Lạm phát 2011 và kịch bản ‘thà một lần đau’

kenzizi

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
21/4/2010
Bài viết
1.232
Việc Chính phủ cho phép giá cả một số mặt hàng trọng yếu như điện, xăng dầu, ngoại tệ... đồng loạt tăng thời gian qua, theo các chuyên gia, là một phần trong kịch bản điều hành lạm phát chặt chẽ của năm 2011.
Hiện chưa có cơ quan chức năng nào đứng ra xác nhận về một kịch bản lạm phát chung cho năm 2011, nhưng những động thái của các nhà quản lý trong 2 tháng đầu năm được một số chuyên gia kinh tế nhìn nhận là một phần trong kế hoạch điều hành với nhiều toan tính.

Liên tiếp trong những ngày cuối tháng 2, một loạt đòn bẩy tăng giá đầu vào của nền kinh tế như tỷ giá, điện, xăng dầu… được khởi động. Theo tính toán của Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh, những điều chỉnh nói trên, cộng với hiệu ứng tâm lý xã hội sẽ tác động làm tăng CPI năm 2011 khoảng 2%.

Trước đó, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng cả nước trong 2 tháng đầu năm tăng tổng cộng 3,78%, chủ yếu do tác động của Tết. Như vậy, nếu tính toán một cách cơ học, tại thời điểm này, người ta đã “nhìn thấy” lạm phát tăng khoảng 6%. So với mục tiêu khống chế CPI dưới 7% mà Quốc hội phê chuẩn cuối năm ngoái, dư địa cho 10 tháng còn lại chỉ còn trên dưới 1%.
lam-phat-0.jpg

Người lao động nghèo sẽ chịu nhiều thiệt thòi khi lạm phát tiếp tục tăng cao. Ảnh minh họa: Hoàng Hà

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc Việt Nam có thể giữ được lạm phát năm 2010 ở mức dưới 7% là điều khó trở thành hiện thực. “Việc tăng giá một số nguyên, nhiên liệu đầu vào chủ chốt của nền kinh tế như điện, xăng dầu chắc chắn sẽ khiến cho bức tranh lạm phát của Việt Nam xấu hơn một chút trong năm 2011”, chuyên gia kinh tế Christian de Guzmanb của hãng đánh giá tín nhiệm Moody’s nhận định với hàng tin BBC.

Thế nhưng, cũng trong khoảng thời gian này, thông điệp ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát liên tục được cơ quan chức năng phát đi. Đại diện Chính phủ khẳng định đây là mục tiêu "hàng đầu, kiên quyết và xuyên suốt" cả năm. Quyết tâm này được thể hiện bằng gói giải pháp 7 nhóm, được Chính phủ công bố cuối tháng 2, trong đó tập trung vào thắt chặt tiền tệ, giảm chi và bội chi ngân sách, hạn chế nhập siêu, tăng cường sản xuất và thực hiện giá thị trường...

Bình luận về gói giải pháp này, bản thân chuyên gia Guzmanb của Moody's cũng cho rằng đây là bước đi đúng hướng và cần thiết đối với Việt Nam trong bối cảnh lạm phát đang là nguy cơ hiển hiện với hầu hết các nền kinh tế mới nổi tại châu Á.

Trong khi đó, theo tiến sĩ Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc gia Việt Nam, quyết định điều chỉnh giá một số mặt hàng theo hướng thị trường và quyết tâm chống lạm phát của Chính phủ, thực tế, không mâu thuẫn với nhau. "Đây chỉ là một phần trong nhóm giải pháp bắt buộc phải làm để chống lạm phát”, ông Lịch khẳng định.

Theo chuyên gia này, tuy việc điều chỉnh sẽ làm tăng giá trong giai đoạn trước mắt nhưng sẽ giúp phá vỡ tâm lý lạm phát kỳ vọng, vốn tồn tại dai dẳng trong nền kinh tế: “Chỉ tiêu 7% có thể sẽ hết ngay trong quý 2 năm nay. Tuy nhiên, sau đó mà ổn định đến cuối năm thì vẫn còn hơn là nhích mỗi tháng một chút”, tiến sĩ Lịch nhận định.
“Nếu cứ tăng giá theo kiểu lâu lâu nhích một tí thì chỉ một tin đồn thổi cũng khiến không ít người sợ. Thà là tăng một lần rồi giữ ổn định mức tăng đó trong một thời gian dài để người dân, doanh nghiệp có kế hoạch sản xuất, kinh doanh lâu dài của mình. Như vậy, mới có thể chấm dứt được lạm phát kỳ vọng hiện nay”, đại biểu quốc hội này phân tích thêm.

Quan điểm của tiến sĩ Trần Du Lịch cũng được một số doanh nghiệp tài chính lớn chia sẻ. Theo bộ phận phân tích của Công ty chứng khoán Ngân hàng Đầu tư & Phát triển, với việc điều chỉnh tỷ giá và giá điện, xăng đầu vừa qua, lạm phát nhiều khả năng vẫn sẽ ở mức cao, khoảng 2% trong tháng 3 và tháng 4. Tuy nhiên, đến cuối năm, tình hình có thể bớt căng thẳng hơn rất nhiều khi tâm lý thị trường ổn định trở lại.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến chuyên gia cho rằng, để thực hiện thành công kịch bản lạm phát này, sẽ cần thêm rất nhiều nỗ lực của cơ quan quản lý cũng như phụ thuộc không nhỏ vào thị trường thế giới, đặc biệt trong điều kiện lạm phát toàn cầu đang có dấu hiệu tăng cao như hiện nay.

“Chỉ đơn cử chuyện giá dầu thôi ta cũng đủ thấy giá thế giới ảnh hưởng thế nào đến Việt Nam. Giá dầu hiện nay đã xấp xỉ 100 USD một thùng. Nhưng nếu những bất ổn ở châu Phi, Trung Đông không sớm được giải quyết, nó sẽ sớm lên tới 120 USD một thùng. Mà dầu cứ tăng 20 USD thì kinh tế mất 1% tăng trưởng, tác động đến lạm phát thậm chí còn lớn hơn”, Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên, thành viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phân tích.
Bên cạnh tác động bên ngoài, theo Tiến sĩ Kiên, một áp lực tăng giá khác cũng cần được tính tới trong bài toán lạm phát năm nay là quyết định tăng lương cho người lao động vào giữa năm. “So với quyết định tăng giá điện, xăng dầu thì việc nâng lương trễ hơn chừng 2 tháng. Như vậy, áp lực tăng giá có thể sẽ lại tăng cao vào giữa năm”, đại biểu Quốc hội này nhận định.

Trong khi đó, theo chuyên gia Kinh tế Vũ Đình Ánh, kịch bản cho tăng giá một số mặt hàng cơ bản vào đầu năm để hy vọng ổn định vào cuối năm cũng từng được sử dụng vào năm 2010 nhưng nền kinh tế vẫn kết thúc năm với mức lạm phát 2 con số.
“Năm nay, mức tăng giá các mặt hàng nêu trên đều cao hơn nhiều so với năm ngoái. Cộng với sức ép từ bên ngoài thì việc giữa lạm phát ổn định là rất khó khăn, đòi hỏi thêm nhiều nỗ lực của từ cơ quan điều hành”, Tiến sĩ Ánh nhận định.
Nhật Minh - Hồng Anh
 
Hiệu chỉnh bởi quản lý:
Quay lại
Top Bottom