gia đình. Một người vợ không hạnh phúc với hôn nhân của cô ấy và xử lý với sự giận dữ và tổn thương của mình bằng cách mua quần áo mới nhằm trả thù theo một cách tinh tế nhưng rõ ràng. Thường thì trong một mối quan hệ mà ở đó có sự tức giận, tổn thương hoặc sợ hãi nhưng không được thừa nhận, thì việc tiêu tiền quá mức là một cách mà thành viên thụ động bộc lộ qua những hành động những gì mà cô ấy không thể nói bằng lời.

Tiêu tiền tội lỗi ( Guilty spending )
Thái độ này thường bắt nguồn từ những thông điệp thời thơ ấu rằng " Không bao giờ có đủ tiền " . Và bây giờ khi là người trưởng thành, không có niềm vui nào đến từ việc mua sắm những gì chúng ta muốn. Niềm tin về sự khan hiếm làm chúng ta luôn luôn sợ hãi.

Kiểu tiêu tiền tội lỗi là không lành mạnh vì nó không dựa trên thực tế hiện tại mà dựa trên những nỗi sợ trong quá khứ và những thông điệp cũ. Nhiều phụ nữ liên tục vật lộn ngay cả với những khoản tiền nhỏ nhất và lo lắng rằng sẽ không có đủ tiền. Niềm tin " không có đủ tiền " khiến họ bị kiểm soát bởi nỗi sợ và không cho phép họ tự tin rằng họ có thể xử lý với tiền bạc theo cách thức lành mạnh.

Một biến dạng của kiểu tiêu tiền tội lỗi là chúng ta sẵn sàng mua sắm cho người khác ngoại trừ bản thân. ... Bởi vì chúng ta đang tìm kiếm lòng tự trọng từ việc trở nên quan tâm quá mức đến người khác. Nó dựa trên giả định sai lầm rằng " Tôi chỉ có giá trị khi tôi cho ngừoi khác " hoặc " Tôi chỉ có giá trị khi tôi đặt mình sau cùng". Kết cuộc là chúng ta suy kiệt. Vì phớt lờ việc chăm sóc bản thân.

Tránh né sự thân mật.
Một khía cạnh khác của sự nghiện tiền bạc có thể dẫn đến sự né tránh sự thân mật. Khi chúng ta trở nên nghiện tiền thì tiền bạc trở nên quan trọng hơn những mối quan hệ.
Sự ám ảnh với việc kiếm tiền và giữ tiền khiến chúng ta liên tục chuyển động. Chúng ta trở thành những người nghiện việc. Chúng ta tìm kiếm và không bao giờ thấy đủ.
Chúng ta cũng sợ rằng ngừoi khác yêu mình vì tiền chứ không phải vì chính bản thân chúng ta.

***

Tiền bạc và năng lượng.
Liên hệ tiền bạc với năng lượng đem lại cho chúng ta một kiểu sức mạnh mới trong mối quan hệ này. Khi chúng ta trải nghiệm về dòng năng lượng bình thường xuyên suốt cơ thể chúng ta, chúng ta có thể liên hệ đến một dòng tiền xuyên suốt cuộc sống chúng ta. Khi chúng ta tái khái niệm lại về tiền bạc như nguồn năng lượng, nghĩ về tiền theo một cách thức mới, chúng ta có thể tìm thấy những cách thức sáng tạo hơn để tạo ra tiền. Giống như những dạng năng lượng khác, tiền bạc cần phải được luân chuyển. Điều này có nghĩa là chúng ta xem bản thân mình như là một phần của sự phong phú, dồi dào năng lượng trong vũ trụ và chúng ta phải để cho dòng năng lượng đó trôi chảy một cách tự nhiên. Nếu chúng ta cố bám chặt lấy tiền, chúng ta sẽ ngăn chặn dòng chảy năng lượng tự nhiên.

Xem tiền bạc như một phần của dòng năng lượng tự nhiên của vũ trụ cũng có nghĩa là loại bỏ những ý nghĩa mà xã hội gán cho tiền , kiểu như " Tiền bạc bằng quyền lực", " Số tiền một cá nhân sở hữu quyết định giá trị của người đó". Những quan niệm như vậy sẽ bị phá vỡ khi chúng ta hiểu tiền bạc chỉ là một dạng khác của năng lượng.

***
Bản chất tâm linh của tiền bạc.

Quan điểm rằng tiền bạc có một vài mối liên hệ tâm linh dường như không chắc có thực đối với nhiều người. Nhìn chung thì tiền bạc thường được xem là bất cứ cái gì, ngoại trừ tâm linh. Phần lớn chúng ta đã quen với việc liên hệ tiền bạc ở mức độ trần tục. Và tất cả chúng ta đều nhận được những thông điệp về bản chất tiêu cực của tiền bạc và những người có nhiều tiền. Địa hạt tâm linh thường được nghĩ như là một điều gì đó rất khác, tích cực hơn. Nhưng khi chúng ta có thể xem tiền bạc như là một hình thức khác của năng lượng, thì chúng ta có thể phát hiện thấy mặt tâm linh của tiền.

