Gắn nghiên cứu với đào tạo phần mềm

gaconueh2005

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
3/3/2013
Bài viết
4.056
Việc ra đời của Trung tâm Phát triển Phần mềm (SDC) - Đại học Đà Nẵng có thể nói là sự thức thời trong điều kiện cả khu vực miền Trung - Tây Nguyên đang thiếu và yếu về lĩnh vực công nghệ thông tin. Không chỉ tròn vai với nhiệm vụ sản xuất phần mềm mà SDC còn xuất sắc trong công tác đào tạo.
Ông Trịnh Công Duy - Phó Giám đốc SDC để cùng chia sẻ: "Sau 13 năm thành lập, SDC có thể tự hào về những thành tựu đạt được như: Giải thưởng Trí tuệ Việt Nam: phần mềm “Bản đồ số hóa thành phố Đà Nẵng” năm 2002, phần mềm “Quản lý tín dụng” năm 2003, “Mô phỏng phân tích kim loại bằng phương pháp quang phổ, hấp thụ nguyên tử AAS” năm 2004; Giải thưởng Nhân tài Đất Việt: “Quản lý đào tạo Trung cấp chuyên nghiệp và đào tạo nghề” năm 2006, “Quản lý đào tạo Tín chỉ” năm 2007.

1.JPG

Ông Trịnh Công Duy - Phó Giám đốc SDC
Trung tâm đã có các sản phẩm phần mềm mang thương hiệu SDC, được xã hội ứng dụng rộng rãi: Quản lý đào tạo, Quản lý bán hàng, Quản lý hồ sơ nhân sự, website,... Trong năm 2013, SDC đã chính thức tham gia vào thị trường quốc tế với các hợp đồng gia công phần mềm đến từ các nước Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia,...

Đến nay, Trung tâm đã đào tạo hơn 10 khóa trung cấp chuyên nghiệp hệ chính quy với gần 10.000 sinh viên, chủ yếu rơi vào 2 ngành thế mạnh là Tin học và Kế toán. Hầu hết các em tốt nghiệp ra trường đã có việc làm. Riêng khóa tốt nghiệp năm vừa rồi, khoảng 70% đã có việc làm".

* Trong bối cảnh thị trường lao động cả nước vô cùng khó khăn hiện nay, 70% sinh viên mới tốt nghiệp năm vừa rồi có việc làm ngay không phải là con số nhỏ. SDC có thể chia sẻ bí quyết để có được kết quả này?

- Các doanh nghiệp tại thị trường miền Trung - Tây Nguyên chủ yếu là nhỏ và vừa. Mà việc ra đời của SDC là phục vụ phân khúc thị trường này, nên đào tạo hệ trung cấp là khá phù hợp. Bên cạnh đó việc đào tạo cấp chứng chỉ có tác dụng bổ sung thêm kiến thức cho người đã, đang và sẽ đi làm...

Hàng năm ĐH Đà Nẵng có hội chợ việc làm riêng. Tại đây, sinh viên có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm. Vì đào tạo theo phân khúc thị trường nên Trung tâm thường xuyên theo dõi và cập nhật yêu cầu hiện tại và tương lai của các doanh nghiệp để thay đổi chương trình và phương pháp đào tạo.

Bên cạnh đó, công tác đào tạo của Trung tâm còn có lợi thế khi tiếp thu kinh nghiệm từ công tác sản xuất. Ngoài việc giảng dạy, Trung tâm có khoảng 20 kỹ sư lập trình, xây dựng phần mềm để bán, có các khách hàng trong và ngoài nước, nên đội ngũ này bổ sung cho công việc giảng dạy rất nhiều.

