Trí Toàn Minh Đăng
Thành viên
- Tham gia
- 18/12/2018
- Bài viết
- 15
Tên truyện: NẮNG TRÊN VƯỜN VẢI
Tác giả: Trí Toàn Minh Đăng
Tình trạng sáng tác: Chưa hoàn thành
Tình trạng đăng: Cập nhật
Lịch đăng: 2 tuần/chương
Thể loại: Lịch sử, xuyên không, hành động, trinh thám
Độ dài: Chưa rõ (khoảng hơn 200.000 từ)
Giới hạn độ tuổi đọc: 16+.
Cảnh báo về nội dung: Bạo lực và có từ ngữ nhạy cảm.
Tài liệu tham khảo:Tác giả: Trí Toàn Minh Đăng
Tình trạng sáng tác: Chưa hoàn thành
Tình trạng đăng: Cập nhật
Lịch đăng: 2 tuần/chương
Thể loại: Lịch sử, xuyên không, hành động, trinh thám
Độ dài: Chưa rõ (khoảng hơn 200.000 từ)
Giới hạn độ tuổi đọc: 16+.
Cảnh báo về nội dung: Bạo lực và có từ ngữ nhạy cảm.
1. Chữ Nôm và Công Việc Khảo Cứu Cổ Văn Việt Nam - Dương Quảng Hàm
2. Đại Từ Điển Chữ Nôm - Vũ Văn Kính
3. Đại Việt Sử Kí Toàn Thư - Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sỹ Liên
4. Đại Việt Thông Sử - Lê Quý Đôn
5. Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục - Quốc Sử Quán Triều Nguyễn
6. Lam Sơn Thực Lục - Nguyễn Trãi
7. Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí - Phan Huy Chú
8. Nghìn Năm Áo Mũ - Trần Quang Đức
9. Quốc Âm Thi Tập - Nguyễn Trãi
10. Quốc Triều Hình Luật - Viện Sử Học
11. Trang thơ Lê Thánh Tông (thivien.net)
12. Ức Trai Di Tập Dư Địa Chí - Nguyễn Trãi
13. Việt Điện U Linh Tập - Lý Tế Xuyên
14. Việt Nam Phong Tục - Phan Kế Bính
15. Việt Nam Sử Lược - Trần Trọng Kim
Cùng các tài liệu khác liên quan đến võ cổ truyền, đối đáp, văn thơ, các nghiên cứu tâm lý học (sẽ được trích dẫn sau mỗi chương) và kiến thức học thuật cũng như thực tế của tác giả.
MỞ ĐẦU
Khi mở mắt, điều đầu tiên tôi nhận ra là toàn bộ cơ thể không tài nào cử động được: còng sắt nơi cổ tay, dây xích dưới cổ chân và gông mang trên cổ.
Mùi ẩm mốc xộc vào hai khoang mũi làm tôi định thần nhìn lên, nheo nheo mắt. Căn phòng ọp ẹp, tối tăm, chỉ le lói thứ ánh sáng phát ra từ cây đuốc cắm bên ngoài. Những song sắt rỉ sét xếp thành hình vuông chỉ đủ rộng để một cánh tay thò ra. Lót dưới sàn là thứ rơm rạ tôi chưa từng thấy bao giờ, phủ đều hai bên góc tường. Một con chuột chạy ngang qua làm tôi giật bắn.
Nói tóm lại thì tôi đang ở trong ngục!
“Đừng làm loạn nữa, Bảng à!”
Cùng hoàn cảnh éo le với tôi là năm người đàn ông đang ngồi xếp bằng, một già, một trung niên, hai thanh niên và một thiếu niên. Họ quần áo bẩn thỉu, đầy máu me, tóc tai rối xù. Cậu bạn thiếu niên ngồi cạnh tôi ngay bên trái mắt đỏ hoe, từng giọt lệ rơi xuống, nhỏ tí tách lên thanh gông gỗ.
