CareerBuilder Vietnam - WFH, biến không thể thành có thể

nguyen6495

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
31/7/2018
Bài viết
407
Được làm việc tại nhà - môi trường thoải mái, dễ liên tưởng đến việc ăn và ngủ; Nhưng thực tế, bạn rất dễ kiệt sức khi WFH. Những người làm việc tại nhà thường miệt mài đến quên thời gian do ít phải đi lại, và tự do trong công việc hơn. Vậy, làm thế nào để bạn tối ưu hóa năng suất mà vẫn đảm bảo sức khỏe?

Khi ranh giới giữa công việc và đời sống gia đình trở nên mờ nhạt, một trong những thách thức lớn nhất là đảm bảo không gian riêng tư, đặc biệt là khi bạn sống trong gia đình nhiều thế hệ hoặc nhà quá nhỏ. Ngoài ra, khi không có đồng nghiệp í ới gọi đi ăn trưa, bạn có thể mất khái niệm về thời gian, làm việc quên ăn quên ngủ. Rồi trường học đóng cửa, bạn vừa phải hoàn thành công việc của mình, vừa chăm sóc dạy dỗ con cái.

Đại dịch COVID-19 vẫn đang tiếp diễn và chưa thấy hồi kết, WFH có thể còn kéo dài. Vậy làm thế nào để trở thành “người chơi hệ WFH” chuyên nghiệp? Hãy tham khảo 6 bí quyết dưới đây.
“Người chơi hệ WFH” chuyên nghiệp

“Người chơi hệ WFH” chuyên nghiệp

1. Lên lịch trình sinh hoạt

Lịch trình sinh hoạt tốt sẽ giúp bạn kiểm soát tốt thời gian, đảm bảo hiệu quả công việc nhưng vẫn chăm sóc được cho bản thân, gia đình.

Bước đầu tiên là lên lịch làm việc dựa trên yêu cầu của công ty. Ví dụ, một số công ty yêu cầu nhân viên WFH từ 8h đến 17h, công ty khác chỉ cần đảm bảo hiệu quả công việc, thời gian linh động.

Tiếp theo, hãy xem xét hoàn cảnh gia đình của bạn: lịch học online của con, lịch làm việc của vợ/chồng, ông bà có giúp đỡ được không…

Sau khi liệt kê việc cần làm trong ngày và yếu tố liên quan, hãy lên lịch trình sinh hoạt tối ưu nhất cho phép bạn vừa chăm sóc gia đình, vừa đảm bảo công việc.

Nếu bạn là người làm việc hiệu quả vào buổi sáng, có lẽ ngày làm việc của bạn nên bắt đầu lúc 5-6 giờ sáng. Khi đó, bạn có vài tiếng để làm việc trước khi các thành viên trong gia đình thức dậy. Ngược lại, nếu bạn là cú đêm, hãy tranh thủ buổi tối yên tĩnh để làm những việc không quá gấp hoặc không cần sự phối hợp đồng thời với đồng nghiệp…

Khi bạn đã quen với lịch trình sinh hoạt mới, hãy bám theo nó mỗi ngày. Tuy nhiên, hãy sẵn sàng thay đổi linh hoạt khi cần thiết, ví dụ như khi con ốm, khi có cuộc họp đột xuất... Điều quan trọng là luôn lên kế hoạch trước.

2. Đảm bảo không gian riêng tư
Chìa khóa vàng để WFH thành công là đảm bảo sự riêng tư. Đầu tiên, bạn cần chọn không gian làm việc riêng biệt và thoải mái. Đó có thể là phòng ngủ, phòng ăn, phòng khách… miễn sao bạn có tất cả thiết bị cần thiết và sự yên tĩnh để tập trung.

Thứ hai, bạn cũng nên thông báo với các thành viên trong gia đình về thời gian làm việc. Không có nghĩa là mọi người không được làm phiền bạn tuyệt đối từ 8 giờ sáng đến 6 giờ tối, nhưng bạn vẫn cần những lúc tập trung mà không bị gián đoạn.

3. Áp dụng phương pháp nâng cao năng suất

Nếu bạn thấy mình dành cả buổi sáng để đọc email mà không hoàn thành được việc nào ra hồn, đã đến lúc áp dụng một số phương pháp ‘nhỏ nhưng có võ’ để tối ưu hóa năng suất.

