Đường mòn trên biển (12)- Nguyễn Tư Dương

Meika

Thành viên
Tham gia
26/12/2023
Bài viết
50
Chương mười một

TÌM BẾN TRUNG CHUYỂN

1​


Từ năm 1971 đến năm 1972, trên các chiến trường Đông Dương quân và dân ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia đã giành được những thắng lợi to lớn. Nhất là đầu năm 1972, quân dân miền Nam đã giành thắng lợi vang dội, giải phóng đường 9 – Quảng Trị ; tiêu diệt nhiều sinh lực địch ở Tây Nguyên, An Lộc .. buộc Mỹ - ngụy phải căng lực lượng ra để đối phó với những nơi chiến sự đang diễn ra nóng bỏng. Vùng 4 chiến thuật của địch ( tương đương với Quân khu 8 và Quân khu 9 của ta) chỉ còn lại quân địa phương.
Trước tình hình phát triển thuận lợi của các chiến trường, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương thấy lúc này là thời cơ thuận lợi, cho các Quân khu 8 và 9 tranh thủ mở rộng vùng giải phóng của mình. Nhưng do tình trạng thiếu thốn vũ khí nghiêm trọng nên các quân khu vùng đồng bằng sông Cửu Long đã không tận dụng được thời cơ tốt đó để hiệp đồng với các chiến trường khác.
Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tham mưu khá « nhức đầu » trong việc bàn tính cách chi viện vũ khí cho đồng bằng sông Cửu Long trong hoàn cảnh « Đường mòn trên biển » đang bị hải quân địch phong tỏa. Cái « kế hoạch bến trung chuyển » có từ khi mở đường biển năm 1961 chưa phải dùng đến, nay lại được triển khai. Tháng 3 năm 1971, Quân ủy Trung ương chỉ thị cho Bộ tư lệnh Quân khu 9 tổ chức một đoàn tàu bí mật hoạt động hợp pháp trong vùng địch. Khi nào đoàn 125 hải quân tìm đặt được bến trung chuyển, đoàn tàu bí mật ấy sẽ tới vận chuyển hàng về đất liền.
Trong mấy năm liền, kể từ khi có chuyến hàng đưa vào Cồn Lợi, Bến Tre từ tháng 9 năm 1970 trở đi, hầu như tháng nào tàu của đoàn 125 cũng có một lần, thậm chí tới bốn lần chuyến đi trên con đường đầy sóng gió nguy hiểm. Những con tàu được ngụy trang bằng đủ các hình thức : tàu chở dầu, tàu nghiên cứu biển, tàu đánh cá .. như những con tàu của các quốc gia khác, thường đi lại trên vùng biển quốc tế để trinh sát và nếu có thời cơ là đưa hàng vào bến. Phải né tránh sự săn đuổi của các loại tàu chiến địch, con tàu vận tải bé nhỏ của ta không ít lần phải đi vòng vèo kéo dài tuyến đường của mình gần nửa vòng trái đất ; chỉ khi nào thấy hết khả năng tránh được chúng, anh em mới chịu vòng trở về nơi xuất phát. Mỗi chuyến đi đến sự thành công thường phải chấp nhận khá nhiều yếu tố ngẫu nhiên, đòi hỏi phải bù đắp vào đó bằng trí thông minh, lòng dũng cảm, tinh thần kiên trì và tính năng động của cán bộ và thủy thủ của mỗi đội tàu. Thành ngữ « Trăm bó đuốc thế nào cũng vớ được con ếch » đã trở thành một khẩu hiệu động viên anh em kiên trì vượt khó khăn. Trải qua gần hai năm căng thẳng thần kinh đối phó với mọi mưu chước của kẻ địch và vật lộn với giông bão, sóng gió, đoàn 125 mới đưa thêm được một chuyến hàng vào bến. Một chuyến hàng có một không hai ấy được coi như chiến công rực rỡ nhất của thời kỳ cuối của phương thức vận tải công khai trên tuyến đường biển chiến lược. Chiến công ấy biểu hiện tài năng và tinh thần dũng cảm gan góc của đoàn 125 hải quân anh hùng.
Đội tàu 649 cùng xuất phát với ba đội tàu 643, 75 và 49. Riêng tàu 649 đã tìm con đường tránh luồn qua quần đảo Trường Sa đi Song Tử Tây đầy đá ngầm và vẫn giữ được bí mật. Khoảng ba giờ chiều ngày hôm ấy, anh em phát hiện một chiếc tàu giống tàu của đơn vị mình. Thuyền trưởng Nguyễn Sơn hạ lệnh sẵn sàng chiến đầu. Anh em nhanh nhẹn vào vị trí chiến đầu của mình. Tiểu đoàn trưởng Vũ Hán, thuyền trưởng Nguyễn Sơn và chính trị viên Đỗ Sạn ngồi trong khoang lái trao đổi tình hình :
- Đây là cái vịnh có độ sâu một nghìn mét – Nguyễn Sơn nói – Tàu ngầm của Mỹ thường tập luyện ở vịnh này. Quần đảo ta nhìn thấy ở phía tây là thuộc Indonesia. Chúng ta đến vùng này có thể bị hải quân của nhiều nước theo dõi.
- Tàu kia giống hệt tàu của đoàn mình – Chính trị viên Đỗ Sạn từ nãy không rời mắt khỏi con tàu đánh cá. Anh nói tiếp – Thử cho tàu ta vào gần xem sao.
Tiểu đoàn trưởng Vũ Hán nói :
- Đừng làm thế ! Dù biết chắc là tàu của ta, cũng không nên. Mình ép vào, anh em nghi ngờ bỏ chạy ; như vậy tự nhiên gây thêm khó khăn cho nhau. Nếu tàu đó là địch, thì tự rước nguy hiểm.
Tàu 649 giữ nguyên tốc độ chạy theo hướng cũ. Chiếc tàu « quen thuộc » kia tiếp tục đi theo và vẫn giữ khoảng cách 15 hải lý. Để kiểm tra xem chiếc tàu kia có ý gian không, thuyền trưởng Nguyễn Sơn cho tàu của mình giảm tốc độ. Nếu là con tàu làm ăn bình thường thì nó sẽ giữ nguyên tốc độ, trái lại con tàu « quen thuộc » ấy cũng giảm tốc độ thì đáng khả nghi. « Tránh voi chẳng xấu mặt nào », tàu 649 bẻ góc lái 270 độ về phía tây. Tàu « quen thuộc » đang đi nam 180 độ, nó quay về hướng Bắc ( khi trở về mới biết tàu quen thuộc đó do thuyền trưởng Trường Sơn và chính trị viên Bắc phụ trách).
Mờ tối tàu 649 trở về hướng cũ. Đến nửa đêm có ba chiếc tàu khu trục hạm bám theo tàu 649. Trong buồng lái, các cán bộ chỉ huy tàu lại bàn bạc sôi nổi.
- Ta cứ đi về hướng Singapore, nếu nó vẫn bám, ta đi về hướng Úc, bắt đèn Tăng-gôn trên đường biển quốc tế.
- Đi thế nguy hiểm lắm !
Càng về khuya, sóng càng lớn. Tiếng sóng gào thét trùm lên tiếng bàn bạc của họ.
- Sóng to như thế này, khu trục hạm của chúng có thể bị mất mục tiêu, ta chỉnh lại theo hướng cũ.
- Khoan đã, về hướng cũ sớm quá sợ nó lại bám theo mất công.
- Sóng gió càng lớn, địch càng khó bám, nếu ta đi thế này kéo dài thêm vài ba tiếng đồng hồ nữa, e vào bến muộn.
- Dứt khoát ta phải chuyển ! Theo kế hoạch ở nhà đi thế này đã quá xa điểm dự kiến, thời gian đã trễ hơn một ngày..
- Ta đi như thế là bỏ kế hoạch của trên.
- Tình hình này chúng ta dám làm dám chịu, cốt sao đưa được hàng vào bến – Thuyền trưởng Nguyễn Sơn gọi báo vụ viên tới giao nhiệm vụ :
- Đồng chí Liền .. điện về sở chỉ huy « Do tình hình không thể vào được khu 9, tôi đã vào Cô-công ».
Liền vào buồng điện báo khoảng 20 phút, rồi lại ra buồng lái báo cáo với thuyền trưởng :
- Không sao liên lạc được với ở nhà ;
- Máy hỏng ư ?
- Có lẽ ở đây xa quá, đài của ta không đủ sức với tới, hoặc có thể bị chệch hướng ăng ten.
- Ta cho xoay hướng tàu thử xem.
Một lát sau Liền ra báo cáo với thuyền trưởng đã chuyển xong điện về sở chỉ huy.

