Mẹo học nói tiếng Anh tốt !

Newsun

Believe in Good
Thành viên thân thiết
Tham gia
11/11/2008
Bài viết
9.441
Học tiếng Anh đã lâu, vốn từ vựng cũng đã nhiều, nhưng tớ lại không thể nói lưu loát những điều mình đã biết.
Cho đến khi, tớ học thầy. Một thầy giáo bình thường tại một trung tâm bình thường. Chỉ có điều làm cho thầy khác tất cả những giáo viên Anh văn khác mà tớ đã học: Thầy thực sự hết mình vì học trò.

Tớ không phải là một người học tiếng Anh giỏi. Nhưng nhờ những gì thầy chỉ, tớ đã có thể nói lưu loát hơn rất nhiều khi giao tiếp. Không còn những cụm từ “ờ, à…” khi nói nữa. Thay vào đó là những câu nói trôi chảy đến không ngờ.

Hẳn bạn sẽ nghĩ tớ nói xạo, hoặc, tớ đã phải bỏ ra rất nhiều thời gian cho việc luyện nói? Không đâu, thời gian nhiều nhất mà tớ dành cho chính mình chỉ là 20 phút mà thôi. Bạn không tin, hãy thử những quy tắc sau đây mà thầy đã chỉ tớ áp dụng nhé.

1/ Bạn cần 1 tờ giấy và 1 cây viết.
2/ Viết tất cả những gì bạn nghĩ, dĩ nhiên là bằng tiếng Anh. Nên viết đầy trang giấy mà bạn có.
3/ Xé chúng đi.

Hẳn bạn đang rất thắc mắc vì sao ta lại làm những điều kì cục như thế này phải không?

Tớ sẽ giải thích cho bạn nhé:

1/ Vì sao học nói mà lại viết?
Thầy tớ đã bảo rằng bọn tớ có nhiều vốn từ nhưng không tìm từ thích hợp khi nói được, ấy là vì chúng tớ không thực sự nhớ đến những từ vựng ấy. Thế nên, để khắc phục, thầy bảo chúng tớ… viết. Viết, để ghi vào những từ ấy một cách vô thức. Giống như bạn nói nhiều thì bạn sẽ nhớ vậy.
Điều quan trọng khi viết là bạn không nên dừng lại để chỉnh câu, nhớ từ vựng hay ngữ pháp. Bạn cứ viết tất cả những gì mình nghĩ. Giống như khi nói, bạn đâu có thời gian để kiểm tra xem mình nói đúng chính tả hay không. Và tốt hơn, bạn nên vừa nói vừa viết, điều này sẽ giúp bạn quen cả với cách phát âm.

2/ Viết gì?
Tất tần tật những gì bạn thích. Giống như khi bạn nói chuyện với bạn bè hay viết blog mà thôi. Nghĩ đến cái gì, bạn viết ra cái ấy. Đừng lo về nội dung. Thậm chí bạn có viết rằng bạn sẽ kết hôn với… David Beckham thì cũng đừng ngại ngùng. Tớ sẽ bật mí với bạn sau vì sao bạn chẳng cần phải e dè. Tốt nhất bạn nên sử dụng những từ mới học, hoặc mới biết trong ngày. Nhớ là viết xong rồi mới kiểm tra lại nhé.

3/ Tại sao viết xong lại xé đi?
Khi bạn nói, trở ngại lớn nhất là bạn… mắc cỡ. Bạn sợ mình nói sai, hoặc những gì bạn nói ra thật buồn cười. Khi bạn viết trong tờ giấy, bạn biết rằng sau khi xé chúng đi, sẽ chẳng ai biết bạn viết điều gì trong ấy cả. Thật thoải mái phải không.
Nếu bạn đang cảm thấy điều này thật mới mẻ và có vẻ hợp lí, thì tại sao, không lấy ra một tờ giấy và cây viết ngay nhỉ?

Ai bảo học nói tiếng Anh là dễ!
BÀN VỀ LUYỆN NÓI TIẾNG ANH
TẠI SAO NGƯỜI VIỆT NÓI TIẾNG ANH KHÔNG HAY?


Có lần nghe đâu đó câu hỏi “Vì sao dân Việt mình nói tiếng Anh không hay, rất khô?” (1) tôi cũng muốn bình loạn đôi chút về vấn đề này. Một mặt, bảo dân mình nói tiếng Anh nghe củ chuối quá, sai, vì vẫn còn ổn và dễ nghe hơn khối dòng tiếng Anh như Anh-Tàu, Anh-Thái, Anh-Trung Đông, Anh-Ấn, Anh-Phi… Nhưng mặt khác, bảo dân mình nói tiếng Anh hay thì cũng sai luôn, nghe ngang phè, chỉ được cái dễ nghe.

Tiếng Việt cơ bản là âm đơn, đặc biệt giọng Bắc khá thuần, không có các giọng nặng và âm tiết đặc trưng (accent), nên học các ngoại ngữ khác không bị ảnh hưởng nhiều về accent. Tuy nhiên, tiếng Việt nói không có trọng âm và ngữ điệu (vì đã có đủ 5 thanh rồi, ngữ điệu làm gì nữa), nên học các tiếng của châu Âu thường cũng nói ngang ngang và đều đều như tiếng Việt, nhưng cũng nhờ thế mà dễ nghe (nếu nói chậm và rõ từng chữ).

Tuy nhiên, tìm hiểu nguyên nhân về mặt môi trường như trên cũng chả được gì vì “trời sinh ra thế”. Tôi xin đưa ra một số kinh nghiệm bản thân trong khi luyện giọng nói.

Làm gì, người ta cũng dễ mắc một số điểm vướng mắc dẫn đến sai lầm (pitfalls), khiến việc thực hiện khó thành công theo ý muốn. Nói tiếng Anh cũng không là ngoại lệ. Trước hết, có những điểm dễ mắc cần tránh khi học nói tiếng Anh như sau:

1. “Ếch ngồi đáy giếng”
Người ta thường khá thiển cận nếu chưa đi sâu vào một vấn đề nhất định, đặc biệt khi mới bắt đầu học hay tập luyện một cái gì đó. Sự thiển cẩn “ếch ngồi đáy giếng” này dẫn đến các hệ quả là:

a. Đặt mục tiêu không cao
Trước khi làm gì ta cũng phải đặt ra mục tiêu rõ ràng để giúp cho việc thực hiện có định hướng (người phương Tây gọi đó là phương pháp Backcasting). Nhưng thông thường khi người ta kém (do mới bắt đầu học) nên hay bị mắc bệnh “ếch ngồi đáy giếng”, không biết thế nào mới là đạt yêu cầu, chưa nói thế nào mới là giỏi thì gần như không có khái niệm. Khi người ta mới học tiếng Anh, nếu thấy một người nói chuyện được với người nước ngoài đã thấy là kinh lắm, và chỉ mong được như thế là thoả mãn lắm rồi. Rồi khi bắt đầu tậm toẹ có chút căn bản, thì lại thần tượng những người “phun tiếng Anh như gió” (bất luận họ nói đúng hay sai).

Thông thường, người Việt mình cũng chỉ đặt mục tiêu đến thế là hết, nên khi đã nói tiếng Anh được lưu loát, “như gió”, thì thường tự thoả mãn mình mà không cố gắng trau dồi, nâng cấp nó lên nữa. Đặc biệt những người học chuyên về tiếng Anh ở các trường Ngoại Ngữ, hay hơn nữa là người được đi nước ngoài thì càng coi thường, vì nghĩ rằng mình có điều kiện và môi trường như thế, thể nào mà chả giỏi tiếng Anh nói chung và nói tiếng Anh nói riêng. Với một suy nghĩ “ấu trĩ” dường vậy, nên tỉ lệ những người giỏi tiếng Anh cũng như nói tiếng Anh hay ở người Việt là rất khiêm tốn, không ngoại lệ những người có điều kiện đi học bằng tiếng Anh, kể cả Việt Kiều.

