Cụ bà hơn 100 tuổi còng lưng san đường, nhổ cỏ không công

kenzizi

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
21/4/2010
Bài viết
1.232
Người dân xã Biển Hồ (TP Pleiku, Gia Lai) ai cũng biết bà cụ Jớp, không chỉ vì già đã ở cái tuổi xưa nay hiếm mà còn bởi mấy chục năm nay, già dù lưng còng tóc bạc vẫn ngày ngày cuốc đất, san đường, nhổ cỏ… để đường làng dễ đi hơn.
gia-100t.jpg

Già Jớp và chồng năm nay đã già yếu hơn nên không còn thường xuyên san đường, nhổ cỏ được nữa.
Già Jớp là người dân tộc J’rai, ở làng Nhin. Già không biết chữ, cũng như người chồng của mình già cũng không biết tính năm, già cũng chẳng hiểu tí gì về những nét văn hóa của người Kinh. Ngay đến cái tuổi của mình chính xác là bao nhiêu già cũng chẳng biết, dù già vẫn còn rất minh mẫn. Cái mốc để người ta đoán tuổi của già đó là khi giặc Pháp đặt chân đến làng, già đã “bắt” chồng và có con rồi. Năm nay, hai đứa chắt của già cũng đã trưởng thành.

Mà với già Jớp, biết cái chữ cũng chẳng để làm gì, biết tính cái năm cũng không làm cái bụng già no bằng đi lên rẫy. Bởi từ xa xưa, cuộc sống của gia đình già đã rất khổ cực, hàng ngày già và chồng phải vất vả gắn mình trên cái rẫy, vào rừng sâu để kiếm cái ăn cho cả gia đình. Với họ, khái niệm về thời gian là điều quá xa xỉ…

Chính vì những điều này, mà công việc của già càng đáng để cả xã hội học tập và tôn kính. Không nhớ được năm, già chỉ biết con đường nhựa chạy từ TP Pleiku đến nông trường chè, gần làng già, đi không trơn, mưa không bị lầy lội, cỏ không mọc được. Già cũng nhận thấy con đường đất đỏ từ nhà già ra đến rẫy lúa nhà mình dài hơn 2km, mỗi khi trời mưa lầy lội, trơn trượt, cỏ mọc ngày càng nhiều. Già muốn con đường đi ra rẫy, đi từ xóm này qua xóm nọ đẹp hơn, tốt hơn.

Từ đó, trời nắng thì già vác cuốc đi dọc các con đường trong xã, san những ụ đất gồ ghề, đắp vào chỗ trũng cho bằng phẳng hơn. Vào mùa thu hoạch lúa, mỗi buổi chiều người ta không thấy già đi về nhà luôn mà vẫn cứ loay hoay nhổ cỏ hai bên đường. Người dân trong làng xì xào: “Ơ làng ơi, già Jớp biến thành con ma lai rồi”, “già Jớp bị Yàng phạt rồi”,...

Bỏ qua mọi lời bàn tán, ngày này qua tháng khác, vào mùa vụ, già Jớp vẫn lên rẫy làm lúa, tối về nhổ cỏ dọc con đường. Hết mùa, cụ lại cầm cuốc san đường, đắp đất…

Mấy chục năm nay, con đường từ làng Nhin đi qua xã Biển Hồ để ra đến rẫy nhà già đã bằng phẳng, cỏ không còn mọc rậm rịt hai bên đường nữa. Có nhiều đêm trăng sáng, người ta vẫn thấy một mình già Jớp không cuốc rẫy thì san đường. “Đường đi của những người hái chè đẹp, nên mình cũng muốn đường đi ra rẫy của người đồng bào mình không còn bẩn nữa, gùi cái lúa không còn bị trượt bổ nữa. Mình học nhà nước mình làm đường đẹp thôi”, già Jớp lý giải.

Bây giờ mỗi mùa mưa đi xe trên con đường đất đỏ mà mấy chục năm nay già Jớp bỏ công ra làm không còn trơn trượt, không còn cỏ mọc chen chân, cái bụng của người dân trong làng thấy mừng, thấy biết ơn già Jớp lắm.

Nhưng gần một năm nay, người khắp xã ít thấy bóng già ở ngoài đường hơn. Già và người chồng của mình đã yếu rồi, hai người con của già đã mất từ lâu. Bây giờ già sống chung với những người cháu, người chắt. Cuộc sống khổ cực nhưng tâm hồn cao đẹp nên già vẫn còn minh mẫn lắm. Già nói: “Mình không còn đi lên rẫy nữa, cháu cho mình ăn gì mình ăn đó. Cháu nấu lá mì mình ăn lá mì, cháu giã muối ớt mình ăn muối ớt”.

Ông Luit, thôn trưởng làng Nhin, cho chúng tôi biết: “Già Jớp tuổi cao lắm rồi, ai cũng nói bà hơn 100 tuổi rồi. Bà siêng lắm, lưng cũng còng rồi nhưng ngày nào bà cũng đi làm. Bà làm từ ruộng cho đến nhà, tất cả đường bà đều làm sạch sẽ hết, bà làm mấy chục năm rồi. Năm ngoái bà già rồi, nhưng bà vẫn mò mò đi từ nhà ra đến ruộng mất hơn nửa ngày để làm”.

Thiên Thư
 
Hiệu chỉnh bởi quản lý:
Quay lại
Top Bottom