Vấn đề tâm linh thường bị nhiều người nhầm lẫn với tôn giáo. Chúng ta không nói về tôn giáo ở đây, chúng ta đang nói về cái tôi tâm linh ( spiritual self ) của chúng ta mang lại cho ta bản sắc và những mối liên hệ sâu sắc với tất cả những sinh vật khác.

Việc chuyển sang niềm tin ràng tiền bạc có khía cạnh tâm linh sẽ dễ dàng hơn nếu chúng ta nhìn vào mục đích sống của đời mình. Tất cả chúng ta đều có một mục đích sống và chúng ta có lý do để mong đợi là sự giàu có của vũ trụ sẽ có sẵn để hỗ trợ cho mục đích sống của ta. Có phải chúng ta đang nói là vũ trụ muốn tất cả mọi người đều có 1 triệu $ ? Không. Phần lớn chúng ta không cần số tiền nhiều như vậy để sống một cuộc đời đáng sống.

Chấp nhận sự giàu có,

Loại bỏ những niềm tin không đúng là quan trọng vì chúng có thể là nguồn gốc của nhiều sự bất mãn về tiền bạc. Nếu chúng ta tin rằng có đủ tiền để đáp ứng những nhu cầu tâm linh của mọi người thì không có lý do gì chúng ta lại không thể có đủ số tiền mình cần. Chúng ta sẽ không tước đoạt tiền của bất cứ ai vì đã có đủ tiền cho tất cả mọi người.

***

Hãy sử dụng danh sách những câu sau để giúp bạn phân biệt được một mối quan hệ lành mạnh với tiền và một mối quan hệ không lành mạnh với tiền.
- Tôi càng có nhiều tiền, tôi càng cảm thấy an toàn.
- Đối với tôi, tiền chỉ đơn thuần là một phương tiện để đạt được một mục đích. Cảm nhận về sự an toàn của tôi đến từ trong bản thân tôi.
- Tôi hoặc là suy nghĩ về tiền toàn bộ thời gian, hoặc là phớt lờ nó hoàn toàn.
- Những suy nghĩ về tiền của tôi không phải thuộc kiểu tất cả hoặc không tồn tại.
- Tôi càng có nhiều thứ, tôi lại càng muốn nhiều hơn. Vì vậy tôi làm việc để kiếm tiền mua những thứ tôi muốn.
- Tôi có thể tận hưởng những món đồ vật chất , nhưng chúng không phải là những mặt quan trọng nhất trong cuộc đời tôi.
- Tôi càng có nhiều tiền thì tôi càng là một con người có giá trị.
- Tôi có bao nhiêu tiền không có liên quan gì đến cảm nhận về bản thân của tôi.
- Mỗi người trong chúng ta chỉ có một số tiền nhất định, do đó tôi phải bám chặt vào số tiền tôi có.
- Luôn luôn có một dòng tiền trong cuộc sống của tôi, do đó tôi có thể chấp nhận những rủi ro ( về tài chính ) vì tôi biết rằng tất cả sẽ ổn về lâu dài.
- Để cảm thấy tốt về bản thân , tôi mua những kiểu quần áo mà tôi thực sự không thể chi trả, hoặc trả tiền thức ăn ở nhà hàng đắt tiền để gây ấn tượng với bạn bè tôi.
- Tôi thấy thoải mái khi sống trong khả năng kinh tế của tôi, ngay cả khi tôi không có được khoản tiền như những người bạn của tôi.
- Không có người nào biết về mức thu nhập của tôi.
- Khi thích hợp, tôi cảm thấy thoải mái khi thảo luận về tiền bạc với mọi người trong cuộc sống của tôi.
- Tôi lo lắng rất nhiều về tiền bạc, tôi thường bị chìm ngập trong những vấn đề về tiền bạc.
- Tiền chỉ là một công cụ tôi có giúp tôi sống theo cách mình muốn.
- Tôi có một nhu cầu kiếm được nhiều tiền nhất mà tôi có thể, tôi trở thành một người nghiện việc.
- Tôi kiểm soát tiền của tôi. Tiền không kiểm soát tôi.
- Tôi không giỏi khi đưa ra những quyết định về tiền bạc. Tôi sợ mình sẽ có những quyết định sai lầm và tôi trải nghiệm rất nhiều căng thẳng về chuyện tiền bạc. Mối quan hệ của tôi với tiền không có nhiều tiến bộ trong suốt cuộc sống trưởng thành của tôi.
- Tiền bạc trong cuộc sống của tôi, cũng như những mối quan hệ khác của tôi, nó cho phép tôi sống cuộc sống mà tôi lựa chọn.

Khá rõ ràng, những câu thứ hai trong mỗi cặp mô tả về một mối quan hệ lành mạnh hơn với tiền bạc hơn những câu thứ nhất. Bạn có thể nhìn thấy mình ở đâu đó giữa hai niềm tin này. Bằng cách tập trung vào những câu thể hiện mối quan hệ lành mạnh, bạn có thể bắt đầu phát triển một cái nhìn mới về việc bạn muốn có quan hệ với tiền bạc như thế nào.


 
ấu yề!
tiền bạc ko phải là tất cả


----------

tiền bạc ko phải là tất cả
xa hoa cũng chẳng làm bạn vui
tình cảm mới là thứ ngọt bùi
luôn bên ta trong bon chen cuộc sống.
 
×
Quay lại
Top Bottom