- Tham gia
- 10/10/2015
- Bài viết
- 371
Tôi rất thích câu của Đặng Tiến trong Vũ trụ thơ khi viết về Nguyễn Du như sau: Nghệ thuật là những gì còn lại khi định mệnh bị bôi xóa. Quả đúng như vậy, điều làm nên sự bất tử của người nghệ sĩ là những gì họ để lại cho đời, cho dù để tạo nên những kiệt tác không chỉ bằng trí tuệ, tài năng, cảm xúc mà còn có cả máu, nước mắt và biết bao hệ lụy của một cuộc đời. Hữu Loan và bài thơ Màu tím hoa sim là một hiện tượng như thế.
Hữu Loan tên đầy đủ là Nguyễn Hữu Loan, sinh năm 1916 quê ở Nga Sơn, Thanh Hóa. Bài thơ Màu tím hoa sim được sáng tác năm 1949 khi người vợ trẻ của ông, bà Đỗ Thị Lệ Ninh, qua đời. Lần đầu tiên thi phẩm xuất hiện trên tờ Trăm Hoa của Nguyễn Bính và mãi đến năm 1990 mới được in trong tập thơ cùng tên của Hữu Loan. Phận số của thi nhân và bài thơ cũng trái ngang như câu chuyện tình yêu trong tác phẩm. Nhưng xưa nay cái đẹp có thể bị quên lãng chứ không bao giờ bị tiêu diệt. Màu tím hoa sim đã khẳng định sức sống của nó bởi đơn thuần bài thơ không chỉ là hoàn cảnh cá nhân mà nó đã trở thành một biểu tượng của tình yêu và cái đẹp, chiến tranh và mất mát chia lìa, khát vọng hạnh phúc và bi kịch đời người…
Viết về người thật, việc thật nên tình cảm của nhân vật trữ tình ngập kín trang thơ. Bài thơ là một trời tâm trạng. Từ những ngày quen nhau tình yêu thầm lặng, thiết tha, êm đềm và giản dị như tình anh em; rồi đến phút giây hân hoan, vui sướng trong ngày hợp hôn; Và biết bao âu lo, nhớ thương trong tháng ngày xa cách; để khoảnh khắc bàng hoàng khi nhận tin người vợ hiền đã mất biến thành xa xót theo suốt một đời…Những xúc cảm đối lập, trái chiều tiếp nối như diễn tả tâm trạng khó thể nói hết thành lời của một người từ thiên đường ngọt mật rơi xuống đáy sâu của chín tầng địa ngục. Cuộc đời, tình yêu, hạnh phúc phút chốc vụt khỏi tầm tay, còn rớt rơi lại một cành hoa tím ghi dấu một thời. Bài thơ là tiếng khóc, là thương đau nhưng không bi lụy vì nước mắt của tình yêu tan vỡ đã vẽ thành một loài hoa.
Hoa sim trong thực tại bước vào trang thơ và trở thành một biểu tượng tình yêu. Hữu Loan không ví von tình yêu là những đóa hồng kiêu sa lộng lẫy mà chỉ là một bông hoa rừng đơn sơ khiêm nhường. Vẻ đẹp riêng biệt của loài hoa dại này đến từ cái mỏng manh như tình yêu ngắn ngủi, đến từ cái màu tím làm xao xuyến lòng người và đến từ một sức sống mãnh liệt khi nó bất chấp cảnh hoang vu của núi rừng, khô cằn của sỏi đá, khắc nghiệt của thời tiết để dâng hoa cho đời. Bài thơ diễn tả những cung bậc tình cảm tăng dần tới đỉnh điểm nỗi đau khi trái tim vỡ òa ngàn mảnh gửi trong từng cánh sim tím ngát trong chiều hoang biền biệt. Màu hoa sim ở đây là một nguồn mỹ cảm vì nó trở thành sắc màu thời gian, sắc màu thương nhớ. Dư âm của tình yêu, của cái đẹp và của niềm đau xót tràn trề suốt bài thơ tạo nên một sắc tím thủy chung, u buồn; bạt ngàn núi đồi, trùng trùng tiếc nuối…
Bài thơ ra đời khi mảnh khăn tang còn trĩu nặng, khi nước mắt chưa khô nên lời thơ bật ra từ trái tim nát tan rất chân thành, rất thực và điều làm thổn thức tâm hồn người đọc cũng chính từ điều rất thực đó. Vậy nên, nhịp điệu câu chữ trong thi phẩm gắn chặt với cảm xúc của nhân vật trữ tình. Thể thơ tự do tạo ra một hiệu quả thẩm mỹ trong việc bộc lộ tâm trạng. Nếu có thể chia bài thơ thành ba đoạn với các nội dung : phần 1- kể vê tình duyên của chàng vệ quốc; phần 2 – kể về cái chết của người vợ trẻ; phần 3 – niềm đau khôn nguôi của nhân vật trữ tình thì cách tổ chức các câu thơ có nhịp điệu tương ứng. Cụ thể như sau: Phần 1chủ yếu tác giả sử dụng thể thơ 5 chữ diễn tả tâm trạng vui tươi hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ, nhịp thơ nhanh còn thể hiện không khí khẩn trương của lễ thành hôn diễn ra trong đợt nghỉ phép ngắn ngủi của người chiến sĩ. Đó còn là sự ra đi vội vàng của hạnh phúc. Ở phần 2, việc xen kẽ giữa câu thơ 2 chữ, 3 chữ và những dòng thơ 7, 8 chữ thể hiện thật sâu sắc cái trái ngang, trớ trêu của phận số và đồng thời cũng bộc lộ tâm trạng bàng hoàng, đau đớn của tác giả. Đến phần 3, nhà thơ sử dụng chủ yếu những câu thơ 7, 8, 9 chữ tạo nên dư âm da diết, buồn thương, âm hưởng câu thơ kéo dài như niềm tiếc nuối vô bờ. Những câu thơ dàn trải làm nên một không gian mênh mang của những đồi hoa sim dài trong chiều không hết và một thời gian bất tận của những ngày hành quân.