Vì vậy, để có thể đạt một kết quả cao trong học tiếng Anh lẫn nói tiếng Anh, ta cần phải đặt mục tiêu rất cao. Riêng về chuyện nói, thì ta phải lấy mức trần là các chính khách Mỹ hay Anh (những người có tài hùng biện) để mà phấn đấu. Điều này không hẳn có nghĩa là ta sẽ phải nói hay được như họ, tất nhiên về lý thuyết, chừng nào chưa nói được như họ, nghĩa là ta vẫn có thể phải cố gắng luyện tập tiếp. Tuy nhiên, vì thường con người hiếm ai có thể đạt 100% mục tiêu cả, thường là một số % nhất định nào đó, nếu ta đặt mục tiêu thấp tè, thì dù đạt 99% cũng chả thể bằng đặt mục tiêu cao chót vót nhưng đạt độ 50% thôi.

Trong trường hợp này cũng thế, nếu ta đặt mục tiêu chỉ là nói lưu loát, thì có khi ta chỉ đạt gần được mức ấy, nghĩa là chưa có gì là ghê gớm cả, nghe vẫn có thể “khô” như thường. Nhưng nếu đặt mục tiêu là Bill Clinton, thì chí ít không nói hay bằng ông ta (mà nói hay bằng thế quái nào được con người tài năng hùng biện thế) thì cũng phải nói hay chả kém gì, hay thậm chí hay hơn cả người bản ngữ bình thường. Phải làm cho người bản ngữ phải ngạc nhiên khi ta vừa cất lên một câu nói, thế mới tạm coi là nói tiếng Anh khá. Giống người Việt ta thôi, khi nghe người nước ngoài nói một thứ tiếng Việt chuẩn xác, ta cũng chả trầm trồ bỏ bố đi chứ, nhỉ?

b. Tinh tướng ăn khoai nướng
Người ta khi đạt được một cái gì trong mắt nguời khác thì thường bị tật tự mãn, tự kiêu mà dân gian gọi là tinh tướng hay tinh vi. Chính vì thế, họ càng thích thể hiện, mà càng thích thể hiện thì tâm hồn càng bất an, càng dễ mắc tật loi choi mà không nói cho chuẩn theo ý mình được. Hơn nữa, vì tinh tướng, nên họ không biết mình, cứ nghĩ là mình giỏi lắm, vì thế càng không thể phát hiện cái sai, cái kém của mình để mà phấn đấu tiếp.

Tôi quen một số người, đều có khả năng nói tiếng Anh lưu loát trước đông người, nhưng vì họ nghĩ rằng mình thế là quá kinh (so với người ở Việt Nam) rồi, nên chả nhìn lên, chỉ nhìn xuống, mãi mà vẫn chỉ ở một mức đủ cho dân Việt lác mắt, nhưng dân Tây thì e rằng… Có lẽ mỗi người phải có lúc „ngộ” ra, hiểu được thế nào mới là mức giỏi thực sự, và từ đó thấy rõ ràng cái yếu kém của mình, nhận ra rằng con đường đi đến chỗ tối ưu còn gian nan lắm, thì mới có thể tiếp tục vươn lên được.

2. Hấp tấp “ăn cám hấp” (2)
Người Việt (mà cả người nước khác nữa) khi học nói thường có xu hướng thích nói nhanh, chắc do ảnh hưởng bởi những quan điểm như “thằng/con đấy nói tiếng Anh như gió” và suy ra nó giỏi tiếng Anh. Bên cạnh đó, nói nhanh bao giờ cũng dễ hơn, vì nói vo được, lấp liếm đi các chỗ sai. Nguyên tắc của một môn gì đó, chẳng hạn trong thể thao, đi nhanh đã khó, nhưng đi chậm mà chuẩn còn khó hơn.

Ví dụ bạn nào đã chơi trượt tuyết, trượt băng sẽ thấy để đi chậm và đúng kĩ thuật không phải chuyện đơn giản. Những người tập thể thao không bài bản, thường cố chơi với tốc độ nhanh khi bắt đầu vào guồng, vì làm nhanh sẽ dễ dẫn đến trạng thái “xung cơ” (phấn khích) mà vào tay nhanh, rồi dần dần khi hoàn thiện trình độ mới điềm đạm dần; còn theo hệ thống tập huấn chuyên nghiệp, người tập bao giờ cũng bắt đầu một cách chậm rãi nhưng đúng kỹ thuật.

Trong tiếng Anh cũng vậy. Nếu bạn nào đang có thói quen tự nhiên nói “như gió”, hay thử nói thật chậm rãi thử xem, sẽ thấy rất khó, và phát hiện ra mình có nhiều cái sai thú vị phết đấy. Hãy đi từ từ và chắc chắn, thà chậm mà đúng còn hơn nhanh mà sai.

3. Dục tốc bất đạt
Thiếu kiên trì hay “dục tốc bất đạt” là cố tật của con người. Trên đã bàn về hấp tấp trong khi nói, nay lại là chuyện muôn thuở, hấp tấp vội vàng đốt cháy giai đoạn trong quá trình luyện tiếng. Bản thân tôi chập chững tự học tiếng Anh từ cuối cấp 1 bằng một cuốn sách tự học tiếng Anh, liên tục tự học không qua một trường lớp chính thức nào (trừ môn tiếng Anh dở hơi biết bơi được ném vào Phổ thông và Đại học) cho đến khi học xong đại học, đã từng present 3h liên tục trước hàng chục giáo sư với sinh viên Canada trong một dự án hợp tác và được họ đánh giá không đến nỗi. Vậy mà cho mãi đến 3 năm trước đây mới phát hiện ra mình nói không chuẩn rất nhiều chỗ, chứ chưa kể đến chuyện nói hay. Sau đó, tôi phải mất hơn nửa năm trời để luyện nói, mỗi ngày bỏ ra ít thì 5 phút, nhiều thì nửa giờ để đọc ít thì 3 câu, nhiều thì một vài trang tiếng Anh, để có thể điều chỉnh toàn bộ giọng nói lẫn “Từ vựng nói” của mình.

Sau đó, tôi vẫn luôn có ý thức trau dồi khả năng nói của mình mọi lúc mọi nơi tuy không mang tính cấp tốc (intensive training) như vậy nữa, để được một giọng nói cũng không đến nỗi quá tự ti khi ra gặp bạn bè quốc tế. Tuy vậy, vẫn còn nhiều điều phải phấn đấu nữa lắm.

* *
*
Trên đây là 3 điểm cơ bản thuộc về nhận thức và thái độ, làm cản trở việc luyện nói tiếng Anh cho chuẩn và hay. Ngoài ra còn có nhiều đặc điểm nhỏ khác, các bạn có thể tự phát hiện thêm. Tôi xin tạm dừng vấn đề này ở đây.

Những nguyên nhân này tôi nêu ra để làm điểm khởi động cho ý đồ chính của tôi là chia sẻ với các bạn kinh nghiệm tự luyện giọng nói tiếng Anh của mình, hay đúng ra là thay máu vốn từ nói và luyện giọng nói chưa chuẩn của mình.

CHIẾN THUẬT TỪNG BƯỚC LUYỆN GIỌNG NÓI

1. Luyện từ
Cái lớn bắt đầu từ cái nhỏ. Muốn nói cả câu chuẩn thì phải nói từng từ chuẩn. Sẽ có người cười khẩy, từ thì làm sao mà sai được. Vừa rồi, có người bạn của tôi đi học một lớp luyện nói, ông thầy có cho cả lớp đọc một câu rất đơn giản, ví dụ “ecological thinking and ecology protection should go together”. Bạn tôi chắc mẩm làm sao mình có thể đọc sai một câu nói đơn giản đến nhường vậy. Nhưng nhầm to, vẫn sai như thường, các bạn tự phát hiện cái sai dễ mắc ở đây là gì nhé.