Đi ba ngày liền bằng phương pháp đo thiên văn, khi nhìn thấy dải núi của Cô-công, tất cả anh em reo lên. Thuyền trưởng Nguyễn Sơn , thuyền phó Nhu đo địa văn rồi kẻ lên hải đồ. So với kết quả đo thiên văn thì tàu đã đi chệch mất hai mươi hải lý. Sơn không dấu sự băn khoăn nói với Vũ Hán :
- Lấy kết quả thiên văn làm chuẩn hay lấy địa văn ? Ý kiến anh thế nào ?
Vũ Hán đang ăn, đặt bát cơm xuống sàn tàu rồi nhìn về phía dải núi mờ trước mặt. Suy nghĩ một lát, anh trả lời Nguyễn Sơn :
- Do tổng đồ nhỏ quá nên ta nhận dạng núi sai, cứ giữ hướng cũ đi theo thiên văn là chính xác.
20 giờ ngày 7-2-1972, tàu 649 đã áp sát bờ để tìm địa điểm quy định của bến. Một chiếc tàu nhỏ bám theo 649. Thuyền trưởng Nguyễn Sơn hỏi Vũ Hán :
- Tình hình này có thể bị bọn cảnh sát hải thuyền phát hiện. Đêm nay ta tạm lui ra, anh xem thế nào ?
- Cái tàu bé nhãi ấy ta táng một phát B.41 thì chìm nghỉm. Khu vực này là tổ chấy của bọn buôn lậu, ta luồn lách tránh né, việc gì phải lui ra.
Khoảng nửa giờ sau mất hút chiếc tàu nhỏ. Tàu 649 đã tới trước hòn đảo đúng như cảnh đồ chỉ dẫn. Chính trị viên Đỗ Sạn đứng trước mũi tàu dùng đèn pin phát hiện tín hiệu. Trong bờ có ánh đèn pin đáp lại.
- Nó đáp lại không đúng tín hiệu .. tính thế nào ?
- Nếu không phải người của ta nó bắn rồi chứ việc gì nó phải đáp lại bằng tín hiệu.
- Ta đứng lại chờ. Theo quy định, họ phải cho xuồng ra.
Các cán bộ trao đổi với nhau vài lời ngắn ngủi rồi ngóng vào bến, hồi hộp chờ đợi.
Tàu 649 lui ra ngoài xa hơn một chút để tránh bất trắc. Tất cả thủy thủ đều hướng mặt vào hòn đảo nhỏ đầy cây cối rậm rạp. Dưới ánh sao , hòn đảo giống như một quả bóng đen khổng lồ đang trôi trên mặt nước. Chờ gần một tiếng đồng hồ, không thấy con xuồng nào từ đảo ra. Thuyền trưởng lại cho tàu vào gần đảo và phát tín hiệu một lần nữa. Lần này trong bờ đáp lại đúng tín hiệu, nhưng vẫn không thấy cho xuồng ra liên lạc.
- Chiến đấu mà làm như trò đùa ! – Tiểu đoàn trưởng Vũ Hán vốn nóng tính, thấy bến làm không đúng hiệp đồng, gắt ngậu lên – Hiệp đồng một đường thực hiện một nẻo, chờ đợi hàng tiếng đồng hồ không cho thuyền ra lấy hàng.