Màu tím hoa sim hay không chỉ bởi những xúc cảm chân thành mà cái hay đến từ thi phẩm còn bởi nó gắn kết hài hòa tính tự sự, tính kịch và tính nhạc. Đây là điều mà hiếm nhà thơ nào cùng thời với Hữu Loan làm được. Trước hết, Màu tím hoa sim là một câu chuyện tình lãng mạn của một người lính kể về tình duyên của mình trên chặng đường hành quân. Đối tượng tự sự được giới thiệu ngắn gọn mà đây đủ : tôi và nàng, hoàn cảnh, tình cảm :
Nàng có ba người anh đi bộ đội
Những em nàng
Có em chưa biết nói
Khi tóc nàng xanh xanh
Tôi người Vệ quốc quân
Xa gia đình
Yêu nàng như tình yêu em gái
Câu chuyện của những anh lính san sẻ cho nhau trong rừng hoang sương muối, trong phút giây chờ giặc tới không chỉ nối kết tình đồng đội hay mong ước vợi bớt cô đơn mà còn như lời trối trăn cho chút yêu thương để lại cõi đời khi không biết ngày mai ai còn, ai mất. Vậy nên, đó là những gì riêng tư sâu kín nhất, chân thành nhất…phải chăng cũng vì lẽ đó mà bài thơ đã phải chịu bao nỗi long đong và không ít lời chỉ trích khi nó ra đời?
Tính chất tự sự của bài thơ được thể hiện qua những sự kiện quan trọng mang dấu ấn đậm nét theo trình tự thi phẩm. Đó cũng là cách kể của những ai khi mất mát người thân. Ta đã từng bắt gặp lối kể này trong thi phẩm Khóc Dương Khuê của cụ Tam Nguyên. Những sự kiện tái hiện trong kí ức lần lượt hiển hiện trên trang thơ vừa bộc lộ tâm trạng buồn đau trước sự mất mát không gì bù đắp nổi vừa vừa là những kỷ niệm đẹp đến tàn nhẫn của quá khứ khoét sâu vào mất mát hiện tại. Với Hữu Loan, quá khứ là màu áo tím dịu dàng, là mái tóc xanh người thiếu nữ, là nụ cười xinh xinh rạng ngời hạnh phúc của giai nhân và còn là vết bùn đất hành quân trên đôi giày người lính trẻ…
Ngày hợp hôn
Nàng không đòi may áo mới
Tôi mặc đồ quân nhân
Đôi giày đinh
Bết bùn đất hành quân
Nàng cười xinh xinh
Bên anh chồng độc đáo.
Cái xinh xinh và độc đáo được đặt trong tương quan với quân nhân, giày đinh, hành quân – Tình yêu nảy nở và chịu thử thách trong thời chinh chiến. Các từ ngữ kết hợp lạ lùng báo hiệu những bất trắc, éo le không thể tránh thoát của con người. Bất ngờ sẽ xảy ra, chiến tranh là đồng nghĩa với mất mát, chết chóc, thương đau. Theo logic bình thường thì người nơi chiến trận ắt sẽ phải chịu nhiều nguy hiểm. Nhưng cái bất ngờ của bất ngờ là không chết người trai khói lửa mà chết người gái nhỏ hậu phương. Cái chết ập đến quá nhanh đã tạo ra kịch tính trong thi phẩm. Tính kịch trong bài thơ thể hiện qua nhiều mâu thuẫn, trái ngang bám theo con người; trớ trêu do con tạo bày ra như khẳng định chân lý ngàn đời : Con người có đủ sức mạnh, niềm tin, nghị lực để vượt qua tất cả nhưng không thể vượt qua định mệnh. Bài thơ xất hiện nhiều hình ảnh, sự kiện đối nhau chan chát: Từ chiến khu xa / nhớ về ái ngại / lấy chồng thời chiến binh / mấy người đi trở lại - nhưng không chết / người trai khói lửa / mà chết / người gái nhỏ hậu phương; Má tôi ngồi - bên mộ con đầy bóng tối; Chiếc bình hoa ngày cưới thành bình hương; Ba người anh trên chiến trường Đông Bắc / được tin em gái mất trước tin em lấy chồng…Nhưng cái bi đát hơn cả của con người là những niềm mơ ước giản dị đôi lúc lại trở nên quá xa vời không thể nắm bắt, cái ta có mà tuột mất tự bao giờ.