Khi luyện từ cần chú ý các điểm sau:

a. Phát âm: (hay âm đọc, không tính trọng âm) tiếng Anh là thứ tiếng không có quy tắc, nhưng cái không có quy tắc của nó cũng lại có quy tắc, mà cái sự quy tắc ấy cũng lại chẳng có quy tắc gì. Để phát âm đúng từng từ, ta vừa phải học thuộc, vừa phải liên tục tư duy để phát hiện và ghi nhớ các quy tắc ẩn dấu của nó. Một vốn từ vựng được coi là tối thiểu đủ dùng là 5000, thì công việc của các bạn không phải là nhỏ đâu, tôi nghĩ rằng bạn sẽ phải nhớ tối thiểu cả ngàn trường hợp khác nhau. Từ những cái bất quy tắc thông thường như doubt (dawt), debt (det) cho đến những thứ quái thai như bury (‘be:ri) thì ta không có cách nào khác là học vẹt.

b. Trọng âm: cái này mới gọi là khoai. Sai về phát âm thì còn châm trước được, vì tiếng Anh địa phương thường không đáp ứng được nhu cầu này, chẳng hạn tiếng Anh-Latin, họ đọc chả khác gì tiếng Tây Ban Nha. Nhưng trọng âm thì phải tuyệt đối chú ý. Bạn có thể phát âm sai, thậm chí sai toét, nhưng nếu đúng trọng âm thì người nghe vẫn nắm bắt ngon. Chắc là mọi người đều biết, tiếng Anh cũng như một số ngôn ngữ phương Tây, người ta nghe trọng âm là chính. Nếu nói đúng trọng âm, thì dù có nói nhỏ, hay bị nhiễu (như nghe qua đường điện thoại rè, hay trong lúc ồn ào…) người nghe vẫn có thể đoán ra được ý mình định nói.

Một lần nữa, luyện trọng âm từ phải luyện word by word, nghĩa là từng từ một, và với 5000 từ vựng thì công việc của các bạn không phải là nhỏ. Tuy nhiên quy tắc trọng âm thì có đỡ hầm bà làng hơn.

Theo tôi, phải mất 3 tháng chú ý rèn luyện hàng ngày, thì bạn mới có thể thay máu, hay ít ra hiệu đính được cách phát âm cho cái vốn từ vựng chắc chắn không phải là nhỏ của các bạn.
* *
*
Một số lỗi trọng âm và phát âm thường gặp:

Nào hãy bắt tay vào để kiểm tra vốn từ nói (speaking vocabulary) của mình xem. Hãy khư khư bên mình cuốn từ điển, và check cách đọc của mình với một vài từ phổ thông, rồi nhìn vào phần phiên âm, xem các bạn phát âm và nhấn trọng âm đúng đến cỡ nào. Các bạn đã phát hiện ra chỗ dễ sai của cái câu ví dụ trên kia chưa? Có rất nhiều điểm có thể sai khi phát âm và nhấn trọng âm, nhưng có những lỗi cơ bản thường mắc như sau:

a. Đọc như nhau khi biến trạng thái từ
Mọi người khi học nói một cách tự phát thường đọc tính từ, danh từ, động từ (hay biến “thì”) với cùng một kiểu cho nó dễ (chưa nói những người có cơ bản yếu còn không phân biệt được đâu là tính, danh, động).

Nhưng chúng thường biến khác so với nhau trong cách viết, và từ đó, phát âm lẫn trọng âm cũng khác nhau. Hãy dùng từ điển để tra các cặp từ sau kể về trọng âm lẫn phát âm: export(n)-export (v); technology-technological; economy-economic; photograph-photography, conservation-conservative….

Nào các bạn đã thấy mình không ổn chưa. Những bạn nào mà không sai những từ này là cũng đã là rất tốt rồi, có cơ bản về phát âm.

Bạn nào mà sai nhiều, thì phải rất chú trọng, bạn đã cảm thấy con đường để nói chuẩn (chưa nói là hay) cũng không hề dễ dàng, đấy là một nguyên nhân cơ bản tại sao người Việt nói sai nhiều.

Có rất nhiều nguyên tắc để nhớ trọng âm cũng như phát âm, tôi không muốn nói ngay ra đây, vì cũng mất thời gian, nhưng quan trọng là tôi muốn các bạn tự tìm hiểu trong quá trình thay máu vốn từ của mình.

b. Thiếu trọng âm phụ
Trong một từ dài 3-4 âm tiết trở lên, thường có trên 1 trọng âm. Ngoài trọng âm chính (biểu diễn bởi dấu phảy phía trên đầu, trước trọng âm) còn có trọng âm phụ (biểu diễn bởi dấu phảy phía dưới chân, trước trọng âm). Ví dụ environmental (in,vairơn’mentl). Các bạn cần phải đọc rõ cả trọng âm phụ này, còn các âm còn lại có thể nuốt đi. Quy tắc thông thường đối với trọng âm phụ là luôn đứng cách trọng âm chính một âm (trước hoặc sau).

c. Trọng âm nhấn chưa đủ độ
Các bạn đã ít sai trọng âm từ vẫn thường mắc lỗi này. Để nói được hay, thì trọng âm chính cần phải có âm lượng gấp 2-2.5 lần âm thường, và có độ dài cũng tương tự, còn đối với trọng âm phụ thì cũng phải 1.5-2 lần. Nhiều khi các âm không phải trọng âm có thể nuốt (đọc rất nhỏ trong cổ họng), nhưng phải nhấn các trọng âm rất rõ, rất to và dài (chưa nói là còn phải luyến nữa). Tóm lại là phải đủ đô!

Còn nhiều lỗi nữa, các bạn có ý kiến đóng góp thêm cho phong phú.

2. Luyện ngữ và câu (phrases and sentences)
Ngay từ khi bắt đầu thay máu vốn từ vựng, bạn có thể bắt đầu vào luyện nói các ngữ và câu ngay. Tôi gọi Ngữ, hay ngữ nói, ở đây có nghĩa là các cụm từ trong một câu mà khi nói cần phải nói liên tiếp. Ngữ nói có thể giống, có thể khác với Ngữ thông thường trong ngữ pháp. Vì vậy, Ngữ ở đây có thể gọi là nhịp. Trong một câu có thể phân ra nhiều ngữ. (Chú ý đây là khái niệm của riêng tôi đặt ra để tiện gọi, không có tính kinh viện, quy tắc trên thực tế). Ví dụ một câu nói thông thường như như sau:

Being informed that the examination result is ready, I want to go to school right now.(3)
Nếu các bạn phải đọc chậm rãi, thì thông thường các bạn chỉ giảm tốc độ đọc đi (như kiểu quay chậm), đối với từng từ, từng từ một kiểu:
Being… informed… that… the… examination… result… is… ready…, I …want… to… go… to… school… right… now.

Nhưng trên thực tế, người ta chỉ giảm tốc độ đọc các từ đơn đi đôi chút, còn lại để đọc chậm rãi, ta nên phân câu ra thành các ngữ có nhịp ngắn 2-4 từ như sau:
Being informed/ that the examination result/ is ready, I want /to go to school/ right now.
Sau khi đã phân đoạn như vậy, việc đọc chậm sẽ chủ yếu được thực hiện nhờ việc ngắt nghỉ giữa các Ngữ. Vì vậy, muốn đọc chậm rãi bao nhiêu, ta chỉ việc nghỉ dài tương đương bấy nhiêu giữa các ngữ, chứ không hề phải đọc ê a kéo dài từng chữ như thông thường trong tiếng Việt. Câu trên sẽ được nói chậm rãi theo phong cách sau:
Being informed……… that the examination result……… is ready,……… I want ……..to go to school ……..right now.

Tại sao phải nghỉ, nói chung là để ta có thời gian nghĩ sẽ nói tiếp cái gì (như các cụ thường dạy “uốn lưỡi bẩy lần trước khi nói”). Còn trong tập nói, thì đơn giản là để ta có thời gian chuẩn bị cho việc nói tiếp các ngữ tiếp theo. Việc ngắt nghỉ này giúp ta khoan thai, tránh hấp tấp, tránh việc bị nói dồn dập mà vấp váp, khô khan. Các bạn cứ thử xem, sẽ thấy ngay mình nói chậm khá dễ dàng, và có vẻ khá hay. Hì hì, thực ra nếu các bạn để ý nghe CNN, BBC, sẽ thấy các chính khách (Bill, Bush chẳng hạn) đều nói khá chậm rãi theo phong cách này. Các ông này thường ngắt nghỉ rất hợp lý trong câu nói, có khi nghỉ khá lâu mặc dù tốc độ trong một ngữ cũng không chậm hơn bình thường là mấy. Việc ngắt nghỉ này khiến câu nói trở nên có NGỮ, có nhịp.

Một điều chú ý nữa trong câu ví dụ trên, là ngoài ngắt nhịp, thì các trọng âm cũng cần được nhấn mạnh và DÀI hơn các âm khác. Trong số các trọng âm đó, lại có các trọng âm được nhấn bật lên so với các trọng âm khác. Ta gọi đó là các trọng âm câu. Trọng âm câu là trọng âm của các từ quan trọng đa âm tiết hay chính là từ quan trọng đơn âm tiết.

Câu trên thông thường sẽ phải nói như sau:
Being info…rmed……… that the e..xamina….tion resu..lt……… is re….ady,………… I wa….nt ……..to g..o to scho….ol ……..right no…w. (độ dài chấm biểu hiện độ dài tương đối)

Trong câu trên, các từ quan trọng là examin(a)tion, w(a)nt, sch(oo)l, n(ow), vì nó mang lại thông tin chính cho câu. Việc chọn trọng âm câu thực ra tuỳ theo mỗi người nói và tuỳ vào văn cảnh mà ta nên nhấn vào các âm tiết khác nhau. Việc nhấn trọng âm từ và trọng âm câu đủ đô, là một yếu tố quan trọng giúp ta nói không bị như súng bắn, khiến tốc độ trong một ngữ cũng đã giảm đáng kể. Đây là Điệu để mà tạo thành cái gọi là NGỮ ĐIỆU nói.

Nào, giờ là lúc thực hành, các bạn hãy kiếm ngay một trang tiếng Anh nào đó mà bạn cho là phù hợp và cầm sẵn cây bút chì. Trước hết đọc lướt qua rồi dùng bút chì ngắt nhịp câu, đồng thời gạch chân các trọng âm câu. Sau đó là luyện đọc, với các yêu cầu sau:

- Thong thả nói chung
- To và rõ ràng
- Nhấn trọng âm từ (1.5-2 lần dài và to hơn bình thường)
- Nhấn trọng âm câu (2-2.5 lần so với bình thường)
- Nghỉ giữa các ngữ (tuỳ vào mỗi người, thông thường là không dưới 1/3-1/2 giây)
- Dần dần nuốt các âm tiết không quan trọng như các quán từ (a, an, the); các giới từ (to, in, on, up… trừ khi ta muốn nhấn mạnh các quán từ này); và các âm không phải trọng âm trong từ đa âm tiết. Kỹ thuật nuốt âm là đọc nhỏ và lướt nhanh, gần như không để âm thoát ra khỏi cuống họng.

Luyện hát (nhất là những bài hát có lời nhanh thể loại Pop Rock) là một cách rất tốt để luyện nuốt âm, từ đó bổ trợ cho luyện trọng âm (vì khi các âm thường bị nuốt thì những âm còn lại sẽ phải là trọng âm). Tuy nhiên, cũng phải lưu ý, không những nhịp điệu hát khác với nhịp điệu nói, mà đôi khi các âm còn bị thay đổi so với bình thường để phù hợp với bài hát (ví dụ, các quán từ đáng nhẽ phải đọc lướt thì trong bài hát thỉnh thoảng vẫn được nhấn dài để đáp ứng các giai điệu). (4)

Chiến thuật luyện đọc là:

- Luyện từng từ: đọc từng từ một cho chuẩn rồi mới luyện đọc cả ngữ (dùng từ điển để tra phát âm và trọng âm)
-Luyện từng ngữ: đọc từng ngữ một cho chuẩn một (vài) lượt rồi mới đọc cả câu.
-Luyện từng câu: Đọc từng câu một cho chuẩn rồi mới đọc cả đoạn.

Vạn sự khởi đầu nan, các bạn cần rất kiên trì và cẩn thận trong giai đoạn bắt đầu này, nó có thể mất 1-2 tuần hay hơn để quen với việc ngắt nghỉ, nhấn trọng âm cho đúng (thời gian này tuỳ vào mỗi người cảm thấy là đủ chưa, dù chả có gì là đủ cả). Sau khi đã thành thói quen, thì việc học nói nhờ đọc diễn cảm này sẽ thông suốt hơn. Lúc ấy, bạn có thể bắt đầu việc học nói nhờ đọc trực tiếp các đoạn tiếng Anh dài mà không cần phải bắt đầu từng ngữ từng câu nữa.

Tuy nhiên, việc luyện từng từ thì vẫn phải tiếp tục, cho đến khi bạn nhớ trọng âm và phát âm của cả vốn từ vựng của bạn. Cần luôn lăm lăm quyển từ điển, đọc từ nào không chắc phát âm và trọng âm là phải tra ngay, và luôn có ý thức rút ra quy tắc và kinh nghiệm.

Hãy ghi nhớ, luyện tập một cách chuyên nghiệp và bài bản bao giờ cũng có vẻ nhàm chán trong giai đoạn đầu, chỉ luyện đi luyện lại từng kỹ năng nhỏ, một động tác nhỏ, ở đây là các từ, các ngữ, các câu. Nếu các bạn đã có thời gian chơi thể thao một cách bài bản như bóng bàn, cầu lông, bóng đá… hay xem người ta tập, sẽ hiểu rõ hơn sự đầy ải khi học nói này. Phải kiên trì và có ý thức. Chả còn cách nào khác.

Ngoài ra, bạn cần tham khảo cách nói của ng bản ngữ bằng cách nghe các cuộc diễn thuyết, phát biểu trên TV (tốt hơn là bản tin, vì bản tin là dạng official speaking, việc nhấn và ngắt nghỉ ở cấp độ bình thường), đặc biệt là các chính khách Mỹ, vì ng Anh thường nói như súng bắn (Tony Blair là một ví dụ, ông ta nói tương đối nhanh so với các chính khách Mỹ). Việc tham khảo này sẽ giúp bạn so sánh và điều chỉnh cách đọc của mình. Nghiên cứu khoa học còn phải tham khảo rất nhiều tài liệu, nữa là học nói, nhỉ!!!

ĐỂ CÓ MỘT GIỌNG NÓI HAY

Nếu đọc chuẩn được phát âm, nhấn đúng và đủ trọng âm từ và trọng âm câu, đồng thời ngắt nghỉ hợp lý thì đã có thể nói là khá tốt rồi, gọi là nói có Ngữ điệu. Tuy nhiên, lúc này vẫn chưa thể gọi là nói hay (beautifully) được mà mới chỉ có thể gọi là nói lưu loát (fluently). Bạn nên nhớ rằng ngay cả người bản ngữ cũng không đồng nghĩa với việc nói hay. Ví dụ người Việt chúng ta, không phải ai cũng nói một thứ tiếng Việt hay và đẹp, dễ đi vào lòng người.

