Đại gia phế liệu ở Bắc Giang

phelieusatthep

Thu mua sắt phế liệu giá cao Thành Minh
Tham gia
27/10/2016
Bài viết
0
Đại gia phế liệu ở Bắc Giang
Về thôn Kiểu, xã Bích Sơn, huyện Việt Yên, Bắc Giang gặp Giám đốc Đỗ Văn Thái của Công ty TNHH Thương Mại và Công nghệ môi trường THT 199, không ai nghĩ một thời ông đã phải đi nhặt rác mưu sinh.

Ông Thái sinh năm 1956, ở một vùng nông thôn nghèo khó của tỉnh Bắc Giang. Thời niên thiếu cậu bé Đỗ Văn Thái sống trong chiến tranh, phải chạy khắp nơi cùng với gia đình. Nhớ lại ngày xưa, ông tâm sự: “Gia đình tôi khi đó được coi là nghèo nhất làng, thiếu đói liên miên, chẳng có nổi một ngày được ăn no”.

Sau chiến tranh, chàng trai Đỗ Văn Thái đã quyết tâm thi đỗ vào Trường đại học Sư phạm 1 (Hà Nội). Năm 1980, ông tốt nghiệp khoa Ngữ văn với tấm bằng loại ưu. Nhưng rồi hoàn cảnh bi đát đã ập tới chàng cử nhân nghèo.

Ông buồn bã nhớ lại: “Không lâu sau khi tôi tốt nghiệp thì bố mất, người mẹ già lại ốm đau liên miên, rồi vợ dại, con thơ…, tất cả đều ập lên đầu tôi. Lúc đó buộc tôi phải ở bên gia đình, không thể theo phân công đi giảng dạy ở trên miền núi… Cuối cùng tôi đành phải từ bỏ nghề giáo!”.

Hoàn cảnh éo le, Đỗ Văn Thái đã chọn nghề đi nhặc rác, phế liệu để mưu sinh, nuôi gia đình. Hồi đó, người làng Kiểu chẳng ai lạ gì hình ảnh chàng thanh niên gầy gò, thấp bé suốt ngày lang thang nhặt phế liệu. Khi đó nghề này vẫn còn mới mẻ! Thái đến các bãi rác, vệ đường, góc chợ để nhặt nhạnh đủ thứ. Sau đó anh mang về nhà phân loại, bán cho đại lý thu mua sắt phế liệu. Để nuôi ba đứa con nhỏ và người mẹ già, Đỗ Văn Thái còn phải làm đủ thứ nghề như: vẽ tranh, viết giấy khen thuê, cửu vạn... Vợ chồng Thái cứ tích cóp từ những đồng tiền nhỏ nhất kiếm được. Đến năm 1987, khi đã có được một ít vốn trong tay, hai vợ chồng mở được một điểm thu mua rác phế liệu tại làng Kiểu.

dai_gia_phe_lieu_-bac-giang.jpg


Biến phế liệu thành nguồn lợi

Ông thuộc tuýp người thấp, bé, nước da ngăm đen, tóc xoăn lượn sóng, vầng trán cao, đôi mắt như biết cười. Vừa dẫn chúng tôi đi thăm, ông vừa kể câu chuyện dài về sự ra đời công ty.

Tích tiểu thành đại, đến đầu những năm 90 thế kỷ trước, ông Thái đã có được chút vốn kha khá. Và trong ông đã hình thành một ý tưởng táo bạo, đó là tìm mọi cách biến rác thành tiền, đồng thời phải có lợi cho xã hội.

Ông đến các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên… để học hỏi các mô hình xứ lý phế liệu. Sau hơn 10 năm lang thang “học lỏm, học mót”, đến cuối năm 2002, ông quyết định đầu tư, xây dựng Hợp tác xã (HTX) Vệ sinh môi trường Đồng Lợi. Ngày 1-11-2003, HTX chính thức đi vào hoạt động. Khi đó mô hình xử lý rác thải, phế liệu để tái chế là một mô hình rất mới ở vùng Bích Sơn nói riêng và ở tỉnh Bắc Giang nói chung. Chính vì thế, khi đề xuất lên chính quyền, thì nhiều người đã ngờ vực. Nhưng ông không nản chí. Thành công sau đó của HTX đã minh chứng cho con đường khởi nghiệp táo bạo của ông.

