Mắc tâm thần vì “gồng mình” học tập

HuongNguyen_93

怠惰なエディタ
Thành viên thân thiết
Tham gia
31/12/2011
Bài viết
3.333
Áp lực vì là “ngôi sao sáng” trong mắt gia đình, bạn bè; tình hình học tập quá căng thẳng nhưng vẫn luôn cố gắng “gồng mình” để vượt qua các đợt thi hết môn… đó chỉ là một trong số các nguyên nhân khiến nhiều sinh viên đành dang dở việc học, thay vào đó là những tháng ngày đằng đẵng điều trị ở bệnh viện tâm thần.

Học nhiều + lo âu = “quỵ ngã”





Được học trong một trường đại học lớn của cả nước, niềm mơ ước của biết bao bạn bè cùng trang lứa, dù thân hình gầy gò, sức khỏe kém, chương trình học tập lại vất vả song Đ. (quê Hưng Yên) vẫn cố gắng hết sức mình để hoàn thành 3 năm học. Đến năm thứ tư, áp lực học tập quá lớn đã khiến cậu sinh viên này “quỵ ngã”: Đ. thường xuyên lo lắng chuyện học hành đến mất ăn mất ngủ triền miên. Với những dấu hiệu bất bình thường trên, cậu được gia đình đưa vào thăm khám tại Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) và được các bác sĩ tại đây chẩn đoán bị rối loạn tâm thần. Thay vì hoàn thành được giấc mơ đèn sách, cậu sinh viên chăm chỉ ngày nào buộc phải điều trị tại viện cho đến khi bệnh tình thuyên giảm.

Tốt nghiệp loại ưu của một trường THPT, kèm với bảng thành tích xuất sắc, T. (Hà Nội) được một trường đại học danh tiếng tuyển thẳng, không cần trải qua kỳ thi đại học. Ngỡ rằng T. đã chạm được vào giấc mơ của mình khi trở thành sinh viên của ngôi trường mà bản thân rất yêu thích. Thế nhưng giấc mơ ấy dừng lại khi T. biết tin, T. không được theo học ngành mà mình mong muốn. Những suy nghĩ, lo âu đã khiến T. bị ức chế thần kinh và sau đó cũng được gia đình nhanh chóng đưa vào nhập viện điều trị do rối loạn tâm thần.

Lại có trường hợp khác, một sinh viên học cùng lúc hai trường đại học. Số lượng môn học lớn, áp lực cao nên đến kỳ thi hết môn, việc phải cùng lúc ôn thi, kham quá nhiều môn đã khiến sinh viên này phát bệnh.

Các bác sĩ tại Viện Sức khỏe tâm thần cho biết, việc học sinh, sinh viên nhập viện do áp lực học hành, thi cử không phải là chuyện hiếm gặp. Trước kỳ thi tốt nghiệp THPT, thi đại học hoặc thời điểm đa số các trường đại học, cao đẳng thi hết môn, số lượng học sinh, sinh viên đến thăm khám và tư vấn chiếm tỷ lệ khá đông. Theo thống kê của viện này, mỗi năm, có khoảng 3.000 bệnh nhân khám, điều trị nội trú và 36.000 khám ngoại trú tại đây. Riêng việc khám và tư vấn cho nhóm đối tượng học sinh, sinh viên chiếm tỷ lệ khoảng 10%.

BS Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng T4, Viện Sức khỏe tâm thần chia sẻ, do áp lực thi cử, nhiều học sinh, sinh viên bị suy nhược về cơ thể, biểu hiện ban đầu có thể là choáng váng, đau đầu mất ngủ, lo âu, chán chường, không thiết tha ăn uống, không vệ sinh tắm rửa, những trường hợp nặng hơn thì thường sợ hãi, khóc lóc, hoang tưởng…

BS Dũng cho biết, với những bệnh nhân rối loạn lo âu, rối loạn cảm xúc thì dễ điều trị hơn và có tương lai hơn. Những trường hợp bệnh nhân rối loạn tâm thần, lại có cơ thể quá suy nhược, dị ứng với thuốc, nội thân bệnh nhân lại đang mắc các chứng bệnh liên quan đến tim gan, suy giảm miễn dịch thì việc điều trị rất khó khăn, nan giải, phải tiến hành điều trị trong thời gian dài. Ngoài điều trị tại bệnh viện, còn phải điều trị tái hòa nhập cộng đồng mà điều này thì lại phụ thuộc khá nhiều vào phía gia đình và bệnh nhân: Bệnh nhân có tuân thủ việc uống thuốc đều đặn theo đúng chỉ định của bác sĩ không, điều kiện gia đình có đủ tiền để mua thuốc không, gia đình có được trang bị đủ kiến thức về tâm thần hay chưa…

Do đâu dẫn đến “đường cùng”?





