Dân tộc jrai và bahnar

ni_na

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
31/10/2011
Bài viết
354
HOA VĂN TRÊN TRANG PHỤC DÂN TỘC JRAI VÀ BAHNAR TẠI GIA LAI, NGUỒN CẢM HỨNG CỦA SÁNG TẠO

clip_image001.gif
Lễ hội của đồng bào dân tộc Tây Nguyên thường diễn ra theo chu kỳ vòng đời con người (lễ thổi tai, lễ mừng sức khỏe, lễ cưới, lễ tang…), theo chu kỳ vòng đời cây trồng (lễ phát rẫy, lễ xuống hạt giống, lễ thúc lúa, lễ cho lúa lên chòi, lễ cho lúa xuống chòi…). Đây là dịp để người dân nơi đây trưng diện khoe màu các sắc phục truyền thống trong lễ hội.
Hội mùa là ngày hội lớn có từ lâu rất phổ biến ở Tây Nguyên, tương tự như ngày Tết của người Kinh. Trong ngày hội này bộ lễ phục nữ kèm theo những tua vải ngũ sắc sặc sỡ, được kết từ vai xuống quá lưng, tung bay trong điệu múa Tămple vui nhộn, xoắn xít bên các chàng trai lưng trần quấn khố, mạnh mẽ, điệu nghệ đánh trống, khua chiêng.
Trong ngày cưới, nổi bật trên nền ghế Kpan một hàng dài những người đàn ông đánh chiêng Sar là cô dâu chú rễ với trang phục kín đáo, áo dài tay khẽ khàng khoe sắc, sặc sỡ những dải hoa văn với nhiều họa tiết phức tạp. Đặc biệt là sự va chạm của dải cườm được kết bằng hạt T’rpeng trên đầu khố và biên váy làm cho buổi lễ trang trọng và vui tươi hơn.
Trong lễ tang, những người thân mang trang phục thường, một màu đen tuyền u ám, không thiết kế hoa văn, chìm đắm trong không gian tĩnh mịch buồn đau, làm cho không khí của buổi lễ thêm phần thương cảm.
Trong lễ bỏ mả (pơthi), ngày lễ lớn nhất của người Jrai, trang phục được phô diễn nhiều nhất và phong phú nhất, bởi không chỉ người trong làng mà còn các bà con, bè bạn của người chết và gia đình người chết ở các làng khác, cùng mang các nét độc đáo riêng của trang phục mình đến dự lễ tiễn biệt lần cuối với người quá cố.
Lễ đâm trâu để ăn mừng thắng lợi như mừng lúa mới, mừng thắng trận…là một biểu hiện tưởng nhớ và ôn lại truyền thống vẻ vang, bất khuất, kiên cường của cộng đồng trong chiến đấu với kẻ thù, chống đỡ với thiên nhiên khắc nghiệt, bảo vệ cộng đồng và núi rừng Tây Nguyên. Lúc này những người đàn ông vai u, thịt bắp quấn khố lễ, buột khăn chéo ngực như các chiến binh xưa, tay cầm đao, khiên nhảy múa trên nền nhạc trầm hùng của cồng chiêng.
Còn nhiều môi trường hội, lễ và diễn xướng khác để cho trang phục dân tộc Jrai, Bahnar khoe sắc. Chung quy là để thể hiện sự khéo léo và tài hoa của người phụ nữ qua các họa tiết và màu sắc hoa văn dệt, ở đó đã hàm chứa rất nhiều hình ảnh về những sự vật, hiện tượng mà đồng bào vẫn thường tiếp xúc qua lao động sản xuất và sinh hoạt hằng ngày; ở đó trên các họa tiết, họ đã gửi gắm những ước mơ về một cuộc sống thanh bình, ấm no và hạnh phúc. Giá trị nghệ thuật trang trí hoa văn cổ này không phải ra đời trong phút chốc dưới ngòi bút của một cá nhân họa sĩ nào, mà nó được dần dần hình thành qua cuộc sống lâu đời của một tộc người.
Hoa văn dân tộc Jrai, Bahnar là sự kết hợp những họa tiết hình học theo một bố cục nhất định. Mặc dù nó chưa đạt trình độ cao, nhưng hiệu quả cuối cùng của nó xét về mặt thẩm mỹ đã làm cho người xem cảm thấy nhẹ, thoáng, sống động và có trọng điểm.
Trong phong tục và văn hóa truyền thống của dân tộc Jrai, Bahnar có rất nhiều nhà nghiên cứu, nhà báo, nhà lý luận viết về nó. Nhưng nghiên cứu về hoa văn trang phục có lẽ tính đến thời điểm này mới chỉ có Nhà Dân tộc học Trần Từ (Nguyễn Từ Chi (1925-1995)). Tuy nhiên chỉ ở mức độ đánh giá nhận xét về kỹ thuật dệt, khái quát về bố cục thành dải, so sánh chung giữa trang phục của một số dân tộc, chưa đi sâu về góc độ mỹ thuật. Chính vì thế trong hoa văn Gia Rai, Bahnar Ông đã viết “Thực ra công việc sưu tầm này còn đang bước khởi động. Dù sao vẫn có thể gửi vào đấy một niềm hy vọng: Gợi lên được một vài cảm nghĩ của các nhà nghiên cứu, và ít nhiều cảm hứng cho anh chị em nghệ sĩ tạo hình. Được thế, thì đó sẽ là một sự cổ vũ lớn, để các bạn họa sỹ của Sở càng phấn khởi tiếp tục công việc thu lượm của mình trên mảnh đất Gia Lai – Kon Tum này” (Pleiku 1985-1986).
clip_image001.gif

Những năm gần đây, khu vực cư trú chính của người Jrai, Bahnar có nhiều biến động, đã tác động mạnh mẽ đến văn hóa truyền thống của cư dân bản địa. Việc thương mại hóa các di sản văn hóa làm ảnh hưởng đến việc bảo tồn, làm mất dần đi tính đặc thù nguyên bản, dẫn đến sự pha tạp, mất gốc; một số họa tiết đặc sắc có nguy cơ khác lạ. Từ thực trạng ấy, cần phải khẳng định rằng bảo tồn các giá trị hoa văn trên trang phục dân tộc Jrai, Bahnar ở Gia lai là hết sức cần thiết và cấp bách. Không những bảo tồn mà còn làm cho nó phát huy tác dụng trong môi trường văn hóa mới, phù hợp với bản chất và trình độ con người trong điều kiện mới. Điều đó cũng có nghĩa bảo tồn không phải “bê nguyên xi” hay rập khuôn một cách máy móc cái đã có, mà phải gắn liền việc sáng tạo theo hướng tích cực. Do đó ngoài những bộ trang phục truyền thống, cần phải sử dụng những hoa văn sẵn có để nâng lên thành bộ trang phục cách tân từ chất liệu, kiểu dáng, mô típ hoa văn mà không mất đi nét đặc trưng của mình, để giới thiệu rộng rãi ra bên ngoài, không để những hoa văn đẹp bị khép kín tại buôn làng.
Một thực tế đáng buồn hiện nay tại Gia Lai rất ít người phân biệt được trang phục nào là của Jrai, của Bahnar trong các hội, lễ và cách điệu trên sân khấu. Ngay chính các trường phổ thông dân tộc nội trú huyện, tỉnh đều thiết kế chung một kiểu trang phục không đặc trưng cho học sinh. Nhiều người ngỡ ngàng không biết các em mặc trang phục dân tộc nào.
Đã đến lúc cần phải có sự đầu tư nghiên cứu, một mặt để bảo tồn tại các làng nghề truyền thống, mặc khác phải khái quát tính đặc trưng về hoa văn trên trang phục của đồng bào dân tộc Jrai, Bahnar, để áp dụng trong việc thiết kế trang phục tiện lợi nhất, quảng bá trong và ngoài tỉnh. Đây là niềm tự hào của đồng bào dân tộc địa phương, và là di nguyện của cố Giáo sư Trần Từ./.
Nghi lễ đời người của dân tộc Jrai