Bối rối và hốt hoảng trước cảnh tượng ấy, tôi ngước nhìn sang cụ ông, người duy nhất đang khoác lên mình khí chất bình thản. Ông ngồi xếp bằng, dáng vẻ như một ông bụt trong truyện cổ tích, hoặc là vị đạo sĩ nào đó đang ẩn mình ngồi thiền trên núi với tà áo trắng, râu tóc bạc phơ và khuôn mặt hiền hậu. Trong sạch và thanh cao, đầu tôi bỗng hiện lên hai chữ đầy cảm thán, ông không nên thuộc về nơi này!
Nhưng một khi đã nhìn xuyên qua được cái dáng hình thản nhiên, vô lo vô nghĩ kia, tôi bỗng chợt nhận ra rằng trong đôi mắt gần như trống rỗng ấy của ông đầy vẻ cam chịu, phảng phất chút gì đó là sự hối tiếc. Dường như cảm nhận được ánh nhìn dò hỏi, ông quay qua phía tôi:
“Ta biết con trách ta, con trai,” ông thở ra, “Ta cũng hối đã không nghe lời của Hoàng Phúc.[1] Mọi sự đã xảy ra như thế, rằng ý trời đã đoạt. Dòng họ chúng ta trong sạch hay không, cũng chỉ có ơn trên và tiên đế mới tỏ tường.”
Tôi định đi tới an ủi ông, dù cặp dây xích dưới mắt cá chân không cho phép.
“Đau đớn thay,” ông tiếp tục thì thào, “hàng trăm sinh mạng chỉ vì ta mà liên lụy, lại là máu thịt của ta…”
Lúc này tôi mới chịu khó lắng tai nghe, quả thật có tiếng khóc của phụ nữ và trẻ em vang vọng đâu đây. Kèm theo đó là tiếng lính gác mắng chửi.
“Câm họng hết đi! Chết đến nơi rồi mà còn to mồm!”.
Đây là đâu? Vào cái thời đại nào thế này? Tôi muốn hét lên. Sao lại có thể đối xử tàn nhẫn với con người như vậy? Công lý trong thùng rác hết rồi ư?
“Cha à,” cậu bạn thiếu niên bên cạnh lên tiếng, “còn dì Mẫn…”
“Cha chỉ hi vọng Thị Mẫn đã trốn ra khỏi thành,” cụ ông, à nhầm, “cha” của tôi trả lời khẽ, giọng không giấu vẻ lo lắng, “Thái hậu đang cho người truy lùng ráo riết những phụ nữ có mang trong và ngoài Đông Kinh, ta chi e…”
Câu nói bỏ lửng của ông làm căn ngục u ám nay trở nên lạnh lẽo. Dù số phận của người phụ nữ ấy như thế nào, chắc chắn sẽ vô cùng khó khăn trong thời gian tới. Cậu thiếu niên bên cạnh đổ sụm người xuống, làm cái gông trên cổ như kéo lê luôn cả phần thân trên của cậu. Tôi bất giác ý thức đến tình trạng không mấy khả quan hơn của mình.
Trời đất ơi, định mệnh ơi, làm sao bây giờ, tôi không kiềm chế được mà khẽ rên lên, Mình đã làm gì mà mắc phải tội chết thế này? Làm cách nào để thoát khỏi đây trước khi...
Tiếng bước chân từ xa đi tới.
Huỳnh huỵch, huỳnh huỵch.
Lào xào, lạt xạt.
Bình bịch, bình bịch, bình bịch...
Theo sau là tiếng đạp gót khoan thai của ủng vải lên cỏ rơm, kèm theo tiếng khóc oà lên từ các buồng giam bên cạnh. Mọi người trong căn ngục đều ngước nhìn lên, cảnh giác. Nhưng cũng có người dường như đã biết, rằng thời gian của mình sắp kết thúc. “Cha" tôi nhắm nghiền đôi mắt, sỏi đời, mệt mỏi và u buồn như chính tâm trạng của ông lúc này. Một giọt lệ rơi xuống, lặng lẽ từ khoé mắt, như thể ông đang đứng trước bài vị của chính mình và của cả gia tộc.
Ông nhìn thẳng vào mắt tôi. Biết bao điều chưa thể nói, biết bao nhiêu việc chưa thể làm. Tất cả những giọt nước mắt cay đắng nhất sẽ rơi xuống cho những người thân yêu vô tội này.
“Thánh chỉ đến!” giọng run rẩy của một viên quan phá tan bầu không khí ảm đạm. “Tất cả quỳ xuống!”
