Từ đầu tháng Ba đến nay, hiện tượng La Nina đã gây nên những trận mưa trái mùa liên tiếp ở khu vực Nam Trung Bộ, Nam Tây Nguyên và Nam Bộ, tác động đến sản xuất nông, lâm nghiệp cũng như sinh hoạt của người dân.
Sự xuất hiện mưa trái mùa đã làm giảm không khí oi bức, hạn chế khả năng cháy rừng trong những tháng cao điểm mùa khô, tuy nhiên cũng gây thiệt hại không nhỏ đến sản xuất lúa, tôm, hoa màu và vườn cây ăn quả...
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn Trung ương, mưa trái mùa vào thời điểm này không phải là bất thường, do hiện tượng La Nina gây ra và đã được các cơ quan khí tượng thủy văn khu vực cảnh báo từ trước.
Lượng mưa đo được tại những khu vực này phổ biến từ 30-50mm, một số nơi mưa lớn hơn, như Cam Ranh (Khánh Hòa) 60mm, Long Khánh (Đồng Nai) 55mm, Rạch Giá (Kiên Giang) 94mm, Bạc Liêu 107mm, Cà Mau 81mm. Những trận mưa trái mùa ở khu vực Nam Trung Bộ, Nam Tây Nguyên và Nam Bộ đã cứu hàng ngàn hécta cao su đang bị hạn, giảm nguy cơ cháy rừng đang được cảnh báo ở cấp độ cao từ nhiều ngày trước, nhất là ở các khu rừng phòng hộ ở huyện Dầu Tiếng, Phú Giáo và Tân Uyên... (tỉnh Bình Dương).
Riêng cây cao su rất cần nước và theo kinh nghiệm của nhà nông, nếu có mưa, lượng mủ thu hoạch sẽ tăng lên gấp đôi.
Tại Đồng Nai, mưa lớn trái mùa không chỉ làm giảm nhiệt độ không khí nóng bức trong thời kỳ cao điểm giữa mùa khô, mà còn giải hạn cho nhiều nhà vườn trồng cây công nghiệp, cây ăn trái và hoa màu vụ Đông Xuân.
Ngành Lâm nghiệp ở Cà Mau cũng được hưởng lợi ích đáng kể từ những cơn mưa trái mùa, trong lúc ngành này đang huy động hàng trăm người trực phòng chống cháy rừng, do rừng tràm U Minh Hạ đang báo động có nguy cơ cháy cao.
Trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh lân cận, trận mưa trái mùa vào ngày 4/3 được xem là “cơn mưa vàng” giúp giải hạn cho nhiều nhà vườn trồng cây công nghiệp, hoa màu ở khu vực Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ, giảm đáng kể tình trạng không khí oi bức trong những ngày qua.
Bên cạnh những mặt tích cực của mưa trái mùa vào thời điểm này, đối với những hộ nuôi tôm, trồng hành và sản xuất muối ở Sóc Trăng, thì những cơn mưa trái mùa vừa qua là "ác mộng." Thiệt hại nặng nhất sau đợt mưa là tại huyện Vĩnh Châu, nơi tập trung các hộ trồng hành và làm muối.
Theo thống kê chưa đầy đủ đã có gần 100 hécta muối vừa tạo mầm kết tinh khoảng 850 tấn của diêm dân Vĩnh Châu bị tan thành nước. Cả ba hợp tác xã Tôm-Muối-Artemia của huyện Vĩnh Châu là hợp tác xã Vĩnh Phước, Vĩnh Tân và Lai Hòa bị thiệt hại ước tính lên tới khoảng 3 tỷ đồng.
Nhiều hộ đã gom muối chuẩn bị xuất bán thì bị mưa làm mất trắng, có hộ thiệt hại hàng chục triệu đồng chỉ trong vài ngày.
Mưa trái mùa cũng đã làm cho nông dân Cà Mau mất trên 5.000 tấn cá đồng do ao, đìa bị chìm trong nước. Ngư dân ở các cửa biển cũng gặp khó khăn vì thời tiết xấu, không thể ra khơi đánh bắt cá.
Tại tỉnh Bạc Liêu, trận mưa trái mùa vào sáng 23/3 đã làm toàn bộ diện tích muối (khoảng 2.500ha) với 23.000 tấn muối tan theo nước, ước tính thiệt hại hơn 10 tỷ đồng. Hàng chục ngàn hécta tôm mới nuôi bị thay đổi môi trường đột ngột khiến tôm bị sốc do lượng nước mưa quá lớn.
Hầu hết các tuyến đường trong nội ô thành phố Bạc Liêu bị biến thành sông, hàng ngàn ngôi nhà bị ngập.
Trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh cũng xuất hiện cơn mưa lớn và kéo dài trong nhiều giờ, gây ngập, ùn tắc giao thông cục bộ một số tuyến tại các quận trung tâm và khu vực quận 2, Thủ Đức, Bình Thạnh.
Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn Trung ương nhận định, trong tháng 4/2011, các tỉnh vùng núi phía Bắc, Tây Bắc Bộ, Nam Tây Nguyên và Nam Bộ có thể xảy ra một vài đợt mưa. Nhưng đây là những đợt mưa chuyển mùa nên chỉ làm giảm bớt mức độ khô hạn và thiếu nước, người dân cần tiếp tục chủ động tiết kiệm và sử dụng nước hợp lý.
Riêng lượng mưa ở khu vực Nam Trung Bộ, Nam Tây Nguyên và Nam Bộ có khả năng phổ biến ở mức cao hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ từ 20%-50%./.
(TTXVN/Vietnam+)