Câu chuyện Tế Công: “điều gì không của bạn thì sẽ không thuộc về bạn”

Loverise

Tập phũ phàng
Thành viên thân thiết
Tham gia
22/12/2014
Bài viết
4.706
te-cong-dai-dien.jpg

Rất nhiều người cho rằng tiền tài trong đời này là đến từ sự phấn đấu, nỗ lực cá nhân hay may mắn nào đó trong đời này, họ không tin vào vận mệnh con người, không tin rằng sự sướng khổ của đời người là do nghiệp lực lớn nhỏ và quan hệ nhân duyên của người ấy quyết định.

Có bao giờ bạn đặt câu hỏi rằng con người ta sinh ra vì sao có nam có nữ, vì sao có người vừa sinh ra đã bị bệnh nan y nào đó, có người thì khỏe mạnh sống lâu, có người dẫu chăm chỉ thế nào cũng vẫn nghèo đói, còn có người không phải vất vả mấy nhưng lại có nhiều của cải dù rằng họ không phải cực kỳ xuất chúng. Vậy nên trên cõi đời này, sẽ có những thứ dẫu bạn cố gắng đến mấy để đoạt được nó nhưng bằng cách gì bạn cũng không thể có được. Dưới đây là một câu chuyện nhỏ liên quan đến hòa thượng Tế Công, một người nổi tiếng thời triều đại Nam Tống tại Trung Quốc, ông đã giảng về đạo lý “điều gì không của bạn thì sẽ không thuộc về bạn”.

Chuyện kể rằng một ngày kia, hòa thượng Tế Công bán đồ y phục của ông được 150 xâu tiền, ông đứng trước của tiệm bán đồ và nói: “Ai đến mang giúp tôi số tiền này?”. Một người có dáng vẻ hảo hán liền bước tới và nói: “Hòa thượng, để tôi mang giúp ông”. Tế Công đáp: “Tôi thấy tâm ông xấu lắm, không để ông mang”. Sau đó ông quay sang phía mấy người nghèo, ông đưa cho họ người thì ba xâu, người thì hai xâu, phân phát một lúc, cuối cùng còn lại năm xâu tiền. Tế Công lại nói: “Anh hảo hán kia đến mang giúp tôi số tiền này đi”. Người đàn ông đó vội lao đến giật luôn 5 xâu tiền còn lại và chạy mất, Tế Công không đuổi theo. Những người đã cầm tiền của ông hỏi: “Hòa thượng, giờ mang tiền này đi đâu đây?”, Tế Công đáp: “Tùy các ông các bà thôi”. Họ nghe vậy liền tản đi.

Sau đó, Tế Công đi đến một ngõ hẻm và dừng chân ở đó. Anh hảo hán kia cầm năm xâu tiền chạy qua 17 ngõ, cuối cùng lại gặp Tế Công tại hẻm đó. Tế Công nói: “Được lắm! Ngươi không may rồi, ngươi phải đứng đó một lúc, ta mới cho ngươi tiền; còn nếu ngươi muốn cầm tiền của ta chạy, thì không được đâu. Mệnh của ngươi chỉ có 500 đồng thôi, nếu ngươi cố tình lấy năm xâu tiền của ta, ta sẽ bắt ngươi tới kiện ở huyện Tiền Đường”. Anh hảo hán kia nghe xong vẫn cố tình quay đi chạy trốn tiếp. Tế Công hét to: “Đuổi theo”, người hảo hán kia hoảng quá, rẽ vội vào ngõ bên cạnh, không may va ngay phải một người bán dạo đồ gốm, làm vỡ 17 cái bát và 2 cái đĩa. Anh hảo hán này không còn cách nào, đành đền cho người bán gốm dạo 4 xâu rưỡi tiền, vậy là anh chỉ còn lại nửa xâu, tức 500 đồng. Kết quả đúng như Tế Công đã nói trước với anh ta, rằng tâm anh ta rất xấu, anh ta chỉ có thể có được 500 đồng.

