Dạy Sử bây giờ

Totoro

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
17/12/2011
Bài viết
5.437
Học sinh không hứng thú với bộ môn Lịch sử. Đó là một nghịch lý. Bởi lịch sử vẫn sục sôi, vẫn lấp lánh sự hấp dẫn vốn có của nó.

942004-551b679db8dff6-img.jpg


Cần tăng cường cơ sở vật chất và phương tiện trong giảng dạy môn Lịch sử

Đó là một thứ “ma túy tinh thần” của con người, là mảnh đất màu mỡ, là khởi nguồn sáng tạo của biết bao nhà khoa học, nhà văn, nhà thơ nổi tiếng. Vậy thì tại sao học sinh lại chán học Lịch sử?

Không thể phủ nhận vai trò của đội ngũ giáo viên dạy Sử cũng như vai trò của các trường, các cơ sở đào tạo giáo viên dạy Sử trong nhiều thập kỷ vừa qua. Có thể nói, họ đã làm được quá nhiều việc, đã có quá nhiều cống hiến cho đất nước, cho dân tộc trong suốt những năm tháng đầy vinh quang nhưng cũng vô cùng gian khó vừa qua. Nhưng xã hội đã có quá nhiều đổi thay, một mặt phải duy trì và phát huy những mặt tốt đã có, đã được khẳng định, mặt khác phải mạnh dạn đổi mới, mang tính cách mạng trong đào tạo đội ngũ giáo viên dạy Sử hiện nay trên một số nội dung cơ bản.

Phải hấp dẫn và sinh động

Nhìn nhận một cách khách quan để thấy rằng, mấy thập kỷ qua, tiêu chí này cơ bản vẫn không có nhiều thay đổi. Xin không nhắc lại ở đây những tiêu chí cơ bản như phẩm chất đạo đức, chính trị, trình độ nắm vững kiến thức của khoa học lịch sử, trình độ lý luận về phương pháp dạy học của người thầy. Đó là những tiêu chí cơ bản và nền tảng, mà nếu người thầy không có, không giỏi thì không thể trở thành người thầy giỏi, không thể có một giờ Sử tốt.

Nhưng có một tiêu chí mà lâu nay, dường như chưa được quan tâm đúng mức, chưa có cơ chế đánh giá như là một tiêu chí mang tính định lượng trong dạy học cụ thể, đó là năng lực và kỹ năng dạy hay, dạy hấp dẫn của thầy. Dạy Sử bây giờ không chỉ phải đúng, phải logic, phải đảm bảo tính khoa học, hệ thống, mà phải hay, phải hấp dẫn, sinh động, phải có giá trị tư tưởng cao. Bởi nếu chỉ dạy đúng, dạy đủ như sách giáo khoa thì học sinh sẽ không đến với môn Lịch sử một cách tự giác, một cách hứng thú.

Học sinh bây giờ có quá nhiều sự lựa chọn trong nhận thức lịch sử. Các kênh nhận thức lịch sử ngoài học đường, tuy thiếu tính hệ thống, nhưng lại rất hấp dẫn và tiện dụng. Trước đây, người thầy rất ít đối thủ cạnh tranh, bởi nguồn kiến thức lịch sử gần như là duy nhất đến với học trò là thầy và sách giáo khoa. Còn bây giờ các em còn một nguồn thông tin vô cùng phong phú trên mạng, qua phim ảnh, sân khấu. Đó là đối thủ lớn của người thầy. Nếu không đổi mới, bộ môn Lịch sử khó có thể chiếm được trái tim của học trò.

Vì thế, bên cạnh những tiêu chí đã định hình, đã ổn định và có tính truyền thống, một giờ Lịch sử hay, sinh động, hấp dẫn, cuốn hút và có giá trị tư tưởng cao, phải được coi là một tiêu chí cơ bản của dạy học lịch sử hiện nay. Trong đào tạo cũng vậy, bên cạnh việc giúp sinh viên nắm vững kiến thức lịch sử cơ bản, nắm vững hệ thống phương pháp dạy học cơ bản, phải đặc biệt coi trọng các phương pháp đảm bảo cho giờ học hấp dẫn, có tính vấn đề cao. Trên thực tế, có nhiều thầy dạy đúng, dạy đủ, nhưng tẻ nhạt, kém hấp dẫn, sinh động. Trong những giờ học như thế, học sinh học sử vì buộc phải học chứ không phải vì khát khao và hứng thú. Mà khi đã không còn hứng thú thì giá trị nhận thức lịch sử đã không còn ý nghĩa vốn rất cao đẹp của nó. Tất cả những điều đó đã giết chết niềm say mê, sáng tạo không những của học sinh mà còn của chính người thầy dạy Sử.

942004-664218-dsc-0002.jpg


Sinh viên học Lịch sử tại bảo tàng

Người thầy phải là người giỏi kỹ năng sư phạm

Để có những giờ học hấp dẫn sinh động, những giờ học kích thích được hứng thú học tập thực sự với tính tự giác và chủ động cao của học sinh phải có những đổi mới cơ bản trong phương pháp dạy học và phương pháp đào tạo giáo viên dạy Sử hiện nay.

Phải sớm xây dựng được hệ thống kỹ năng trong dạy học Lịch sử như là một nội dung, một vấn đề, một khâu trong qui trình đào tạo sư phạm. Kỹ năng cũng phải được coi như là một tiêu chí không thể bỏ qua trong kiểm tra và đánh giá đầu ra của sinh viên khoa Lịch sử các trường sư phạm hiện nay. Phương pháp dạy học và kỹ năng sư phạm phải được coi là môn thi, hoặc luận văn tốt nghiệp bắt buộc đối với sinh viên sư phạm.

Cũng cần đổi mới cách đánh giá hoạt động nghiên cứu liên quan đến lĩnh vực đào tạo giáo viên và khoa học giáo dục, trong đó có giáo dục lịch sử. Theo đó các luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ, các đề tài nghiên cứu liên quan đến lý luận và phương pháp dạy học lịch sử, bắt buộc phải thể hiện được hệ thống kỹ năng tương ứng. Bởi không có hệ thống kỹ năng, không thể hiện thành công ở hệ thống kỹ năng cụ thể, thì mọi lý thuyết, mọi quan điểm đổi mới chỉ dừng ở giả thiết, ở tiềm năng mà chưa có giá trị hiện hữu.

Việc đánh giá kết quả học tập của sinh viên khi tốt nghiệp, cũng như đánh giá chất lượng các công trình nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực dạy học, nếu không được coi là một trong những tiêu chí cơ bản và bắt buộc cũng giống như khi đánh giá một cầu thủ bóng đá, thay vì mời cầu thủ đó ra sân cỏ để thể hiện các động tác cụ thể, người ta lại mời cầu thủ đó vào trong phòng, để viết về bóng đá, bình luận về bóng đá… và sau đó cấp cho họ bằng tốt nghiệp về bóng đá!

Vẫn biết đây là việc khó, bởi nó cần sự thay đổi mang tính cách mạng từ nhận thức tới triển khai thực hiện. Nó không chỉ đòi hỏi hàm lượng chất xám trong nghiên cứu mà còn cần kinh phí và cao hơn là chủ trương đầu tư cho hệ thống cơ sở vật chất tương ứng kèm theo. Nhưng đây là công việc không thể không làm, bởi nếu không đổi mới, không cách mạng, chất lượng đào tạo giáo viên khó có thể thay đổi. Chất lượng đào tạo giáo viên không được nâng cao thì cuộc cách mạng trong dạy học lịch sử hiện nay khó có thể thành công.

Không chỉ có phấn và bảng, đọc và chép

Một giờ dạy Sử hay và hấp dẫn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Bên cạnh năng lực và nghệ thuật dạy học của thầy, việc sử dụng hệ thống cơ sở vật chất, phương tiện dạy học có vai trò rất quan trọng. Cần phải có một cuộc cách mạng trong đầu tư cơ sở vật chất chuyên dụng cho dạy Lịch sử ở các trường sư phạm và sau đó là các trường phổ thông.

Học sinh học Lịch sử bây giờ không chỉ có phấn và bảng, đọc và chép. Phải có tranh, ảnh, bản đồ (mà là bản đồ điện tử chứ không phải bản đồ giấy khô cứng), phải có video minh họa với những hình ảnh sống động của lịch sử. Giờ học Lịch sử bây giờ phải có âm thanh, ánh sáng, có tiếng gươm khua, tiếng vó ngựa, có đạn, có bom, có khói, có lửa, có tiếng xung phong, tiếng hò reo của chiến thắng, chứ không chỉ có thầy đọc, trò chép. Những kỹ thuật và công nghệ như thế có thể là không tưởng nếu ở vào mấy chục năm về trước, nhưng bây giờ hoàn toàn có thể làm được nếu các nhà sư phạm dám nghĩ, dám làm và Nhà nước có quan điểm cách mạng trong đầu tư cho những sáng tạo và đổi mới như thế.

Thiết nghĩ, cần phải sớm đầu tư trí tuệ và kinh phí cho việc xây dựng các phòng bộ môn chuyên dụng cho các khoa Lịch sử của các trường đại học sư phạm. Đó vừa là nơi nghiên cứu, vừa là nơi tập hợp hệ thống các đồ dùng và thiết bị dạy học tiên tiến, giúp cho sinh viên có thể thường xuyên rèn luyện kỹ năng sư phạm. Trong tương lai gần, cũng cần nghiên cứu để xây dựng các phòng chuyên dụng cho dạy học Lịch sử ở các trường phổ thông, nơi mà giáo viên có thể sử dụng được hệ thống các đồ dùng, thiết bị và công nghệ dạy học một cách chuyên dụng, tập trung, thường xuyên. Các phòng bộ môn và phòng dạy học chuyên dụng cũng là các trung tâm chiếu phim chuyên dụng cho sinh viên và học sinh. Cần sớm nghiên cứu để xây dựng được hệ thống các bộ phim video lịch sử phục vụ tới từng tiết học từ phổ thông tới đại học. Đây là điều hoàn toàn có thể làm được - cả ở góc độ đầu tư kinh phí cũng như trình độ kỹ thuật công nghệ hiện nay.
Theo Xaluan
 
×
Quay lại
Top Bottom