Chương 5: Khách không mời.
Chuyện là trước đó, Như Nguyệt và Nhị Hà đi theo Haibara, đến khi thấy nàng ngồi rất lâu trước cửa tiệm thuốc Nam Dược và không có ý định rời đi, Như Nguyệt ở lại tiếp tục theo sát nàng còn Lô Giang thì quay lại báo cáo tình hình với hai vị chủ nhân, một người thì khó hiểu một người thì khó dò của mình. Nghe lời Lô Giang báo lại, Nhật Duật xòe chiếc quạt trúc….để quạt cho mát do trời oi bức lại lặng gió, rồi chàng nhìn sang An Tư đang ngồi “săm soi” từng câu từng chữ trong cuốn Binh thư yếu lược bên cạnh, mỉm cười hỏi:
- Em nghĩ sao?
- Em nghĩ là cô bé đó không có vấn đề gì. Cô bé không đến gặp ai, lại đi lang thang bơ vơ như thế có lẽ tuy là hoàn cảnh của cô bé không thật sự như gì đã nói với chúng ta, nhưng có vẻ tứ cố vô thân, không nơi nương tựa là thật. Mỗi người đều có bí mật và chuyện riêng của mình, nếu cô bé có chuyện khó nói thì chúng ta cũng nên tôn trọng. Có câu tiễn Phật thì tiễn đến tận Tây thiên, đã giúp thì giúp cho trót, em sẽ đi đưa cô bé về vương phủ. – An Tư buông quyển binh thư xuống, điềm đạm nói.
Rồi nàng đứng dậy, vuốt lại tà áo cho phẳng phiu. Nhìn sắc trời, Nhật Duật ôn tồn căn dặn Lô Giang:
- Cô nhớ mang theo ô đi, trời này chắc sẽ mưa to.
- Vâng, thưa đức ông – Lô Giang nhẹ nhàng đáp rồi rảo bước theo công chúa.
Trông theo tà áo thủy lam mềm mại bay bay trong gió khuất dần, Nhật Duật trầm ngâm. An Tư mới 14 tuổi nhưng so những thiếu nữ đồng trang lứa thì suy nghĩ có phần già dặn và chín chắn hơn. Bởi vì cũng giống như chàng và các anh chị em khác, nàng mang trong mình dòng máu của gia đình đế vương. Sinh ra đã được bọc trong vải điều, lớn lên trong nhung lụa nhưng trên vai phải mang gánh nặng với đất nước, không thể lúc nào cũng vô lo vô nghĩ mà an nhàn sống như bách tính được.
……………..
An Tư dắt Haibara trở về phủ Chiêu Văn vương, Khi đến trước ngạch cửa dẫn vào phủ, bước chân Haibara chững lại, nàng ngập ngừng. Theo như lời Nhật Duật nói thì ngay cả An Tư cũng đã biết nàng nói dối nhưng nàng ấy vẫn tìm nàng quay trở về. Có lẽ họ đã bỏ qua việc nàng gạt họ hay họ muốn nàng giải thích rõ mọi việc. Thấy Haibara chậm bước lại, An Tư nắm chặt tay nàng hơn, nụ cười dịu dàng như đóa cúc mùa thu vẫn nở trên bờ môi đào. Lưỡng lự và có nhiều phân vân trong lòng nhưng Haibara vẫn đi theo An Tư. Con đường quen thuộc dẫn đến thư phòng của người đó hiện ra trước mắt mờ ảo sau làn mưa mịt mùng.
Nhật Duật chấm đầu bút lông mềm mại vào nghiên mực bằng đá khảm trai, từng con chữ vừa thanh thoát mềm mại uốn lượn như rồng bay phượng múa, vừa cứng cáp mạnh mẽ hiên ngang ân tàng khí phách dần dần hiện lên trang giấy trắng tinh. Khi chàng buông bút xuống cũng là lúc gấu váy lĩnh màu thủy lam của An Tư lướt qua bậu cửa sơn son của thư phòng. Theo sau nàng không ai khác chính là cô nhóc người Phù Tang. Nhật Duật đưa tờ giấy vừa viết xong cho Haibara rồi xoa đầu nàng:
- Đây là tờ cam kết mà nhóc cần. Ta đã ký tên. Nhóc giữ một bản, ta giữ một bản.
Sự ngạc nhiên xen lẫn khó hiểu cùng khó chịu vì lại bị xoa đầu và hoài nghi hiện lên trong đôi mắt lạnh lùng và sắc sảo của Haibara khiến một lần nữa Nhật Duật lại phải âm thầm tự hỏi rốt cục đứa nhóc này có thực sự mới 7 tuổi hay không.
- Chuyện này…là sao? – Haibara thận trọng hỏi.
- Ta đã nói nhận nhóc làm thư đồng là sẽ nhận. Quân tử nhất ngôn, tứ mã nan truy. Về việc của nhóc, ta chỉ hỏi nhưng không quan tâm đến câu trả lời, dù nhóc chỉ là nhóc con nhưng chuyện riêng của nhóc ta nghĩ cũng cần được tôn trọng. Nhóc không thích nói, ta cũng không miễn cưỡng ép buộc là gì. Hơn nữa ta còn nhiều công to việc lớn phải lo, làm gì có thì giờ và tâm trí quan tâm những chuyện vụn vặt làm gì. Nhóc đọc bản cam kết đi, rồi ký tên hoặc điểm chỉ vào. – Nhật Duật vừa rót cốc trà gừng nóng đưa cho em gái, vừa nói.
Nhìn vào bản cam kết, bên trên được viết bằng Hán tự, bên dưới viết bằng chữ Kanji, Haibara không ngờ người thanh niên này không những nói tiếng Nhật lưu loát trôi chảy lại còn biết chữ viết của Nhật. Bằng lòng với những gì Nhật Duật viết trong tờ giấy, Haibara đồng ý ký tên. Nhưng trước giờ nàng chưa bao giờ cầm cây bút lông với đầu bút mềm oặt thế này nên không thể viết dễ dàng được nên đành điểm chỉ.
………..
Mưa rào mùa hạ là vậy, đến và đi thật nhanh. Trời mưa như trút nước ào ào, ngỡ chẳng biết bao giờ tạnh, chỉ lát sau mặt trời lại vén màn mây chiếu những tia nắng vàng xuống nhân gian. Chỉ cón sót lại những hạt nước mưa đọng lại trên tán lá xanh long lanh như những hạt ngọc. Do trốn đi chơi, nên An Tư cũng chẳng thế nấn ná lâu, vì vậy khi trời quang mây tạnh, nàng liền cáo từ Nhật Duật về cung. Vuốt ve cái bờm trắng tuyệt đẹp của con tuấn mã tên Tuyết Ảnh, An Tư nhảy phốc lên lưng ngựa rồi nhoẻn miệng cười đầy ẩn ý với Nhật Duật:
- Em về đây. Anh đừng có mà bắt nạt cô bé ấy đấy.
Bị cô em tinh quái nói trúng tim đen, Nhật Duật liền ho húng hắng vài tiếng và ngó lơ sang chỗ khác. Ba nàng tỳ nữ xá Chiêu Văn vương một cái rồi cũng nhanh chóng leo lên lưng ngựa. Hi vọng An Tư trở về cung trót lọt không bi hoàng huyng phát hiện nếu không chàng cũng sẽ bị vạ lây vì tội chứa chấp tội phạm.
…………………………..
