Nếu chúng ta muốn có hạnh phúc chân thật trong cuộc sống, chúng ta buộc phải chấp nhận một sự thật là cuộc sống đầy dẫy những khổ đau. Chúng ta không thể tránh né, càng không thể loại trừ được hết những khổ đau trong đời sống. Chúng ta cần phải biết cách đối diện, nhận thức và chuyển hóa chúng.
Cuộc sống đầy dẫy những khổ đau. Cho dù ta có là người may mắn nhất trong nhân loại, ta cũng không thể tránh khỏi những nỗi khổ nhất định. Sự hiện hữu của những khổ đau đã bắt đầu ngay từ lúc chúng ta mở mắt chào đời. Chúng ta sợ phải chết, nhưng tất cả chúng ta đều phải chết. Chúng ta yêu thích tuổi thanh xuân tươi đẹp tràn đầy sức sống, nhưng tất cả chúng ta đều bất lực nhìn tuổi già đến dần. Chúng ta cố tránh né bệnh tật, nhưng rồi tất cả chúng ta đều cũng không tránh khỏi. Chúng ta mong muốn được sống bên cạnh những người mình thương yêu, nhưng rồi bằng cách này hay cách khác, chúng ta vẫn phải chia tay với từng người trong số họ...
Với phần lớn trong chúng ta thì sự thiếu thốn vật chất ở một mức độ nào đó cũng luôn là nỗi khổ. Chúng ta quay cuồng, vật lộn với cuộc sống và rất hiếm khi chúng ta tự thấy mình đã có đủ những thứ mình cần...
Còn có thể kể ra rất nhiều khổ đau mà chúng ta phải thường xuyên đón nhận trong cuộc sống. Chính vì vậy, có người đã phải thốt lên rằng: “Hạnh phúc là sự tạm dừng của những đau khổ.”
Nhưng điều này không thật sự chính xác. Vì nếu như thế thì sẽ chẳng bao giờ chúng ta có được hạnh phúc, vì chẳng hề có một phút giây nào mà đau khổ trong cuộc sống này có thể tạm dừng.
Thay vì mong đợi sự tạm dừng của đau khổ để có được đôi chút hạnh phúc mong manh ngắn ngủi, chúng ta hãy đối diện và nhìn sâu vào bản chất của đau khổ. Khi hiểu rõ được bản chất của chúng, ta sẽ có thể chấp nhận và chuyển hóa. Chỉ khi đó chúng ta mới có được hạnh phúc thật sự.
Hầu hết những khổ đau của chúng ta đều xuất phát từ sự mong cầu đi ngược lại tự nhiên. Chúng ta mong muốn điều gì đó và bất kể là những mong muốn ấy có hợp lý hay không. Hay nói đúng hơn, chúng ta không chịu nhìn sâu vào bản chất của sự vật để có thể thấy được sự vô lý của chính mình.
Một cô gái đau khổ vì yêu thương một chàng trai nhưng không được đáp lại. Chàng trai kia không có lỗi gì cả. Chàng hoàn toàn có quyền lựa chọn người mình yêu thương. Nhưng cô gái đang yêu không có đủ sáng suốt để nhận ra điều đó. Cô đau khổ vì sự sai lầm trong nhận thức của chính mình. Nỗi đau khổ của cô chỉ có thể chấm dứt khi nào cô đối diện được với nó và nhận ra nguyên nhân thật sự, như bao nhiêu người khác đều có thể nhận ra.
Vào một buổi chiều đẹp trời, chúng ta dạo chơi trong một công viên nào đó, ta có thể thấy những cơn gió thoảng qua và có những chiếc lá vàng rơi rụng xuống.
Chiếc lá đã sống trọn một cuộc đời rất đẹp. Từng phút giây tồn tại, nó đã cống hiến trọn vẹn cho sự chuyển hóa dòng nhựa nguyên thành nhựa luyện để nuôi cây. Lá sinh ra từ cây, nhưng trong một ý nghĩa khác, vì lá đã nuôi sống cây nên lá cũng là mẹ của cây. Hết một đời mình, lá rơi rụng về với lòng đất, lại tiếp tục chuyển hóa thành phân mục để nuôi cây. Ngày mai, có thể lá lại được sinh ra thành một chồi non mới...
Trong bức tranh sinh động này, chúng ta có thể thấy rõ quy luật của đời sống. Mỗi người chúng ta là một chiếc lá trên thân cây cuộc đời. Ta không thể tồn tại mãi mãi, nhưng ta có thể sống thật trọn vẹn đời sống của mình. Ta sinh ra từ cuộc sống, nhưng ta sống có ích cho cuộc sống và trong ý nghĩa đó ta cũng góp phần tạo ra cuộc sống.