Tôi bất giác khịt mũi. Ông quan à, phải chăng ông có vấn đề về thần kinh? Trói gô người ta như thế này thì làm sao mà quỳ?
“Thừa thiên hưng vận, hoàng thái hậu chế viết,” tên quan tiếp tục, giọng đã lấy lại sự bình tĩnh, “Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ một thân gian xảo, lựa chọn thời cơ, ngày 4 tháng 8 đợi tiên đế Thái Tông đến Lệ Chi Viên rồi ám hại, đầu độc người đến tử vong. Là chủ mưu sự việc. Hành khiển Nguyễn Trãi thân nhận ân đức như trời biển của tiên đế, được người tin dùng, lại cùng thiếp âm mưu sát hại hoàng đế. Là đồng phạm sự việc. Nay chứng cớ đã rõ, tội đã nhận, Nguyễn Thị Lộ và Nguyễn Trãi đã bị kết án, tam tộc tru di...”
Tôi lặng người tiếp nhận thông tin từ thánh chỉ. Nguyễn Trãi? Nguyễn Thị Lộ? Lệ Chi Viên? Thái Tông đế?
“Hôm nay, ngày 16 tháng 8 năm Nhâm Tuất, lập tức cho thi hành án! Khâm thử!” Nói rồi giọng eo éo của hắn liền đanh lại. “Người đâu?”
Binh lính bỗng từ đâu tràn vào căn ngục, lôi kéo từng người ra ngoài. Tôi bị một tên to con thô bạo xốc lên, nhưng người vừa đứng dậy đã run rẩy, hai chân không vững nên đã bị ngã nhào, trán đập vào song sắt, rên lên hai tiếng thảm thuơng.
Quãng đường đi khỏi ngục, lướt nhìn thấy những khuôn mặt khốn khổ của từng người, từng người tử tù bị lôi ra ngoài, tâm trí tôi có cảm giác như muốn nổ tung bởi những thứ cảm xúc khó gọi tên, những ý nghĩ nghuệch ngoạc và trừu tượng. Đúng, tôi biết mình sắp chết. Tôi biết họ, những người đàn ông, phụ nữ và trẻ em vô tội cũng sắp chết.
Lần đầu tiên trong đời, tôi cảm thấy hoàn toàn bất lực.
Cay cú, giận dữ và kinh tởm...
Buồn bã, đau đớn và xót thương...
Đời có bao giờ là công bằng?
Chết có phải là hết?
Tôi có sợ không? Có chứ! Sợ lắm!
Sợ cho ai? Sợ cho tôi, hay cho những tù nhân kia nữa.
Quá nhiều ước mơ, quá nhiều hoài bão, tất cả đều sẽ bị chôn vùi cùng vị vua Thái Tông kia. Sinh mạng một con người thật là rẻ rúng quá!
Xiềng xích còn đó, bọn tôi bị nhốt vào một cái cũi bằng gỗ, được gắn vào một chiếc xe ngựa. Xe bắt đầu chạy, chầm chậm. Chạy qua những ngôi nhà lát ngói đỏ trong kinh thành. Chạy ngang những người dân đang hiếu kì đứng hai bên đường, bàn tán, khóc lóc, và cả xỉ vả. Chạy dọc những con đường đất thẳng tắp, rồi uốn lượn.
Chạy đến nơi bị hành hình.
Đến khu vực gần bờ sông, xe ngựa chở phụ nữ và trẻ em bỗng nhiên dừng lại. Trước sự kinh hoàng của tôi và mọi người, họ bị đẩy vào chiếc cũi bằng sắt và bị dìm xuống dòng nước siết. Tiếng la hét thảm thiết lại vang lên. Trẻ em khóc đến nức nở. Con khóc mẹ, cháu khóc dì. Tim tôi bị bóp nghẹt.
“Không...KHÔNG! ĐỪNG MÀ! MAU DỪNG XE LẠI!”
Trong đám người chỉ có tôi là vùng dậy, hai tay siết chặt thanh củi mà hét lên, những tiếng hét mà tôi biết là hoàn toàn vô nghĩa.
“KHÔNG!!!”
