Tại sao chính phủ không đơn giản là in thêm tiền khi đất nước bị thiếu tiền?
Trên thực tế, đã có một quốc gia làm việc này và đó là một quốc gia luôn tự cho mình là những người thông minh : nước Đức (vào thập niên 1920s). Kết quả của việc in quá nhiều tiền và đưa ra ngoài thị trường lưu thông khiến tình trạng siêu lạm phát xảy ra. Năm 1922, đồng tiền cao nhất tại Đức có mệnh giá là 50.000 Mark. Tới năm 1923, mệnh giá cao nhất đã là 100 tỷ Mark và tháng 12 năm đó thì cần tới 42 tờ 100 tỷ Mark này mới đổi được … 1 USD. Cũng trong năm này, mức độ lạm phát được coi đã đạt mức 3.25 triệu phần trăm/tháng (~giá cả cứ sau hai ngày lại tăng gấp đôi một lần).
Vấn đề ở đây là nếu Ngân hàng Trung ương cứ liên tục in tiền và đẩy chúng ra ngoài thị trường một cách không tính toán, những đồng tiền mới sẽ làm mất giá trị của những đồng tiền cũ đang lưu hành. Nói cách khác, người dân mỗi ngày chỉ sản xuất ra được 1 cái bánh nhưng lại có nhiều tiền lên, dẫn tới việc giá bánh sẽ đắt lên. Bản thân tiền chỉ là một tờ giấy có giá trị quy đổi chứ không có giá trị thật sự như vàng/bạc hay kim cương nên tình trạng mất giá rất dễ xảy ra nếu Ngân hàng Trung ương không tính toán tốt.
Nói ngắn gọn, tăng gấp đôi lượng tiền lưu thông trong khi sức mua giữ nguyên sẽ làm giảm giá trị đồng tiền xuống 1/2. Người dân sẽ mất lòng tin vào đồng tiền. Đó là lý do nhiều năm trước các quốc gia thường in một lượng tiền tương ứng với lượng vàng mà chính phủ của quốc gia đó có trong két (kim bản vị). Tại sao lại là vàng, xin được
xem ở đây.
Ngày nay, với việc phát triển thương mại quốc tế và tài chính quốc tế, việc phát hành tiền nhiều hay ít phụ thuộc vào sức mạnh kinh tế của quốc gia và việc chính phủ của quốc gia đó điều khiển nền kinh tế như thế nào chứ không còn phụ thuộc vào lượng vàng mà quốc gia đó trữ nữa (phi kim bản vị). Ngoài chỉ số lạm phát, chúng ta cũng thường nghe nhắc tới
chỉ số CPI (Consumer Price Index – chỉ số giá tiêu dùng), đại lượng được tính theo phần trăm để phản ánh mức thay đổi tương đối của giá hàng tiêu dùng theo thời gian. Sở dĩ chỉ là thay đổi tương đối vì chỉ số này chỉ dựa vào một giỏ hàng hóa đại diện cho toàn bộ hàng tiêu dùng. Mặc dù đây là một trong những chỉ số thường được sử dụng để chỉ ra mức độ lạm phát nhưng chỉ số này lại không thực sự chính xác do sử dụng một giỏ hàng cố định để so sánh. Trong khi đó, tùy theo tình hình kinh tế thay đổi mà người dân có thể sẽ điều chỉnh và thay đổi các mặt hàng mình mua (nếu lương tăng tôi sẽ ăn thêm thịt, nếu lương giảm tôi sẽ ăn nhiều rau hoặc chuyển sang ăn đậu phụ – món mới trong giỏ hàng)