Dân tộc Jrai có dân số đông thứ hai (sau người kinh) trong 36 dân tộc sinh sống ở tỉnh Gia Lai và đứng hàng thứ mười trong cộng đồng 54 tộc người ở Việt Nam. Hiện nay, dân số người Jrai là 345.654 người (2009), sống tập trung ở thành phố Pleiku (20.159 người), huyện Chư Sê (60.685 người), Ayun Pa (47.993 người), Krông Pa (43.227 người), Ia Grai (40.004 người), Chư Prông (30.866 người), Ia Pa (28.706 người), Đức Cơ (28.494 người), Chư Păh (27.544 người), Đắc Đoa (17.203 người), Mang Yang (589 người), Kông Chro (165 người) và Kbang (20 người).
Người Jrai được chia thành năm nhóm chính, có mười dòng họ lớn: Rchom, Nay, Rơô, Siu, Rma, Ksor, Rah lan, Hiec, Kpă, Pui. Họ có đời sống văn hóa phong phú, độc đáo và có giá trị nhân văn sâu sắc, trong đó có nghi lễ đời người.
Nghi lễ đời người gồm có ba giai đoạn quan trọng: Sinh, Trưởng thànhTử. Mỗi thời kỳ có ba giai đoạn, tách biệt với thời kỳ trước, bước đầu hội nhập và hội nhập vào thời kỳ tiếp sau:
- Sinh: chửa, đẻ và tuổi sơ sinh, tuổi thiếu niên;
- Trưởng thành: tuổi thiếu niên, lễ thành đinh và hôn nhân, tuổi con người cộng đồng;
- Tử: lên lão, sự chết đi đôi với tang ma và cuộc sống ở thế giới bên kia.
Toàn bộ hoạt động của con người là hoạt động sản sinh ra văn hoá cho nên các nghi lễ chủ yếu trong đời người là một trong những biểu hiện sâu đậm về bản sắc văn hoá dân tộc, đặc biệt là đời sống tâm linh, tâm lý và phong tục tập quán.
Về nghi lễ liên quan đến sinh đẻ và tuổi vị thành niên, gồm những nghi lễ liên quan đến thời kỳ mang thai, những nghi lễ trong sinh đẻ và những nghi lễ ở tuổi vị thành niên. Người Jrai luôn coi trọng đến việc sinh đẻ và nuôi dạy con cái, đặc biệt là việc sinh con gái. Trong thời gian mang thai phải làm hai lễ, đó là: Lễ cầu cho con khi chào đời được dễ dàng sau ba tháng mang thai; Lễ cầu cho mẹ sinh nở dễ dàng sau tám tháng mang thai chủ yếu đều nhằm cầu mong cho thai nhi phát triển thuận và đứa trẻ sinh ra được dễ dàng. Trong nghi lễ sinh đẻ cần tiến hành các bước, như: Lễ cúng cho bà mụ (Yang jăp brơi pơjâo) là lễ gia đình sản phụ cúng cho bà mụ tại nhà sản phụ ngay sau khi đứa bé ra đời; Lễ cúng thần đẻ (Yang đih tơkeng) được tiến hành trong khoảng thời gian từ lúc người phụ nữ sinh con cho đến hết một ngày đầu. Người Jrai cho rằng, ở tuổi vị thành niên, cuộc sống của đứa trẻ luôn bị bao quanh bởi nhiều vị thần khác nhau. Muốn các thần phù hộ cho đứa trẻ được mạnh khỏe, người Jrai phải thường xuyên thực hiện các nghi lễ cầu xin các thần phù hộ cho bé, từ khi đứa trẻ mới sinh ra cho đến tuổi trưởng thành, chẳng hạn tiến hành nghi Lễ đặt tên, Lễ nhập hồn cho trẻ (yang Yun) hay còn gọi là lễ thần bóng hình, người Jrai làm lễ này để gọi phần hồn của đứa trẻ về với phần thân xác đứa bé mới sinh ra. Đồng bào cho rằng, khi mới sinh ra, đứa bé chưa có linh hồn nên cần phải làm lễ nhập hồn cho trẻ và phải sau khi cúng yang Yun thì đứa trẻ mới thành người; Lễ thổi tai (pơhet tơngia) được thực hiện khi đứa trẻ trong khoảng từ ba tháng đến một tuổi; Lễ làm vòng đeo tay (ngă kông) được tiến hành khoảng 3 lần kể từ sau lễ thổi tai cho đến khi đứa bé được 3 tuổi. Đối với người Jrai, chiếc vòng đeo tay không đơn giản chỉ là một món đồ trang sức, chiếc vòng còn là nơi trú ngụ của thần bản mệnh của đứa bé. Chiếc vòng này sẽ theo đứa trẻ suốt đời, sử dụng trong việc cầu hôn... Khi đi xa hay bị đau ốm, người Jrai tin rằng chỉ cần đưa cái kông lên miệng thổi là có thể khỏi bệnh.