Xe tiếp tục chạy, đều đều. Nếu không có hai chiếc còng trên tay, chắc chắn tôi sẽ đấm gãy cũi gỗ mà nhảy ra ngoài. Chưa kịp làm gì thì tên lính đã đâm cây thương vào đùi tôi.
“Câm họng!”
Điều đó không hề làm tôi e sợ, chỉ khiến cơn lửa giận bùng lên, phừng phực ngọn lửa của công lý. Tôi nghiến răng chịu đau, gào lên thật to:
“Một lũ vô nhân tính các ngươi,” sau đó đôi chân phản chủ liền sụm xuống. Bất lực, tôi đành phải thì thầm với bản thân, “Nguyễn Bảng ta thề, thề với trời đất, thề với tổ tiên, thề với các vị tiên đế, một ngày nào đó gia tộc họ Nguyễn này sẽ được minh oan. Ta thề, chính mình sẽ là người đem lại trong sạch cho dòng họ, để tiếng thơm cho cha ta, mẹ ta, anh em ta. Nếu không, Nguyễn Bảng này sẽ chẳng bao giờ được yên giấc.”
Tôi đang nói cái gì thế? Cái đó là Nguyễn Bảng nói, hay là chính tôi đã nói? Phải chăng tôi chính là Nguyễn Bảng?
Không! Tôi không phải là Nguyễn Bảng! Nguyễn Trãi cũng không phải là cha tôi. Những chuyện này không có thật!
Sai lầm! Cánh tay lôi tôi ra khỏi củi rất thật. Vết thương trên đùi đang chảy máu đầm đìa cũng rất thật. Tên đao phủ bịt mặt đang đứng trên đài cao lại càng rất thật.
Không! Không thể! Tôi không thể chết lúc này được!
Từng người bước lên, từng nhát đao giáng xuống...
Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ...
Từng người, từng người...
Nguyễn Khuê, Nguyễn Ứng...
Máu đỏ chảy trên lưỡi đao, nhiễu xuống từng giọt, từng giọt...
Nguyễn Bảng...
Không! Chuyện này không thể xảy ra! Là không thể!
Dù chống cự quyết liệt, tôi vẫn bị lôi lên đài, ấn người quỳ xuống, đầu gối đập lên sàn, cổ kề sát vào thanh thớt gỗ. Lúc này, cái chết đang cận kề, thay vì đầu óc mụ đi vì kinh hãi, tôi lại tỉnh như sáo.
Và điều đó còn khiến tôi kinh hãi hơn gấp trăm ngàn lần.
Tôi nhìn ra được vết rỉ sét trên thanh đao sáng loáng, nghe được tiếng gió gửi về từ núi rừng, ngửi được mùi máu tanh tưởi, cảm nhận được sự thô ráp của bộ đồ tù bằng vải lanh, và nếm được vị mặn chát của dòng nước mắt đang chảy ra.
“Ta thề...”
Đó là câu nói cuối cùng của tôi, trước khi lưỡi đao kịp giáng xuống...
Chú thích:
[1] Hoàng Phúc: Một ông thầy phong thuỷ người Trung Quốc đã xem gia phả và đoán trước tương lai bị “tru di tam tộc” của Nguyễn Trãi. Khi đến vùng Nhị Khê, là nơi ông cố Nguyễn Trãi cải táng cha, Hoàng Phúc có quan sát và phán rằng, "Nhị Khê mạch đoản/Họa thảm tru di." Sau này, khi quân Minh thua trận và ông bị bắt, Hoàng Phúc đã gặp Nguyễn Trãi và nói,"Nay tôi mắc nạn, được giam dưới cửa ông cũng là may. Song chắc không bao lâu đâu. Vì tổ mộ tôi có xá văn tỉnh là gò đống ở phương Bính thì tôi mắc tội vạ tất không lâu! Chừng 100 ngày sẽ khỏi. Còn tổ mộ của ông, tôi đã biết con cháu sẽ bị nạn tru diệt vậy ông không nên xem thường, hãy tính việc cải táng đi.” Nguyễn Trãi lúc đó cũng chỉ cười cho vui chứ cũng chẳng lo lắng gì, không ngờ lời tiên đoán lại thành sự thật.
Hiệu chỉnh: