Học Văn 9: Vẻ Đẹp Số Phận Của Vũ Nương

HocTapHay

Thành viên
Tham gia
24/5/2021
Bài viết
7
Soạn văn: https://hoctaphay.com/ngu-van
a. Vẻ đẹp của nhân vật Vũ Nương
• Là người con gái thùy mị, nết na
- Ngay từ đầu truyện, VN đã được giới thiệu là người phụ nữ đẹp người đẹp nết “tính đã thùy mị nết na lại thêm tư dung tốt đẹp”.
- Chính vì vậy, Trương Sinh đã xin mẹ 100 lạng vàng để cưới nàng về. Chi tiết này đã tô đậm vẻ đẹp nhan sắc và phẩm hạnh của Vũ Nương.
 Nhân vật Vũ Nương đã được khắc họa với những nét chân dung về người phụ nữ mang vẻ đẹp toàn vẹn nhất trong xã hội phong kiến.
- Để làm nổi bật vẻ đẹp hoàn thiện của Vũ Nương, tác giả đã đặt nhân vật vào trong những hoàn cảnh, những mối quan hệ với các nhân vật khác.
• Nàng là người vợ rất mực thủy chung, tình nghĩa ()
- Trong cuộc sống vợ chồng, nàng hiểu chồng có tính đa nghi lại hay ghen cho nên nàng lúc nào cũng giữ gìn khuôn phép, không để vợ chồng xảy ra bất hòa.
- Ngày tiễn chồng đi lính, nàng rót chén rượu đầy nói lời tình nghĩa thiết tha “Chàng đi chuyến này, thiếp chẳng mong đeo được ấn phong hầu, mặc áo gấm trở về quê cũ, chỉ mong ngày về mang theo được hai chữ bình yên, thế là đủ rồi”. Trong lời dặn dò của nàng, ta thấy nàng không cầu công danh phú quý mà chỉ mong chồng trở về bình an, chỉ khát khao một hạnh phúc gia đình bình dị.
- Nàng thông cảm, thấu hiểu cho những nỗi gian lao vất vả mà chồng phải đối mặt nơi trận mạc, nàng bày tỏ nỗi nhớ thương chồng, trông chờ khắc khoải.
- Khi xa chồng, nàng luôn đau đáu nỗi nhớ thương chồng không thể nguôi ngoai, nỗi nhớ kéo dài năm tháng, bao trùm lên không gian, cảnh vật : “Mỗi khi bướm lượn đầy vườn, mây che kín núi thì nỗi buồn góc bể chân trời không thể nào nguôi ngoai cho được.”
- Suốt những năm tháng Trương Sinh đi lính, Vũ Nương một lòng một dạ thủy chung chờ chồng. Phẩm chất này được thể hiện rõ trong lời thanh minh của nàng với chàng Trương khi bị nghi oan : “ Cách biệt ba năm giữ gìn một tiết, tô son điểm phấn từng đã nguôi lòng, ngõ liễu tường hoa chưa hề bén gót,…”
 Với vai trò của một người vợ, Vũ Nương đã trọn đạo thủy chung, son sắt, một lòng một dạ với chồng. Đó chính là vẻ đẹp lí tưởng theo tiêu chuẩn đạo đức của lễ giáo phong kiến.
• Là người con dâu hiếu thảo
- Bà mẹ vì nhớ con mà lâm bệnh, VN hết lòng phụng dưỡng : chạy chữa thuốc thang, lẽ bái thần phật, dùng lời ngọt ngào khôn khéo khuyên lơn, mong mẹ chồng chóng khỏi bệnh, đợi ngày um sum họp.
- Khi mẹ chồng mất, nàng hết lòng thương xót, lo ma chay tế lễ chu đáo như đối với cha mẹ đẻ của mình.
- Lời trăng trối của bà mẹ chông trước phút lâm chung chính là lời khẳng định đanh thép nhất cho phẩm chất hiếu hạnh, cho công lao to lớn của VN với gia đình nhà chồng : “Xanh kia quyết chẳng phụ con, như con đã chẳng phụ mẹ”.
 Trong XHPK xưa, mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu vốn vô cùng phức tạp, để có được lời động viên, an ủi của mẹ chồng như vậy, chắc hẳn tấm lòng hiếu nghĩa của VN phải to lớn biết nhường nào.
• Là người mẹ giàu lòng yêu thương con
- Thiếu vắng chồng, thiếu vắng người đàn ông trụ cột trong gia đình, nàng một mình sinh con, nuôi dạy con khôn lớn. Không chỉ trong vai trò của người mẹ, nàng còn đóng vai trò của người cha hết lòng yêu thương con, không để con thiếu thốn tình cảm.
- Để con không thiếu vắng tình cha, để con cảm nhận được hơi ấm đoàn viên của gia đình, hằng đêm, nàng đã trỏ bóng mình trên vách mà nói là cha của bé Đản. Chi tiết này đồng thời cũng nói lên tình cảm vợ chồng gắn bó, nàng lúc nào cũng hình dung chồng đang ở bên mình như hình với bóng.
• Là người phụ nữ trọng danh dự, nhân phẩm và tình nghĩa
 Trọng danh dự, nhân phẩm
- Ngày TS trở về cũng là lúc tai họa ập xuống cuộc đời. TS về mang theo tâm trạng buồn khổ vì mẹ đã mất, con thì vừa học nói, chàng bế con ra thăm mộ mẹ nhưng thằng bé nhất quyết không chịu gọi là cha mà còn nói có một người cha khác, đêm nào cũng đến : “Mẹ Đản đi cũng đi, mẹ Đản ngồi cũng ngồi và chẳng bao giờ bế Đản cả” . Lời nói ngây thơ của bé Đản đã làm thổi bùng lên ngọn lửa ghen tuông trong lòng TS. TS không giữ được bình tĩnh đã về nhà mắng nhiếc, đánh đuổi vợ đi.
- Trước nỗi oan tày trời, trước cảnh hạnh phúc gia đình có nguy cơ tan vỡ, VN đã cố gắng phân trần để bảo vệ danh dự cho mình và để hàn gắn hạnh phúc gia đình:
+ Ở lời nói đầu tiên, nàng đã nói đến thân phận mình, nói đến tình nghĩa vợ chồng và khẳng định tấm lòng thủy chung, trong trắng của mình và cầu xin chồng đừng nghi oan  nàng đang cố gắng để gìn giữ hạnh phúc gia đình, cứu vãn hạnh phúc gia đình trước nguy cơ tan vỡ.
+ Ở lời nói thứ hai, nàng bộc lộ nỗi thất vọng đến tột cùng khi không hiểu sao mình bị nghi oan, không thể biện minh cho mình và cũng không thể được bảo vệ bởi lời biện bạch của hàng xóm láng giềng. “Thú vui nghi gia nghi thất” , hạnh phúc gia đình mà nàng khao khát cả đời bây giờ cũng tan vỡ. Cuộc đời nàng đã không còn ý nghĩa gì nữa.
- Nàng chẳng còn gì cả ngoài nỗi thất vọng tột cùng, nỗi đau đớn ê chề bởi cuộc hôn nhân đã không cách nào hàn gắn nổi mà nàng lại phải chịu một oan tày trời, một vết nhơ không gì có thể xóa được. Bị dồn nén đến bước đường cùng sau mọi cố gắng không thành, VN chỉ còn biết mượn dòng Hoàng Giang để rửa nỗi ô nhục . Hành động tìm đến cái chết của nàng là hành động quyết liệt cuối cùng, chất chứa nỗi tuyệt vọng đắng cay nhưng cũng đi theo sự chỉ đạo của lí trí.
 Nàng coi nhân phẩm, danh dự còn quan trọng hơn cả mạng sống của mình cho nên nàng sẵn sàng chết để bảo toàn danh dự, nhân phẩm.
- Vì trọng danh dự cho nên khát khao được trả lại danh dự luôn mãnh liệt trong nàng. Sống dưới thủy cung nhưng nàng vẫn mong muốn có ngày trở về , mong muốn được trả lại danh dự. Chỉ khi TS lập đàn giải oan thì nàng mới trở về , điều đó có nghĩa là TS phải thừa nhận nỗi oan khuất của nàng, trả lại cho nàng danh dự.