Như người con gái ấy chờ mong hạnh phúc, khát khao tình yêu và ngày trọng đại nhất một đời nàng cũng không đòi may áo mới; thế mà, người chồng sau lễ thành hôn phải ra trận; từng đêm trông chồng đã kết thúc bằng nấm mồ tàn lạnh. Còn người lính chiến chợt nghe câu ca dao xưa để nhận ra nỗi bẽ bàng của tình duyên : Áo anh sứt chỉ đường tà / vợ anh mất sớm mẹ già chưa khâu. Không phải là câu ca t.ình tứ thủa nào của chàng trai mượn sợi chỉ vá áo để kết duyên tơ hồng mà câu ca dao khi mang vào bài thơ nó được chứa đựng thêm nghĩa mới. Áo sứt chỉ như tình yêu dở dang, như cuộc đời đứt đoạn, như vết thương không được vá…vì thế cuối bài hình ảnh này được Hữu Loan lặp lại ở mức độ cao hơn:
Tôi ví vọng về đâu
Tôi với vọng về đâu
Áo anh nát chỉ dù lâu.
Dù lâu mà vết thương chẳng nguôi ngoai, đường chỉ nát là sự côi cút của một con người, cái trơ trọi của kiếp sống được thể hiện qua câu kết hẫng hụt. Nhưng người đọc có thể cảm nhận được tâm tư người viết qua cái kết mở ấy. Nếu như lời ca dao xưa Áo anh sứt chỉ đã lâu bộc lộ niềm mong mỏi hạnh phúc đôi lứa khi thấy cần Mai mượn cô ấy về khâu cho giùm; còn với Hữu Loan, dư âm nỗi đau còn vọng mãi theo thời gian mà thời gian không phải được đo bằng ngày, tháng, năm mà trở thành vô hạn được ghi dấu bằng bội số của chỉ nát và dù lâu. Trong cái bội số của thời gian ấy niềm hy vọng tàn lụi, dù hy vọng mong manh đến nỗi không thể gọi tên là hy vọng mà chỉ là ví vọng, với vọng; và có cố thắp lên một niềm tin bé nhỏ nhưng cũng chẳng biết gửi vào đâu…Ba câu kết ngẩn ngơ và dang dở đã kết thúc một cách hoàn hảo mối tình ngắn ngủi và thương tâm của thi sĩ. Nhưng hơn là một bi kịch cá nhân. Bài thơ gây xúc động cho người đọc bởi nó chứa đựng bi kịch muôn đời của thân phận làm người. Đó là sự đối chọi không khoan nhượng giữa khát vọng và hiện thực; giữa sự sống và cái chết; giữa tình yêu và định mệnh…Mà trong đó bao giờ giai nhân cũng mang một dự cảm chẳng lành về phận số. Màu tím người con gái yêu thích như nhuốm màu thiên định:
Ngày xưa nàng yêu hoa sim tím
Áo nàng màu tím hoa sim
Ngày xưa
Một mình đèn khuya
Bóng nhỏ
Nàng vá cho chồng tấm áo
Ngày xưa
Một đoạn thơ thật lạ so với toàn bài, bởi Ngày xưa được nhắc đến 3 lần. Ngày xưa không chỉ là kí ức chứa đựng thời gian mà còn như khắc họa một vẻ đẹp ngàn đời của người thiếu phụ. Hình ảnh đêm khuya ngồi may áo cho chồng xuất hiện trong ca dao, trong thơ Trung đại là biểu tượng của người phụ nữ Việt Nam với phẩm chất cần cù, chịu thương chịu khó, khéo léo và đầy tình yêu thương…nhưng cũng là bao kiếp đời bạc mệnh của ngày xa xưa đó. Người con gái hiện lên qua đoạn thơ như một đóa sim rừng dịu hiền, nhỏ nhoi và mong manh quá! Làm sao cành hoa ấy chống chọi được bão tố cuộc đời? Đây còn là sự trùng hợp kỳ lạ giữa hiện thực và huyền thoại. Hữu Loan viết về những kỷ niệm có thật nhưng bản thân người thiếu phụ đã tự vận vào người cái phù du, hư ảo của kiếp sống để tạo thành một giấc mộng buồn. Huyền thoại về nàng tiên nữ xuống trần gian được hóa thân vào một loài hoa, câu chuyện về sự tích loài hoa tím đã mang đến cho bài thơ sắc màu liêu trai, huyền ảo. Và từ đó, trên bước đường hành quân, những đồi hoa sim trở thành nỗi ám ảnh như ẩn hiện dáng hình người vợ đã qua đời. Năm lần Hữu Loan viết về đồi sim với năm cung bậc khác nhau tạo thành một mảng màu ấn tượng với chỉ gam màu duy nhất :
Chiều hành quân
Qua những đồi hoa sim
Những đồi hoa sim
Những đồi hoa sim dài trong chiều không hết
Màu tím hoa sim
Tím chiều hoang biền biệt…
Chiều hoang tím có chiều hoang biết
Chiều hoang tím tím thêm màu da diết…
Màu tím hoa sim tím tình trang lệ rớm
Tím tình ơi lệ ứa
Ráng vàng ma và sừng rúc điệu quân hành
Vang vọng chập chờn theo bóng những binh đoàn
Biền biệt hành binh vào thăm thẳm chiều hoang màu tím.