Có một câu chuyện mà chúng tôi rất ấn tượng và tự hào. Một em sinh viên có hoàn cảnh khó khăn học ngành công nghệ thông tin, và được giới thiệu thực tập tại Công ty phần mềm FPT Đà Nẵng. Với trình độ trung cấp, hầu như các doanh nghiệp không màng tới. Nhưng riêng em này, sau khi thực tập đã được giữ lại làm việc và được đánh giá trình độ ngang một kỹ sư. Trong ngày bế giảng, khi phát biểu cảm xúc, học trò của tôi đã sử dụng tiếng Anh rất trôi chảy khiến các vị khách trong và ngoài nước hôm đó đồng loạt đứng dậy vỗ tay và hết lời khen ngợi. Đó là sự phấn đấu rất lớn. Bởi vậy, đừng bao giờ tự ti việc bạn học trung cấp hay ĐH, muốn có kết quả tốt, các bạn phải nỗ lực hết sức.

* Đà Nẵng đang hướng đến mục tiêu là đô thị thông minh. Dù có tỷ lệ cao sinh viên tốt nghiệp có việc làm ngay. Nhưng trong thời gian đến, liệu trình độ trung cấp có còn phù hợp với thực tế trên?

- Những năm trước chỉ tiêu tuyển sinh của Trung tâm từ 700 đến hàng ngàn sinh viên. Nhưng riêng năm nay chỉ là 500 cho 5 ngành: Kế toán - Tin học, Kế toán Tổng hợp, Công nghệ thông tin, Công nghệ Mạng - Truyền thông, Tin học - Văn thư lưu trữ. Không tăng chỉ tiêu đồng nghĩa với việc chúng tôi tập trung đào tạo nhân lực chất lượng cao để đáp ứng sự khắt khe trong việc tuyển dụng của doanh nghiệp.

Hiện nay, Trung tâm đang hợp tác với Tổ chức Passerelles Numériques - Tổ chức từ thiện của nước CH Pháp để đào tạo chương trình quốc tế. Hàng năm khoảng 60-90 sinh viên hiếu học, có hoàn cảnh khó khăn được tuyển chọn vào chương trình, được lo ăn, ở, đi lại và việc làm sau khi ra trường.

2.jpg

SDC vinh danh các sinh viên xuất sắc tốt nghiệp ra trường
Từ năm 2013, Đại học Đà Nẵng giao cho Trung tâm tổ chức thực hiện chương trình đào tạo quốc tế GENETIC DANANG, chương trình do Đại học Đà Nẵng hợp tác đào tạo với Genetic Computer School - trường chuyên đào tạo về công nghệ thông tin của Singapor. Chương trình đào tạo 3 năm, được Hội đồng Anh công nhận là bằng cử nhân. Học xong chương trình này, các em có thể tiếp tục học lên Thạc sĩ tại các trường của Thái Lan, Singapor, Anh quốc,... Điều đặc biệt, học xong 2 năm tại Việt Nam, nếu đủ điều kiện, sinh viên có thể chuyển qua Singapor học tiếp 1 năm nữa.

Để phù hợp với hướng đi tương lai của Đà Nẵng nói riêng và khu vực miền Trung - Tây Nguyên nói chung, ngay từ đầu năm 2012, Trung tâm đã thực hiện thay đổi hoàn toàn khung chương trình đào tạo. Điểm đặc biệt của khung chương trình là lấy ý kiến của các doanh nghiệp, để khi đào tạo sinh viên đáp ứng được yêu cầu thực tế. Trung tâm trực thuộc ĐH Đà Nẵng nên khung chương trình mới này đều do các chuyên gia hàng đầu xây dựng.

* Với kinh nghiệm của mình, ông có lời khuyên nào cho sinh viên mới tốt nghiệp ra trường?

- Trong giai đoạn nền kinh tế của nước ta hiện nay gặp nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp phá sản, nguồn cung lao động quá lớn và nhu cầu tuyển dụng quá ít. Những bạn trẻ chưa có việc làm nên tận dụng thời gian này để trau dồi thêm kỹ năng cần thiết, nâng cao trình độ như ngoại ngữ, tin học và kiến thức xã hội,... Bên cạnh đó, các bạn trẻ phải năng động, linh hoạt hơn, tự tạo ra việc làm cho mình chứ không nên bị động chờ doanh nghiệp gọi.

* Chúc ông cùng SDC tiếp tục gặt hái được nhiều thành công hơn nữa.
Theo thethaovanhoa.vn
 
Hiệu chỉnh bởi quản lý:
×
Quay lại
Top Bottom