Hồi chuông cảnh tỉnh dưới góc nhìn kỹ năng sống

leduy

Là chính anh
Thành viên thân thiết
Tham gia
26/8/2010
Bài viết
2.078
Lướt một số tin tức xoay quanh lứa tuổi teen và sinh viên, tôi giật mình vì các bài viết về những vấn đề teen tự tử, teen bỏ nhà đi, teen không vâng lời cha mẹ, sinh viên chán học, sinh viên không có việc làm vì thiếu kỹ năng,… tràn ngập khắp các trang mạng. Cái gì cũng có hai mặt. Cũng có thể lên tiếng với giới làm báo là tại sao cho đăng quá nhiều tin tiêu cực gây ảnh hưởng không tốt đến cách mọi người nhìn giới trẻ. Nhưng mặt còn lại tôi cho là đáng để chúng ta suy nghĩ. Đã đến lúc cần nhìn vào thực tế, nhiều bạn trẻ hiện nay đang phát triển khá lệch lạc, thiếu định hướng.Đây là đề tài tôi muốn viết đã lâu vì trăn trở nhiều, nhưng cứ tự chất vấn là không biết góc nhìn của mình có đủ khách quan chưa nên lại chần chừ. Tuy nhiên, nghĩ tới nghĩ lui cũng chẳng làm được gì nếu như không lên tiếng đánh thức một bộ phận lớn nhiều ngườicòn khá nhút nhát, rụt rè khi quyết định đầu tư học kỹ năng sống cho bản thân hoặc cho con cái. Lý do cản trở mọi người thường là chi phí bỏ ra sao mắc quá? Nghĩ thế nên tôi viết và sẽ cố gắng khách quan nhất.
Đây là tâm sự của một bạn nữ mà tôi xót xa: https://kenh14.vn/doi-song/toi-da-tung-muon-chet-vi-minh-khong-con-xinh-dep-20120812091615592.chn. Cô bé thiếu một thứ rất quan trọng để vượt qua nghịch cảnh, đó chính là LÒNG TỰ TRỌNG. Chia sẻ của em khiến tôi lo lây sang các bạn trẻ khác nếu bị rơi vào những hoàn cảnh tương tự. Có lẽ chưa thời nào cái chết lại là phương cách thật dễ dàng mà nhiều bạn trẻ lựa chọn để “chống chọi” với sự bất như ý. Mẹ tôi thường kể rằng ngày xưa nghe tin một ai đó tự tử là phải có chuyện gì ghê gớm, uất ức lắm. Vậy mà bây giờ nhan nhãn trên báo đài, chủ yếu ở lứa tuổi còn rất trẻ. Họ tìm đến cái chết với nhiều nguyên nhân thật… “vớ vẩn”. Người ta thường gọi đó là chết… lãng nhách. Tôi không có ý xiên xỏ tình cảnh của các bạn, nhưng phải đánh đổi cả mạng sống của mình thì thật quá đáng!!!Rồi nhiều bạn do xem rẻ mạng sống của mình nên nhìn người khác cũng vậy. Trong nhiều trường hợp, tính mạng như một món hàng đánh đổi do thù hằn cá nhân, đôi khi chỉ từ một cái va quẹt xe chẳng đáng, hoặc máu “anh hùng rơm” nổi lên. Tôi rùng mình khi nhớ đến Lê Văn Luyện và Nguyễn Đức Nghĩa. Lê Văn Luyện thì không bàn thêm vì dư luận đã đề cập quá nhiều. Nhưng đáng tiếc hơn là trường hợp của Nguyễn Đức Nghĩa, vốn là sinh viên có thành tích khá ấn tượng của một trường đại học nhiều người mơ ước. Thế điều gì khiến Nghĩa lại thành kẻ sát nhân trong một phi vụ kinh khiếp? Có phải Nghĩa mắc bệnh tâm thần không biết gì? Không phải. Càng không phải Nghĩa không được học hành đàng hoàng? Dĩ nhiên có nhiều lý do dẫn đến kết cục bi thảm đó. Trong bài viết này, tôi muốn đề cập ở khía cạnh kỹ năng sống. Đó là Nghĩa thiếu nhận thức về bản thân và xã hội, không trân trọng cuộc sống, dẫn đến suy nghĩ bồng bột; và trong lúc cảm xúc tiêu cực tột độ, anh đã hành động sai trái mà chính anh cũng phải thốt lên: “Tôi chết cũng không hết tội”. Ở góc độ nào đó, Nghĩa còn đáng thương!Dĩ nhiên, không phải bạn trẻ nào cũng như Lê Văn Luyện, Nguyễn Văn Nghĩa hay cô gái được nêu trong đầu bài viết. Hầu hết các em vẫn tốt, học giỏi và ngoan ngoãn. Trách thì trách nhưng vẫn thương lắm. Hiện nay, đôi vai các em đang dần đuối sức khi phải gánh quá nhiều áp lực, so với nội lực non nớt. Nào là áp lực thi cử (có thể cha mẹ, thầy cô, xã hội đặt kì vọng sai); áp lực bị thua kém bạn bè (bị so sánh, mặc cảm, không được là chính mình); áp lực từ người lớn (vừa phải học giỏi, vừa phải là con ngoan, vừa phải làm hài lòng người lớn khi mà xu hướng bây giờ đã khác người lớn rất nhiều). Xã hội càng hiện đại bao nhiêu thì những áp lực trên càng khó tránh bấy nhiêu. Do đó, hơn bao giờ hết các em rất cần được trang bị kỹ năng sống để tăng cường nội lực, để:

