“Cò” tập kích bệnh viện

gaconueh2005

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
3/3/2013
Bài viết
4.056
Sau một thời gian lắng xuống, gần đây tình trạng “cò” bệnh viện xuất hiện trở lại, lộng hành ở nhiều nơi.

ĐI ĐÂU CŨNG GẶP “CÒ”

Tại các bệnh viện lớn trên địa bàn TPHCM như Da liễu (đường Nguyễn Thông, Q3), Chấn thương Chỉnh hình (đường Trần Hưng Đạo, Q5), Ung bướu (đường Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh), Chợ Rẫy (đường Nguyễn Chí Thanh, Q5)..., ngay từ sáng sớm đã xuất hiện các “cò” khám, chữa bệnh. Các đối tượng này sắm vai người lái xe ôm, bán hàng rong, vé số, bám theo người bệnh và người nhà ngay trước cổng bệnh viện để chào mời, lôi kéo, hứa hẹn sẽ giúp vào thăm khám sớm.

Có mặt tại bệnh viện Ung Bướu chúng tôi chưa kịp dừng xe vào cổng thì một phụ nữ tầm 40 tuổi, dáng người gầy gò, che mặt kín mít, đội nón rộng vành chạy tới đón chào: “Hôm nay bệnh viện đông lắm, biết khi nào mới tới lượt vào khám. Em có muốn đi khám tư không, đắt một chút nhưng nhanh mà hiệu quả”. Thấy chúng tôi tỏ ra ngờ nghệch, người phụ nữ này liền trấn an và cho biết phòng khám tư nằm gần bệnh viện nhưng hơi khó tìm. Sau đó “cò” đề nghị được đưa chúng tôi đến đó với 100.000 đồng tiền dẫn đường.

Tại cổng Bệnh viện Da liễu, chúng tôi được một “cò” săn đón nhiệt tình khi chưa kịp tắt máy xe: “Sao đi trễ vậy em, giờ này người ta bốc số hết rồi còn đâu, muốn khám phải chờ tới trưa, có khi tới chiều mới được. Qua bên kia đi, khám nhanh lắm, khỏi mất công đợi chi cho mệt”. Thấy “con mồi” lắc đầu, “cò” liền tung chiêu thứ hai: “Hay là muốn lấy số nhỏ để khám trước, nhưng mà giá hơi cao, số càng nhỏ thì giá càng cao. Nếu muốn thì chờ ở đây, 2 phút là có số nhỏ”.

Chúng tôi chưa kịp trả lời thì có một phụ nữ đến khám bệnh. Ngay lập tức, một “cò” khác liền áp sát hỏi han, chiêu dụ. Sau một hồi kì kèo, người phụ nữ đồng ý đi khám ở một phòng mạch tư với tiền “cò” 150.000 đồng. Ở khu vực trước cổng bệnh viện Da liễu luôn có hơn mười người hành nghề xe ôm kiêm “cò”. Khi thấy có người đến bệnh viện, họ lập tức ra “chăm sóc”. Chị Hiền (công nhân, ngụ Thủ Đức) bức xúc: “Tôi cứ tưởng là người ta thật lòng giúp mình nên đi theo. Biết là phải trả tiền công dẫn đường cho người ta, nghĩ là chỉ vài ba chục tiền xe ôm, ai ngờ phải trả 100.000 đồng”.

Tại cổng các Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình..., những hình ảnh bát nháo luôn khiến những người đến khám bệnh ngán ngẩm. Ngày nào cũng có hơn chục người đàn ông ngồi bên những chiếc xe máy cũ kỹ chờ “khách”, len lỏi vào đám đông để hỏi han và mời mọc. Những âm thanh mời gọi, “khuyên nhủ” hay kì kèo giá cả vang lên giữa dòng người. Nhiều người biết đó là “cò” nên tìm cách lảng tránh, nhưng vẫn có nhiều người được “cò” chở đi “khám nhanh, chất lượng”.

0-benhvien.gif

Cảnh bát nháo trước cổng bệnh viện​

Một ngày làm việc của “cò” bắt đầu rất sớm và kéo dài đến chiều tối. Ngay từ 3, 4 giờ sáng, “cò” đã có mặt tại bệnh viện để chờ bốc những số thứ tự đầu tiên. Khi thấy có người tới khám, những người này chạy ra lôi kéo để “bán” lại số thứ tự với giá tiền cò từ 100.000 - 300.000 đồng. “Cò” bệnh viện còn hướng dẫn bệnh nhân tới các phòng mạch khác nhau, nơi đã móc nối trước để ăn tiền “cò”. “Cò” bệnh viện hoạt động rất công khai, nhiều người không biết cứ tưởng là người của bệnh viện, nên nghe theo hướng dẫn của “cò” đến các phòng mạch tư để khám bệnh.

ĐỦ CHIÊU LỪA

Với tâm lý muốn được khám bệnh nhanh, khỏi mất công chờ đợi nên nhiều người đi khám bệnh đã dính bẫy của “cò”. Mới đây, anh Võ Văn Tuyên (quê Bình Thuận) đưa mẹ đi bệnh viện Ung Bướu để khám bệnh. Vừa đến cổng bệnh viện, anh được 2, 3 “cò” dụ dỗ với lời lẽ hết sức thuyết phục. Vốn là dân tỉnh, anh Tuyên tin ngay. Sau khi mất 150.000 đồng tiền “cò”, anh được dẫn vào một phòng khám cách bệnh viện không xa. Khi vào khám, bác sĩ chỉ hỏi qua loa rồi kê toa thuốc. Ấm ức, anh Tuyên hỏi thì được bác sĩ trả lời: “Cái này phải theo dõi thêm chưa thể xác định được, bây giờ cứ mua thuốc về uống rồi ít hôm nữa lên khám tiếp”.

Gần đây trước cổng một số bệnh viện, nhiều “cò” còn bán cả sổ khám chữa bệnh với giá từ 10.000 - 30.000 đồng/sổ. Nhiều người lần đầu đến bệnh viện khám bệnh không biết nên đã mua những sổ này, đến lúc nộp sổ đăng ký khám thì mới biết đó là giả, lại phải mua sổ khám bệnh mới của bệnh viện. Phần lớn người đến khám bệnh đều không rành thủ tục khám, điều trị nên dễ bị “cò” hù dọa, dụ dỗ lừa tiền. Với cách mời người bệnh đi khám “dịch vụ”, không ít người đã bị cò lừa mất tiền mà chẳng được khám. Chị Nguyễn Hồng Nhung (công nhân, ngụ quận Gò Vấp) kể: “Hôm trước tôi đến Bệnh viện Mắt để khám, vừa đến thì có một người đàn ông ra nói là hết số rồi. Tôi tưởng thật nên đồng ý và đưa cho ông ta 100.000 đồng để hẹn 5 phút sau đưa tôi vào khám. Thế nhưng tôi chờ mãi chẳng thấy mới biết mình bị lừa”.

Để lừa bệnh nhân, “cò” thường hoạt động theo nhóm. Nhiều trường hợp “cò” còn len lỏi vào chỗ đông người để dàn cảnh móc túi. Nếu bị phát hiện, cò sẵn sàng lật lọng, đe dọa, thậm chí hành hung người khám bệnh. Tình trạng “cò” lộng hành tại cổng các bệnh viện đã có từ rất lâu, nhưng đến nay vẫn chưa có biện pháp giải quyết triệt để. Đề nghị các ngành y tế phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng ra tay dẹp nạn “cò” trước cổng bệnh viện.
Theo CA
 
×
Quay lại
Top