Thế nhưng hầu hết chúng ta không hài lòng với việc trở về lòng đất như chiếc lá kia. Ta đau khổ vì ta không nhận ra và chấp nhận quy luật tự nhiên của cuộc sống.
Tất cả những thực thể sống đều sinh ra và chết đi. Chiếc lá sinh ra và chết đi. Đóa hoa hồng sinh ra và chết đi. Nhưng những vật vô tri giác, như một tảng đá chẳng hạn, không có sự sinh ra và chết đi theo cách như thế. Chúng chỉ được hình thành và hủy hoại theo thời gian, chúng không có sự sống và sự chết. Chúng ta phải lấy làm hạnh phúc được sinh ra và chết đi, vì chỉ như thế ta mới thật sự được trải qua một đời sống nhiệm mầu.
Nếu chúng ta hiểu rõ được vấn đề và chấp nhận sự thật về sống chết, chúng ta sẽ thấy những giây phút được sống của mình càng có giá trị hơn.
Mỗi một nỗi khổ đau đều có nguyên nhân của nó. Nếu chúng ta biết suy xét để nhận ra những nguyên nhân sâu xa và đích thật, ta sẽ có thể chấp nhận và chuyển hóa nỗi khổ đau thành năng lực thúc đẩy ta nỗ lực sống tốt hơn. Cơ thể chúng ta không rắn chắc như sắt đá, nên một đôi khi ta mắc phải bệnh tật, điều ấy là tự nhiên. Hiểu được điều đó ta càng biết quý trọng và cảm nhận niềm vui trong những lúc được sống khỏe mạnh không bệnh tật, càng cố gắng giữ gìn sức khỏe một cách tích cực hơn, tránh xa những thức ăn uống hoặc những cuộc chơi bời có hại cho sức khỏe. Chúng ta cũng có thể nghĩ về tuổi già như một động lực để sống tốt hơn trong những ngày còn trẻ...
Những thương tổn về tình cảm cũng gây cho chúng ta nhiều đau khổ nếu chúng ta không biết cách đối trị với chúng. Khi gánh chịu những sự bất công, xúc phạm hoặc khinh miệt... chúng ta thường ôm ấp những thương tổn đó như những vết thương trong tâm hồn, và chúng ta đau khổ vì chúng. Nếu chúng ta biết mở rộng lòng và học được những cách ứng xử rộng lượng hơn, cảm thông hơn... chúng ta sẽ có thể hiểu và chấp nhận những sự bất công, xúc phạm hay khinh miệt ấy theo chiều hướng tốt đẹp hơn, và không để chúng làm thương tổn đến tâm hồn ta.
Trong hầu hết trường hợp, người ta cư xử một cách bất công hay thô bạo là xuất phát từ sự thiếu hiểu biết: hoặc là thiếu hiểu biết về cách sống, hoặc là thiếu hiểu biết lẫn nhau. Nếu chúng ta đáp lại bằng sự thù hằn, căm giận, bản thân chúng ta cũng rơi vào chỗ thiếu hiểu biết. Cả hai bên đều đau khổ. Ngược lại, nếu chúng ta hiểu được và cảm thông với sự thiếu hiểu biết của người khác, ta sẽ có khuynh hướng tha thứ hơn là tức giận. Chúng ta có làm thay đổi được người khác hay không, điều đó còn tùy nơi năng lực cảm nhận của họ, nhưng bản thân chúng ta thì chắc chắn sẽ tránh được thương tổn trong những trường hợp này.
Khi chúng ta đau khổ, nếu ta biết nghĩ đến những đau khổ của người khác với sự cảm thông và chia sẻ, nỗi đau của chính bản thân ta sẽ được giảm nhẹ. Ngược lại, sự trách móc, oán giận... chỉ càng làm tăng thêm nỗi đau mà thôi.
Chúng ta phải chấp nhận một thực tế là cuộc đời không sao tránh khỏi những khổ đau. Nhưng trong một chừng mực nhất định, cách hiểu và nhìn nhận vấn đề của chúng ta có thể làm vơi đi đáng kể mức độ đau khổ. Đối diện với từng nỗi khổ đau và tìm hiểu rõ nguyên nhân sâu xa của nó có thể giúp ta có thái độ đón nhận một cách tích cực hơn. Ngay cả khi chúng ta đang hứng chịu một nỗi khổ đau nào đó, chúng ta vẫn thấy tự tin và ít bị thương tổn hơn.
HẠNH PHÚC LÀ ĐIỀU CÓ THẬT
Cuộc sống đầy dẫy những khổ đau. Cho dù ta có là người may mắn nhất trong nhân loại, ta cũng không thể tránh khỏi những nỗi khổ nhất định. Sự hiện hữu của những khổ đau đã bắt đầu ngay từ lúc chúng ta mở mắt chào đời. Chúng ta sợ phải chết, nhưng tất cả chúng ta đều phải chết. Chúng ta yêu thích tuổi thanh xuân tươi đẹp tràn đầy sức sống, nhưng tất cả chúng ta đều bất lực nhìn tuổi già đến dần. Chúng ta cố tránh né bệnh tật, nhưng rồi tất cả chúng ta đều cũng không tránh khỏi. Chúng ta mong muốn được sống bên cạnh những người mình thương yêu, nhưng rồi bằng cách này hay cách khác, chúng ta vẫn phải chia tay với từng người trong số họ...
Với phần lớn trong chúng ta thì sự thiếu thốn vật chất ở một mức độ nào đó cũng luôn là nỗi khổ. Chúng ta quay cuồng, vật lộn với cuộc sống và rất hiếm khi chúng ta tự thấy mình đã có đủ những thứ mình cần...
Còn có thể kể ra rất nhiều khổ đau mà chúng ta phải thường xuyên đón nhận trong cuộc sống. Chính vì vậy, có người đã phải thốt lên rằng: “Hạnh phúc là sự tạm dừng của những đau khổ.”
Nhưng điều này không thật sự chính xác. Vì nếu như thế thì sẽ chẳng bao giờ chúng ta có được hạnh phúc, vì chẳng hề có một phút giây nào mà đau khổ trong cuộc sống này có thể tạm dừng.
Thay vì mong đợi sự tạm dừng của đau khổ để có được đôi chút hạnh phúc mong manh ngắn ngủi, chúng ta hãy đối diện và nhìn sâu vào bản chất của đau khổ. Khi hiểu rõ được bản chất của chúng, ta sẽ có thể chấp nhận và chuyển hóa. Chỉ khi đó chúng ta mới có được hạnh phúc thật sự.
Hầu hết những khổ đau của chúng ta đều xuất phát từ sự mong cầu đi ngược lại tự nhiên. Chúng ta mong muốn điều gì đó và bất kể là những mong muốn ấy có hợp lý hay không. Hay nói đúng hơn, chúng ta không chịu nhìn sâu vào bản chất của sự vật để có thể thấy được sự vô lý của chính mình.
Một cô gái đau khổ vì yêu thương một chàng trai nhưng không được đáp lại. Chàng trai kia không có lỗi gì cả. Chàng hoàn toàn có quyền lựa chọn người mình yêu thương. Nhưng cô gái đang yêu không có đủ sáng suốt để nhận ra điều đó. Cô đau khổ vì sự sai lầm trong nhận thức của chính mình. Nỗi đau khổ của cô chỉ có thể chấm dứt khi nào cô đối diện được với nó và nhận ra nguyên nhân thật sự, như bao nhiêu người khác đều có thể nhận ra.
Vào một buổi chiều đẹp trời, chúng ta dạo chơi trong một công viên nào đó, ta có thể thấy những cơn gió thoảng qua và có những chiếc lá vàng rơi rụng xuống.
Chiếc lá đã sống trọn một cuộc đời rất đẹp. Từng phút giây tồn tại, nó đã cống hiến trọn vẹn cho sự chuyển hóa dòng nhựa nguyên thành nhựa luyện để nuôi cây. Lá sinh ra từ cây, nhưng trong một ý nghĩa khác, vì lá đã nuôi sống cây nên lá cũng là mẹ của cây. Hết một đời mình, lá rơi rụng về với lòng đất, lại tiếp tục chuyển hóa thành phân mục để nuôi cây. Ngày mai, có thể lá lại được sinh ra thành một chồi non mới...
Trong bức tranh sinh động này, chúng ta có thể thấy rõ quy luật của đời sống. Mỗi người chúng ta là một chiếc lá trên thân cây cuộc đời. Ta không thể tồn tại mãi mãi, nhưng ta có thể sống thật trọn vẹn đời sống của mình. Ta sinh ra từ cuộc sống, nhưng ta sống có ích cho cuộc sống và trong ý nghĩa đó ta cũng góp phần tạo ra cuộc sống.
Thế nhưng hầu hết chúng ta không hài lòng với việc trở về lòng đất như chiếc lá kia. Ta đau khổ vì ta không nhận ra và chấp nhận quy luật tự nhiên của cuộc sống.
Tất cả những thực thể sống đều sinh ra và chết đi. Chiếc lá sinh ra và chết đi. Đóa hoa hồng sinh ra và chết đi. Nhưng những vật vô tri giác, như một tảng đá chẳng hạn, không có sự sinh ra và chết đi theo cách như thế. Chúng chỉ được hình thành và hủy hoại theo thời gian, chúng không có sự sống và sự chết. Chúng ta phải lấy làm hạnh phúc được sinh ra và chết đi, vì chỉ như thế ta mới thật sự được trải qua một đời sống nhiệm mầu.
Nếu chúng ta hiểu rõ được vấn đề và chấp nhận sự thật về sống chết, chúng ta sẽ thấy những giây phút được sống của mình càng có giá trị hơn.
Mỗi một nỗi khổ đau đều có nguyên nhân của nó. Nếu chúng ta biết suy xét để nhận ra những nguyên nhân sâu xa và đích thật, ta sẽ có thể chấp nhận và chuyển hóa nỗi khổ đau thành năng lực thúc đẩy ta nỗ lực sống tốt hơn. Cơ thể chúng ta không rắn chắc như sắt đá, nên một đôi khi ta mắc phải bệnh tật, điều ấy là tự nhiên. Hiểu được điều đó ta càng biết quý trọng và cảm nhận niềm vui trong những lúc được sống khỏe mạnh không bệnh tật, càng cố gắng giữ gìn sức khỏe một cách tích cực hơn, tránh xa những thức ăn uống hoặc những cuộc chơi bời có hại cho sức khỏe. Chúng ta cũng có thể nghĩ về tuổi già như một động lực để sống tốt hơn trong những ngày còn trẻ...
Những thương tổn về tình cảm cũng gây cho chúng ta nhiều đau khổ nếu chúng ta không biết cách đối trị với chúng. Khi gánh chịu những sự bất công, xúc phạm hoặc khinh miệt... chúng ta thường ôm ấp những thương tổn đó như những vết thương trong tâm hồn, và chúng ta đau khổ vì chúng. Nếu chúng ta biết mở rộng lòng và học được những cách ứng xử rộng lượng hơn, cảm thông hơn... chúng ta sẽ có thể hiểu và chấp nhận những sự bất công, xúc phạm hay khinh miệt ấy theo chiều hướng tốt đẹp hơn, và không để chúng làm thương tổn đến tâm hồn ta.
Trong hầu hết trường hợp, người ta cư xử một cách bất công hay thô bạo là xuất phát từ sự thiếu hiểu biết: hoặc là thiếu hiểu biết về cách sống, hoặc là thiếu hiểu biết lẫn nhau. Nếu chúng ta đáp lại bằng sự thù hằn, căm giận, bản thân chúng ta cũng rơi vào chỗ thiếu hiểu biết. Cả hai bên đều đau khổ. Ngược lại, nếu chúng ta hiểu được và cảm thông với sự thiếu hiểu biết của người khác, ta sẽ có khuynh hướng tha thứ hơn là tức giận. Chúng ta có làm thay đổi được người khác hay không, điều đó còn tùy nơi năng lực cảm nhận của họ, nhưng bản thân chúng ta thì chắc chắn sẽ tránh được thương tổn trong những trường hợp này.
Khi chúng ta đau khổ, nếu ta biết nghĩ đến những đau khổ của người khác với sự cảm thông và chia sẻ, nỗi đau của chính bản thân ta sẽ được giảm nhẹ. Ngược lại, sự trách móc, oán giận... chỉ càng làm tăng thêm nỗi đau mà thôi.
Chúng ta phải chấp nhận một thực tế là cuộc đời không sao tránh khỏi những khổ đau. Nhưng trong một chừng mực nhất định, cách hiểu và nhìn nhận vấn đề của chúng ta có thể làm vơi đi đáng kể mức độ đau khổ. Đối diện với từng nỗi khổ đau và tìm hiểu rõ nguyên nhân sâu xa của nó có thể giúp ta có thái độ đón nhận một cách tích cực hơn. Ngay cả khi chúng ta đang hứng chịu một nỗi khổ đau nào đó, chúng ta vẫn thấy tự tin và ít bị thương tổn hơn.
HẠNH PHÚC LÀ ĐIỀU CÓ THẬT