Chiều tím, hoa tím – tím cả không gian, tím cả hồn người. Điệp ngữ Những đồi hoa sim vừa có tính tạo hình khi vẽ nên một không gian dài rộng lại vừa là một biểu tượng nghệ thuật mang giá trị thẩm mỹ cao. Bởi, cái hữu hình Những đồi hoa sim tím đã biến thành cái vô hình Tím màu da diết; từ sắc màu cụ thể màu tím đã trở thành màu biểu trưng cho tình yêu, cho tâm hồn, cho nỗi lòng thi nhân khi nó biến thành màu của xúc cảm : Tím tình trang lệ rớm, Tím tình ơi lệ ứa. Và sắc màu ấy cộng hưởng với bóng tối, ráng vàng ma khiến cho chiều hoang càng thêm vắng, hồn hoang càng thêm lạnh.
Màu tím hoa sim còn là bài thơ đầy âm hưởng. Giai điệu của thi phẩm được cất lên nhờ nhịp điệu linh hoạt của bài thơ. Cách tổ chức câu chữ trong từng phần và việc phối thanh hài hòa khiến người đọc có thể cảm nhận kết cấu toàn bài như một bản sonate hoàn chỉnh với khúc dạo đầu bay bổng nhịp nhàng của kèn clarinette ( thanh âm nhịp nhàng của thể thơ 5 chữ; cảm xúc rộn ràng, náo nức của ngày hợp hôn); đoạn giữa là sự phối thanh trái chiều của tiếng kèn trompette vang rền như khúc tráng ca và âm thanh lắng đọng, bi thương của tiếng dương cầm cùng điệu khoan nhặt, réo rắt tiếng vĩ cầm (đó là bè trầm trong phút giây câm lặng của hình ảnh người mẹ ngồi bên mộ con đầy bóng tối, đó là những cơn sóng cuộn xé trong lòng thi nhân khi phút giây cuối không được thấy mặt nhau, đó là sự trào dâng trước nghịch cảnh của những người anh khi biết tin em gái mất trước tin em lấy chồng) ; và kết thúc là một bè trầm sâu lắng diết da của tiếng đàn alto hòa âm cùng tiếng dương cầm hiu hắt (thanh âm lan tỏa từ những câu thơ dàn trải, từ những điệp khúc lặp mãi không thôi, từ nỗi lòng ngập tràn thương nhớ; có thể xem những đồi hoa sim là nền như tiếng dương cầm đệm lót cho tiếng đàn alto vang ngân – tiếng đàn ấy là khúc nhạc lòng của người quân nhân nức nở, nghẹn ngào, bi thiết).
Giai điệu của thi phẩm còn được ngân lên nhờ tác giả đã sử dụng các từ láy kết hợp với phép nhấn rất hiệu quả. Nếu đoạn 1 là Tóc nàng xanh xanh, cười xinh xinh thì đoạn 2 là Ngày xưa, màu sim tím và đoạn 3 là Những đồi hoa sim, chiều hoang biền biệt…Đặc biệt đoạn thơ cuối cách lặp tữ ngữ, cú pháp với tần số cao đã tạo thành một điệp khúc gây ấn tượng mạnh với độc giả. Điều này có thể lý giải vì sao sau khi bài thơ của Hữu Loan ra đời đã có đến 3 nhạc sĩ phổ nhạc cho thi phẩm.( Phạm Duy, Anh Bằng và Dzũng Chinh).
............................................
Tác giả: Người Sưu Tầm