Nghi lễ liên quan đến tuổi thành niên và tang ma với người Jrai là hết sức quan trọng, đánh dấu sự trưởng thành của con người và chính thức được cộng đồng thừa nhận, tiến tới xây dựng gia đình, rồi làm cha, làm mẹ và làm chủ cuộc sống của mình.
Nghi lễ thành niên, gồm: Nghi lễ cà răng (hay cưa răng) đánh dấu tuổi trưởng thành của một đời người, là dấu vết của lễ thành đinh xuất hiện trong thời kỳ thị tộc. Nhiều người phỏng đoán, nghi lễ này còn liên quan đến tô tem giáo. Trước đây lễ cưa răng đều được tất cả các nhóm người Jrai cho là nghi lễ bắt buộc, ngày nay không còn nữa; Lễ cầu sức khỏe cho người đến tuổi trưởng thành hay còn gọi là cúng yang Mơpú (cầu sức khoẻ) rất được người Jrai chú trọng, là một nghi lễ lớn, vì họ tin rằng yang Mơpú là vị thần sức khỏe, không những đem lại cho con người sự khoẻ mạnh mà từ sự khoẻ mạnh con người mới đủ sức chống chọi với thiên nhiên, làm ra nhiều của cải vật chất.
Nghi lễ cưới là một trong những nghi lễ lớn của người Jrai, đều được tiến hành ở nhà vợ. Tuy ở mỗi vùng, mỗi nhóm, thậm chí cùng một nhóm Jrai trên một địa bàn (khác xã, khác làng) cũng có những thủ tục, tập quán khác nhau về cách thức tiến hành song nhìn chung về cơ bản đều tuần tự theo các bước như sau: Lễ rước rể, chàng trai và gia đình, dòng họ, người thân của chú rể tự khăn gói theo người làm mối tới nhà vợ; Lễ đổi vòng (Pơdố ung mố), hay còn gọi là lễ thành thân, lễ thành vợ chồng; Lễ đoán phận trong giấc mơ, đêm đó vợ, chồng nằm mơ thấy bắt cá thả vào nước là sẽ có con. Nếu mơ thấy cầm dây, cắt cỏ tranh là điều dữ, vợ chồng phải ly dị, cửa nhà tan nát, hiện nay qua khảo sát thực tế, chúng tôi không thấy nghi lễ này, việc đêm “tân hôn” đôi vợ chồng trẻ có mơ gì hay không, người Jrai không còn quan tâm; Lễ vít sang ami (trở lại nhà mẹ), chàng trai trở về nhà mình và cô gái thăm nhà chồng. Cô ở lại nhà chồng chừng ba ngày làm phận con dâu: múc nước, lấy củi, quay sợi, dệt vải... Sau đó cả hai vợ chồng mới xin phép đưa nhau về bên nhà vợ và đến đây, mọi thủ tục hôn lễ chính thức kết thúc.
Những nghi lễ cầu an, đó là Lễ cúng thần sức khoẻ (Iâo lăi yang Mơpú) mong thần đem lại sức khỏe cho các thành viên trong gia đình hay người thân của mình; Lễ tẩy uế (moai bơyan) được thực hiện khi làng có dịch bệnh, người Jrai làm lễ này tại nhà rông để xin được các yang phù hộ. Nếu thời điểm xảy ra dịch bệnh trùng với thời gian trong làng có kẻ loạn luân, thì người Jrai tin rằng việc loạn luân xảy ra, đã làm cho các thần linh nổi giận. Vì vậy làng phải xử tội cặp loạn luân theo luật tục rồi làm lễ cúng ở nhà rông để tẩy uế và làm dịu cơn thịnh nộ của thần linh cho tai qua nạn khỏi; Lễ cúng xả xui được tiến hành khi trong số những người dân của làng gặp điều không may như: bị cọp vồ, ngã cây chết, chết đuối... già làng tiến hành cúng xả xui tại nhà rông và cầu an cho dân làng; Lễ cúng thần sấm, khi vào đầu mùa mưa, nhiều trận mưa dông kèm theo sấm sét đã đánh chết không chỉ gia súc, mà còn giết chết cả người, đồng bào Jrai đều tin rằng, việc người và súc vật bị đánh chết là do yang Grom làm, vì vậy đồng bào phải làm lễ cúng vị thần này ngay buổi sáng (khoảng 8 – 9 giờ) của ngày hôm sau khi có cơn mưa đầu tiên của mùa mưa.