Vũ Hán nói với thuyền trưởng Nguyễn Sơn :
- Cho một tổ dùng xuồng cao su vào trong đó xem tình hình thế nào.
Thuyền phó Chế đứng cạnh Sơn, nói :
- Cho tôi đi !
- Nhớ khi vào vẫn phải đề phòng. Đến gần phát tín hiệu , thấy có người phải chọn vị trí chiến đấu, tư thế sẵn sàng chiến đấu rồi mới hỏi khẩu lệnh. Mội người đi ngoài súng phải mang theo ba quả lựu đạn.
Thuyền phó Chế :
- Rõ ! Đề nghị cho chúng tôi xuất phát.
Chiếc xuồng vừa thả xuống, anh em mải miết dùng tay, dùng mái chèo quạt nước nhưng xuồng vẫn trôi ra biển.
Nhìn thấy xuồng bị trôi, thuyền trưởng Nguyễn Sơn biết anh em đang ở giữa dòng chảy, anh cho tàu chạy vòng ra đón, rồi kéo xuồng trở lại.
Chế dẫn đầu tổ ba người lên đảo, đến gần chỗ có tiếng người nói. Họ tản đội hình ra sau gốc cây. Chế hô mật khẩu rồi ám hiệu. Có tiếng đáp lại đúng ám hiệu.
- Các đồng chí là người của bến phải không ?
- Đúng rồi !
- Sao không cho xuồng đón tàu vào ? Chúng tôi chờ mỏi mắt.
- Chúng tôi không có phương tiện gì cả.
- Một đồng chí đi với chúng tôi dẫn tàu vào thả hàng.
Anh em bơi xuồng ra, chưa kịp cặp mạn tàu đã có tiếng từ trên tàu hỏi vọng xuống :
- Gặp anh em bến chưa ?
- Có người ra đây rồi !
Mọi người lên tàu. Anh chiến sĩ người của bến tỏ ra hoang mang, không tin rằng tàu của miền Bắc là có thể đi lọt vào cái góc biển xa xôi, hẻo lánh này.
Cán bộ thuyền xúm quanh anh lính trẻ đang ngơ ngác.
- Đồng chí có biết nơi nào thả hàng không ?
- Tôi biết, nhưng không chắc chắn lắm .
- Sao lại thế .. thôi được, ta đi khẩn trương lên.
- Tôi có nghe cán bộ nói với nhau, nếu tàu vào sẽ đưa vào trong kia. Anh lính chỉ tay.
Con tàu chạy chầm chậm theo hướng người của bến vừa chỉ.
Các cán bộ thuyền tiếp tục hỏi chuyện anh lính trẻ.
- Họ có nói vào cách bờ bao nhiêu mét không ?
- Tôi quên mất rồi.
- Ta cứ cho vào, nếu vào được càng gần bờ càng tốt.
- Các anh bấm đèn tín hiệu sang hòn đảo bên kia kìa. Bên đó cũng có người, anh em có thể biết.
- Anh Sơn phát tín hiệu sang bên ấy xem thế nào !
- Khoảng chỗ này.
- Chế độ sâu xem thế nào.
- Đảo bên kia có tín hiệu đáp lại.
- Độ sâu năm mét .. nhìn rõ bãi cát dưới đáy.
- Tất cả các đồng chí về vị trí thả hàng.
Các thủy thủ nhanh nhẹn đứng thành băng chuyền hàng. Họ lặng lẽ chuyển qua tay nhau những hòm vũ khí như một dòng nước chảy từ hầm tàu tuôn xuống biển. Sáu mươi tấn hàng đã thả gần hết mới thấy mấy chiếc thuyền của bến đi tới.
Hai cán bộ của bến lên tàu gặp cán bộ thuyền. Họ vừa nói vừa khóc :
- Chúng tôi chờ các đồng chí .. không ngờ các đồng chí lại có thể đến được tối hôm nay. Chúng tôi thay mặt quân khu gửi lời cảm ơn tất cả các đồng chí ngoài ấy .. Chúng tôi biết .. các đồng chí đi được đến đây không ít khó khăn gian khổ ..

2​



Bến trung chuyển vẫn chưa nằm trong sự ước vọng, rất khó có thể trở thành hiện thực. Những hoang đảo ở Cực Nam và Tây Nam Nam Bộ nơi nào có khả năng đặt được bến là anh em thủy thủ của đoàn 125 đã đặt chân đến, nhưng chẳng có hòn đảo nào đạt được những yêu cầu cơ bản của loại bến đặc biệt ấy. Thời gian chờ đợi càng kéo dài, tình trạng thiếu thốn vũ khí của Quân khu 9 càng trở nên nghiêm trọng hơn. Bộ tư lệnh quân khu đã chủ động dùng đội tàu bí mật của mình tham gia vào việc trinh sát những hòn đảo gần bờ hơn để đặt bến trung chuyển. Niềm hy vọng gần như duy nhất của đồng bằng Nam Bộ lúc đó có thể nhận được chi viện vũ khí của Trung ương là một chuyến tàu nào đó của đoàn 125 chở thẳng vào những bến cũ.

Nỗi mong chờ cháy lòng của chiến trường đã trở thành sức mạnh thiêng liêng, thôi thúc đối với mỗi người làm công tác vận tải chiến lược trên biển. Vì vậy, dù họ biết những chuyến đi dù có nhiều khó khăn, gian khổ, thậm chí phải hy sinh, nhưng không ai nản lòng. Họ biết rõ một chuyến vũ khí của họ đưa tới chiến trường có thể góp vào một trận đánh thắng và giảm bớt sự hy sinh của đồng đội, nên mỗi chuyến đi dù gian khổ nguy hiểm đến thế nào, họ vẫn sẵn sàng chấp nhận.

Sau 11 chuyến đi « chữ O » của các đội tàu khác, ngày 12-4-1972 đội tàu 645 lại lên đường. Cũng như với các đội tàu khác, từ lúc 645 nhổ neo, Bộ tư lệnh, Bộ Tham mưu hải quân cùng các thủ trưởng đoàn 125 lo lắng theo dõi từng giây từng phút.

.. Nửa đêm 24 tháng 4, sở chỉ huy Bộ tư lệnh Hải quân nhận được điện của tàu 645 « Chúng tôi đã vào tọa độ N, không có hiện tượng địch theo dõi ».

Tư lệnh Hải quân nói với Phó Tham mưu trưởng Kim Sang :

- Điện cho 645 tiếp tục vào bến.

Nhận được tin 645 chuyển hướng vào bến không có địch bám, không khí trong sở chỉ huy trở nên sôi nổi.

- Đến bây giờ mới chuyển hướng kể vẫn hơi muộn.

- Vào vòng trong chúng sơ hở hơn. Chỉ cần chui được vào trong lạch của bến, dù lúc đó trời bắt đầu sáng cũng yên trí.

- Đến đây vẫn còn nhiều may rủi ..

Trong lúc chờ đợi một bức điện tiếp theo của tàu 645, Phó Tham mưu trưởng Kim Sang đã kể lại câu chuyện « tàu dầu không van », chuyến đi cách đây hai tháng do thuyền trưởng Dương Tấn Kịch phụ trách. Đồng chí nói :

