Chống biến đổi khí hậu toàn cầu: Thêm một nỗ lực có ý nghĩa

Newsun

Believe in Good
Thành viên thân thiết
Tham gia
11/11/2008
Bài viết
9.439
Cuộc thảo luận thể hiện phần nào thiện chí và trách nhiệm của các nước có lượng lớn khí thải gây hiệu ứng nhà kính trong cuộc đấu tranh chống biến đổi khí hậu.

22-10-khi-thai.jpg


Cuộc thảo luận không chính thức giữa đại diện các nền kinh tế chiếm lượng khí thải lớn nhất thế giới, nhằm thống nhất lập trường chung về chống biến đổi khí hậu vừa diễn ra trong hai ngày 18 và 19/10 tại London. Tuy nhiên, cuộc thảo luận đã không giúp mang lại cái nhìn sáng sủa hơn về triển vọng đạt được một thoả thuận toàn cầu thay thế Nghị định thư Kyoto đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu. Có chăng cũng chỉ ghi dấu thêm một nỗ lực có ý nghĩa đúng dịp 50 ngày trước Hội nghị Khí hậu của Liên Hợp Quốc tại Copenhagen vào trung tuần tháng 12 tới.

Dù là một phiên thảo luận không chính thức, nhưng việc Anh và Mỹ đồng chủ trì một cuộc gặp giữa các nền kinh tế lớn với các quốc gia đang phát triển nhằm hóa giải những bất đồng đang đe dọa Hội nghị Copenhagen có ý nghĩa đặc biệt và đáng hoan nghênh. Sự kiện này thể hiện phần nào thiện chí và trách nhiệm của các nước có lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính nhiều nhất thế giới trong cuộc đấu tranh chống biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, khi quỹ thời gian đi tới Copenhagen ngày một ngắn lại, thiện chí không thôi là chưa đủ. Thế giới đang rất cần những cam kết cụ thể, những nhượng bộ thực sự về lợi ích riêng vì mục đích chung của toàn nhân loại.

Phát biểu tại cuộc thảo luận, Thủ tướng Anh Gordon Brown nhấn mạnh, không có kế hoạch B cho trường hợp thất bại tại Copenhagen: “Nếu chúng ta không thể đạt được thoả thuận, chúng ta sẽ phải trả một cái giá rất lớn. Nếu chúng ta hành động từ bây giờ, hành động tập thể, hành động vì một mục đích chung, khả năng đạt được thoả thuận tại Copenhagen là có thể. Một khi đã để xảy ra thảm họa do gia tăng thải khí độc hại không kiểm soát được, không có bất cứ một thỏa thuận toàn cầu nào sau đó có thể cứu chữa được”.

Có thể khẳng định, thế giới đã hoàn toàn nhất trí về yêu cầu cần thúc đẩy cuộc đấu tranh chống biến đổi khí hậu, để tránh những hậu quả - mà như Thủ tướng Anh Gordon Brown cảnh báo là có thể “nặng nề bằng cả hai cuộc chiến tranh thế giới và cuộc Đại suy thoái cộng lại”. Tuy nhiên, sự nhất trí ấy phần nhiều đạt được sau khi mọi nơi trên thế giới đều phải trải nghiệm những thảm hoạ thiên nhiên kinh hoàng chưa từng có, chứ không phải nhờ sự thương thuyết hay chính sách giữa các nước.
Thế nhưng, từ nhận thức đi tới hành động là cả một chặng đường dài khó khăn. Các nước lớn- vốn là thủ phạm chính- cuối cùng đã chấp nhận sẽ giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính và tăng hỗ trợ cho các nước nghèo- những nạn nhân khốn khổ nhất của tình trạng biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, ngay đến cuộc thảo luận lần này, điều người ta trông đợi ở các nền kinh tế lớn là những tuyên bố cụ thể sẽ cắt giảm bao nhiêu, hỗ trợ các nước nghèo ra sao... vẫn chẳng thấy đâu.

Tại cuộc thảo luận, Đặc phái viên của Mỹ về biến đổi khí hậu Todd Stem vẫn lạc quan về Hội nghị Copenhagen sắp tới: “Khả năng đạt được thoả thuận chung tại Copenhagen là có thể. Nhưng chắc chắn các cuộc thương lượng sẽ rất khó khăn”
Tuy nhiên, ngay chuyện Tổng thống Mỹ Barack Obama – nhân vật được chờ đợi nhất- có tham dự hội nghị tại Copenhagen sắp tới hay không, đến giờ vẫn chưa được Washington đưa ra quyết định. Như thế, thử hỏi tại sao dư luận có thể tin tưởng là những tuyên bố của ông Obama rằng “nước Mỹ sẽ đi đầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu” là nghiêm túc?
Cũng theo ông John Prescot, cựu Phó Thủ tướng Anh hiện là quan chức phụ trách báo cáo về Nghị định thư Kyoto của Uỷ ban Châu Âu, Mỹ và Trung Quốc- hai nền kinh tế chiếm lượng khí thải lớn nhất thế giới- vẫn đóng vai trò chủ chốt trong các cuộc thương lượng về khí hậu và cần chờ đợi chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Mỹ Obama vào tháng 11 tới.

Tuy nhiên, theo ông Prescot, dù một thoả thuận mới ra đời thành công tại Copenhagen, thì đó vẫn sẽ chỉ là sự khởi đầu: “Tôi cho rằng cuối cùng, tại Copenhagen, các nhà lãnh đạo các nước có thể đạt được một thoả thuận mang tính chính trị cho vấn đề biến đổi khí hậu. Thế nhưng, đó vẫn sẽ chỉ là sự khởi đầu, quan trọng là sau đó, các nước sẽ thực hiện thoả thuận đó ra sao. Đây mới là vấn đề thực chất, bởi hãy nhớ rằng dù chúng ta có Nghị định thư Kyoto, thế nhưng đến nay, vẫn chỉ có 4 trong 15 thành viên cũ của Liên minh Châu Âu thực hiện đúng các mục tiêu mà Nghị định thư này đặt ra. Hứa hẹn và cam kết vẫn chỉ là vô ích nếu không thực hiện vì lợi ích thực sự và lâu dài của toàn thế giới!”.
 
Hiệu chỉnh:
×
Quay lại
Top Bottom