coolstar1704
Thành viên
- Tham gia
- 8/1/2011
- Bài viết
- 23
Thời gian qua, nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại trước tình trạng tiếng Việt bị sử dụng tùy tiện, méo mó.
Tuy nhiên dạo qua một số diễn đàn mạng, cụ thể là diễn đàn trên truongxua.vn, có thể thấy có một bộ phận giới trẻ rất quan tâm đến việc sử dụng tiếng Việt sao cho chính xác và hiệu quả.
Trang web truongxua.vn với bài viết mới của cô Nguyễn Thị Bích An
Trang web truongxua.vn có hẳn mục Tiếng Việt của chúng ta để mọi người trao đổi những thắc mắc, bộc lộ suy nghĩ của mình về tiếng Việt. Từ khi được thành lập (17-3-2009) đến nay, mục về tiếng Việt đã có trên 500 chủ đề, thu hút hàng chục ngàn lượt thành viên truy cập và tham gia hỏi đáp.
Có rất nhiều chủ đề liên quan đến tiếng Việt được mọi người quan tâm như: Quy định về cách viết hoa hiện hành, Sửa ngọng cùng bạn, Một số từ dễ viết sai... hay đơn giản cũng có thể là những bài viết chia sẻ cảm xúc khi đọc được một câu thơ hay. Đặc biệt, có rất nhiều bạn trẻ ở các tỉnh viết về ngôn ngữ riêng của quê mình như: Xứ Nghệ mình đây “mô, tê, chi, răng, rứa”, Giọng Huế, Tiếng nói người miền Trung, Tiếng Thanh Hóa...
Mỗi một chủ đề đều khơi gợi sự quan tâm của rất nhiều bạn trẻ. Chủ đề được nhiều người quan tâm là việc một bộ phận giới trẻ đang dần quen với việc sử dụng tiếng Việt dị dạng. Một thành viên đã đưa ra rất nhiều ví dụ về tiếng Việt bị méo mó trong khi sử dụng như: lèm seo (làm sao), we wa (quê quá), xjnh xjnh (xinh xinh)... Những ngôn ngữ như thế này thường được các bạn trẻ ưa dùng trong chat, nhắn tin, viết blog, Facebook...
Nick name Tieubinhnguyen tỏ ra không hài lòng với cách sử dụng tiếng Việt như thế: “Chuyện giao tiếp như thế nào là quyền của mỗi người, tuy nhiên cũng cần phải xem lại cách sử dụng ngôn ngữ của mình sao cho đúng và lịch sự. Có thể không cố tình nhưng nếu cứ kéo dài thì trong đầu chúng ta sẽ tồn tại những ngôn ngữ rất kỳ quặc và phản văn hóa”.
Nick name LyLyNguyen, 43 tuổi, bày tỏ mong muốn mọi người có ý thức bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt: “...Khi nói và viết tiếng Việt thì tránh dùng tiếng lai, trừ trường hợp bất đắc dĩ. Các cụ xưa gọi người sính dùng chữ gốc Hán là người “hay chữ lỏng” và có câu nói “dốt đặc còn hơn hay chữ lỏng”.
Hội nhóm “Tiếng Việt của chúng ta” được thành lập trên trang web này cũng đã trở thành nơi trao đổi những thắc mắc về cách sử dụng chính xác tiếng Việt.
Bạn Nguyễn Hiệp (quê Nam Định, 22 tuổi) chia sẻ về khó khăn trong quá trình luyện tập phát âm “n” và “l”. Ngay lập tức, Hiệp nhận được nhiều đóng góp, gợi ý của mọi người trên diễn đàn. Cô Nguyễn Thị Bích (trưởng khoa văn Trường cao đẳng Sư phạm Bắc Ninh) - người đưa ra ý tưởng thành lập hội nhóm “Tiếng Việt của chúng ta” - đã động viên: “Cái gì cũng cần phải có thời gian. Quan trọng là em phải luôn có ý thức rèn sửa và không nản lòng”. Nick name PanPanLinh (21 tuổi) đang học ở Hà Nội chia sẻ: “Lúc trước mình cũng bị ngọng “n” và “l”, nhưng nhờ có người bạn ngồi chung bàn chịu khó nhắc nhở nhiệt tình nên giờ mình đã rất tự tin nói nhanh mà không còn sợ sai nữa”.
Dù là diễn đàn mạng, mọi người có thể tham gia tự do, tuy nhiên nhiều thành viên trong hội nhóm thể hiện sự nghiêm túc và có đầu tư trong quá trình chia sẻ quan điểm của mình về tiếng Việt. Và vẻ đẹp của tiếng Việt, trong dòng chảy của thời đại số, vẫn đang được gìn giữ từ những mối quan tâm như thế.
(phóng viên THANH QUÝ)
Hiệu chỉnh bởi quản lý: