Cận tết, sinh viên chật vật giảm... tiền rau

heokool

Cà rốt, trứng hay hạt cà phê?
Thành viên thân thiết
Tham gia
22/9/2011
Bài viết
14.934
Còn gần nửa tháng nữa đến Tết Quý Tỵ, giá cả rục rịch leo thang, sinh viên lại chật vật đối mặt với giá phòng, điện, nước tăng cao. Và khi đó, tự các bạn phải nghĩ ra những biện pháp tối ưu để giảm thiểu các chi tiêu liên quan đến tài chính.

Quận Cầu Giấy, Hà Nội, nơi có rất nhiều trường ĐH, CĐ như: Học viện báo chí và tuyên truyền, Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Thương mại, Cao đẳng Thương mại và du lịch… cũng là nơi tập trung đông đảo sinh viên cư trú. Điểm “nóng” về phòng trọ cũng thế mà có cơ hội gia tăng. Bao nhiêu nỗi lo về kinh tế, các chủ thuê lại “giáng” lên đầu sinh viên với giá điện nước tăng lên đột ngột. Và khi đó sinh viên phải tìm mọi cách tự "cứu" mình.

Tăng “xin”


Thời điểm những ngày giáp Tết, có một số chủ nhà trọ đã thông báo tăng giá điện, nước và qua Tết tăng giá phòng. Cô Hồng - chủ 20 phòng trọ ở Cầu Giấy thông báo cho các sinh viên thuê phòng: “Tháng này tiền nước sẽ tăng từ 80.000 đồng lên 100.000 đồng/người, qua Tết sẽ tăng tiền phòng nữa”. Nghe xong, nhiều bạn không khỏi lo lắng.

“Mình phải tìm phòng chuyển thôi chứ cứ ở thế này thì không biết sẽ “đốt” bao nhiêu tiền vào đây nữa. Tiền phòng những 1.500.000 đồng/tháng trong khi chỉ vẻn vẹn 9m2 đã là quá đắt rồi. Thế mà chủ nhà còn tăng tiền nước nữa” – Phạm Thi Thúy Mùi, sinh viên năm 4, Học viện Báo chí và tuyên truyền bức xúc. Mẹ là giáo viên dạy tiểu học, bố đã nghỉ hưu mà tiền nuôi Mùi và đứa em trai đang học lớp 12 cũng đều từ đồng lương ít ỏi của mẹ. Nghĩ tới việc mỗi tháng phải xin gia đình 2 triệu đồng để trang trải cuộc sống nơi thành phố, Mùi không khỏi xót xa.

Sau những lần giá tiền điện nước tăng như vậy, các bạn sinh viên lại gọi điện về cho gia đình trợ cấp tài chính. Nguyễn Thị Hằng, sinh viên năm 4, Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ: "Trước kia mình chỉ xin bố mẹ 1.500.000 đồng/tháng nhưng do tiền phòng trọ tăng nên tháng này mình phải xin thêm lên thành 2 triệu đồng/tháng". Bố mẹ Hằng chỉ làm nghề đánh bắt cá ở Thanh Hóa, ngày tháng lênh đênh trên biển, tiền kiếm ra cũng chỉ đủ chi tiêu trong gia đình. Để nuôi Hằng và và đứa em trai đều đang học ở Hà Nội thì gia đình phải vay vốn ngân hàng mới có tiền gửi ra cho con học.

vn1-737827-6993.jpg
Vũ Đình Quân phải xin thêm tiền trợ cấp hàng tháng từ gia đình
Cũng như Hằng, Vũ Đình Quân, sinh viên năm 4, Đại học Giao thông vận tải đã xin gia đình thêm 200.000 đồng mỗi tháng. Quân chia sẻ: “Bố mẹ cũng chỉ làm công nhân trong miền Nam, và còn phải nuôi cả em gái đang học đại học trong đó nữa. Mỗi tháng hai anh em đã bòn rút từ bố mẹ gần 4.000.000 đồng. Do tiền lương không đủ, bố mẹ mình cũng phải đi vay vốn ngân hàng”.

Nhiều bạn sinh viên khác thì tìm thêm người ở ghép. Phòng chỉ 12m2 nhưng 4, 5 người trọ cùng, cho dù có bất tiện đến việc học tập, sinh hoạt nhưng vẫn chấp nhận. Hay nhiều bạn cũng đã chủ động đi tìm một phòng trọ vừa tầm mới mong các khoản chi hàng tháng không phình ra, trong khi tiền chu cấp của bố mẹ ở quê thì vẫn thế.

Giảm “mua”

Những ngày giáp Tết, giá cả tăng cao nhất là các mặt hàng rau, củ, quả. Sinh viên thường hay nói đùa “Có thực mới vực được cái đầu”, ăn uống đầy đủ mới có sức học tập. Nhưng hiện nay, các bạn phải cắt giảm hết chi tiêu.

Giá cả tăng nhanh kinh khủng. Mới 2 hôm trước thôi, em mua có 15.000 đồng/kg đỗ thế mà hôm nay đã lên tới 19.000 đồng/kg, cả trứng và cà chua cũng tăng giá. Em phải mua ít rau hơn mọi khi” – Lê Thanh Huyền, sinh viên năm 3, Đại học quốc gia Hà Nội cho biết. Bố mẹ Huyền quanh năm vất vả với nghề làm ruộng nên mọi chi tiêu đều trông chờ khi đến vụ thu hoạch mới có đồng ra đồng vào. Mỗi tháng gửi ra cho Huyền 1.500.000 đồng cũng phải đi vay hàng xóm.

vn-737827-9258.jpg
Lê Thanh Huyền chật vật với quyết định giảm tiền mua rau mỗi ngày.

Nguyễn Thị Ngoan, sinh viên năm 4, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ: “Mỗi hôm đi chợ mình chỉ hết 30.000 đồng, thế mà hôm nay mua hết những 50.000 đồng. Chắc là mua một thùng mì tôm về dự trữ thôi”. Nhắc đến mỳ tôm là người ta lại nghĩ ngay đến sinh viên là như vậy. Hết tiền, giá cả tăng cao, các sinh viên chọn ăn mỳ tôm cho qua ngày. Nghĩ tới bố mẹ làm việc vất vả ở quê, quanh năm bám lấy đồng ruộng nên Ngoan cũng tính toán chi tiêu thế nào cho hợp lý.

Đa số sinh viên lên Hà Nội học tập chủ yếu là những người ngoại tỉnh nên rất nhiều bạn sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Không phải gia đình nào cũng có tiền trợ cấp hàng tháng cho con cái. Mỗi đồng gửi ra cho con học là những giọt mồ hôi rớt xuống, đôi bàn tay làm việc hết sức lực. Theo nhiều bạn sinh viên, các chủ nhà trọ nên đặt vào hoàn cảnh của bố mẹ nghèo nuôi con ăn học mà đưa ra những quyết định về giá phòng, điện nước cho hợp lý; các cơ quan chức năng cùng chính quyền địa phương cần tiến hành kiểm tra sát sao hơn về việc kinh doanh nhà trọ.
Theo GDVN
 
Vật giá ngày càng leo thang, dẫn đến đời sống người dân ngày càng chật vật, cận Tết rồi mà không thấy không khí Tết như mọi năm, ai ai cũng thắt chặt chi tiêu, ... rồi bần cùng sinh đạo tặc ... ôi xã hội ...
 
×
Quay lại
Top Bottom