Ngày 21-5-2010, Sở Kế hoạch và Đầu tư Bắc Giang đã cấp giấy phép cho HTX Vệ sinh Môi trường Đồng Lợi đổi tên thành Công ty TNHH Thương nại và Công nghệ môi trường THT 199. Trong suốt 15 năm qua, ông đã đầu tư hàng chục tỷ đồng vào HTX rồi sau đó là Công ty TNHH của mình để xây dựng cơ ngơi khang trang, dây chuyền xử lý rác thải khép kín hiện đại, khu chứa rác thải tập trung, ngăn nắp và môi trường quanh khu nhà xưởng, khu công nhân ở sạch sẽ. Sản phẩm của công ty rất đa dạng, từ tái chế phế liệu để sản xuất dép nhựa, dép giả da, giày da… Công ty còn nhận tư vấn, lắp đặt cho các điểm xử lý rác thải công cộng, quy trình xử lý rác thải ở nhà máy công nghiệp, bệnh viện, trường học…

Nói về cái chữ Đồng Lợi, ông Thái giải thích: “Tôi luôn tâm niệm hai điều đáng quý ở đời, một là xử lý rác thải làm sạch môi trường để ra tiền, hai là khi có điều kiện thì sẽ giúp đỡ những cảnh đời bất hạnh”. Tên HTX lúc thành lập có nghĩa là sinh lợi cho cộng đồng.

Chính vì thế, năm 2003, ông đã giúp đỡ những người khuyết tật hoặc có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Từ năm 2004 đến nay, ông đã nhận gần 80 người từ 16 đến 35 tuổi, bị nhiễm chất độc da cam, khuyết tật, thuộc hộ nghèo ở xã Bích Sơn và các vùng lân cận vào học nghề rồi làm ở công ty. Ông chu cấp vật chất cho một số em khuyết tật, nhiễm chất độc da cam đến học nghề. Còn các em thuộc diện hộ nghèo được hỗ trợ một phần tiền đi lại, ăn uống. Sau khi học nghề thành thạo, mọi người được nhận chính thức vào làm công nhân với hợp đồng rõ ràng. Tùy vào tay nghề, khả năng lao động của từng công nhân mà công ty sẽ trả mức lương thỏa đáng.

Em Nguyễn Thị Chuyên bị nhiễm chất độc da cam tâm sự: “Bác Thái như một người cha, người thầy của chúng em. Trước đây em không thể làm được gì do bệnh tật, nhưng từ ngày vào công ty, em đã thấy mình có ích hơn cho xã hội, yêu đời hơn...”. Một số em bị khuyết tật khá nặng như Lê Văn Thành, Nguyễn Thị Hương… khi xin vào học ở công ty, đều được ông Thái nhận. Ông nói với chúng tôi: “Việc làm đó là chữ Tình Thương viết hoa đúng nghĩa mà tôi cần làm. Nhiều cháu không còn lành lặn về mặt thể xác, nhưng có ý chí vươn lên mạnh mẽ. Điều đó tôi thấy thật đáng quý!”.

Với đội ngũ công nhân thường xuyên lên đến hơn 80 người hiện nay, làm việc chia hai ca, mỗi ca đúng tám tiếng, mỗi ngày công ty sản xuất ra được từ 2.000 đến 2.500 đôi giày, dép, và hàng chục tấn nhựa tổng hợp PVC… Chị Nguyễn Thị Lan, một công nhân tại công ty cho biết: “Mình không có chuyên môn kỹ thuật gì, nhà lại có hai con nhỏ, chồng thì đi phu hồ, nên rất khó khăn, nhưng khi xin vào đây được chú Thái nhận và hướng dẫn các kỹ năng cơ bản để làm việc. Đến nay mình đã làm được 5 năm rồi, với thu nhập 4-5 triệu/tháng, cũng đủ trang trải cuộc sống”.

Có người vợ đảm đang và những đứa con hiếu thảo luôn ở bên đồng lòng chung sức, đến nay ông Đỗ Văn Thái đã bắt tay được với những bạn hàng ở khắp cả ba miền. Một số sản phẩm đã được xuất khẩu sang Lào, Campuchia... Người dân ở vùng Bích Sơn, Việt Yên vẫn gọi Đỗ Văn Thái là ông “vua rác, tỷ phú rác”.
 
×
Quay lại
Top Bottom