Muốn phát hiện ra bệnh sớm thì gia đình thường phải có một thời gian dài quan sát con em mình, thông qua các biểu hiện ban đầu. Nếu thấy có nhiều triệu chứng bất thường thì cần đưa con đi khám bác sĩ chuyên khoa ngay để có những chẩn đoán, từ đó can thiệp, điều trị sớm. Tuy nhiên, kiến thức y tế của nhiều bậc phụ huynh hiện nay vẫn rất kém, họ không thường xuyên theo dõi tâm sinh lý cũng như ít khi hướng dẫn con cái đi kiểm tra sức khỏe và thường kỳ vọng quá lớn, luôn coi con mình là “ngôi sao sáng”. Chính điều này đã vô tình tạo ra áp lực khiến con cái bị bệnh lúc nào không hay.

BS Dũng kể rằng, đã từng có một gia đình kiên quyết bằng mọi cách đầu tư để con học đại học. Cậu con trai bị ép học ngày học đêm để kỳ thi đại học có kết quả tốt nhất. Khi đỗ vào được trường đại học này thì cậu sinh viên bắt đầu phát bệnh. Tuy nhiên, do gia đình thiếu hiểu biết nên chỉ cho rằng biểu hiện của con là do căng thẳng, mệt mỏi thông thường, gia đình điều trị qua loa rồi lại để con tiếp tục việc học tại trường. Sau năm học đầu tiên, cậu sinh viên này phát bệnh hoang tưởng, lúc đó, gia đình mới hoảng hốt đưa con nhập viện. Qua quá trình điều trị tại Viện Sức khỏe tâm thần, bệnh tình của cậu sinh viên này cũng có chút thuyên giảm nhưng sự học cũng không thể tiếp tục được nữa. Lúc này, bố mẹ cậu mới hiểu ra, bằng cấp chỉ là phụ, sức khỏe của con mình mới là điều quan trọng nhất.

Ngoài những bệnh nhân sinh viên nhập viện do chịu ảnh hưởng từ áp lực học tập thì cũng có một số trường hợp sống nội tâm, ít khi thể hiện mình nên khi gặp phải những sang chấn tâm lý (mâu thuẫn bạn bè, mâu thuẫn giữa thầy trò, gia đình…) thì bị “sốc”, dẫn tới tâm thần.

Để giấc mơ đèn sách không dang dở

“Ai cũng hiểu rằng, bố mẹ nào cũng yêu thương con cái và kỳ vọng vào con em mình. Thế nhưng, các vị phụ huynh cũng nên hiểu rằng, con em họ đang trong tuổi trưởng thành, cơ chế tâm sinh lý chưa hoàn thiện, các cháu lúc nào cũng muốn khẳng định mình, ham mê học tập, học hết trường này đến trường nọ. Áp lực vô hình ấy khiến các cháu trở nên ăn ít ngủ ít, thậm chí không ăn, không ngủ, rồi khi va chạm với cuộc sống bên ngoài tự dưng trở thành cú sốc, không điều chỉnh mình được nữa thì sẽ rất dễ bị bệnh tâm thần”, BS Dũng chia sẻ.

BS Dũng cũng cho biết, tâm thần có một tỷ lệ chung trong dân số, để giảm bớt được tình trạng này thì phụ thuộc vào rất nhiều thứ. Đầu tiên là phải truyền thông nhiều về sức khỏe tâm thần để mọi người hiểu rõ về nó. Bộ GD – ĐT cần có chương trình phổ biến kiến thức về sức khỏe tâm thần dành cho học sinh, sinh viên. Điều này sẽ giúp các bạn trẻ tự tìm cho mình phương pháp học tập tốt nhất, nắm bắt được các kiến thức cơ bản để biết được những vấn đề liên quan tới sức khỏe của mình, từ đó, xây dựng thói quen học tập với thời gian ăn, ngủ nghỉ, sinh hoạt hợp lý (phải đảm bảo giấc ngủ tối thiểu 7 tiếng mỗi ngày).

Các vị phụ huynh không nên đặt quá nhiều kỳ vọng hay áp lực lên con cái, quan tâm nhiều hơn đến phương pháp học tập cũng như sức khỏe của con, khi thấy con có dấu hiệu lạ (giấc ngủ lâu hoặc ít ngủ, cáu giận, bực bội, không chịu vệ sinh tắm rửa, ăn uống thì thất thường…) thì cần theo dõi sát sao rồi đưa đi kiểm tra sức khỏe sớm. Các thầy cô, nếu hằng ngày thấy học sinh, sinh viên của mình có biểu hiện bất thường thì cũng phải thông báo ngay cho phụ huynh để cùng nhau phối hợp tìm hiểu, đề ra một chế độ học hành hợp lý và ít áp lực hơn.

HỒNG GIANG (SVVN)
 
×
Quay lại
Top Bottom