- Cậu Kịch xử trí tình huống ấy khá, lúc đó phải rất gan góc và bình tĩnh, chứ hấp tấp một tí là mắc mưu của chúng. Hai chiếc khu trục địch kèm sát, chiếc đi bên mạn chỉ cách 50 mét, chiếc đi sau chỉ cách vài liên, nó đánh đèn tín hiệu «Các anh đi đâu ? » . Lần đầu các cậu ấy gặp tình huống địch kèm sát như thế. Lúc đó sở chỉ huy nhận được điện của Kịch. Chúng ta cũng nhận định địch cũng không dám liều lĩnh nổ súng, vì tàu của ta đang đi trên đường hàng hải quốc tế. Từ lúc nó hỏi tới khi trả lời nó mất 20 phút. Nó sẽ đánh dấu hỏi, tại sao lại trả lời chậm như vậy ! Cậu Kịch phải đóng một vở kịch ngắn để giải đáp câu hỏi của chúng. Cậu Tiêu báo vụ vừa ôm cờ tín hiệu ra mặt khoang, bị Kịch bạt tai mấy cái ngã giúi xuống. Tiêu vội vã leo lên treo cờ trả lời nó : « Tôi đi về phía bắc ». Cứ như là việc trả lời chậm là do cái anh thủy thủ này lề mề. Kịch thì cứ kịch chứ chúng nó đã nghi rồi. Nó lại hỏi : « Các anh chở gì ? ». Bây giờ thì trả lời ngay được : «Chúng tôi chở dầu ». Nó chõ loa sang nói luôn « Các anh đoàn 125 ơi ! Các anh thuyền trưởng, chính trị viên và thủy thủ đi làm chi phiêu lưu mạo hiểm cho khổ, hãy quy chính nghĩa quốc gia ..». Chúng nói nói gì mặc kệ. Đến trưa chúng gọi chiếc HQ.4 của bọn ngụy tới kèm. Chiếc HQ.4 lao thẳng tới như có ý định húc vào tàu của ta, tới gần nó mới bẻ góc lại. Lan can tàu của nó quệt sứt một mảng cầu thang của tàu ta. Cứ như thế, nó bám sát suốt tới ngày hôm sau. Như những bức điện mà chúng ta thu được của bọn HQ.4 báo cáo về bộ tư lệnh hải quân của chúng, thì không một chi tiết nào trên tàu của ta là chúng không nhìn rõ. Lúc đầu chúng báo cáo với nhau màu sơn, chữ đề trên tàu .. thì chưa có chuyện gì, tới lúc nó điện cho nhau « Không thấy van dầu và ống bơm dầu như tàu chở dầu khác ». Lúc đó mình toát mồ hôi. Tàu của mình chữa lại theo hình dạng tàu chở dầu, chỉ chú ý tới đại thể, ai dè nó lại nhìn kỹ như vậy. Anh em rút được một bài học kinh nghiệm thấm thía về nguỵ trang. Tưởng sau đó nó sẽ làm to chuyện, nhưng rồi ..

Nghe tiếng chuông điện thoại reo, anh dừng câu chuyện lại. Thượng úy Thạnh cầm tổ hợp đặt vào tai rồi nói :

- Có điện của 645 ư ! Nói đi .. Nghe rõ rồi !

Thạnh vừa đặt tổ hợp vào máy, chưa kịp báo cáo nội dung bức điện vừa nhận với các cán bộ có mặt, thì phía bàn đặt máy điện thoại trước mặt chuẩn úy quân báo Cao Văn Nghiễm cũng đổ chuông. Trong tình hình mọi người đã cảm thấy có tình huống gì đó, không lành đối với tàu 645. Mọi cặp mắt đều đổ dồn về phía Thạnh chờ đợi.

Thạnh đọc to bức điện vừa nhận được :

- Máy bay địch đang bám tôi, vòng lượn thấp, xin chỉ thị gấp. Hiệu ký điện.

Nghiễm đọc tiếp :

- Bộ tư lệnh hải thuyền địch thông báo cho HQ.4 : Hồi 02 giờ, không tuần Mỹ gặp một tàu lạ dạng « SL4 » tại đông – đông nam Phú Quốc 20 hải lý, hướng đi N, vận tốc 10 hải lý. HQ.4 đến vùng Phú Quốc theo dõi.

Phó tham mưu trưởng và các cán bộ tham mưu có mặt vừa trao đổi chớp nhoáng về cách xử trí xong thì Tư lệnh Hải quân cũng vừa tới. Đồng chí hỏi :

- Tình hình diễn biến ra sao ?

Phó Tham mưu trưởng báo cáo lại những bức điện vừa nhận được.

- Các anh định xử trí thế nào ?

Phó tham mưu trưởng nói :

- Như vậy là lộ rồi, nếu tiếp tục vào, địch có thể để cho vào tới bến mới đánh, như vậy sẽ mất cả tàu, cả bến. HQ.4 của địch có gặp được tàu ta, ít ra cũng phải bốn giờ nữa, nếu đang đi tuần tra khoảng giữa Côn Đảo và Phú Quốc, thì cũng đủ thời gian cho tàu ta quay ra tới đường hàng hải quốc tế.

Tư lệnh ngồi suy nghĩ giây lát rồi ra lệnh :

- Điện cho nó quay ra, phải bình tĩnh tránh sự khiêu khích của kẻ địch.

Đã quá nửa đêm, lúc mệt mỏi và dễ ngủ gật nhất, nhưng mọi người lúc này lại rất tỉnh táo, chăm chú lắng nghe một điều gì đó hệ trọng tới đời mình. Trong phòng chỉ huy im ắng. Từ tư lệnh tới các trợ lý tham mưu đều đang suy nghĩ về con tàu của đơn vị đang lênh đênh ở một vùng biển phía nam Tổ quốc. Bây giờ anh em đang làm gì ? Chắc họ đang cố gắng cho tàu chạy thật nhanh để thoát sự săn đuổi của địch. Chắc pháo sáng trên máy bay địch đang rải xuống soi sáng mặt biển để sục tìm chiếc tàu của ta mà chúng vừa mất hút ..

