Hãy là người đãi vàng

heokool

Cà rốt, trứng hay hạt cà phê?
Thành viên thân thiết
Tham gia
22/9/2011
Bài viết
14.934
Một trong những “tài sản giá trị” của mẹ là một cuốn sổ nhỏ, bìa da, có vẻ đã cũ. Thỉnh thoảng, tôi thấy mẹ thường cắm cúi ghi điều gì đó vào cuốn sổ, nhìn lại và tủm tỉm cười.

Những khi cần tra cứu một vấn đề quan trọng, mẹ cũng hay tìm về cuốn sổ để có chỉ dẫn hợp lý. Mọi người hay bảo, mẹ uyên bác và hiểu biết như một cuốn từ điển sống. Đáp lại ngợi khen ấy, mẹ chỉ cười. Tôi cứ thắc mắc mãi về sự hiểu biết của mẹ thì được mẹ giải thích: “Vốn hiểu biết của một người chẳng tự dưng mà có. Để có được sự hiểu biết, con người cần phải tìm tòi, lượm lặt và cần mẫn tích lũy. Nếu con từng đọc truyện ngắn Bông hồng vàng của nhà văn nổi tiếng K.Pautopxki thì con sẽ thấy, những kiến thức thiết thực thường lẩn khuất đâu đó trong cuộc sống bộn bề như những hạt bụi vàng. Nếu chăm chỉ, tinh ý sàng lọc để tìm ra những hạt bụi quý giá thì sẽ có ngày con có được một bông hồng vàng”.

Thảo nào, cuốn sổ của mẹ ghi chép lại bao điều nhỏ nhoi mà hết sức ý nghĩa. Tôi đọc được ở một trang, có bí quyết để rán đồ ăn không bị dính vào chảo. Đơn giản chỉ là hãy để chảo thật khô, cho vào một vài hạt muối và đun dầu ăn hơi già lửa một chút. Ở trang khác, tôi thấy mẹ tỉ mỉ ghi lại cách thức chải răng khoa học. Đó là việc đảm bảo thời gian từ khi ăn xong đến khi chải răng ít nhất là mười lăm phút và không dùng nước súc miệng sau khi chải răng nếu không muốn chất flour có trong kem đánh răng bị trôi mất. Hay, cách thức sử dụng băng phiến trong tủ quần áo, đó là, hãy để băng phiến ở ngăn trên cùng vì băng phiễn sẽ bay hơi từ cao xuống thấp. Đại loại là vậy...

Hôm trước, tôi cùng hội bạn của mình đi cổ vũ cho một cô bạn trong nhóm tham gia một cuộc thi trên truyền hình. Băng băng qua những câu hỏi đầu tiên, cô bạn phải dừng lại ở câu hỏi thứ bảy, với đòi hỏi sự hiểu biết về lịch sử: “Ai là người Việt Nam duy nhất được trao giải Nobel hòa bình?” Có thể câu hỏi trên lạ lẫm với nhiều người. Song, nếu chăm chỉ nghe đài, đọc báo hoặc xem chương trình truyền hình nói về quá trình Việt Nam ký kết Hiệp định Paris, hẳn nhiều người cũng biết đó là đồng chí Lê Đức Thọ.

Thoạt nghe, tôi đã trả lời được câu hỏi này vì cách đó vài hôm, trong lúc đi xe bus tôi đã nghe đài phát thanh trên xe dành hẳn một chương trình phát sóng về nhân vật này. Nhưng không phải ai cũng để ý, tiếp nhận thông tin ở mọi nơi như thế. Một trường hợp tương tự là anh họ của tôi. Là sinh viên của một trường đại học chuyên về các ngành xã hội nên anh không được học bộ môn kinh tế vĩ mô. Rủi thay, trong kỳ thi tuyển dụng đầu tiên của anh sau khi ra trường, anh được hỏi một câu về các thuật ngữ kinh tế vĩ mô. Câu hỏi về GNP và GDP khiến anh tôi bị thiếu một điểm, đồng nghĩa với một cơ hội nghề nghiệp tuyệt vời trôi qua tầm tay.

Trách cứ mãi vì mình xui xẻo nhưng tôi nghĩ, anh tôi nên tự trách mình trước hết. Vì, thực chất, hai thuật ngữ GNP và GDP không quá xa lạ. Ngay trong chương trình địa lý của cấp phổ thông đã đề cập tới hai thuật ngữ này. Nếu chăm chỉ theo dõi các bản tin kinh tế, tài chính trên phương tiện truyền thông thì càng cảm thấy chúng gần gũi hơn nữa.

Bạn ạ, sẽ chẳng bao giờ bạn biết rằng mình cần học hỏi và thu lượm kiến thức là bao nhiêu cho đủ. Có những kiến thức bạn nghĩ mình sẽ chẳng bao giờ động đến thì lại cần sử dụng ở những thời điểm bạn không ngờ nhất. Giữa biển thông tin vô cùng vô tận, giữ lấy thông tin nào để làm “của riêng” mình, thật chẳng dễ dàng. Nhưng dù có thế nào đi chăng nữa, thì những kiến thức bạn cho là bổ ích vẫn nên được sàng lọc, chắt chiu để trở thành thứ tài sản quý giá cho chính bạn. Hiện tại, chúng mới chỉ là những hạt bụi vàng bé xíu. Song, nếu bạn chuyên cần đãi lấy những “bụi vàng” từ cuộc sống bộn bề thì biết đâu một ngày nào đó, những hạt bụi vàng sẽ có thể kết tinh thành một bông hồng vàng vô giá.

Tôi không có nguyện vọng trở thành một nhà “bác học tại gia” như mẹ, cũng chưa manh nha ý tưởng đăng ký tham dự một cuộc thi truyền hình như cô bạn tôi và còn xa mới phải tham gia các kỳ thi tuyển dụng cho một công việc nào đó. Nhưng tôi nghĩ mình vẫn cần chịu khó sàng sảy và chắt lọc những tri thức bổ ích và lý thú từ cuộc sống bình dị thường ngày. Có tri thức, tôi sẽ bước ra khỏi khoảng tối của sự thiếu hiểu biết và sẽ trở thành một người giàu có, ít nhất là với chính mình.
Theo Mực Tím
 
×
Quay lại
Top