Thời tiết xứ sở này nóng ẩm, mưa nắng thất thường, lại thêm buổi chiều mắc mưa nên Haibara bị cảm, đầu cứ nhưng nhức. Trước giờ nàng vốn hay bị cảm cúm. Uể oải bê bát cơm lên, miệng nàng nhạt thếch, từng miếng trôi xuống cổ họng chẳng đọng lại vị gì. Một bàn tay mát lạnh đặt lên trán nàng, Haibara ngước lên nhìn. Thì ra đó là Dương Đông, nàng tỳ nữ mà ngày đầu tiên nàng đến phủ đã sắp xếp chuyện ăn ở cho nàng. Nhìn sắc mặt tái nhợt xanh xao của Haibara, Dương Đông đoán chừng cô bé này bị cảm. Sau bữa cơm, Haibara trở về phòng. Nơi này làm gì có thuốc cảm cúm, mà nàng thì không thích uống thuốc lá sắc lên vì vị đắng ngắt của nó. Lại thêm nàng chỉ là một gia nhân nhỏ nhoi, lần trước là có lời của Nhật Duật nên Lý đại phu mới đến khám bệnh cho nàng. Có tiếng gõ cửa phòng, Haibara mở cửa thì thấy cô gái tên Dương Đông đang đứng trước mặt, trên tay cô gái bưng một nồi nước lớn đang tỏa khói nghi ngút mang theo mùi hương của thảo mộc. Dương Đông mỉm cười khi nhìn thấy ánh mắt ngạc nhiên của Haibara. Nàng bê nồi nước vào đặt dưới gầm chiếc gi.ường tre, rồi giũ tung chiếc chăn mỏng đang được gấp ngay ngắn để trên đầu gi.ường. Vì nói Haibara không hiểu được nên Dương Đông chỉ có thể dùng tay ra hiệu cho Haibara ngồi lên gi.ường để nàng trùm chăn lên, tranh thủ lúc nồi nước còn nóng xông hơi trị cảm mới hiệu quả. Nhưng Haibara không rõ ý của Dương Đông, đôi mày liễu của nàng hơi nhíu lại.
- Cô ấy bảo nhóc ngồi lên gi.ường và trùm chăn lên. Đây là cách chữa cảm dân gian ở nước ta.
Nghe tiếng nói trầm ấm cất lên ngoài ngạch cửa, Haibara và Dương Đông quay lại nhìn thì thấy Nhật Duật đang lười biếng đứng tựa lưng vào cửa. Lúc nãy từ đại sảnh trở về thư phòng, Nhật Duật thấy Dương Đông khệ nệ bưng nồi nước lá xông đi về phía phòng Haibara, đoán chừng cô nhóc đã bị cảm do buổi chiều mắc mưa và vì…tò mò nên chàng đi theo. Đến nơi thì thấy ông nói gà bà nói vịt. Nghe lời Nhật Duật nói, Haibara mới biết thì ra Dương Đông muốn trị cảm cho mình. Rời lưng khỏi cánh cửa, Nhật Duật thong thả bước vào trong phòng:
- Đưa tay đây, ta bắt mạch cho nhóc.
- Chú biết y thuật? – Haibara nhướn đôi mày thanh tú tỏ ý nghi ngờ.
Không trả lời câu hỏi mang ý “xúc phạm” kia , Nhật Duật cầm lấy cổ tay bé nhỏ của Haibara và xem mạch
- Chỉ là cảm nhẹ thôi, không có gì nghiêm trọng, xông lá xong sẽ khỏi, ngày mai nhóc vẫn có thể làm việc được. – Nhật Duật mỉm cười đầy hàm ý
- Cháu không có ý định trốn việc. – Nàng lạnh lùng đáp rồi trèo lên gi.ường và trùm chăn kín đầu. Khi hết thời gian xông, bỏ chăn ra thì chỉ còn Dương Đông ở trong phòng, trên chiếc bàn con đầu gi.ường có tô cháo nóng hổi vẫn còn đang bốc khói nghi ngút, một cái trứng gà vàng ươm trong bát cháo trắng cùng hành lá, tía tô để giải cảm.
- Cảm ơn chị - Haibara khẽ nói với Dương Đông, mấy câu đơn giản như xin lỗi, cảm ơn, nàng đã học được từ ngay buổi đầu tiên.
- Không có gì – Dương Đông tươi cười lắc đầu, hai lúm đồng tiền duyên dáng hằn sâu trên đôi má hây hây hồng, lọn tóc đuôi gà lí lắc trên vai.
Có phải con người ở đây ai cũng tốt bụng, thân thiện và cởi mở như vậy không. Không chỉ Dương Đông mà những người khác trong phủ đối xử với nàng cũng như đối xử với nhau đều rất chân thành, tình cảm và nồng ấm, “thương người như thể thương thân”. Từng miếng cháo đậm đà thơm mùi tía tô mang theo cả ấm áp vào trái tim nhỏ bé khô cằn của Haibara.
……………………..
Hôm nay, khi An Tư trở về hoàng cung thì tấm màn hoàng hôn mới giăng xuống, những dải nắng hồng cam vắt ngang bầu trời mềm mại uốn lượn như tấm lụa đào. Không thấy bóng dáng Lục Thảo đứng đợi trước cửa như mọi khi, An Tư cảm giác có chuyện chẳng lành. Một là việc nàng trốn đi chơi đã bị phát hiện, hai là đã đến lúc…đến lúc phải hạ màn kịch rồi. Chậm bước chân lại, nàng chỉnh trang lại y phục, vuốt lọn tóc đuôi gà ngay ngắn trên vai, rồi mới uyển chuyển cất bước đúng phong thái cao quý, đoan trang, nhu mì hiền thục cần có của một công chúa kim chi ngọc diệp. Đến trước ngưỡng cửa điện, đập vào mắt nàng là hình ảnh 3 ông anh không dễ bắt nạt như Nhật Duật đang “ngả ngón” chơi cờ trong cung điện của nàng. Đứng bên cạnh châm trà là Lục Thảo và Bạch Đằng. Thôi xong rồi, chuyện nàng trốn đi chơi lần này sao lại bị nhiều người phát hiện đến vậy, không chừng sắp tới sẽ bị các hoàng huynh cấm túc mất.
- Đã về rồi sao còn không vào đây, đứng đó làm gì – Thái thượng hoàng Trần Hoảng[1] lên tiếng, chất giọng không mang uy nghiêm bức người của bậc đế vương đứng đầu thiên hạ chỉ nghe ra khiển trách xen lẫn yêu thương.
- Hoàng muội xin tham kiến tam vị hoàng huynh. Thái thượng hoàng thiên tuế, thiên thiên tuế – An Tư bẽn lẽn tiến vào trong điện rồi nghiêng người thi lễ, bao nhiêu quy tắc cung đình mà nữ quan đã dạy giờ nàng cố nhớ để lôi ra sài.
- Chiều trời đã mưa to lắm rồi, em còn cố đóng vai thục nữ nữa thì trời sẽ bão mất, chỉ khổ cho bách tính lại phải chịu cảnh lầm than thôi – Chiêu Minh vương Trần Quang Khải vừa thảnh thơi nhấp ngụm trà vừa liếc nhìn cô em út đang tỏ vẻ hối lỗi, ra vẻ ta đây ngoan ngoãn kia.
- An Tư, đây là lần thứ bao nhiêu anh bắt gặp em trốn ra khỏi cung rồi – Trần Hoảng nghiêm giọng. – Sao không đếm nổi nữa phải không? – Thấy cô em im re không ho he tiếng nào, chàng tiếp lời – Anh đã nói rồi, bên ngoài cung rất nguy hiểm, không phải ai cũng là thiện nam thánh nữ…….
- Chiều nay, em có đi đâu đâu, em chỉ đến phủ anh Chiêu Văn thôi mà – Trước khi Trần Hoảng kịp ca hết bài ca trù mà nàng nghe đến thuộc lòng từng câu từng chữ và cả ngữ điệu nhấn nhá, An Tư liền sà đến ôm cổ ông anh có chòm râu dài đen nhánh của mình phụng phịu.
- Em đến phủ Chiêu Văn làm gì? – Quang Khải nghi ngờ
- Tất nhiên là thăm anh ấy rồi – An Tư hồn nhiên như cô tiên đáp, sau bắt gặp ánh mắt tràn đầy ngờ vực và hai chữ không tin được viết rõ ràng trên gương mặt cũng được xem là anh tuấn của 3 ông anh, nàng mới thỏ thẻ - Anh Chiêu Văn mới có thư đồng nên em tò mò đến xem cho vui.
- Chuyện này thú vị à nha – Quang Khải “phấn khích” vỗ cán quạt bốp một cái vào vai đứa em trai đang ngồi bên cạnh, hai mắt sáng rực lên như đuốc cháy khiến An Tư ngầm than thở trong lòng. Có lần nàng lờ mờ nghe được người ta nói xấu sau lưng rằng tất cả mấy ông anh của nàng đều “không được bình thường” cho lắm, ngẫm lại cũng đúng, chẳng phải có câu lắm tài nhiều tật hay sao?. Chỉ việc Chiêu Văn huynh có thư đồng mà có thể khiến anh Chiêu Minh thích thú đến vậy sao??? Vừa suy ngẫm, An Tư vừa tiện tay vuốt vuốt, sờ sờ, nghịch nghịch, xoắn xoắn chòm râu của Trần Hoảng và tiện thể tết bím cho nó luôn mãi đến khi chàng tét một cái vào bàn tay nhỏ nhắn đang nghịch loạn kia thì nàng mới thôi.
- Đauuuu – An Tư rụt tay lại, ai oán rên rỉ kêu la, rồi nàng thẽ thọt năn nỉ - Em chỉ đến phủ anh Chiêu Văn thôi rồi về cung ngay, anh đừng phạt em nhé.
- Em chơi cờ thắng được Chiêu Quốc thì anh sẽ không phạt – Trần Hoảng lạnh lùng phán một câu khiến An Tư mất hứng.
Chiêu Quốc vương Trần Ích Tắc nãy giờ ngồi im lặng ăn vàng, giờ đây khi nghe thấy tên mình được nhắc đến, khóe môi thanh tú nhếch lên thành một nụ cười gian xảo:
- An Tư, hôm nay anh xin được thọ giáo kỳ nghệ của em.
Quân vô hí ngôn, Thái thượng hoàng nói thế nào là thế ấy, trái lời là khi quân, không còn cách nào khác, nếu không muốn bị phạt thì chỉ còn cách thắng anh Chiêu Quốc. Nhưng ai ai cũng biết Chiêu Quốc vương Trần Ích Tắc thông hiểu lục nghệ, cầm kỳ thi họa vô cùng xuất chúng ít ai sánh kịp, kỳ nghệ tinh thông ảo diệu biến hóa khôn lường. Nàng liệu có thể thắng được ông anh chơi cờ rất giỏi nổi tiếng khắp chốn kinh kỳ này không đây??? Rõ ràng anh Trần Hoảng muốn làm khó nàng.
- Chiêu Quốc đại đại đại vương, mong ngài nương tay, giơ cao đánh khẽ - An Tư chắp tay cúi đầu thưa, đồng thời nở một nụ cười nịnh nọt nhưng nụ cười liền vụt tắt khi giọng nói nghiêm túc của Trần Hoảng cất lên:
- Chiêu Quốc, nếu em cố tình nhường An Tư, em sẽ chịu phạt thay nó đấy. An Tư, em cũng đừng trách anh quá khắt khe, nghiêm khắc, anh đã cho em cơ hội rồi đó, có làm được hay không là do em, tiên trách kỷ hậu trách nhân – Nói rồi, Trần Hoảng ung dung đưa miếng bánh cốm xanh màu ngọc bích lên miệng tính ăn, đến lưng chừng thì khựng lại, chàng hỏi Bạch Đằng – Khoan đã, bánh này có phải do công chúa làm không?
- Bẩm Thái thượng hoàng, bánh này do ngự trù làm ạ - Bạch Đằng nghiêng mình kính cẩn thưa.
Đến đây, Trần Hoảng mới yên tâm tiếp tục ăn bánh uống trà, phớt lờ gương mặt ra vẻ ta đây đang bị xúc phạm ghê gớm lắm của ai đó, chàng ung dung cất lời tiếp:
- Nói cũng phải, bánh An Tư làm chưa nói đến mùi vị, chỉ cần làm được hình dáng màu sắc như thế này cũng phải dụng tâm lương khổ lắm rồi. Trẫm có lẽ tuổi đã cao sức đã yếu nên lẩn thẩn mất rồi, một chiếc bánh xinh xắn đẹp đẽ như thế này làm sao công chúa có thể làm được. Cũng không còn sớm nữa, Chiêu Quốc, hiếm khi em mới được thọ giáo kỳ nghệ của An Tư đấy, bắt đầu đi thôi, nhớ lấy nếu em nhường nó thì đừng trách anh vô tình.
- Em gái nghe hoàng huynh nói rồi đó, thông cảm cho anh nhé, người không vì mình trời chu đất diệt em ạ – Ích Tắc ung dung đặt quân cờ bằng ngọc tinh xảo đầu tiên xuống bàn cờ.
……………………………
Thời gian êm đềm trôi như dòng sông phẳng lặng, mới đó mà Haibara đã lạc đến Đại Việt và lưu tại phủ của Chiêu Văn vương được nửa tháng. Nàng đã quen với công việc của một thư đồng: nào là cắt giấy, mài mực, sắp xếp sách vở bút lông. Công việc tưởng đơn giản nhưng cũng thật nhiều tiểu tiết và yêu cầu, mài mực phải như thế nào, trước khi cho mực vào nghiên phải như thế nào, loại mực nào thì hợp với loại giấy nào, bút lông gồm những loại nào…Giờ đây những điều đó nàng đã thông thuộc như lòng bàn tay. Nửa tháng đủ để vốn tiếng An Nam của nàng có chuyển biến, không còn ù ù cạc cạc, một tiếng cũng không hiểu như ngày đầu, đã có thể giao tiếp được với mọi người trong phủ. Vì vậy nàng đã biết thân phận của An Tư và Nhật Duật, dẫu trước đó nàng cũng cảm nhận được rằng họ không đơn giản chỉ là thường dân, nhưng cũng không ngờ đến thân phận của họ lại cao như vậy.
Từ khi ở đây, nàng cũng bị cuốn theo thói quen sinh hoạt của họ, dậy sớm, ngủ sớm. Mà có muốn ngủ dậy muộn cũng không được vì ai đó sáng nào không múa kiếm vun vút thì cũng đấm đá huỳnh huỵch ở mảnh sân gần phòng của nàng, lại thêm nơi này sao mà nuôi lắm gà đến thế, cứ đến hẹn lại lên đến giờ lại đồng thanh gáy ò ó chói lói cả một góc trời, trong phủ có, từ tứ phương vọng lại cũng có. Haibara đã nhiều lần từng nhìn thấy Nhật Duật mặc quan phục đi thiết triều vào sớm tinh mơ khi trời mới tờ mờ sáng lúc mà những giọt sương tinh khiết còn đọng trên tán lá xanh, cũng có lần nàng thấy chàng mặc y phục chỉ dành cho thân vương quý tộc thuộc hoàng thất. Khi ấy trông chàng rất khác với lúc chỉ giản dị trong tà áo nâu ngồi đọc sách trên chiếc chõng tre mộc mạc kê trước cửa thư phòng vào mỗi buổi chiều, có cái gì đó xa cách, khó gần, lạnh lùng, uy nghiêm khuôn phép đạo mạo hơn mọi khi.
Buổi sớm chiều hôm ấy cũng như mọi ngày đẹp trời khác, Nhật Duật ngồi đọc sách trong thư phòng, à có khác đôi chút là bên chiếc bàn uống trà có một cô bé đang tỉ mẩn dùng bút lông luyện những chữ Nhật Duật vừa mới dạy. Hôm nay ngoài học thêm được mấy câu An Nam mới, nàng còn học viết chữ nữa. Vốn định chỉ học tiếng thôi, nhưng vì không biết mình sẽ lưu tại nơi này bao lâu, nên Haibara muốn biết đọc biết viết chữ dùng ở đây nữa. Ở nơi xa lạ này, biết nhiều một chút cũng tốt. Dù sao từ nhỏ đến lớn luôn được coi là thần đồng với chỉ số IQ cao ngất, đến nơi này nàng không muốn bị mù chữ vì vậy nên đã nhờ Nhật Duật dạy thêm. Haibara âm thầm tự hỏi tại sao người ta có thể dùng thứ bút mềm oặt như thế này để viết chữ. Nàng đưa tay lên quệt những giọt mồ hôi lấm tấm trên vầng trán mịn màng, vô tình vết mực ở tay lem nhem ra trán.
Đọc xong thư của lão tổng quản gửi từ phủ đệ tại thái ấp ở Quảng Xương, Thanh Hóa lên, Nhật Duật mới liếc nhìn cô nhóc đang luyện chữ kia. Gương mặt vốn nghiêm túc, lạnh lùng nay giống chú mèo hoa của Haibara khiến chàng buồn cười.
- Giờ ta mới biết nhóc có tài vẽ giun đấy. Nhóc viết chữ Kanji có xấu như vậy không – Nhìn những con chữ xiêu vẹo, nét dọc nét ngang loằng ngoằng chằng chịt trên tờ giấy lem nhem mực, Nhật Duật lắc đầu.
Mải đánh vật với những con chữ, không nói chính xác hơn là với cái bút lông cùng nghiên mực, Haibara không biết Nhật Duật đã đứng sau lưng mình từ lúc nào dù rằng trước nay trực giác của nàng vốn rất nhạy bén.
- Bây giờ cháu viết xấu nhưng không có nghĩa là sau này sẽ không đẹp được – Bỏ qua lời trêu chọc của Nhật Duật, Haibara thờ ơ trả lời, trước giờ chỉ có nàng hay mỉa mai châm biếm người khác chứ ít khi bị người ta mỉa mai lại – Những chữ này cháu thuộc nét rồi, chú dạy chữ khác được không.
- Chưa học bò đã lo học chạy– Nhật Duật nắm lấy bàn tay trẻ thơ nhỏ bé đang cầm bút của Haibara, chàng chỉnh lại những ngón tay đang cầm bút của nàng, vừa chỉnh chàng vừa ôn tồn – Cầm bút đừng nắm chặt quá, hãy thả lỏng, thoải mái nhất. Hai đầu ngón cài và ngón trỏ kẹp lấy quản bút, đầu ngón giữa áp vào quản bút, móng tay ngón áp út chạm vào quản bút, ngón út áp sát vào ngón áp út. Đây là cách cầm bút tên ngũ chỉ chấp pháp do Lục Hy Thanh đời Đường sáng tạo. Khi cầm bút, nhóc hãy nhớ khẩu quyết “chỉ thực, chưởng hư” nghĩa là đầu ngón tay áp vào bút, còn lòng bàn tay thì trống rỗng, Nhìn nghiêng, ngón cái và ngón trỏ tạo thành mắt phượng như thế này. Có câu “thư pháp khả dĩ tu tâm dưỡng tánh, đào dã tâm tình” [2], dù nhóc chỉ muốn dừng lại ở biết viết thì cũng nên tôn trọng nó, học viết chữ đâu chỉ đơn giản là thuộc nét, nhóc không cần viết đẹp nhưng ít nhất cũng phải để người khác đọc được mình viết chữ gì.
Bàn tay to lớn chai sần nhưng ấm áp của Nhật Duật bao trọn bàn tay bé xíu của Haibara, chàng bắt tay nàng viết lại những chữ đã dạy nàng. Hơi thở nóng ấm rất gần cùng mùi bạc hà thanh khiết từ cánh áo Nhật Duật khiến hai vành tai nhỏ nhắn của Haibara bất giác nhuộm hồng.
- Viết các nét phải có thứ tự, không thể tùy tiện muốn viết nét nào trước thì viết, chữ Kanji của Phù Tang chẳng phải cũng vậy sao. – Nhẹ nhàng nắm bàn tay Haibara di chuyển trên tờ giấy, Nhật Duật tiếp lời – Mà chẳng phải ta đã bảo nhóc phải kêu thầy, xưng trò hay sao? – Chợt nhớ ra chuyện quan trọng, chàng phải đính chính ngay.
- Làm gì có thầy giáo nào cứ gọi học trò là nhóc bao giờ, thầy không mẫu mực sao bảo được học sinh – Haibara đáp lại bằng một cái nhếch môi.
Bộp bộp. Có tiếng vỗ tay xen lẫn tiếng cười thích thú vang lên nơi ngưỡng cửa:
- Cô bé này nói đúng quá. Chiêu Văn, em có sở thích nhận học trò từ bao giờ vậy, sao anh không biết. À nghe An Tư nói, em còn có thư đồng mới nữa. Hôm nay anh đến đây xem người nào mà xui xẻo vậy bị lọt vào mắt xanh của em.
Haibara ngẩng lên nhìn thì thấy chủ nhân của giọng nói vừa rồi là một người đàn ông tầm ngoài 30 tuổi, mặc áo gấm màu thanh thiên, gương mặt phong sương mang vẻ lãng tử phảng phất ngạo khí, trên tay là chiếc quạt giấy tao nhã. Đi cùng còn có 5 người đàn ông mày kiếm mắt sao, ăn mặc sang trọng, phong độ ngời ngời. Cả 6 người này đều mang trên mình khí chất vương giả cao quý giống như Nhật Duật và An Tư, trong đó có một người trông đứng tuổi chững chạc hơn cả, dáng vẻ oai nghiêm quắc thước với chòm râu đen nhánh, khí chất uy quyền từ người này nổi bật hơn cả, và một người khác có gương mặt giống người vừa lên tiếng y như đúc từ một khuân ra. Cũng giống như người đàn ông vừa lên tiếng, 5 người còn lại đang dùng ánh mắt thích thú, lấp lánh những tia sáng kỳ quái chiêm ngưỡng cảnh Nhật Duật ân cần bắt tay Haibara viết chữ như người ta xem thú trong vườn bách thảo. Người vừa lên tiếng là Chiêu Minh vương Trần Quang Khải, 5 người còn lại gồm có Thái Thượng hoàng Trần Thánh Tông, Tĩnh Quốc vương Trần Quốc Khang, Bình Nguyên vương Trần Nhật Vĩnh – vị này là anh em sinh đôi của Quang Khải, Chiêu Đạo vương Trần Quang Xưởng và tất nhiên không thể thiếu Chiêu Quốc vương Trần Ích Tắc.
Nhận ra những vị khách không mời mà đến chẳng phải ai xa lạ mà chính là các ông anh quý hóa của mình, Nhật Duật không khỏi ngạc nhiên. Hôm nay có chuyện gì mà tất cả các ông anh bận rộn trăm bề với công to việc lớn lại tụ họp đông đủ đến phủ của chàng thế này. Sắp tới ngày giỗ phụ hoàng[3] nên để chuẩn bị cho lễ tế tại Chiêu Lăng phủ Long Hưng, do đó các vị vương gia dù đang ở thái ấp hay nơi khác lo việc quân việc nước đều trở về kinh thành. Điều đó Nhật Duật biết, nhưng vinh hạnh được các hoàng huynh đến thăm đường đột như thế này chàng thật không dám nhận. Nhờ An Tư quảng cáo nên việc Nhật Duật có thư đồng đều được các hoàng huynh của chàng biết đến, lại thêm mấy khi anh em được tụ họp đông đủ nên ý kiến đến phủ Chiêu Văn chơi của Quang Khải được nhiệt liệt hưởng ứng.
Trước cái nhìn soi mói có phần giống như hổ rình mồi của các anh, Nhật Duật vội buông tay Haibara ra rồi hắng giọng bảo nàng:
- Giờ thầy phải tiếp khách, trò lui đi.
- Vâng, chào ch…thầy. – Haibara đáp rồi nhanh chóng thu dọn giấy mực trên bàn để còn rời khỏi thư phòng của Nhật Duật. Những đôi mắt tò mò của mấy gã trong phòng làm nàng không được thoải mái dù rằng nó không có áp lực đáng sợ xuyên thấu tim can như người của tổ chức áo đen nhưng cái khí chất cao sang bức người toát ra từ họ khiến nàng thấy nghẹt thở. Cũng phải, họ đều là người của hoàng thất cả mà. Nếu nàng đoán không lầm thì họ là các anh trai của Chiêu Văn. Đếm đếm, tính cả người tên Chiêu Văn-người mà nàng bất đắc dĩ phải gọi là thầy ấy, thì cô bé An Tư có những 7 ông anh, không hiểu sao Haibara lại thấy thương cảm thay cho chàng trai nào sau này yêu An Tư, chắc chắn chàng ta phải đổ mồ hôi sôi nước mắt mới vượt qua được những cửa ải quái đản của 7 ông anh quyền lực không thiếu, tiền tài có thừa, tật xấu chẳng ít này. Thật là khổ thân!
Trong lúc đó, 6 ông anh không mời mà đến của Nhật Duật tiếp tục không mời mà thong thả bước vào thư phòng. Nhìn người tự động châm trà, người tự ý ăn bánh, người thản nhiên xem tranh, người vô tư lấy sách đọc mà Nhật Duật chóng hết cả mặt, hoa cả mắt.
- Chẳng hay hôm nay có chuyện gì mà rồng lại đến nhà tôm, tệ xá của hiền đệ hôm lại được vinh hạnh các hoàng huynh lại đại giá quang lâm hạ cố đến thăm như thế này – Nhật Duật niềm nở tươi cười tiếp khách quý, rồi chàng quay sang bảo Dương Đông, Minh Tri đang đứng đợi phân phó ở ngưỡng cửa:
- Hai cô thật là, sao các hoàng huynh đến không báo ta ra cổng tiếp đón, thật là thất lễ. Mau đi pha trà, dâng bánh – Chàng giả vờ nghiêm giọng khiển trách.
- Vâng, tiểu tỳ tuân mệnh – Hai nàng đồng thanh thưa rồi lủi mất. Lời của Thái thượng hoàng và các vị vương gia quyền cao chức trọng, nào ai dám cãi, họ bảo các nàng không cần thông báo chỉ cần dẫn đường thì các nàng cũng chỉ biết vâng dạ rồi y lệnh.
- Em thì là “đệ” là đúng rồi, nhưng không phải “hiền. – Vừa tóp tép nhai bánh một cachs tao nhã, vừa hất cằm về phía Haibara đang chuẩn bị rời đi, Quang Khải vừa hỏi Nhật Duật - Đứa trẻ này có phải con rơi con vãi của em không đấy.
Lời vừa thốt ra trong phòng có bao nhiêu cặp mắt đều dồn về phía Nhật Duật, háo hức có, chờ đợi có, thích thú có, nghiêm khắc có, khiển trách có, vô thưởng vô phạt cũng có khiến chàng cảm thấy dở khóc dở cười trước câu hỏi oái ăm của anh Quang Khải. Không hiểu ông anh này hằng ngày ăn gì mà trong đầu có thể chứa những ý nghĩ kỳ quái như vậy. Về phần Haibara tuy không hiểu hết những từ lóng mà Quang Khải nói, nhưng thấy chàng hất cằm, gương mặt đầy vẻ cợt nhả về phía mình, cũng lờ mờ đoán được người đàn ông này hỏi nàng có phải là con của Chiêu Văn hay không khiến gương mặt lạnh băng của nàng sa sầm xuống. Vốn không tính ở lại đây lâu làm gì, ôm tập giấy bút vừa thu dọn xong, nàng cúi đầu chào mấy người trong phòng rồi tiến ra cửa, nhưng có một gã chạc tuổi Nhật Duật nãy giờ lười biếng đứng tựa cửa liền đưa tay chặn nàng lại với gương mặt điềm nhiêm không cảm xúc, đôi mắt người này sâu, rất sâu như đáy vực thẳm u tối, thâm trầm khiến nàng không mấy có thiện cảm. Người ấy là Chiêu Quốc vương Trần Ích Tắc.
Để giải thoát bản thân khỏi những ánh mắt hiếu kỳ đang đổ dồn về phía mình, Nhật Duật tất nhiên phải đính chính lại lời cáo buộc của Quang Khải:
- Chiêu Minh, anh nói như vậy làm tổn hại đến danh dự của em quá. Cô bé người Phù Tang này là do An Tư thích lo chuyện bao đồng rồi nhờ em cho lưu lại trong phủ, giờ là thư đồng của em. Số em phận hẩm duyên ôi, nào dám sánh với người hào hao phong nhã đa tình như anh, có cả một hậu cung thu nhỏ trong phủ, mỹ nhân như mây, người nào người nấy ngư trầm lạc nhạn, quốc sắc thiên hương, còn chưa kể đến các bông hoa đồng nội ngoài phủ, người có con rơi con vãi là anh nghe có vẻ hợp lý hơn.
Trước lời đối đáp có ý “xấc mé” của Nhật Duật, Quang Khải vẫn tươi cười:
- Em nói rất đúng.
- Chiêu Văn, có phải em hay dung túng cho An Tư trốn ra ngoài chơi không – Trần Hoảng lên tiếng.
- Nào có, em đâu dám lớn gan như vậy – Nhật Duật chối phắt. Nhắc mới nhớ, nửa tháng nay chàng không thấy An Tư ló mặt đến phủ mình. Mà nếu nàng ló mặt đến thì chàng phải mắng nàng một trận. Chuyện là hôm đó, chàng kêu người dắt con ngựa Hắc Phong yêu quý ra cho mình thì thấy cái đuôi của nó cụt lủn chỉ còn một đọa bằng độ dài ngón giữa, theo lời gia nhân thì công chúa An Tư đã cắt đuôi ngựa để về làm dây đàn. Hắc Phong đang từ tuấn mã nay vì mất đuôi mà nhan sắc giảm đi một nửa, chàng cưỡi ngựa đi ngoài đường cũng bị người ta chỉ trỏ này nọ, bảo làm sao không tức cho được.
- Vậy thì tốt. Hôm trước nó bị ta bắt gặp trốn đi chơi về nên giờ đang bị phạt – Như hiểu được ý nghĩ trong lòng Nhật Duật, Trần Hoảng tiếp lời đồng thời chiếu ánh mắt răn đe nghiêm khắc của mình về phía Nhật Duật ngụ ý chàng đừng tiếp tay cho giặc nữa, nếu không thì đừng trách anh vô tình với em, mà từ cổ chí kim, có ai vô tình bằng đế vương gia. Đang bực mình và đau xót thay cho con người, nghe hoàng huynh nói An Tư đang bị phạt, mặt Nhật Duật tươi hẳn lên. Anh em với nhau mà thế đấy!
- Nhóc có biết làm món ăn của Phù Tang không – Trong khi đó, Quang Khải đang xoa đầu Haibara, rồi không hiểu sao giữa mùa hè chàng lại cảm thấy gió lạnh từ đâu thổi tới ớn cả sống lưng.
- Tôi có. Giờ ông có thể bỏ tay khỏi đầu tôi, còn anh thì bỏ cánh tay đang chắn cửa ra để tôi đi được không – Haibara lạnh lùng trả lời Quang Khải, rồi nàng hướng đôi mắt sắc sảo lạnh như băng xen lẫn khó chịu của mình về phía Ích Tắc.
- Chiêu Văn, anh thấy em nên dạy dỗ lại thư đồng của mình, ăn nói vô phép quá, tiên học lễ hậu học văn – Tĩnh Quốc vương Trần Quốc Khang nhíu đôi mày rậm có vẻ phật lòng. Trong đám anh “nhí nhố” của Nhật Duật thì Quốc Khang là người nghiêm khắc và có phần nguyên tắc nhất. Trước chuyện này, mấy vị vương gia còn lại cũng tỏ ý đồng tình với Quốc Khang, nhưng Nhật Duật biết là họ muốn cố tình chọc chàng và Haibara, chuyện chàng có thư đồng hình như lầm họ thích thú hơn mức cần thiết.
- Vâng, em sẽ dạy bảo lại – Nhật Duật lễ phép thưa, rồi chàng đánh mắt về Haibara nghiêm giọng – Trò mau xin lỗi Chiêu Minh vương và Chiêu Quốc vương đi.
Thế nhưng Haibara vẫn dửng dưng, bờ môi nhếch lên cười khẩy khiến đôi mày rậm của Quốc Khang càng nhíu chặt hơn khi không hiểu tại sao Nhật Duật bỗng nhiên lại muốn có thư đồng, rồi chọn ai không chọn lại đi chọn một đứa trẻ lầm lì khó bảo, vô pháp vô thiên như thế này, không phải chàng muốn nói đến chuyện thân phận cao hay thấp, chủ hay tớ mà chỉ riêng về tuổi tác, một đứa trẻ không thể xưng hô nói chuyện với người lớn hơn mình như vậy được. Vốn định mở miệng nói rằng:”Trước khi muốn người khác đối xử có phép với mình, thì hãy tôn trọng người ta. Một người tùy tiện xoa đầu, một người vô cớ chặn cửa làm sao khiến người khác ăn nói nhã nhặn với mình được”, nhưng vẻ năn nỉ dù là giả tạo thoáng qua trong đôi mắt của Nhật Duật khiến Haibara trùng xuống, trong ánh mắt chàng nhìn nàng khi ấy còn có cả ý răn đe, là răn đe nhắc nhở chứ không phải là đe dọa, không phải ra oai. Nàng đang mang ơn người ta, cũng nên biết điều, thực ra Nhật Duật có thể lớn tiếng quát tháo nàng bằng cái uy của một vương gia quyền cao chức trọng thay vì dùng ánh mắt vờ vịt năn nỉ nhìn nàng, nhưng chàng đã không làm vậy. Hơn nữa ở đây nàng là một kẻ thấp cổ bé họng, tránh voi chẳng xấu mặt nào, tốt nhất không nên đắp tội với những người quyền lực không thiếu như thế này. Có lẽ vừa rồi nàng đã quá nóng nảy rồi, đây không phải là nơi có quyền bình đẳng, có quyền tự do ngôn luận, từ nay về sau cần phải cẩn trọng lời ăn tiếng nói, biết kiềm chế cái tôi của mình hơn. Phải biết mình biết người, hiểu rõ mình là ai và đang đứng ở đâu, đạo lý này nàng hiểu. Đi dưới mái nhà người ta thì phải cúi đầu. Trước giờ với Nhật Duật, nàng ăn nói có xấc xược nhưng chàng đều bỏ qua, không chấp nhất làm gì, nhưng không phải ai cũng vậy. “Tính cách của nhóc nói thẳng tính cũng không phải, nhưng nếu nói cứng đầu thì đúng, tính cách này dễ đắp tội và làm mếch lòng với người khác. Bớt một kẻ thù, thêm một người bạn là điều tốt. Nên sửa”, Nhật Duật đã từng nói với nàng như vậy. Mười mấy năm trời lớn lên trong tổ chức áo đen đã hình thành nên một Sherry, nàng chưa trở thành một kẻ máu lạnh tàn nhẫn và khát máu người cũng đã là một điều may mắn. Sống trong môi trường nào phải dung hòa với môi trường đó, sống với những kẻ máu lạnh khiến nàng trở nên lạnh lùng, khô cằn và lúc nào cũng phải xù mình lên như con nhím, luôn cảnh giác để bảo vệ bản thân. Nếu nàng giống một người bình thường thì trong tổ chức đó sẽ trở thành một người không bình thường trong mắt bọn chúng. Nàng đứng đầu tổ thí nghiệm lại có tài năng vượt trội vì vậy hồi đó nàng có nói năng gì những kẻ cấp dưới cũng không phản kháng. Nhưng nơi này không như vậy!
- Tiểu tỳ dùng tiếng An Nam chưa được thông thạo, nếu có ăn nói vô phép, mong các ngài thứ tội – Haibara nhỏ nhẹ nói, rồi hướng về Nhật Duật ra vẻ ngoan ngoãn lễ độ như thỏ non, đôi mắt long lanh hối lỗi làm cho Nhật Duật nổi hết da gà, da vịt, da ngỗng, da ngan và da của những loại gia cầm khác, cả gai ốc nữa do chàng trước giờ chưa biết trình độ giả nai của nàng cao thâm cỡ nào. – Thưa thầy, câu vừa rồi thầy nói với hai vị vương gia, trong tiếng An Nam phải nói thế nào mới đúng lễ phép. Mong thầy chỉ giáo để trò lần sau không tái phạm nữa ạ.
- “Bẩm đức ông, tiểu tỳ cũng có biết nấu vài món đơn giản. Nếu đức ông không còn gì dạy bảo, tiểu tỳ xin phép được cáo lui” – Nhật Duật trả lời, trong lòng thầm nghĩ nhóc con này cũng khéo đối đáp lắm, tuy nhận lỗi về mình nhưng lại không phải, tất cả là do chưa thông thạo tiếng An Nam nên mới ăn nói vô lễ chứ bản thân không dám thất kính với bề trên.
- Ta vốn cũng không phải người hẹp hòi mà đi chấp một kẻ trẻ người non dạ như ngươi. Tuy nhiên có tội thì phải đoái công chuộc tội. Vừa nãy mọi người nghe rõ rồi đó, cô bé này bảo biết làm món ăn của Phù Tang đấy – Quang Khải vui vẻ nói, nụ cười trên môi đầy hàm ý.
- Vậy tối nay chúng ta sẽ ở lại dùng bữa ở phủ đệ của Chiêu Văn vương – Mấy người còn lại trong phòng đồng thanh nói.
Đến đây thì ý của mấy ông anh đã quá rõ ràng, rõ như ban ngày luôn, họ muốn Haibara nấu bữa tối nay cho họ, tất nhiên là những món ăn của Phù Tang. Vừa vặn lúc đó Dương Đông, Minh Tri cùng mấy nàng tỳ nữ khác dâng trà và bánh lên.
- Trò hãy xuống bếp nấu bữa tối nay để ta đãi Thái thượng hoàng và các vị vương gia. Các cô hãy bảo người trong bếp phụ giúp cho Ai. – Nhật Duật phân phó.
………………………………………
Trong bếp của phủ Chiêu Văn vương hôm nay trở nên tất bật hơn cả. Haibara bắt lươn trong chậu để làm shushi, thế nhưng khi nàng vừa định làm thì ông đầu bếp già đã ngăn lại:
- Đừng làm con đó, nó là rắn độc đấy, không hiểu sao lại lẫn vào đây, may mà lão phát hiện kịp không thì nguy to – Rồi ông nói lớn– Hôm nay đứa nào chuẩn bị lươn đấy.
- Dạ, là con. Con mua của một người bán ngoài chợ, hắn ta kêu đây là lươn mình bắt được ngoài suối, muốn đem đổi lấy tiền. – Một gia nhân tên Lý Ngư lên tiếng.
Lươn ở nơi này khác với lươn nàng hay ăn lúc còn ở hiện đại, ở Nhật hay ăn lươn biển, còn lươn ở đây chỉ bắt ngoài sông suối. Đến giờ nàng mới biết có loại rắn giống lươn đến vậy. Haibara nhìn con rắn trong tay rồi nhìn những con trong con lươn đang bò trong chậu và thấy chúng giống nhau y hệt, nàng liền hỏi Dương Đông đang đứng gói chả nem bên cạnh:
- Em thấy chúng giống nhau hết mà.
- Nhiều người cũng bị nhầm lẫn như em vì sự giống nhau của chúng. Con này được gọi là hoàng xà hoặc rắn lươn, ăn vào sẽ bị trúng độc sủi bọt mép mà chết. Những người làm nông thì quen rồi, nhìn cái phát hiện ra ngay. Khi bò trong chậu, lươn thường chúi đầu chỉ bò quanh thành để tìm lối ra, còn rắn lươn thì thường ngóc cao đầu. – Vừa thoăn thoắt gói chả nem, Dương Đông vừa trả lời.
Nhìn con hoàng xà, mày liễu của Dương Đông nhíu lại. Là vô tình hay hữu ý, là tình cờ hay sắp đặt, chuyện có rắn độc lẫn trong lươn dùng để nấu bữa tối vào đúng ngày Thái thượng hoàng và các vương gia đến thăm và ở lại dùng cơm tại phủ Chiêu Văn vương. Nếu như không phải đầu bếp phát hiện kịp thì hậu quả khó lường. Nếu món ấy dâng lên, dù ai mất mạng thì cũng lớn chuyện, Chiêu Văn vương không tránh khỏ liên lụy, các vị vương gia nắm trọng trách trong tay quay sang nghi kỵ nhau, triều đình một phen nháo nhào là điều khó tránh khỏi. Chuyện này nàng phải báo lại cho vương gia biết.
…………………………………………….
An Tư nhăn mặt, nhắm mắt, chun mũi, vẻ mặt vô cùng khổ sở, hít sâu một hơi rồi lấy hết dũng khí sau đó mới từ từ dè dặt cắn một miếng từ chiếc bánh…do chính bản thân mình vừa làm. Khi miếng bánh trôi xuống cổ họng, nét mặt nàng mới dãn ra. Thành công rồi, khổ tận cam lai, có công mài sắt có ngày nên kim. Ván cờ ngày hôm đó, nàng thua Ích Tắc 5 quân cờ vì vậy phải chịu phạt. Hoàng huynh đưa ra hình phạt cho nàng rất đơn giản, đơn giản nhưng lại không giản đơn, đó là nàng phải nấu một món ăn, nấu đến bao giờ chính bản thân nàng có thể nuốt nổi mới thôi, hay nói cách khác món ăn đó đúng nghĩa là dành cho người ăn. Trứng luộc cũng được coi là một món, vì vậy khi nàng trả bài cho Trần Hoảng cùng với nụ cười tinh quái trên mặt, ông anh lạnh lùng chỉ đĩa bánh cốm trên bàn bảo:
- Cái này không thể tính, để tránh em ăn gian lần nữa, em hãy làm bánh cốm đi, nhớ là đừng nhờ ai làm hộ, nếu không số phận họ sẽ thê thảm lắm đấy, khi quân là tội chu di tam tộc, cũng đừng nghĩ đến nhờ Thụy Bảo, đừng quên phu quân của em ấy tướng quân Trần Bình Trọng - thần tử của anh. Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung. Với em gái, anh có thể hạ thủ lưu tình, nhưng với em rể thì chưa chắc. Còn nữa, hãy nhớ cơm chúng ta ăn, áo chúng ta mặc, đều từ tiền thuế tức mồ hôi nước mắt, công sức của con dân mà ra, không được phung phí. Làm được cái nào thì phải ăn hết cái đó, dù có nuốt nổi hay không, tuyệt đối không được bỏ đi. Bao giờ chưa hoàn thành hình phạt thì em không được rời chân khỏi Long Phượng thành nửa bước. Vua không nói chơi.
- Nhưng anh nhường ngôi cho cho con rồi mà. – An Tư không phục đáp lại
- Cha của vua càng không nói chơi. – Trần Hoảng ung dung trả lời – Nếu em không phục thì ta sẽ bảo bé Khâm[4] ra một tờ thánh chỉ là được.
Vì vậy suốt nửa tháng qua, nàng tự túc cầm thân, bế môn tư hóa, chỉ ngoan ngoãn, an phận ở trong Tân Nguyệt điện dùi mài…làm bánh. Mãi đến hôm nay mới có thể công thành danh toại. Hình phạt này của hoàng huynh thực sự quá phũ phàng, bắt nàng phải đối mặt với sự thật không thể chối cãi rằng nàng nấu ăn quá dở, nếu nói nàng nấu ăn dở thứ hai trên đời thì không có ai dám nhận thứ nhất. Những sản phẩm ban đầu mặc dù chính bàn tay xinh xắn của mình làm ra nhưng mỗi khi phải nuốt chúng, An Tư cảm giác chẳng khác nào đang chịu cực hình, tra tấn. Có hôm, Lục Thảo đã phải vội cho người đi mời thái y đến để chữa bệnh cho công chúa vì bị ngộ độc. Sau nửa tháng, cuối cùng những chiếc bánh cốm nàng làm ra không những có thể nuốt trôi mà còn rất ngon là đằng khác.
- Dì Thảo, Bạch Đằng, Như Nguyệt, Lô Giang, Hát Giang, mọi người mau mau lại đây ăn thử bánh ta làm – An Tư nhiệt tình mời mọc.