Câu chuyện nhỏ này cho thấy có thể tiền đang ở ngay trước mặt bạn, nhưng nếu số mệnh của bạn không có nó, dù bạn có cố gắng giữ nó trong tay, nhưng rồi số tiền đó sẽ đội nón ra đi. Câu chuyện này là một trong những chuyện được ghi lại trong tập “Tế Công truyền kỳ”. Theo sử sách ghi chép lại, Hòa thượng Tế Công sinh năm 1130, mất năm 1207, ông sinh ra trong một gia đình rất khá giả vào thời kỳ đầu triều đại Nam Tống. Sau khi cha mẹ ông qua đời năm ông 18 tuổi, ông xuất gia và đến tu tại chùa Linh Ẩn thuộc thành phố Hàng Châu, với pháp danh Đạo Tế, có nghĩa là “cứu tế dân chúng, giúp người đắc Đạo.” Ông giúp đỡ những kẻ khốn cùng, trợ giúp người đang hoạn nạn và đã từng cứu mạng người. Người đời gọi ông là Tế Công hoặc “Tế Hòa Thượng”, có rất nhiều giai thoại về những kỳ tích của ông. Một trong những câu chuyện nổi tiếng về khả năng đặc biệt của ông, tương truyền rằng Tế Công có bản sự rất lớn, một mình ông chuyển gỗ từ núi Nga Mi hay lấy gỗ từ một cái giếng lên. Chiếc giếng này về sau được người đời xây một đình ngay cạnh giếng để tưởng niệm Hòa thượng Tế Công.

Một câu chuyện khác về sự giúp đỡ của Tế Công đối với những con người có tấm lòng nhân hậu còn để lại dấu ấn đến tân ngày nay tại Hàng Châu, Trung Quốc. Chuyện kể rằng xưa có một con đường không tên ở Hàng Châu, nơi có rất nhiều người nghèo sinh sống, trong đó có một cặp vợ chồng già mở một cửa hàng nhỏ bán quạt mo, quạt giấy nhưng việc bán quạt này không được thuận lợi nên cuộc sống của họ khá nghèo khổ. Một ngày nọ, hòa thượng Tế Công trong bộ đồ rách rưới bước đến và nhờ đôi vợ chồng già sửa chiếc quạt mo của ông. Người chồng nhìn chiếc quạt mo rách nát và và nói với giọng thương cảm: “Rách thế này thì làm sao mà sửa được đây”, nói xong ngẩng đầu lên đã không thấy hòa thượng Tế Công đâu nữa. Mặc dù cặp vợ chồng già này rất nghèo, nhưng họ thấy mủi lòng vì vị hòa thượng này còn nghèo hơn họ, thay vì sửa chiếc quạt mo cũ, họ đã thay cho ông một chiếc quạt mới. Sau đó, hòa thượng Tế Công quay lại, vợ chồng già đưa cho ông chiếc quạt đó, không nói rằng đó là chiếc quạt mới, chỉ bảo là họ đã sửa xong quạt. Tế Công gửi lại tiền sửa quạt nhìn xung quanh, nói vài câu gì đó với cái cửa và mỉm cười rời đi.

Sau đó cặp vợ chồng già nhận ra có một cặp câu đối xuất hiện trên cánh cửa của họ, viết rằng: “Nghề quý có từ sự chăm chỉ và tấm lòng bao dung” và “Quạt đẹp đem lại sự thịnh vượng và phúc đức cho đời.” Câu chuyện nhanh chóng được lan truyền khiến nhiều người đến viếng thăm cửa hàng hơn. Nhờ đó, việc kinh doanh của cặp vợ chồng già cũng được thuận lợi và họ không còn phải lo lắng về vấn đề lương thực nữa. Từ đó con đường không tên này được đặt tên là “Đường Quạt.”

Với những khả năng đặc biệt của bản thân và lối sống khác biệt, Hòa thượng Tế Công trở nên nổi tiếng, cho dù có những giai thoại được coi như lạ kỳ như dù ông là Hòa thượng nhưng đôi lúc vẫn ăn thịt, ông được ghi nhận nhiều nhờ tấm lòng nhân hậu với những người gặp khó khăn và những công năng đặc dị mà người đời không giải thích được.

Theo Chánh Kiến
Nhật Hạ tổng hợp
 
×
Quay lại
Top Bottom