Nghi lễ tang ma gồm có Lễ tang. Người Jrai phân biệt có hai loại chết, chết bình thường và chết dữ. Những người được coi là chết bình thường là do ốm đau, bệnh tật, già yếu... còn những người bị coi là chết dữ là chết bất đắc kỳ tử do tai nạn: rắn cắn, cọp vồ, sinh nở khó, ngã cây... Chính bởi quan niệm này mà lễ tang của người Jrai cũng phân làm hai loại: đám tang của người chết bình thường và đám tang của người chết dữ; Những nghi lễ sau khi chôn, như: Kiêng tắm, để tỏ lòng thương tiếc với người thân qua đời, người Jrai phải kiêng không được tắm, gội, có nơi không được cắt tóc, cạo râu, mặc quần áo mới trong một tháng kể từ khi chôn ma; Nuôi ma là một tập tục mà người Jrai hiện vẫn được duy trì khá rõ nét. Sau khi chôn ma, trong vòng một tháng người thân trong gia đình của người chết sáng, chiều (ở một số vùng người Jrai chỉ mang cơm lúc xế chiều) phải đem đồ ăn ra nhà mả, bỏ vào ống nối với huyệt mộ, để cho người chết cùng ăn. Người Jrai quan niệm chết chưa phải là hết, trong thời gian đó linh hồn của người chết chưa biến thành ma vĩnh viễn, chưa thực sự về được với thế giới tổ tiên mà lẩn quẩn quanh khu nghĩa địa, nên người sống ăn, uống gì thì người chết cũng phải được hưởng như vậy. Nếu không mang đồ ăn cho người chết, thì người chết như con ma đói sẽ về quấy rối người sống.
Lễ bỏ mả (hoă lui hay pơthi) là một trong những lễ hội độc đáo nhất của người Jrai, đây là lễ cuối cùng trong đời người. Lễ này có thể tiến hành sớm nhất là một năm. Lễ bỏ mả được coi là đỉnh điểm của mùa lễ hội, cái chết được hồi sinh, người sống được giải phóng và là những ngày hội diễn của nghệ thuật truyền thống, độc đáo nhà mồ. Sau khi làm lễ bỏ mả coi như mọi ràng buộc giữa người sống và người chết mới chấm dứt, người nhà không bao giờ đến thăm mả nữa. Hồn ma cũng từ đó vĩnh viễn về với tổ tiên ở thế giới hoàn toàn khác biệt. Lễ bỏ mả của người Jrai thông thường trải qua ba công đoạn: dựng nhà mồ, lễ bỏlễ rửa nồi (giải phóng linh hồn).
Qua nghi lễ đời người phần nào chúng ta hiểu được về tư duy, quan niệm của người Jrai về nhân sinh quan và thế giới quan, về cuộc sống thực tại, quan hệ giữa cộng đồng và gia đình, dòng tộc, về thế giới siêu nhiên với các vị thần rất đỗi gần gũi, hiện diện trong cuộc sống hàng ngày của họ, thế giới ấy là thế giới trường tồn mà khi con người mất đi sẽ được “tiễn biệt” phần hồn về miền vĩnh cửu và sống như cuộc sống trần thế, khi được xây nhà, chia của,... và bằng cách đó, đồng bào đã giáo dục toàn cộng đồng lòng tự hào dân tộc, ý thức đoàn kết, gắn bó chặt chẽ, máu thịt với quê hương, đất nước, với tổ tiên, dòng họ của mình, góp phần làm giàu thêm bản sắc văn hóa tộc người Jrai nói chung. Việc bảo tồn những giá trị của nghi lễ liên quan đến đời người đã được phát huy đưa vào cuộc sống mới, loại bỏ những yếu tố không còn phù hợp, lạc hậu, gây cản trở cho sự phát triển của xã hội. Điều đó được thể hiện đậm nét trong việc xây dựng hương ước, buôn làng văn hóa mới, hoạt động sản xuất vật chất và tinh thần của đồng bào Jrai trong tình hình hiện nay
1. Cúng lúa giữa mùa của đồng bào dân tộc Jrai - một Nghi lễ nhiều ý nghĩa truyền thống văn hóa

