Hiện tượng suy giảm năng lượng của con người: Việc làm nhỏ - hệ lụy lớn

gaconueh2005

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
3/3/2013
Bài viết
4.056
Trong bối cảnh con người đang suy giảm năng lượng bởi những yếu tố tưởng như rất khách quan, nhưng thực chất lại là hệ lụy do chính con người gây ra cho môi trường gồm hiệu ứng nhà kính, rác thải, ô nhiễm nguồn nước… Chính lối sống hằng ngày với những sinh hoạt có vẻ như vô hại, thậm chí lầm tưởng sẽ hữu ích trong cuộc sống cũng là những nguyên nhân trọng yếu gây nên tình trạng này.

Cạn sức vì… học

Ai cũng cho rằng học tập là việc trang bị kiến thức, văn hóa… để mang lại sức mạnh tinh thần và vật chất gần như cho cả một đời người. Chắc chắn như vậy, nhưng phải trong điều kiện một nền giáo dục lấy con người là chủ thể, mục tiêu sau đó là xã hội. Còn nền giáo dục của ta hiện nay nói một cách thẳng thắn là… đang làm khổ học sinh, làm hao mòn trí tuệ và sức lực của học sinh qua những chủ trương dường như chưa được xác định rõ ràng phương hướng - mục tiêu giáo dục, phương pháp giáo dục…

Có thể thấy trong đời sống học tập hằng ngày, mới chỉ ở cấp tiểu học, cấp học đầu tiên làm quen với con chữ và các phép tính đơn giản, thế mà học sinh đã phải “đánh vật” với chương trình, học cả sáng lẫn chiều một cách chính thống ở trường, chứ không được phép lựa chọn học nửa buổi. Chưa kể khi kết thúc buổi học ở trường, phần lớn học sinh lại tiếp tục học thêm đến tận tối mịt mới về. Ngành giáo dục quy định cấm dạy, học thêm nhưng thử hỏi với chương trình giáo dục đang phổ cập theo thiên hướng nhồi nhét, nếu không học thêm, học sinh có thể lĩnh hội toàn bộ lượng kiến thức ấy hay không?

anh_suy_giam_NLS.jpg
Áp lực mùa thi luôn làm "cạn" sức của thí sinh
Một minh chứng rất cụ thể mà có lẽ khán giả nào theo dõi chương trình truyền hình “Ai thông minh hơn học sinh lớp 5” cũng sẽ nhận ra giáo dục Việt Nam khó hay dễ. Trong chương trình mới đây, có câu hỏi “đếm hình trong hình” được trích trong sách toán lớp 1 - xin nhắc lại là sách toán dành cho học sinh mới cắp sách đến trường với tư duy vẫn còn non nớt - có tới tận 13 hình tam giác lồng ghép trong nhau. Điều đáng nói là người lớn tham dự trong chương trình chỉ đếm được có 8 hình. Người lớn còn trả lời sai do không thể nhìn ra, thì đa số học sinh lớp 1 chắc chắn khó lòng đếm đủ được. Và đương nhiên, trước chương trình giáo dục dạy như đánh đố ấy thì học sinh phải nai lưng, gò sức để học đến độ lúc nào cũng trong tình trạng ăn vội, ngủ vội… ngay cả thời gian tái tạo sức lực không có. Thế thì không tiêu hao sức lực, năng lượng mới là chuyện lạ!

Ở học sinh chuyển từ cấp trung học cơ sở sang trung học phổ thông hay thi đại học còn thấy rõ hơn điều này. Mỗi lần diễn ra những kỳ thi ấy, đến dư luận xã hội nói chung cũng còn trở nên căng thẳng, thì chắc chắn các thí sinh còn quay cuồng vì sự nghiệp học hành thi cử của mình. Chưa bàn đến chuyện tốn kém nhưng rõ ràng cả xã hội “căng hơn dây đàn”.

Chỉ riêng đợt thi chuyển cấp vào THPT mới đây, không chỉ thí sinh mà các bậc làm cha làm mẹ có con đi thi, chuẩn bị thi và tương lai sẽ đi thi đều “phát sốt phát rét” khi nghe thông tin 20.000 thí sinh sẽ bị loại khỏi trường công. Trong khi đó, gia đình nào cũng muốn con em mình được vào hình thức đào tạo này bởi không phải gia đình nào cũng có tiền cho con em học tại trường dân lập. Ai cũng biết học là phải thi, song các kỳ thi trở nên quá nghiêm trọng, âu cũng vì “nạn” sính bằng cấp, vì những quan niệm có lẽ cần xem xét lại về sự thích hợp, nhu cầu của học sinh và xã hội đã khiến cho học sinh mệt mỏi, thậm chí mất trí, điên loạn.

Nếu đến Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai vào những dịp này sẽ thấy cảnh xót xa ấy. Và đáng nói hơn là số học sinh điên vì học - theo bác sĩ Nguyễn Văn Dũng, Trưởng khoa Điều trị Tâm thần II - ngày càng nhiều hơn. Đau xót quá, khi đáng ra giáo dục phải tạo ra một con người hoàn hảo thì đằng này lại làm cho không ít học sinh trở nên què cụt về cả trí tuệ và sức khỏe!