Bởi vậy, để nói hay, ai cũng phải luyện tập cả, không phân biệt người bản ngữ hay người nước ngoài (tất nhiên là người bản ngữ có thuận lợi rất lớn không thể phủ nhận). Một ví dụ điển hình là tổng thống Bush, nếu ai để ý thời sự có thể thấy ông ta càng ngày càng luyện được giọng nói hay hơn, nếu so với thời còn đang tranh cử thì quả là khác biệt rất nhiều. Tuy nhiên, để so với Bill thì còn phải phấn đấu nhiều, vì với Bill nói hay đã như là một bẩm sinh (nhưng cũng không có nghĩa là ông ta không phải tập nói). Ngoài ra, các bạn có thể thấy những người phát thanh viên trên TV đều phải qua các lớp tập nói nhằm thi vào đài truyền hình.

* *
*

Ngoài các yếu tố cơ bản đã trình bày ở các phần trước, nói được hay còn cần một yếu tố quan trọng là Giai Điệu (melody). Giai điệu cũng có thể chia ra 2 loại:

1. Giai điệu của từ
Hay đúng ra là giai điệu của trọng âm (của từ đa âm tiết và âm của từ đơn âm tiết). Không chỉ đơn thuần nhấn dài và mạnh cho đủ đô đối với trọng âm của từ, mà ta còn phải Luyến nữa. Bởi vì trọng âm thường kéo dài gấp đôi gấp rưỡi các âm khác, nên nếu ta chỉ kéo dài nó ra và đọc to nó lên một cách chân phương nghe sẽ rất đơn điệu (khác với tiếng Việt có 5 thanh, cứ đọc ra đã có giai điệu rồi).

Để giải quyết vấn đề này, người ta phải luyến các trọng âm sao cho nghe thật sinh động. Có rất nhiều phong cách luyến tùy theo vùng ngôn ngữ, nhưng 3 vùng đặc trưng là Anh, Mỹ và Úc, chúng có các tính chất khá riêng biệt trên cùng một cơ sở chung. Trong đó, Anh-Mỹ có vẻ có phong cách luyến nghe ngọt hơn cả.

Việc luyến như thế nào cho đúng rất khó nói qua bài viết, hơn nữa còn tuỳ vào bạn thích luyến theo kiểu gì, chứ bạn bảo hãy luyến theo kiểu Thổ Nhĩ Kỳ thì ba đầu sáu tay tôi cũng chịu. Tuy nhiên, về cơ bản, việc luyến trọng âm khá giống với thanh NGÃ (~) trong tiếng Việt, khi kéo dài ra và đọc trầm bổng một cách rõ ràng hơn. Nghĩa là đầu tiên bạn thổi âm cho vồng lên rồi lại đè xuống, và kết thúc hơi lên một chút. (đồ thị cường độ âm tương tự như hình dấu ~). Nhưng hãy chú ý là nếu đọc khan như dấu Ngã của tiếng Việt (cụt lủn), thì chả bao giờ bạn đọc đúng cả, phải nhấn đủ đô (dài và mạnh).

Về lý thuyết là thế, nhưng để cho nhanh, các bạn nên tham khảo ngay trên TV, radio hay nghe người bản ngữ nói để tập theo (bản ngữ ở đây là các nước nói tiếng Anh chính thống).

2. Giai điệu của câu
Tương tự, trong câu có các trọng âm câu thì tương ứng cũng phải có giai điệu của câu. Cái này khó có thể miêu tả ở đây. Tôi chỉ muốn lưu ý các bạn về vấn đề này. Đây là điểm cứu cánh, tính chất quyết định cuối cùng đến một giọng nói hay.

Về nguyên tắc, câu nói phải lên bổng xuống trầm với các mốc của nó là các Trọng Âm Câu (xem phía trên). Các trọng âm câu không chỉ phải luyến nuột và rõ hơn các trọng âm thường một cách đơn thuần, mà nó còn phải có vai trò lãnh xướng (lead) các âm tiết quanh nó. Nghĩa là trước và sau khi luyến trọng âm câu, thì các âm tiết quanh nó cũng phải có một sự hậu thuẫn làm nền như thế nào đó…

* *
*

CÁC PHONG CÁCH NÓI TRONG TIẾNG ANH PHỔ THÔNG

Sau khi đã luyện được giọng nói có giai điệu, luyến liếc ngon lành, bạn có thể bước vào giai đoạn luyện nói thực sự hay luyện nói thực hành (practical speaking). Lúc này, bạn có thế coi có xuất phát điểm tương đương với người một bản ngữ thông thường. Thách thức của bạn bây giờ là nói phải hay, phải hấp dẫn người nghe, thậm chí hấp dẫn cả người bản ngữ.

Cũng như các ngôn ngữ khác, tiếng Anh có rất nhiều phong cách nói . Nếu các bạn không phân biệt được các phong cách trong các tình huống khác nhau, cứ bê nguyên một kiểu giọng mọi lúc mọi nơi thì dễ mắc phải tật ăn nói lộp bộp như gà mắc tóc. Nói chuyện phiếm ở quán nước phải khác với tranh luận trong cuộc họp, phát biểu phải khác với đọc bản tin…

Có rất nhiều phong cách, nhưng tôi tạm chia ra các phong cách chính như sau:
1. Giọng nói chuyện thông thường
Đây là phong cách phổ thông nhất mà ai cũng dùng hàng ngay khi trò chuyện. Chính vì thế, nó cũng không có quy tắc gì cả, ai thích nói kiểu gì thì nói, trầm bổng, đều đều, nhỏ to đều ok cả. Nhưng vì trò chuyện thường dài, phải nói nhiều nên người ta hay nói nhanh, chú ý tới trọng âm nhưng ít luyến, đồng thời nuốt âm tiết phụ rất nhiều. Các bạn có thể tham khảo trong cuộc sống hàng ngày, đặc biệt là trên điện ảnh (cái mà ng ta vẫn nói là “Phim Mỹ nghe khó bỏ cụ”).

2. Giọng đọc bản tin, báo cáo
Đọc bản tin, báo cáo hay các loại hình tương tự đã bắt đầu phải có tình hình thức (formal) rồi. Người đọc bản tin có thể nói nhanh chậm tuỳ ý (các phóng viên và phát thanh viên của BBC, CNN thường đọc bản tin hay báo cáo khá nhanh, đặc biệt là tin nóng). Nhưng một yêu cầu quan trọng là phải rõ ràng, mạch lạc (vì đối tượng nghe là quần chúng) và trung tính, nghĩa là không nên đặt cảm xúc cá nhân vào câu nói (vì bản chất thông tin là phải khách quan).

3. Giọng đọc chương trình khoa học, phóng sự
Giọng đọc các chương trình kiểu phóng sự, khoa học thường thức… có yêu cầu cao hơn giọng bản tin. Nó có các tiêu chí sau:
- Rõ ràng mạch lạc (dĩ nhiên)
- Khoan thai (để người nghe còn có thời gian nắm những thông tin, nhất là thông tin khoa học)
- Mềm mại với một chút truyền cảm tương đối (nhằm mục đích lôi cuốn người nghe vào các thông tin thường là mới, chứ không phải đưa cảm xúc hay ý đồ cá nhân vào)

4. Giọng hùng biện
Đây là cấp khó nhất trong việc nói. Ngay chuyện nói trước công chúng đã không phải là việc dễ, nhất là với người Việt hay xấu hổ. Từ phát biểu, đọc diễn văn, đến diễn thuyết hay trình bày (present) hoặc nghị/tranh luận (luật sư chẳng hạn) trước đám đông đòi hỏi nhiều kĩ năng kết hợp, một trong đó là giọng nói hấp dẫn. Cái này là kết quả của năng khiếu cộng với luyện tập kiên trì. Nếu bạn là người không có khiếu hùng biện, thì hãy cần cù bù thông minh. Ngày trước có chuyện về một người hồi bé nói không ra hơi, về sau nhờ hàng ngày ngậm sỏi đứng nói át tiếng sóng biển mà trở thành nhà hùng biện nổi tiếng.

