Men gan tăng 1.000 lần, tính mạng chàng sinh viên trường báo chí nguy kịch

heokool

Cà rốt, trứng hay hạt cà phê?
Thành viên thân thiết
Tham gia
22/9/2011
Bài viết
14.934
Căn bệnh viêm gan cấp tính đã khiến chàng sinh viên trường báo chí bỏ dở công việc học hành, nhập viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch trước sự ngỡ ngàng và thương cảm của thầy cô bè bạn.

Hoàng Văn Binh (SN 1992) được bà con người Nùng xã vùng biên Cần Nông, huyện Thông Nông, Cao Bằng nhắc đến đầy thán phục khi Binh là một trong ba trường hợp đi học đại học đầu tiên của xã nhà. Hiện Binh đang là một sinh viên ngoan và học tốt của lớp Chính sách công K31, Học Viện Báo chí- Tuyên truyền.

img-8119-0d2d1-728336-1997.jpg

Bị viêm gan cấp tính, em Binh chỉ có 2 triệu đồng do bạn bè quyến góp giúp nhập viện

Binh được bạn bè yêu quý khi em là một sinh viên hòa đồng, chăm chỉ, luôn sẵn lòng giúp đỡ mọi người. Thời gian gần đây, mỗi lần lên lớp, bạn bè thấy Binh hay có biểu hiện da ngày một vàng đi, mệt mỏi, đau đớn, nôn ọe. Đang làm bài thi, các bạn thấy Binh phải bỏ dở bài làm, chạy ra khỏi lớp. Thế rồi, Binh ngất xỉu khi đi thang bộ lên tầng 3 ký túc xá.

Ngày 4/1/2013, Binh được đưa vào Khoa Cấp cứu Bệnh viện 19-8 do nôn mửa, khó thở và da, mắt vàng như nghệ. Sau khi thăm khám, các bác sĩ kết luận Binh bị viêm gan cấp tính. Nếu không được cứu chữa kịp thời, thời gian sống của Binh sẽ tính theo từng ngày. Sau khi được cấp cứu, Binh được đưa đến điều trị tại khoa Nội, bệnh viện 19-8. Bác sĩ Hoàng Thanh Tuyền, Trưởng khoa Nội nhận định, bệnh tình của Binh những ngày đầu diễn biến phức tạp.

img-8115-0d2d1-728336-4467.jpg

Men gan cao gấp 1000 lần so với người bình thường, tính mạng của em Binh đang hết sức nguy hiểm

Ngày 7/1, các bác sĩ giật mình khi nhìn chỉ số chức năng gan mật của Binh. Men gan của một người bình thường nằm ở mức 37-40 nhưng kết quả xét nghiệm của Binh ở mức 3.450-3.800 (gấp 1000 lần so với người bình thường); chỉ số bilirubin (sắc tố mật) tăng lên 712 (gấp hơn 40 lần so với người bình thường). Mấy ngày gần đây, tuy các chỉ số đã giảm, nhưng theo bác sĩ con số này vẫn còn quá cao so với bình thường, và vẫn gây nguy hiểm tính mạng. Binh mệt mỏi, nằm bẹp trên gi.ường bệnh, gầy sọm hẳn đi vì cứ ăn vào lại nôn ra. Ai nhìn thấy cũng xót xa cho cậu sinh viên trẻ.

Gia đình của Binh có hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, sống trong một ngôi nhà nhỏ trong bản của người Nùng trên núi cao, phải đi bộ hàng giờ đồng hồ để đến được nơi có xe cộ đi lại. Ngày 7/1/2013, nghe tin con mắc bệnh nặng, bố của Binh là ông Hoàng Văn Quyết đã lặn lội hàng trăm cây số từ Cao Bằng xuống Hà Nội, khi trong túi chỉ có vẻn vẹn ba trăm nghìn đồng.
Với vốn tiếng Kinh ít ỏi, khi các bác sỹ giải thích bệnh tình của Binh, ông Quyết không thể hiểu hết được, bác sỹ hỏi ông có đủ khả năng để chuyển Binh sang bệnh viện Bạch Mai lọc máu cho Binh không, ông cũng chỉ biết lắc đầu bởi số tiền lên đến cả trăm triệu ông biết lấy ở đâu ra? Ông bảo: “tôi lo đến nỗi không nuốt nổi miếng cơm nữa. Nhà tôi có con bò quý giá nhất thì gia đình cũng bán đi để có tiền cho Binh chữa bệnh nhưng chẳng được bao nhiêu. Cứ chữa bệnh cho Binh đã, sau này lại đi vay con bò về mà cày cấy thôi”.

img-8150-0d2d1-728336-3368.jpg

Ông Hoàng Văn Quyết, bố của em Binh xuống bệnh viện chăm con nhưng chỉ có vẻn vẹn 300 nghìn đồng

Ở quê nhà, mẹ của Binh như ngồi trên đống lửa. Bà không thể xuống Hà Nội để chăm sóc cho Binh bởi không lo được chi phí đi lại quá cao, hơn nữa, bà lại phải ở nhà chăm sóc cho người mẹ già cũng đang mắc bệnh nguy kịch. Bà chỉ biết ôm mặt khóc thương con.
Bác sỹ Phạm Thị Việt Anh (Khoa Nội 3- Bệnh viện 19-8) là người trực tiếp điều trị cho Binh nói: “Hoàn cảnh của bệnh nhân thật sự đáng thương, trước đó 3 ngày Binh đã vào viện, bác sỹ ở phòng khám đã yêu cầu nhập viện nhưng mà không có tiền. Sau đó người bạn cùng phòng phải đi vay mượn đâu được hai triệu cho Binh nhập viện. Đối với bệnh này không thể chủ quan được, mà chi phí thì rất tốn kém, cả về sau này nữa. Theo tôi, bệnh nhân rất cần sự động viên an ủi và quan trọng là hỗ trợ về tài chính để có thể điều trị bệnh lâu dài.”

Những ngày khó khăn của Binh may mắn có được bạn bè luôn sát cánh. Các bạn trong lớp đã thay nhau đến chăm sóc cho Binh, nấu từng bữa cơm để hạn chế các khoản chi tiêu cho gia đình Binh, vận động quyên góp chắt chiu từng đồng từ các bạn sinh viên trong trường để giúp đỡ cho Binh vượt qua bệnh tật, sớm trở lại học tập với giảng đường, thầy cô và bè bạn. Bản làng vùng biên giới xa xôi vẫn hàng ngày ngóng tin của đứa con ngoan ngoãn, học giỏi.

Để vượt qua cái nghèo của bản làng mà đến được với con chữ, Binh phải rất chăm chỉ, hàng ngày em vượt hàng chục cây số quãng đường rừng núi để tới trường. Khó khăn không nản, Binh quyết chí học hành rồi đỗ đại học trong niềm vui mừng kèm theo nỗi lo lắng về kinh tế của bố mẹ.

Theo học chuyên ngành Chính sách công, khoa Chính trị học của Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Binh mong muốn một ngày không xa sẽ trở về quê, làm người cán bộ tốt, tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng, giúp người dân thoát khỏi đói nghèo. Đôi mắt vàng ọc như nghệ của Binh vẫn tràn đầy niềm hy vọng vào tương lai. Tôi bất giác thấy nhói trong tim, rớt nước mắt quay mặt đi, không dám nhìn vào đôi mắt ấy nữa.
Theo Dân Trí
 
×
Quay lại
Top