6 giờ sáng ngày hôm sau (24-4-1972), đài kỹ thuật của quân báo đã lượm được tin địch báo cho nhau. Chiếc HQ.4 đã nhìn thấy tàu 645 bằng mắt thường. Ngay sau đó tư lệnh vùng 4 (ngụy) đã ra lệnh cho kiểm tra theo luật hàng hải quốc tế. Từ lúc tàu HQ.4 nhận được dạng tàu nó đang bám là của đoàn 125 (theo ký hiệu chúng gọi tàu 645 là SL.4), chúng liên tiếp trao đổi với nhau trên sóng điện và quân báo của hải quân ta đã thu được tất cả những bức điện ấy.

- Tàu HQ.4 báo cáo : hồi 6 giờ 20 phút, hai tàu cách nhau hai hải lý.

- 6 giờ 25 phút, cách 2 hải lý. SL.4 ở bên phải HQ.4. HQ.4 đi hướng 245 và bắt đầu chuyển quang hiệu cho SL.4.

Tư lệnh tỏ ra sốt ruột, ông đứng dậy nhìn về phía đồng chí trợ lý quân báo và nói :

- Nó hỏi gì và anh em trả lời thế nào ?

- Nó hỏi đi đâu ? Anh em trả lời : Đi Cam-pu-chia.

Tư lệnh gật đầu tỏ ý bằng lòng với xử trí của anh em tàu 645.

Nếu ở sở chỉ huy cấp sư đoàn bộ binh, trong một trận đánh thì hầu như không có lấy một phút im lìm như thế này, hoặc nghe báo cáo của đơn vị, hoặc nghe báo cáo từ đài quan sát gọi về và bàn tới những diễn biến có thể xảy ta rồi quyết định cách xử trí. Ở đây, khoảng cách giữa người chỉ huy với những người đang cần được sự chỉ huy xa hàng nghìn kilômét, chỉ nhận được tin nhau bằng những dòng điện ngắn ngủn. Do đó, nhiều lúc trong sở chỉ huy tình trạng phải kéo dài cái thời gian căng thẳng và tẻ nhạt mà không có cách nào khắc phục .

Chính ủy Nghiễm lại đọc những bức điện vừa thu được :

HQ.4 báo cáo.

- Đã nhìn thấy đài chỉ huy SL.4 có hai người và một khẩu đại liên. Xác định đúng SL.4. Khoảng cách hai tàu 700 yard ( 1 yard = 0,9 mét ). Vỏ tàu SL.4 màu ngà, có cột buồm sau lái. Thân tàu dài 30 mét, ngang khoảng 5,8 mét. Cột cờ màu vàng, phía dưới cột cờ có một ổ súng, HQ.4 xin vào gần hơn để quan sát.

Bộ tư lệnh hải thuyền địch đã ra lệnh hồi 7 giờ :

- HQ.4 chuẩn bị ba quả đạn sẵn sàng sử dụng.

Không khí của sở chỉ huy của ta bỗng hầm hập như lên cơn sốt. Ai cũng muốn được nói ý kiến của mình. Cuộc trao đổi ý kiến bị ngắt quãng bởi tiếng chuông điện thoại từ các đơn vị thông tin, quân báo báo cáo những bức điện mới thu được.

- Tàu 645 báo cáo « địch vào cách khoảng 100 mét, các cỡ súng của địch hướng vào ta ».

Nghe được tin đó, đồng chí Tư lệnh hải quân hạ lệnh :

- Điện ngay cho 645 sẵn sàng chủ động, nếu xảy ra chiến đấu, linh hoạt xử trí, giảm bớt tổn thất.

Chưa bao giờ ở sở chỉ huy không khí lại căng thẳng như vậy. Những tình huống ác liệt không diễn ra tức khắc như trong óc của mọi người tưởng tượng. Thời gian vẫn nặng nề trôi, các tình huống căng thẳng vẫn tiếp tục trải dài theo các bức điện thu được của địch :

- 7 giờ , HQ.4 cách SL.4 100 yard ( Tất cả những tư liệu về địch viết ở đoạn này là trích đúng nguyên bản các bức điện của địch ta thu được. Hồ sơ lưu trữ tại phòng bảo mật Bộ tư lệnh Hải quân)

- 7 giờ 5 phút , HQ.4 nhìn thấy trên đài chỉ huy của SL.4 có 3 người ngồi. Tàu không treo cờ quốc tịch nào. Sau đuôi tàu có viết hai chữ FU ZAN.

- 7 giờ 10 phút, HQ.4 thấy SL.4 có ba cánh cửa kính xung quanh đài chỉ huy. Ba người ngồi trên đài chỉ huy đang ghi chép gì đó.

- 7 giờ 52 phút, bộ tư lệnh hải thuyền cho HQ.4 tách ra xa 600 – 900 mét, bắn một phát 76 milimét trước mũi SL.4.

8 giờ, HQ.4 đã bắn, SL.4 vẫn không trả lời.

- 8 giờ 12 phút, bộ tư lệnh hải thuyền cho HQ.4 bắn thêm một phát nữa trước mũi SL.4.