Ngoài các yêu cầu mạch lạc và rõ ràng, để luyện phong cách rất xương này ngoài còn phải rất lưu ý các điểm sau:

- Tốc độ: có thể lúc nhanh dồn dập, lúc khoan thai điềm đạm nhấn từng chữ tuỳ vào ý người muốn trình bày. Đặc biệt trọng âm câu phải rất chú trọng vì nó nêu bật ý người nói. Bình thường ta có thể nói với tốc độ trung bình, nhưng đến các từ khoá hay ngữ khoá, ta phải chậm lại, nhấn mạnh và rõ.
- Âm lượng: lúc trầm lúc bổng có kiểm soát, đặc biệt chú ý thổi âm và luyến vồng ở các trọng âm câu hay từ/ngữ khoá.
- Cảm xúc: càng truyền cảm càng tốt, vì phong cách này là phục vụ mục đích cá nhân (hay đại diện một tổ chức) nên càng khiến người nghe đồng tình với mình thì càng tốt (motivating).Tuỳ theo ý đồ, người nói hoà cả cảm xúc lẫn ý chí của mình vào câu nói, nhờ đó mà điều khiển tốc độ và âm lượng theo ý mình, giúp cho việc biểu hiện (express) được cái hồn của vấn đề.

Trên đây là 4 phong cách chính trong tiếng Anh nói riêng và các ngôn ngữ nói chung (kể cả tiếng Việt). Ngoài ra, còn có các phong cách trung gian, hay kết hợp giữa các phong cách trên, các bạn có thể bổ sung thêm cho đa dạng.

Việc phân biệt các phong cách nói theo tình huống là rất quan trọng, để người nói có thể lựa chon giọng nói cho phù hợp, nhằm đạt kết quả là truyền đạt thông tin đến người nghe một cách tối ưu. Hơn nữa, các phong cách khá khác biệt, không thể bệ nguyên cách nói ở tình huống này vào một tình huống khác được.

* *
*

Đến đây tôi tạm kết thúc loạt ‘lan man’ về luyện nói mà tôi đã đúc kết từ kinh nghiệm của chính bản thân tôi, từ ngày chập chững học nói tiếng Anh. Hi vọng nó sẽ bớt giáo điều và có tính thực hành cao hơn, vì tôi chia sẻ với các bạn với tư cách cũng là một người đang tự học, hiểu rõ hơn hoàn cảnh của những người học sinh, đặc biệt những vướng mắc thường gặp mà đôi khi các thầy giáo vì ở trình độ quá cao không thể lường được từ học trò của mình.

Tuy nhiên, các bạn phải dựa vào chính sức mình, tự tìm tòi ra phương pháp của riêng mình trong quá trình tự rèn luyện, với sự hỗ trợ của các tham khảo đắc lực là TV, radio hay người thực việc thực. Mọi lý thuyết sách vở chỉ là giáo điều, chỉ là cặn bã của người viết (Trang Tử), thực tế mới là quan trọng, bởi vì:
Mọi lý luận đều là xám xịt, chỉ cây đời là mãi mãi xanh tươi

PHỤ LỤC 1: CÁC QUY TẮC TRỌNG ÂM VÀ PHÁT ÂM THƯỜNG GẶP
Qua quá trình luyện từ, tôi xin cung cấp một số quy tắc nôm na về trọng âm. Tôi không muốn lý luận nhiều như một số tài liệu về phát âm khác, mà chú trọng đến tính thực hành. Thiết nghĩ, nhớ các lý luận phát âm để làm gì, cái đấy dành cho các nhà nghiên cứu ngôn ngữ. Nhớ trực tiếp các trường hợp thực tế còn nhanh gọn và đỡ tốn bộ nhớ hơn.

Vị trí tương đối của trọng âm so với các tiếp/hậu tố (suffix) đặc biệt
* Ghi chú:
Kí hiệu: ‘ – trọng âm chính; , – trọng âm phụ; Thông thường, các trọng âm phụ có thể không được kí hiệu trong một số từ điển, nhưng khi nói, các trọng âm phụ bao giờ cũng được đọc khá rõ. Thực chất, rõ nhất là trọng âm chính, sau đó là trọng âm phụ, còn các âm còn lại thì có thể nuốt đi.

Quy tắc: Trọng âm phụ hầu hết đứng cách trọng âm chính 1 âm tiết (trước hoặc sau). Một số ngoại lệ đứng cách 2 âm tiết như: ‘classifi’cation; de,terio’ration;…

1. Các hậu/tiếp tố (suffix) thường là Trọng âm
* eer: engi’neer, volun’teer; pio’neer;…
* ese: ,Japa’nese; ,Vietna’mese;…
* ental: en,viron’mental; ,conti’nental;…

2 .Trọng âm thường đứng ngay trước các hậu tố (suffix) sau
* on: ,inter’nation; com’passion; re’ligion; ‘fashion …
* ure: ad’venture‘; cre’ature; ‘pleasure; ‘injure;… (hầu hết áp dụng cho Danh từ, vì với động từ có một số trường hợp đặc biệt như in’sure, en’sure…vì trọng âm của động từ thường nằm ở âm tiết thứ 2)
* ity: mu,nici’pality; ,possi’bility; ac’tivity; ‘family;…
* ogy: tech’nology; bi’ology; ,metho’dology;…
* aphy: bi’ography; pho’tography;…
* ian: ,indo’nesian; ’indian;…
* (i)um: ,audi’torium; a’quarium; mo’mentum, …
* ial: ma’terial; ‘aerial;…
* ative (mostly in 4 syllabled words): ‘talkative;con’servative; in’formative… (exception: ‘quantitative, ‘qualitative…)
* ive (mostly in 2-3 syllabled words): con’ductive; pro’gressive, ‘active; ‘passive;…
* ic(al): ‘infor’matic; ‘techno’logical, an’gelic; ‘comic…
* ient/ienc#: efficien-t/ce/cy; pro’ficien-t/cy;…
* ual: ,indi’vidual; con’ceptual;…
* ious: re’ligious; de’licious; am’bitious …
* ify: i’dentify; ’modify;…
* ish: ‘English; de’molish; es’tablish;…

3. Trọng âm thường đứng cách một âm tiết trước các hậu tố (suffix) sau:
(đương nhiên chỉ áp dụng cho các từ có từ 3 âm tiết trở lên)
Chú ý: Một số hậu tố đơn thường là trọng âm phụ, hay chí ít cũng được đọc khá rõ (dù trong một số từ điển không ghi kí hiệu (,) là trọng âm phụ)
* ate: cer’tifi,cate; ‘confis,cate; …
* ise/ize: in’dustria,lise; ‘visua,lize; …
* age: ‘sabotage; ‘heritage;…
* ism/ist: ,ento’mologist; ‘moder,nism/ist; ‘natura,lism/ist ( (tural) đã bị đọc nuốt thành một âm là (tSral) nên (na) vẫn coi là cách (ism) một âm tiết); …
* er: phy’loso,pher; pho’togra,pher; in’terpre,ter; ‘moni,tor; ‘bache,lor;.. (ngoại trừ một số danh từ chỉ người được tạo nên bởi việc thêm (er) vào động từ 2 âm tiết vốn thường có trọng âm ở âm tiết thứ 2: per’form; per’former; … hoặc với trường hợp có (ator) như co’ordi,nator; co’ope,rator;… vì giống trường hợp chứa tiếp tố (ate) )
* ory/ary: pre’paratory; vo’cabulary; la’borotory; ‘fragmentary… (nhưng đây là quy tắc yếu vì có nhiều trường hợp trọng âm nằm ngay trước nó chứ không cách: ,satis’factory, ,manu’factory; hay trong từ chỉ có 3 âm tiết: ‘sensory…)