Đáng tiếc thay, trước lời mời ăn bánh của An Tư, những người có mặt trong tẩm điện đều tìm cớ thoái thác, mỗi người một lí do nhưng tựu chung lại là không dám ăn bánh do nàng làm.
- Nhũ mẫu vừa ăn cơm xong, no lắm, không nhét nổi nữa, để bao giờ đói thì ăn bánh mới thấy ngon được – Lục Thảo cười hiền.
- Tiểu tỳ đang bị đầy bụng đau quằn quại từ hôm qua đến giờ, ăn gì cũng không tiêu – Bạch Đằng nhăn mặt, ra vẻ khổ sở ôm bụng.
- Tiểu tỳ bị dị ứng với … cốm, công chúa thông cảm, mỗi lần ăn vào là người tiểu tỳ lại nổi mẩn – Như Nguyệt nghiêng người thi lễ, gương mặt ngây thơ tỏ vẻ hối lỗi, đồng thời nhanh tay nhét sâu gói lá sen chứa cốm đang ăn dở vào sâu trong tay áo
- Tiểu tỳ vừa mới khỏi bệnh đau răng, đại phu căn dặn nên kiêng đồ ngọt – Lô Giang ra vẻ dè dặt nói.
- Tiểu tỳ đang ăn kiêng để giảm béo – Hát Giang cười trừ.
Trước thái độ đó của các cung nữ, trên bờ môi thắm sắc hồng của An Tư nở một nụ cười ôn hòa thân thiện, ngữ điệu nhẹ nhàng dịu dàng hiền thục đến nhu mì, nàng bình thản cất lời, trong đáy mắt đen như nhung ấy còn ánh lên ý cười hòa nhã:
- Mọi người ăn hết đĩa bánh này cho ta, đây là mệnh lệnh, ai không ăn ta cho người cắt lưỡi, khâu mồm.
Nhắc đến chuyện cắt lưỡi, khâu mồm người khác, mà công chúa vẫn điềm nhiêm như không, lại còn tươi cười như thể chỉ vừa mới mới nói:”Bông hoa này rất đẹp”. Có điều đây không phải lời nói đùa. Năm người họ đều hiểu, đều hiểu đằng sau nụ cười rất đỗi trong sáng kia, thuần khiết kia ẩn tàng đao. Thức thời mới là trang tuấn kiệt, vì vậy họ không thể không thức thời:
- Chúng tiểu tỳ cung kính không bằng tuân mệnh.
Họ không còn cách nào khác là phải ăn những chiếc bánh cốm trông khá đẹp mắt nhưng không biết có ngon miệng hay không kia. Đến khi vị ngọt đậm của đường và mứt sen, vị bùi của đậu xanh giã nhuyễn và dừa nạo vương nơi đầu lưỡi thì họ đồng loạt giương ánh mắt ngạc nhiên và sững sờ nhìn An Tư, trên mặt hiện rõ lên mấy chữ không thể tin bánh này do chính tay nàng làm ra vì rất ngon, không thua gì bánh của ngự trù.
- Thế nào? Thế nào? – An Tư đôi mắt long lanh chờ đợi, háo hức hỏi.
- Bẩm công chúa, bánh rất ngon ạ.
- Thật không? – An Tư hỏi lại.
- Chúng tiểu tỳ không dám lừa dối công chúa.
- Vậy thì tốt – Dứt lời, An Tư quay người kéo váy chạy đi, trông rất mất thân phận.
- Công chúa người đi đâu vậy, không lẽ vừa hết hình phạt người muốn xuất cung luôn, e rằng Thái thượng hoàng biết được lại tiếp tục khiển trách. – Lục Thảo gọi với theo.
- Ta đi làm bánh. – Nàng đáp gọn.
………………………………………………
Ánh nến lung linh chập chờn làm chiếc bóng to lớn của Nhật Duật trên tường lay động. Sau khi bữa tối kết thúc, các anh chàng còn cao hứng ra đình hóng mát ngoài hồ sen để đối ẩm, nói đi nói lại, hết ôn lại những kỉ niệm đáng nhớ thời thơ ấu trong tôi là, quanh co một hồi rồi cuối cùng lại quay về chuyện quốc gia đại sự, về việc cuộc chiến tranh giữa Đại Việt và Đại Nguyên đang như ngọn lửa âm ỉ cháy, có thể diễn ra bất cứ lúc nào. Quân Nguyên như hổ đói rình mồi, lúc nào cũng lăm le thôn tính miếng mồi ngon là Đại Việt. Mối giao hảo giữa hai nước chỉ bằng mặt mà không bằng lòng suốt 22 năm qua, từ sau cuộc kháng chiến chống quân Mông xâm lược lần thứ nhất vào năm 1258, và giặc Thát đã phải chuốc lấy thất bại ê chề, kéo tàn quân về nước. Chiến tranh xảy ra vẫn khổ nhất là lê dân bách tính. Vì vậy mối lo cho vận nước lúc nào cũng canh cánh trong lòng không chỉ Nhật Duật mà các hoàng huynh rồi trăm quan cũng vậy.
Tiễn các ông anh ra về, Nhật Duật mới thư thả trở về thư phòng thì thấy Dương Đông đã đợi sẵn. Biết là nàng có chuyện bẩm báo, rảo mắt nhìn xung quanh rồi Nhật Duật gật đầu. Theo chân Nhật Duật vào thư phòng, Dương Đông cẩn thận đóng cửa lại.
- Bẩm đức ông, trong chỗ lươn hôm nay dùng để nấu cơm cho Thái thượng hoàng và các vương gia có lẫn hoàng xà. Theo người chuyện này có gì khuất tất đằng sau không?
- Ai là người chuẩn bị chỗ lươn ấy? – Nhật Duật thong thả hỏi.
- Bẩm, là Lý Ngư.
- Hắn là kẻ mới đến? – Nhật Duật trải giấy trên mặt bàn, rồi tự mình mài mực.
- Thưa vâng.
- Cho người điều tra từ hắn, người nhận hắn vào trong phủ, người bán lươn, cả người trong cung biết hôm nay Thái thượng hoàng di giá đến phủ của ta nữa. Có hai khả năng, một là do gián điệp của Đại Nguyên ở Đại Việt bày ra vụ này, hai là do tôn thất còn sót lại của triều Lý, làm vậy để báo thù.
- Thuộc hạ đã rõ. – Dương Đông thưa rồi rời khỏi thư phòng Nhật Duật quỷ không biết thần không hay.
Nhật Duật ngừng mài mực, chàng nhấc bút viết thư hồi đáp cho lão tổng quản ở thái ấp Quảng Xương, Thanh Hóa và Trinh Túc phu nhân – chính thất của mình.
Những bông sen trắng như bạch ngọc cắm trong lọ lục bình để trên án thư bị nhuộm vàng bởi ánh nến. Bông hoa sen màu trắng, bức tường cũng trắng, tại sao bóng hoa trên tường lại đen???[5]
Chú thích:
[1] Tức vua Trần Thánh Tông
[2] Nghĩa là thư pháp có thể giúp ta tu tâm, dưỡng tính
[3] Vua Trần Thái Tông Trần Cảnh
[4] Vua Trần Nhân Tông
[5] Lấy ý từ bài thơ “Hoa huệ” của Bế Kiến Quốc:
Hoa huệ trắng và bức tường cũng trắng.
Sao bóng hoa trên tường lại đen.
Em đừng nhìn đi đâu thế em.
Anh không biết vì sao, ai có lỗi.
Nhưng mãi mãi vẫn còn câu hỏi.
Sao bóng hoa trên tường lại đen?