  • biết yêu thương bản thân, trân trọng cuộc sống,
  • biết hành xử, giao tiếp phù hợp với mọi người,
  • biết làm chủ cảm xúc khi gặp điều khó chịu,
  • biết bình an đón nhận sóng gió và những sự bất như ý,
  • biết mạnh mẽ đối diện thử thách để vượt qua,
  • biết nuôi dưỡng ý chí và khao khát vươn lên,…
Chứ không kiểu này, tôi e ngại tâm hồn các em sẽ tàn lụi dần, hoặc nguy hiểm hơn là hủy hoại cuộc sống của chính mình và những người xung quanh. nhiều bậc phụ huynh đang xem nhẹ việc đầu tư cho con cái và chính bản thân mình học kỹ năng sống. Công việc cho tôi cơ hội tiếp xúc khá nhiều quý phụ huynh, trong đó có những người thậm chí chia sẻ thẳng: “Tôi sẵn sàng cho con đi học thêm, học nhiều giáo viên giỏi, chứ còn mấy cái kỹ năng này nọ giờ chưa cần, tự chúng nó sau này sẽ học được khi ra đời”. Hoặc cũng không ít các bạn sinh viên cũng vậy, thấy tiếc tiền và không cần thiết phải bỏ một số tiền khá lớn cho việc xây “nền móng” cuộc đời. Tôi tôn trọng suy nghĩ ấy nhưng rất buồn. Tôi sợ rồi mỗi ngày phải đọc, nghe hoặc chứng kiến những bi kịch trên tiếp tục xảy ra, đó là điều đáng tiếc và đau thương không gì bằng. Rồi xã hội sẽ trở nên thụt lùi hơn nữa khi mà một phần không nhỏ các bạn trẻ đang quá vô tư với cuộc sống và tương lai, trong khi nhiều phụ huynh thì mải mê công việc dẫn đến thiếu quan tâm con cái.Có dịp, tôi sẽ chia sẻ về tầm quan trọng và mức độ cần thiết của việc đầu tư học kỹ năng sống trong một bài viết khác. Nhưng trước hết, tôi muốn kêu gọi tất cả chúng ta hãy bắt đầu ý thức hơnđừng thờ ơ nữa về thực trạng đã đến hồi báo động. Riêng với tôi, đó cũng là lý do để tôi thức dậy mỗi ngày.

(Sưu tầm)
VUDUCTRITHE.COM
 
Hiệu chỉnh bởi quản lý:
×
Quay lại
Top