KHÔ CẰN [2]

tyrannosaurus

Thành viên
Tham gia
15/1/2025
Bài viết
2
.PHẦN MỞ ĐẦU.
*** Tuổi thơ của Đại tá Mer
Tuổi thơ tôi nhìn việc giết chóc như một lẽ thường tình. Những kẻ mặc áo giáp đen xông vào làng tôi ở Nixventy bất ngờ vào những buổi sáng bình thường, khi tôi và bọn trẻ con trong làng đi cào hến ngoài bãi biển. Chúng tôi cào hến và nói chuyện say sưa, cho đến khi nhác thấy bóng những con thuyền đang tiến gần tới. Những lá cờ hình mũi kiếm bay phấp phới trên đỉnh cột buồm, nổi bần bật giữa nền mây trắng. Đứa nào đứa nấy gào toáng lên báo động và chạy tót về nhà, xô chậu vứt lung tung trên bờ cát.
“LŨ GAPOS ĐẾN! CÁC BÁC ƠI LŨ GAPOS!”
Như thể chỉ chờ chúng tôi gào lên như thế, đàn ông và trai tráng trong làng hùng hục xông ra bãi biển, nghênh chiến với gậy gộc, xẻng cuốc, dao rựa, cả lưới đánh cá cũng được các mang ra.
Tôi chạy về làng, xung quanh náo loạn. Người vội vàng dập bếp nấu, người nháo nhác gọi con, người níu chặt lấy tay vợ, tay chồng, người khênh những tấm váng xồng xộc chạy ra bãi biển, người khóc ngất lăn lóc giữa đường,… rồi tiếng trẻ con khóc òa, tiếng những người mẹ khóc rấm rứt, tiếng những người già chửi đổng, tiếng những đứa trẻ gọi bố ơi, anh ơi, chú ơi, bác ơi,…
Tôi chưa kịp nhìn rõ bóng dáng mẹ, mẹ đã chộp lấy tay tôi, gấp gáp nói: “Mer, nhanh lên con! Xuống đây con!”, rồi lôi tôi xuống hầm. Những đứa trẻ khác cũng vậy. Mỗi nhà đều có một cái hầm để trú ẩn mỗi khi bọn Gapos đến. Bố tôi, trên tay cầm rìu, đóng cái cửa hầm lại khiến cho hầm tối đen. Tôi chẳng nhìn thấy gì. Nhưng trong đầu cứ hiện lên cảnh bố tôi chạy ra bãi biển để cùng các bác các anh bảo vệ làng, và rồi, máu sẽ bắn lên như một bông thược dược nở bung, và rớt xuống, in trên nền cát những cánh hoa rụng. Mẹ cứ ôm chặt tôi, chặt tới mức cả tôi và mẹ đều không thể thở. Tay mẹ rịn mồ hôi, người mẹ căng lên, cứng lại như một phiến gang nung. Tiếng đánh nhau vọng về, hỗn độn. Tôi run rẩy nép vào ngực mẹ, chỉ nghe thấy tiếng tim mẹ thình thịch.
“Mẹ ơi, tại sao lại thế? Tại sao lại thế?”
Mẹ vẫn không trả lời. Mẹ chẳng bao giờ trả lời.
“Chúng ta đâu có làm gì họ!”
“Ừ, con yêu. Chúng ta có tội tình gì đâu.”
Và mẹ khóc…
Chúng tôi thường ngoi lên sau khi những tiếng loảng xoảng và la ó đã kết thúc một lúc lâu. Ngôi làng đã thành một bãi đổ nát. Chúng tôi bắt gặp ánh mắt hoảng loạn của những người hàng xóm cũng từ dưới đất chui lên. Mọi người co cụm lại với nhau trong ngôi nhà duy nhất còn giữ được một phần mái. Những người còn sống sụt sùi ôm ghì vợ con, không dám nói gì. Những người vợ, giờ đã trở thành góa phụ khóc rấm rứt mãi không thôi. Tiếng gào thét quằn quại của những người thiếu nữ vừa lấy chồng trút xuống làng chúng tôi như những cơn bão. Mẹ ôm tôi vào lòng, mẹ cũng trở thành một góa phụ trong ngày hôm ấy, nước mắt mẹ rơi lấm tấm trên má tôi. Tôi nằm im, nghe tiếng mọi người khóc.
Nhưng tại sao lại thế?
Những đứa trẻ khác núp mặt vào ngực mẹ cũng hỏi tôi như thế qua những đôi mắt to tròn bơ vơ.
Tôi căm hận lũ Gapos. Một lũ ngoại lai xấc xược đã đến cướp làng của tôi nhiều lần. Tôi thương những người đàn ông của Nixventy đã anh dũng chống trả chúng. Dù thương vong nhiều, nhưng làng vẫn được bảo vệ.
Cũng có những khi vơi bớt tiếng chém giết loạn xạ. Ấy là khi bọn Gapos đã chiếm được tất cả, ngồi chễm chệ ở đền Nix – nơi cao ráo và thiêng liêng nhất của xứ sở, bắt người dân Nixventy trở thành nô lệ. Chẳng ai chết vì đánh nhau vào lúc này. Người ta chỉ chết vì đói và kiệt sức. Đám trẻ con chúng tôi thì được thong thả đi cào hến, bắt tôm bắt cá cả buổi trời không phải canh cánh lo âu. Nhưng chẳng có con hến, con cá, con tôm nào được bỏ vào bụng.
“Mẹ ơi, hòa bình chưa?”
Mẹ quệt mồ hôi ròng ròng trên trán bằng cánh tay đen nhẻm và gầy guộc, nhìn tôi, chẳng nói gì. Mẹ lắc lắc đầu.
“Nhưng làm gì có đánh nhau nữa đâu!”
Mẹ cau mày nhìn tôi, đôi mắt khô khốc của mẹ chợt như sắp trào nước. Nhưng chẳng có giọt nước mắt nào chảy ra cả. Mẹ cũng không trả lời. Tôi chưa kịp giục, mẹ đã vác thùng nước ngọt lên bờ vai còm cõi, lết về phía ngôi đền với những người đàn bà khác đang bước đi rệu rã dưới nền cát bỏng rát.
Chẳng mấy lâu sau lại thấy tiếng đánh nhau. Những đứa trẻ lớn trong làng đã thành trai tráng, và tôi thì sắp thành một đứa trẻ lớn. Họ lật đổ lũ Gapos, dành lại đất. Rồi chúng lại kéo quân sang đánh, và người dân lại chống trả…
“Vì hòa bình của xứ sở!”
Những người con trai của Nixventy cứ rống lên như vậy trước khi lao đầu vào chỗ chết. Hòa bình chẳng thấy đâu, chỉ thấy những cánh đồng mộ ngày một rộng ra với nhiều ngôi mộ mới, nhà cửa lại thêm xập xệ, những gương mặt bơ phờ khổ đau và đói kém lại càng thêm nhàu nhĩ.
Tôi cứ nghĩ tuổi thơ tôi, hay cả cuộc đời tôi cứ mãi thế, loảng xoảng tiếng chém giết, rồi lại im tiếng chém giết và tiếng những giọt mồ hôi rơi chát chúa, rồi sẽ lại tiếng chém giết,…. Cho đến một ngày…
 
Quay lại
Top Bottom