- 8 giờ 20 phút, HQ.4 đã bắn. Tốc độ của SL.4 vẫn không thay đổi. Ba người ngồi trên đài chỉ huy vãn bình tĩnh không hề có cử chỉ gì lúng túng.

- 9 giờ 5 phút, HQ.4 đã bắn trúng bánh lái, SL.4 vẫn chạy qua chạy lại được.

- 9 giờ 6 phút, SL.4 dùng đại bác không giật bắn lại HQ.4.

Nghe thấy đich bắn trúng tàu 645 mọi người đều giật thót người như chính cơ thể mình vừa bị trúng đạn. Ngay lúc đó sở chỉ huy lại nhận được điện của 645. Mọi người chăm chú lắng nghe đồng chí trợ lý tác chiến đọc :

- Nhờ các đồng chí báo cáo lên Đảng ủy, chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ của Đảng giao cho. Chúng tôi xin gửi lời chào vĩnh biệt.

Chuông điện thoại reo một hồi dài. Trợ lý quân báo cầm tổ hợp nghe và nhắc lại bức điện vừa nhận được :

- HQ. 4 địch báo : SL.4 có tiếng nổ lớn, tan khói không nhìn thấy SL.4 nữa.

Sự xúc động không còn kiềm chế nổi, tất cả cán bộ có mặt trong sở chỉ huy đều lau nước mắt rồi lặng lẽ đứng dậy tưởng niệm những đồng chí của mình anh dũng hy sinh vì nhiệm vụ cách mạng.