 Bao dung, nhân hậu và tình nghĩa
- Mặc dù sống dưới thủy cung, ở một thế giới khác, được trân trọng, được yêu thương nhưng nàng vẫn đau đáu nỗi niềm nơi trần thế, vẫn nghĩ về chồng con, nghĩ về mộ phần tiên tổ.
- Nàng không hề trách cứ Trương Sinh – người đã gây ra cái chết cho nàng, vẫn nói lời đa tạ, vẫn cảm kích khi TS còn “nhớ chút tình xưa nghĩa cũ” mà lập đàn giải oan để đón nàng về.
 VN chính là khuôn vàng thước ngọc cho đạo đức lễ giáo phong kiến , người như nàng xứng đáng được hưởng hạnh phúc nhưng chính XHPK với những bất công với người phụ nữ đã đẩy nàng vào số phận oan nghiệt.
b. Số phận oan nghiệt của Vũ Nương
• Tình duyên oan trái
- Cuộc hôn nhân không bình đẳng, giống như một cuộc mua bán giữa kẻ giàu và người nghèo  sự cách bức giàu nghèo khiến cho VN luôn có mặc cảm tự ti mình là “con kẻ khó”.
- Nguyễn Dữ đã cảm thương cho VN – một người phụ nữ nhan sắc và đức hạnh mà lại kết duyên với TS – một kẻ thất học, hồ đồ, vũ phu, thô bạo. Thương tâm hơn nữa, người chồng ấy còn có tính đa nghi, đối với vợ “phòng ngừa quá sức”.
• Mòn mỏi chờ chồng trong vất vả, gian lao
- Lấy chồng chưa được bao lâu đã phải tiễn chồng đi lính mà không hẹn ngày về “sum họp chưa thỏa tình chăn gối, chia phôi vì động việc lửa binh”.
- Tiễn chồng lên đường, nàng chẳng mong chờ công danh phú quý mà chỉ lo nỗi bất trắc ngoài trận mạc, liệu người ra đi có thể trở về?
- Vò võ một mình ngóng trông tin chồng với bao nhiêu nhớ thương vời vợi: “Mỗi khi bướm lượn đầy vườn…. nguôi ngoai cho được”. Tâm trạng nhớ thương đau buồn ấy của Vũ Nương cũng là tâm trạng chung của những người phụ nữ có chồng đi chinh chiến trong xã hội cũ:
Trời thăm thẳm xa vời khô thấu
Nỗi nhớ chàng đau đáu nào xong
(Chinh phụ ngâm – Đoàn Thị Điểm)
- TS đi lính, để lại gánh nặng gia đình cho người vợ trẻ. VN vất vả thay chồng nuôi mẹ già, nuôi con nhỏ. Sau khi mẹ chồng mất, chỉ còn cảnh mẹ trẻ con thơ trong căn nhà trống vắng, cô đơn.
• Cái chết thương tâm
- Hạnh phúc ngắn chẳng tày gang , ngày TS trở về, ngỡ rằng nàng sẽ được đền đáp tất cả. Thế nhưng, tai họa lại ập xuống đầu nàng. Chỉ vì tin lời nói ngây thơ của con trẻ, TS đã nghi ngờ vợ thất tiết, không chịu nghe nàng thanh minh biện bạch mà nhất quyết mắng nhiếc, đánh đuổi vợ đi. Sau mọi cố gắng cứu vãn không thành, VN buộc phải tìm cái đến chết như một cứu cánh duy nhất để bảo toàn cho tiết sạch giá trong của mình. Nàng tự tử nhưng thực chất là bị bức tử.
• Nỗi oan cách trở
Tuy TS đã lập đàn giải oan, VN đã trở về nói lời tạ từ rồi lại biến vào sương khói hư vô, nàng đã được giải oan nhưng âm – dương đã đôi đường cách trở, nàng chẳng thể trở về trần gian, vĩnh viễn xa lìa chồng con, hạnh phúc gia đình bình dị đã mãi mãi đóng cửa lại rồi.
 Bi kịch của VN là một lời tố cáo XHPK tôn trọng quyền uy của những kẻ giàu có và những người đàn ông trong gia đình. Những người phụ nữ đức hạnh không được bênh vực, không được chở che mà còn bị đối xử bất công, vô lí.
 
×
Quay lại
Top