Học văn và lò luyện văn

Totoro

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
17/12/2011
Bài viết
5.437
Tuần qua, trên mạng internet lan truyền video giờ học ở một lớp luyện thi ĐH môn văn tại Hà Nội mà khi xem qua, các nhà giáo đều giật mình. Đó là một lớp luyện thi kỳ lạ, một “lò luyện đan” thì đúng hơn khi các cô cậu tú tài ê a theo cô giáo một bài văn mẫu. Khó ai cho rằng đó là lớp luyện thi ĐH mà cứ nghĩ là giờ học môn tiếng Việt ở lớp 1!


451c6429fcb502.img.jpg



Dư luận phản ứng với cách dạy học như vậy. Cô giáo này lý giải cách dạy, thẳng thắn bảo vệ phương pháp giảng dạy của mình và cho rằng Bộ GD-ĐT có ba-rem chấm điểm môn văn, cô dạy làm sao để các em đỗ ĐH là được, còn có chạy theo thành tích hay không thì cô không cần biết. Cô giáo đã nói thực, rất thực nữa là khác. Nó cho thấy một phần hình ảnh của một nền giáo dục học để thi cử. Đó là thực tế.

Trong những năm gần đây, đề thi môn văn đã bắt đầu mở hơn. Các nhà giáo ra đề thi môn văn đã tấn công vào thành lũy của lối học vẹt, học tủ. Từ năm 2012, trong kỳ thi ĐH, CĐ khối D, môn ngữ văn đã đưa chủ đề thần tượng và ngưỡng mộ thần tượng vào đề thi. Đề thi tuyển sinh lớp 10 ở TP HCM năm 2012 có câu luận về sự vô cảm của tuổi teen.

Gần đây, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2013, hình ảnh bạn Nguyễn Văn Nam hy hinh thân mình để cứu người cũng làm cho đề thi môn văn trở nên hấp dẫn hơn. Trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 ở TP HCM năm nay là hình ảnh của các bạn học sinh nghèo ở huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi phải lao động kiếm những đồng tiền ít ỏi để đi học; ngôn ngữ chat, tuổi teen. Kỳ thi tương tự ở Hà Nội nói về chủ quyền biển đảo của Tổ quốc…
Đây là một hướng ra đề tốt, thực tế và sinh động. Nó không chỉ có mục đích kiểm tra kỹ năng nghị luận của thí sinh mà còn có tính giáo dục sâu sắc. Dư luận ủng hộ cách ra đề như vậy. Có ý kiến cho rằng đề thi mở đến mức độ nào để có thể loại bỏ cách học tủ, học vẹt, học thuộc lòng những bài văn mẫu và phải kiểm tra được kiến thức của học sinh mới là điều đáng suy nghĩ.

Nhiệm vụ văn học trong nhà trường phổ thông có nhiều mục đích, ngoài kiến thức, văn học còn chuyên chở những giá trị thẩm mỹ, đạo đức… Đề thi tốt nhất là đề thi kết hợp văn học với thực tiễn. Với cách ra đề mở, chắc chắn giáo viên dạy môn văn sẽ cực hơn vì khó “luyện” cho trúng tủ và phải sáng tạo, nhạy cảm trong cách tiếp cận các vấn đề thời sự, xã hội. Với thí sinh, đề mở có “hệ số an toàn” cao hơn vì đáp án cũng mở, ít có điểm dưới trung bình nhưng để đạt điểm cao lại rất khó.

Văn học là môn học quan trọng trong nhà trường phổ thông. Việc đổi mới đề thi với môn học này là quan trọng nhưng đổi mới cách dạy văn cũng quan trọng không kém. Chúng ta chưa đổi mới được cách giảng dạy văn học trong nhà trường khi tính giáo khoa vẫn lấn át những giá trị văn học của một tác phẩm văn học.

Theo Xaluan
 
Hiệu chỉnh bởi quản lý:
×
Quay lại
Top Bottom