3


Chờ đợi mãi vẫn không thấy tàu của đoàn 125 vào bến cũ, cũng chưa lập được bến trung chuyển, đầu năm 1972. Bộ tư lệnh Quân khu dự định mở một chiến dịch dài ngày để chủ động phối hợp với các chiến trường và mở rộng địa bàn chiến tranh nhân dân ở địa phương mình, nhưng kiểm lại số vũ khí không đủ bảo đảm cho việc thực hiện ý định. Không thể chờ đợi lâu hơn được nữa, Bộ tư lệnh đề nghị với Quân ủy Trung ương cho phép sử dụng đoàn tàu bí mật S.950 ra miền Bắc lấy vũ khí và chở về bằng phương thức hợp pháp. Đề nghị của Quân khu 9 được Quân ủy Trung ương chuẩn y.
Ngày 25 tháng 2 năm 1972, đoàn tàu gồm 2 chiếc mang số 3308 và 3465 đã xuất phát ở ngư cảng Rạch Giá, giữa lòng địch do đoàn trưởng Tư Mao trực tiếp chỉ huy, lên đường ra miền Bắc. Và đoàn tàu đã trở về an toàn ngày 8 tháng 4 năm 1972 với 30 tấn đạn. Thắng lợi ấy đã mở ra một phương thức vận chuyển mới trên con đường biển chiến lược. Sau chuyến đi đầu tiên thành công, Trung ương đã chi viện thêm cán bộ, phương tiện và tiền vốn cho quân khu để phát triển nhanh phương thức vận tải hợp pháp. Hàng chục cán bộ thuyền, thợ máy của đoàn 125 được lệnh chuyển về đoàn S.950 Quân khu 9, xưởng X.46 Hải quân nhận lệnh bí mật khẩn trương đóng 10 chiếc tàu vỏ gỗ theo mẫu của đoàn S.950 vừa đưa ra.
Không đầy một năm, đoàn S.950 đã có hàng chục con tàu đánh cá hoạt động, ở vùng biển Rạch Giá và vùng biển Vũng Tàu, với đầy đủ giấy tời hợp pháp. Và cũng từ sau chuyến ra Bắc tháng 2 năm 1972, hàng tháng, đoàn S.950 liên tiếp có một hai lần ra Bắc chở vũ khí về. Phương thức vận tải mới đã phục vụ tích cực cho nhu cầu vũ khí của Quân khu 9.
Hạm đội Mỹ huênh hoang tuyên bố « đã kiểm soát từng lớp sóng » của biển Đông, trong lúc đó các thủy thủ của đoàn S.950 vẫn đi qua trước mũi chúng. Không mấy ngày, đoàn S.950 không có một vài cuộc tiếp xúc với bọn cảnh sát hải thuyền và bọn hải quân ngụy, thậm chí chúng tới nhậu nhẹt trên tàu của mình. Sự thông minh, khôn khéo và gan góc của anh em đã trở thành bảo bối tàng hình, làm cho quân thù mất nhiều công phu xoi mói nhưng vẫn không tìm ra dấu vết.
Ngay từ đầu, Quân ủy Trung ương đã thấy được triển vọng của phương pháp mới trong công tác vận tải chiến lược trên biển. Nó không chỉ thành công đối với Quân khu 9, mà tương lai nó có thể phục vụ cho nhiều chiến trường của Nam Bộ. Trung ương đã tăng cường cán bộ, đầu tư vốn ngày một nhiều cho đoàn S.950. Sang tới năm 1973, đoàn đã có nhiều biến đổi mới. Thực hiện chỉ thị của Quân ủy Trung ương, Quân ủy khu 9 đã đề ra nhiệm vụ cụ thể cho đoàn S.950 :
- Phải chọn mua thêm tàu lớn, tốt, mỗi tàu chở được 15 tấn hàng trở lên, chia thành ba cặp luân phiên nhau đi vận chuyển.
- Mua thêm một số tàu khác dùng quần chúng thường làm ngư phủ, làm ăn thực sự để che mắt địch. Bán bớt một số tàu nhỏ cũ ; tổ chức mua hoặc đóng một hai tàu lớn ở hướng Sài Gòn , ngăn cách với các đội tàu đang hoạt động để dự bị và khi cần có thể vận chuyển cho hướng Sài Gòn và hướng Quân khu 7.
- Củng cố các bến, các đầu cầu giao nhận hàng chặt chẽ, bí mật để bảo đảm họat động vận chuyển lâu dài.
- Đồng chí Tư Mao tạo điều kiện mua nhà ở Sài Gòn, đóng vai một tư sản nhỏ, có nhiệm vụ nghiên cứu tìm chỗ cất giấu hàng, bến đậu tàu trong nội thành Sài Gòn và gần sân bay Biên Hòa để đưa hàng phục vụ cho chiến đấu được thuận tiện.
Những năm tháng hoạt động ở Rạch Giá, đồng chí Tư mao đã đóng vai một tài công cho chủ tàu. Do tháo vát, chăm chỉ và biết cách làm ăn, từ tài công, đồng chí đã có một số vốn liếng khá góp cổ phần cùng với chủ mở rộng kinh doanh. Trên ngư trường Rạch Giá, Tư Mao đã trở thành ông chủ « có máu mặt » , bắt đầu có tiếng tăm. Việc ông chủ tàu Nam Nhật (mật danh Tư Mao) giàu có, làm ăn đang thời kỳ hưng thịnh chuyển về Sài Gòn để có điều kiện kinh doanh lớn hơn là điều dĩ nhiên.
Chỉ thị của Quân khu ủy như phát pháo hiệu phát lệnh xung phong đúng vào lúc cửa mở đã mở xong. Đồng chí Tư Mao dẫn đầu đoàn S.950 tiến vào tận hang ổ của địch để xây dựng chỗ đứng mới của đơn vị. Cái neo lớn của đoàn S.950 đã buông giữa Sài Gòn – mắt của cơn bão. Neo đã cắm sâu xuống đáy một cách êm ả. Thời gian chẳng bao lâu, đồng chí Tư Mao đã làm một loạt công việc : mua nhà ở cầu Rạch Ông ngay gần nơi tàu thuyền tới đậu ; lập công ty tàu đánh cá biển mang tên Ngư Long ; góp cổ phần với một tư sản Hoa kiều, mở xưởng xẻ gỗ , mua thêm ba cặp tàu; chuẩn bị lậo xưởng đóng vỏ tàu ở Biên Hòa …
Lần lượt những con tàu có ký hiệu « SG », đứng trước những con số đăng ký đã xuất phát từ thương cảng nhỏ cầu Rạch Ông hoặc Nhị Thiên Đường (Sài Gòn) ra miền Bắc lấy vũ khí, rồi lại trở về chính nơi đó để nghỉ ngơi và tu sửa tàu. Khoảng một năm, từ cuối năm 1972 đến cuối năm 1973, nhiều phen ông chủ Tư mao và anh em trong đơn vị suýt bị lộ nguyên hình. Tư Mao và anh em phải liên tục xóa dấu vết hoạt động của đơn vị mới tránh được sự sục sạo, đánh hơi của bọn mật vụ Mỹ-ngụy.
Nhưng một điều đã ngờ rồi vẫn còn bị bất ngờ. Khoảng cuối năm 1973, một cặp tàu của đoàn đưa Tư lệnh Lê Đức Anh ra miền Bắc họp, đồng thời lấy vũ khí về. Tới gần Vũng Tàu đoàn tàu bị bão đắm một chiếc. Số thủy thủ trên chiếc tàu bị đắm đã kịp chuyển sang chiếc còn lại. Phần vì chiếc tàu còn lại cũng phá nước, phần vì số thủy thủ trên chiếc tàu đắm không có danh sách hợp pháp trên tàu này, nên đoàn trưởng Tư Mao quyết định đưa tàu vào Vũng Tàu để giải quyết vấn đề trên.
Trong quá trình vào Vũng Tàu để gửi lại số thủy thủ của chiếc tàu bị đắm, trong cơ sở của đoàn tại đây có một tên phản bội cách mạng. Tên này trước đây bị địch bắt, không chịu nổi tra tấn đã phản bội, làm tay sai cho địch. Thấy tàu đồng chí Tư Mao vào, nó đi báo cho địch. Do có sự cố đó, một số cơ sở trên bờ bị địch bắt. Chúng còn tổ chức rượt đuổi, nhằm bắt sống chiếc tàu của ta. Nhưng với sự khôn ngoan, tháo vát và đầy kinh nghiệm của mình, đồng chí Tư Mao và đoàn thủy thủ đã thoát khỏi nanh vuốt của giặc, tiếp tục cuộc hành trình ra Bắc.
 
×
Quay lại
Top Bottom