Sống thử và sống bầy đàn

Không chỉ chuyện “vĩ mô” như giáo dục mà ngay cả những chuyện thuộc về cá nhân diễn ra hằng ngày trong đời sống cũng đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng lượng của con người từng ngày, từng giờ. Thế nhưng dường như không ai quan tâm, đặc biệt thế hệ trẻ. Khoan bàn đến nguyên nhân, chỉ biết rằng một bộ phận thanh thiếu niên đang duy trì lối sinh hoạt hằng ngày một cách vô độ, dù dưới hình thức nào.

Ví dụ chuyện quan hệ nam - nữ. Thật kinh hoàng khi một cô bé mới 13 tuổi đã khiến cho 3 chàng trai ở tuổi sức dài vai rộng phải vướng vào vòng lao lý vì đã “quan hệ” với cô. Mà khủng khiếp nhất ở chỗ, cô quan hệ với nhiều người và khi Cơ quan Công an tiến hành công tác điều tra, cô kể chuyện như không và lần lượt khai ra từng người một. Tương tự, một nhóm “nam thanh nữ tú” đang tuổi 17 bẻ gãy sừng trâu rủ nhau sống “bầy đàn” như người nguyên thủy, rồi “ngủ ngày cày đêm” - nghĩa là cứ chập tối chúng rủ nhau đi cướp cho đến rạng sáng hôm sau mới về ngủ. Công an Hà Nội vừa bắt giữ được “bầy đàn” này và lối sống của họ đã khiến dư luận xã hội bất ngờ, hoang mang.

Nhiều sinh viên hiện nay “sống thử”, quan hệ t.ình d.ục bừa bãi nên dẫn đến không chỉ sức khỏe nói chung mà cả sức khỏe sinh sản suy giảm. Một nghiên cứu năm 2011 của Học viện Quân y 103 trên 9.300 cặp vợ chồng cho thấy, tỷ lệ vô sinh chiếm 3,2%. Còn năm 2012, theo nghiên cứu của Bệnh viện Phụ sản Trung ương và Khoa Sản, Đại học Y Hà Nội trên 3.000 trường hợp thì có khoảng 8% cặp vợ chồng vô sinh.

GS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương tổng kết, trên tổng số dân số hiện tại thì tỷ lệ vô sinh chiếm khoảng 10%. Đây là con số đáng báo động, trong đó, vô sinh thứ phát đặc biệt cao. Điều đáng nói nguyên nhân chủ yếu của tình trạng vô sinh trên đây là do nạn nạo phá thai tràn lan.

Theo thống kê của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình thì Việt Nam từng đứng trong “top” đầu về tình trạng phá thai trên thế giới với tỷ lệ 100/100, nghĩa là cứ 100 trẻ ra đời thì có 100 ca phá thai. Ở khu vực thành thị thậm chí còn cao hơn khi năm 2003, tỷ lệ phá thai lên tới 190%; năm 2006 là 140%; năm 2007 cho đến nay, tỷ lệ này giảm xuống còn 60/100, tức là 60 ca phá thai thì có 100 trẻ ra đời. Tuy nhiên, đây vẫn là tỷ lệ rất cao và quan trọng trong tỷ lệ ấy, có tới 20% ca phá thai là tuổi vị thành niên. Nhưng đó cũng chỉ là con số thống kê được ở những bệnh viện, cơ sở y tế thuộc Nhà nước. Còn các phòng khám tư nhân thì không thể nào thống kê được do các cơ sở này không lưu hồ sơ, bệnh án của bệnh nhân…

Cần một cuộc cải tổ đồng bộ

Vậy đâu là nguyên nhân của lối sống vô độ ở một lớp người khiến cho hoặc là năng lượng suy giảm hoặc là năng lượng không tương xứng với độ tuổi? Đó chính là sự bùng nổ thông tin nhưng thiếu kiểm soát; là sự giáo dục không đến nơi đến chốn; là công tác tuyên truyền giáo dục yếu kém; là sự lười nhác của mỗi cá nhân trong việc tự nghiên cứu, học hỏi... Và trên hết là sự phát triển xã hội một cách thiếu đồng bộ; thiếu tầm chiến lược v.v…

Để khắc phục tình trạng này, GS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế và TS Xã hội học Khuất Thu Hồng cùng cho rằng: Trước mắt phải thực hiện công tác tuyên truyền sâu, rộng; Phải xây dựng những khu vui chơi, giải trí bổ ích cho thanh thiếu niên thay vì những công trình nhà ở như hiện nay; Phải thực hiện một cuộc cải tổ lớn đối với giáo dục; Về luật định và công tác quản lý, những gì còn thiếu, yếu, bất cập phải bổ sung, siết chặt quản lý. Đồng thời mỗi cá nhân phải có trách nhiệm đối với chính cuộc sống của mình… Có như vậy mới mong, không những năng lượng của con người không bị suy kiệt mà xã hội còn ổn định, phát triển.
Theo petrotimes.vn
 
×
Quay lại
Top Bottom