Ví dụ:
- Lên to do list chi tiết: Vào cuối ngày, hãy viết danh sách việc cần làm cho ngày hôm sau. Viết công việc quan trọng nhất lên trên, thậm chí, dán giấy nhớ về đầu việc này vào nơi dễ nhìn thấy nhất.
- Tập trung vào nhiệm vụ quan trọng nhất: Hãy hoàn thành đầu việc đó trước. Nếu không thể hoàn thành nhiều việc thì chí ít, hôm đó bạn đã xử lý xong hạng mục ưu tiên cao nhất. Nếu ai đó thực sự cần bạn, họ sẽ liên hệ, vì vậy đừng quá lo lắng về những email tồn đọng.
- Sắp xếp email cá nhân: Sử dụng Categories, Filter và Label để phân loại Hộp thư đến... Email quảng cáo hoặc tin báo từ mạng xã hội không bao giờ được làm lộn xộn email chính của bạn. Mặc dù có thể mất thời gian để thiết lập hệ thống phân loại, nhưng nó chắc chắn rất hữu ích và tiết kiệm cho bạn rất nhiều thời gian sau này.

4. Chăm sóc bản thân

Với vô số việc nhà và việc công ty, bạn có thể rơi vào tình trạng ‘đầu tắt mặt tối’, ăn ngủ thất thường… Nhưng đừng quên sức khỏe rất quan trọng. Bạn không thể tối ưu hóa năng suất nếu cảm thấy không khỏe.

Cho dù bận rộn tới đâu, đừng quên ăn đủ bữa, ngủ đúng giờ và lên lịch tập thể dục mỗi ngày. Nghỉ ngơi cũng quan trọng không kém, giúp giảm stress, tái tạo năng lượng. Vì thế, mỗi ngày hãy dành cho bản thân vài phút hít thở sâu, xem phim, nghe nhạc hoặc làm bất kỳ điều gì khiến bạn thư thái.
Hãy làm bất kỳ điều gì khiến bạn thư thái

Hãy làm bất kỳ điều gì khiến bạn thư thái

5. ‘Tám’ với đồng nghiệp

Theo nghiên cứu của công ty tư vấn nhân sự Mercer về cách doanh nghiệp thích ứng với COVID-19, gần 37% công ty cho biết nhân viên đang gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần do giãn cách xã hội và lo lắng về tài chính.

Nói chuyện thường xuyên với đồng nghiệp và duy trì việc tham gia team-building online hoặc các hoạt động văn hóa nội bộ khác sẽ giúp bạn vượt qua khoảng thời gian này dễ dàng hơn. Ví dụ, bạn có thể chia sẻ với đồng nghiệp về thú vui nho nhỏ của bạn trong thời gian giãn cách, những vấn đề bạn gặp phải khi WFH… ‘Tám chuyện’ kiểu này vừa tăng gắn kết, vừa giúp bạn giải quyết vấn đề. Nhiều cái đầu luôn tốt hơn một cái đầu phải không nào? Chí ít thì bạn cũng xả stress khi được người khác lắng nghe.

6. Cập nhật công nghệ

Nếu WFH là một trận chiến, thì thiết bị điện tử giống như vũ khí. Không có vũ khí tốt, bạn không thể chiến thắng. Do đó, hãy đảm bảo máy tính, điện thoại và các thiết bị điện tử khác hoạt động tốt và được cập nhật phiên bản mới nhất. Tìm hiểu thêm về mẹo sử dụng Zoom, Skype… hoặc bất kỳ công cụ trực tuyến nào mà trước đây bạn chưa biết. Sử dụng thành thạo các phần mềm này sẽ giúp bạn WFH tốt hơn, trơn tru hơn.

Đừng quên dự phòng rủi ro! Trong thời điểm giãn cách xã hội, không dễ gì tìm được cửa hàng sửa máy tính hay điện thoại. Vì thế, hãy lưu trữ bản sao dữ liệu và có phương án thay thế trong trường hợp thiết bị trục trặc.
CareerBuilder Vietnam​
 
×
Quay lại
Top Bottom