Nghi lễ Doh Woa có nghĩa là Cúng lúa giữa mùa của đồng bào dân tộc Jrai có từ xa xưa và đã đi sâu vào đời sống tinh thần của người dân bản địa. Với mục đích cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, thóc lúa đầy kho và cầu mong cuộc sống bình an đến với gia đình và dân làng. Đây là một nghi lễ nhiều ý nghĩa truyền thống văn hóa.

Nghi lễ Cúng lúa giữa mùa tổ chức không đồng nhất về thời gian. Tùy vào mỗi gia đình, vào khoảng tháng 5, tháng 6 âm lịch, khi lúa đang vào độ giữa mùa. Để thực hiện Nghi lễ này người trụ cột trong gia đình phải chuẩn bị những lễ vật cúng cơ bản đó là một con gà, thông thường là gà trống; một ghè rượu nhỏ; nếu nhà có điều kiện thì chuẩn bị một con lợn và 5 cây nêu. Một cây nêu lớn để ở giữa rẫy lúa còn 4 cây nêu nhỏ cắm 4 góc của rẫy lúa đó.

Khi tất cả các lễ vật đã chuẩn bị xong thì cả nhà mang lễ vật đó vào rẫy. Trước khi hành lễ, thầy cúng tiến hành cắm một cây nêu ở giữa rẫy lúa và cắm bốn cây nêu ở 4 góc rẫy. Sau đó thầy cúng chế đầy nước vào ghè rượu, rồi lấy con dao để cắt đứt đầu con gà và thả cho con gà giãy dụa. Rồi sau đó người thầy cúng lấy đầu con gà cắm lên cây nêu và tiến hành làm thịt gà và thịt heo (nếu nhà có heo). Khi đã làm xong thịt gà hoặc thịt heo thì người thầy cúng mới tiến hành bài cúng.


Bài cúng cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tốt tươi, lúa không bị thú rừng ăn, cầu cho mùa năm nay thóc đầy kho, cả nhà ấm no không bị đói, con cháu trong nhà khỏe mạnh, cả nhà làm ăn phát đạt. Xong bài cúng thì người cúng tự chế nước đầy ghè rượu rồi là người uống đầu tiên, sau đó những thành viên trong gia đình mới lần lượt uống rượu ghè đó…

Sau khi ghè rượu đã nhạt người ta đem thịt gà, thịt lợn về nhà để tiến hành cúng tiếp. Thông thường nếu nhà có nhiều ghè và con heo lớn thì sẽ mời mọi người đến ăn uống linh đình hơn. Khi kết thúc buổi lễ, cũng là lúc người chủ nhà sẽ nhận được những lời chúc, cầu mong may mắn, gia đình và dân làng được bình an, no ấm cả năm.

Nghi lễ cúng lúa giữa mùa của nền văn hóa dân gian này có ý nghĩa rất lớn đối với tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp. Đó là một nét văn hóa đẹp trong đời sống tâm linh của dân tộc thiểu số Jrai. Tuy vậy, có thể do sự chuyển biến trong tín ngưỡng tôn giáo đã làm thay đổi cả những phong tục thờ cúng ngày xưa của ông bà; và cũng có thể do diện tích quỹ đất rẫy giành cho trồng lúa không còn nhiều vì đa số diện tích đất chuyển sang trồng cây công nghiệp như cây cà phê, cây cao su, hồ tiêu… Vì thế Nghi lễ cúng lúa giữa mùa đã và đang dần dần mai một; người dân ít mặn mà với những Nghi lễ truyền thống này./.
 
Quay lại
Top Bottom