4. Một số quy tắc khác
- Đối với động từ và tính từ có 2 âm tiết, thì trọng âm hầu hết nằm ở âm tiết thứ 2: im’port; ex’port; im’pact; …; co’rrect; e’xact;…
- Đối với danh từ có 2 âm tiết, thì trọng âm hầu hết nằm ở âm tiết thứ nhất: ‘export; ‘import; ‘impact; ‘effort;…
- Đối với từ có 4 âm tiết kết thúc bằng #ent; #ence; #ency; #ant; #ance thì trọng âm đứng ở âm tiết thứ 2: en’vironment; e’quivalen-t/ce/cy; sig’nifican-t/ce;…
- Đối với từ có 3 âm tiết kết thúc bằng #ent; #ence; #ency; thì trọng âm thường đứng ở âm tiết thứ 1 khi bắt đầu có phụ âm: ‘preferen-t/ce; ‘consequen’t/ce;… còn đứng ở âm tiết thứ 2 khi bắt đầu bằng nguyên âm (trừ i) đơn thuần (nghĩa là mình nguyên âm tạo nên âm tiết thứ nhất, không kết hợp với phụ âm): e’mergen-t/ce/cy; occuren-t/ce;…
- Đối với từ có 2 âm tiết (đặc biệt là danh từ) thì trọng âm thường nằm ở âm tiết thứ nhất khi có các hậu tố sau: #ate, #ism/ist, #ent; #er, #age, #ous: ‘climate; ‘marxism; ‘artist; ‘payment; ‘player; ‘manage; ‘famous…

PHỤ LỤC 2: LAN MAN MỘT CHÚT VỀ PHÁT ÂM

1. Anh-Anh và Anh-Mỹ

Các bạn học nói tiếng Anh thường băn khoăn là mình nên theo phong cách Anh-Anh (A-A)hay Anh-Mỹ (A-M). Thực ra theo phong cách nào cũng tốt cả, nhưng mọi người thường có xu hướng sính A-M hơn, nhà giàu cũng có khác nhở.

Vậy 2 dòng tiếng Anh này khác nhau những điểm nào trong phát âm:
- Phụ âm (r): A-M thường đọc rõ âm (r) trong mọi trường hợp, còn A-A thì để câm nếu nó không phải là phụ âm chính. Ví dụ (sir): A-M = [sơr:]; A-A = [sơ]. Nhưng thực ra, hầu hết các dòng tiếng Anh phương Tây như Anh-Đức, Anh-Hà Lan…hay cả Anh-Úc đều giống A-M trong trường hợp này. Nghĩa là chỉ có tiếng Anh thuần mới cải biên thế này, còn lại đều rrrrrrr hết.
- Phụ âm (o) ngắn: A-M đọc tương tự như [a]; còn A-A thì vẫn là [o]. Ví dụ, (not): A-M = [nat]; A-A = [not]
- Các nguyên âm ngắn không phải trọng âm: trong A-A, các nguyên âm như e, a, i, o, u khi ở dạng “ngắn” (khác với dạng dài thì có ký hiệu ( sau phiên âm như [o:], [a:]…) thì vẫn đọc như thường, nghĩa là quy tắc rất lung tung; còn trong A-M thì có xu hướng đơn giản hoá bằng cách đọc thành [ơ]. Ví dụ hậu tố (#ity) trong A-A đọc là [ity] còn A-M đọc là [ơty]; (#ful) trong A-A là [ful] còn A-M là [fơl]; (definite) trong A-A [‘definit] còn A-M thì [‘defơnơt]; (certificate, n) trong A-A là [sơ’tifikit] còn A-M là [sơ’tifơcơt]; (contribute, v) trong A-A là [cơn’tribjut] còn A-M là [cơn’tribjuơt]… Điều này có lẽ vì trong A-M, xu hướng nuốt âm mạnh hơn, nên các âm tiết không phải là trọng âm (chính hoặc phụ), thường chỉ được đọc gió phụ âm mà nuốt đi nguyên âm. Vì thế các âm sẽ bị biến đổi kiểu: …fi… — > […f(ơ) …]; …cate […kit]– > [k(ơ)t]
Trên đây là nhưng điểm khác nhau nổi bật giữa 2 dòng tiếng Anh chính trên thế giới là Anh-Anh và Anh-Mỹ (nếu không tính Anh-Úc vẫn bị coi là hơi “nhà quê”). Tất nhiên còn rất nhiều chi tiết nho nhỏ khác trong phát âm như giọng điệu, cách luyến… Còn nếu xét một cách toàn diện thì nói bao nhiêu cũng không hết về ngữ pháp, văn phong, cách dùng từ, điểm câu…

2.Những lỗi hay mắc điển hình trong nói tiếng Anh
a. Không phân biệt khi thay đổi trạng thái động-danh- tính

Như đã nói ở trên, khi biến đổi động-danh- tính (trạng từ không tính vì nó chỉ biến đổi rất nhỏ bằng cách thêm ly vào cuối, trừ những tính từ bất quy tắc), thì chính tả của từ thường thay đổi, dẫn đến sự thay đổi của trọng âm và như một hệ quả, phát âm của cùng một âm tiết gốc cũng thay đổi tương ứng. Những người không được luyện phát âm cơ bản, thường mắc lỗi đánh đồng phát âm và trọng âm các âm tiết gốc của động-danh- tính của cùng một từ cho nó đơn giản. Lỗi này có thể do vô tình vì không biết, hoặc do cố tình vì biết nhưng lười nhớ.

Các bạn hãy chú ý từng chi tiết trong phiên âm của các ví dụ sau:
Inform [in’fo:m]-information [,info:’meiSơn]-informative [in’fo:mơtiv]
Prefer [pri’fơ]-preference [‘pref(ơ)rơns]-preferential [,pref(ơ)’renS(ơ)l]
Photograph [‘foutơgraf]-photograph-y/er[fơ’togrơf-i/ơ]-; photographic[,foutơ’graefik]-
Thế nào, chúng khác nhau hơi bị nhiều chi tiết đấy nhỉ, từ vị trí trọng âm chính và phụ lẫn phát âm???

Các bạn thấy rõ ràng là trọng âm thay đổi vị trí. Sở dĩ có sự thay đổi vị trí trọng âm bởi vì khi biến động-danh-tính, các tiếp/hậu tố thường được thêm hoặc bớt, và sự có mặt của các tiếp/hậu tố này sẽ tác động đến vị trí của trọng âm (e.g. Phụ lục 1).

Sự thay đổi vị trí của trọng âm khi biến đổi trạng thái động-danh-tính của từ dẫn đến một hệ quả là cách phát âm của các âm tiết trong từ đó cũng thay đổi. Thông thường, có các quy tắc tương đối sau:

- Khi nằm ở trọng âm (chính và phụ), các nguyên âm đơn thường được đọc theo phát âm thuần (khá giống phát âm gốc Latin) của nó: a [ae]; e [e]; o [o] (trong A-M đọc lái thành [a]); i [ i]; u [u/ju]; Các nguyên âm kép cũng thường được đọc theo quy ước: ai [ei]; ee, ie [i:]; ea [e:]/ [i:];… Dĩ nhiên, quy tắc này chiếm một % khá cao, chứ vẫn có rất nhiều trường hợp chúng phát âm theo quy ước bảng chữ cái như: a [ei] trong fation [eiS(ơ)n]; e [ i] trong ecomomic [,icơ’nomik]; o [ou] trong motion [#ouS(ơ)n]; I [ai] trong finite [‘fainait];…

- Khi không phải là trọng âm, các nguyên âm đơn thường đọc khác đi, o [ơ]; e [ i]; a [ơ]; u [a]/ [ơ];… đặc biệt trong A-M thì đa số được nuốt âm để thành [ơ] như đã nói ở trên. Các nguyên âm kép thì thường là bất quy tắc, có khi phát âm theo quy ước, có khi lung tung cả.

Các bạn có thể thấy 2 quy tắc trên qua các ví dụ trong bài này, hoặc cụ thể là ví dụ sau:
Academy (n) [ơ’kaedơmi] – academic (a) [,aecơ’demik]

Ngoài ra, ngay cả khi từ được giữ nguyên dạng chính tả khi thay đổi trạng thái thì có rất nhiều trường hợp vị trí trọng âm cũng thay đổi.

- Trường hợp hay gặp là các từ có 2 âm tiết mà danh và động từ như nhau, ví dụ: impact(n) [‘impaekt]-impact(v) [im’paekt]-; ‘export(n) [ekspo:t]-ex’port(v) [iks’po:t ]; record(n) [‘rekơ:d] – record [ri’ko:d]… (xem 4. Một số quy tắc khác, Phụ Lục 1).

- Một số trường hợp giữ nguyên dạng khác: hậu tố (ate): ở động từ, phát âm là [eit] và được nhấn như một trọng âm phụ; nhưng nếu ở danh-tính từ thì là [it] (A-A) hay [ơt] (A-M) và nhấn nhẹ hơn: certificate(v) [sơ’tifi,keit]/ [sơ’tif(ơ),keit] – certificate(n) [sơ’tifikit]/ [sơ’tif(ơ)kơt]; elaborate(v) [i’laebơ,reit] – elaborate(n, a) [i’laebơrit]/ [i’laeb(ơ)rơt].

- Tuy nhiên, cũng có rất nhiều trường hợp bất quy tắc. Ví dụ trong các từ 2 âm tiết có danh và động từ như nhau, thì cả phát âm lẫn trọng âm cũng như nhau luôn, ví dụ: re’port; de’lay;…Trường hợp giữ nguyên như thế này có khi nhiều hơn cả trường hợp có biến đổi, nên không biết là cái nào mới gọi là bất quy tắc.
b. Một số trượng hợp cụ thể về phát âm dễ sai:

-Hậu tố (age): sai: [eidZ] – đúng: [idZ] (heritage…), đặc biệt hơn là sabotage [‘saebơtadZ]

-hậu tố (ate) ở danh hay tính từ chỉ có một trạng thái không biến đổi: sai [eit] – đúng [it]/[ơt]. ví dụ: climate [‘claimit]/[‘claimơt]; hostel-mate [‘host(ơ)lmit]/[‘host(ơ)lmơt]; affectionate [a’fekS(ơ)nit]/ [a’fekS(ơ)nơt];…

-hậu tố (able): sai [eibl] – đúng [ơbl]. Ví dụ: vegetable: sai [‘vedZteibl] – đúng [‘vedZtơbl]; comfortable: sai [‘kamfơteibl] – đúng [‘[‘kamfơtơbl];… (ngoại lệ: unable [a’neibl]).

-ea: khá là bất quy tắc, khi thì là [i:], khi là [e:], đặc biệt là biến đổi khi biến đổi trạng thái của từ, ví dụ: threat (n) [thre:d]– threaten [‘thri:t(ơ)n]; read (v) [ri:]– read (quá khứ) [re:d]; lead (v) [li:d]: lãnh đạo – lead (n) [le:d]: chì (đồng âm khác nghĩa);…

-Ngoài ra, có các từ cụ thể mà thường bị sai: Knowledge: sai [‘nouledZ] – đúng [‘no:lidZ]; tomb raider: sai [tomb raidơ] – đúng [tum reidơ]; load: sai [lwad] – đúng [loud] (trường hợp trong tin học); exhibition: sai [,ikshi’biSn] – đúng [,eksi’biSn];

Lời cuối
Về phát âm, thật chuẩn theo một dòng Anh ngữ chính thống như Anh-Anh, Anh-Mỹ hay Anh-Úc thì là rất tốt. Tuy nhiên, quy tắc phát âm của tiếng Anh khá lung tung vì tính phổ cập của nó ở các vùng địa lý trên thế giới, ngay cả trong cùng một quốc gia hay một vùng, phát âm cũng đã biến dị rất nhiều. Vì thế, không nhất thiết phải quá hoàn thiện cho vấn đề này, trừ phi bạn cực kì cầu toàn.

Nhưng bạn phải rất lưu ý về trọng âm, bởi vì dù ở các vùng nói tiếng Anh phổ cập nào, tiếng Anh cũng được nói theo một quy ước trọng âm chung nhất. Đây là yếu tố hàng đầu để nói và nghe được thống nhất, tránh nghe nhầm dù trong điều kiện nào.
Tổng hợp từ Saga.VN​
 
Thank bạn nhiều, bạn sưu tầm thêm nhiều bài như vậy nữa nha
 
Mình cảm ơn bạn vì những kinh nghiệm bổ ích đó nha, nhưng mà mình nghĩ quan trọng là mỗi người học như thế nào mới là phù hợp và hiệu quả với bản thân là quan trọng nhất, ý mình là mỗi người nên kiếm cho mình một số niềm đam mê
mình có ý kiến thế này ne, những người nào có người yêu rồi thì nên nói chuyện với người yêu bằng tiếng anh, chắc chắn kĩ năng nói có thể tăng lên được đó(các thầy cô Equest bày cho mình như thế đó), mình cũng áp dụng cách này rồi, hôm bữa thi thử TOIEC miễn phí ở Equest mình với người yêu mình được trên 500 điểm hết đó
hjhj, mừng gần chết
các bạn thử xem sao nha, hi vọng là các bạn cũng thích cách này
 
1/ Bạn cần 1 tờ giấy và 1 cây viết.
2/ Viết tất cả những gì bạn nghĩ, dĩ nhiên là bằng tiếng Anh. Nên viết đầy trang giấy mà bạn có.
3/ Xé chúng đi.
Mình sẽ cố gắng luyện xem sao.
Cảm ơn bài post hữu ích của bạn.
 
:KSV@06: bài này đọc lâu rồi, cũng làm thử rồi... và vài bữa nay cố tìm để đăng lên... thế mà có người lôi lên giúp :))
 
Bài viết thật hữu ích. Cảm ơn Newsun. Mình cũng có một mẹo nhỏ, đấy là hát. Đầu tiên là hát bắt chước theo ca sĩ, nghe lại từ khó trong từ điển. Khi hát nhiều tự nhiên nó thành phản xạ khi mình phát âm ra. Tuy nhiên, nó có ích với những câu từ đơn giản và thông thường thôi. :)
 
M mới đăng kí làm test bên trung tâm ILI ở quận 10, thầy mấy c tư vấn khá nhiệt tình vui vẻ, mai m sẽ đến làm bài test sau đó sẽ cho mọi ng review đầu tiên của m về trung tâm anh ngữ này nhé, nghe mọi ng khen nhiều nên m cũng tò mò lắm đây b ạ.
 
Cảm ơn chủ thớt đã cho mình 1 cái nhìn mới về góc độ này, m nghĩ học tiếng anh quan trọng nhất là phát âm, phải chu6a3n nghe nói phải rõ ràng thì ng nghe mới hiểu, m sưu tầm thêm 1 mẹo nữa để học tốt hơn rồi nè, cảm ơn thớt nhé.
 
×
Quay lại
Top Bottom