Bùng phát lừa đảo nạp thẻ game, thẻ điện thoại

gaconueh2005

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
3/3/2013
Bài viết
4.056
Chỉ trong vòng một tháng, từ ngày 25-7 đến 25-8, có đến 782 khách hàng của Công ty cổ phần VNG gọi điện đến công ty tố cáo gần 60 website lừa đảo. Nhiều trường hợp giá trị tài sản bị lừa đảo qua mạng lên đến hàng chục triệu đồng.
Cuối tháng 8-2013, trong công văn báo cáo Quốc hội về công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án hình sự năm 2013, UBND TP.HCM nhận định: “Tình hình hoạt động của tội phạm công nghệ cao nổi lên thủ đoạn sử dụng công nghệ viễn thông để hoạt động lừa đảo với các phương thức khai thác sử dụng trái phép dữ liệu bí mật cá nhân, mạo danh lừa dối chuyển hướng thanh toán, thành lập trang web để bán hàng qua mạng với giá thấp hơn nhiều so với giá thực tế…”.

Trong khi đó, tại TP.HCM chỉ mới phát hiện, điều tra được 12 vụ, 18 đối tượng liên quan về tội phạm công nghệ cao, ra quyết định khởi tố 7 vụ, 12 bị can.

Có thể nói với sự kín đáo và ẩn danh của thế giới ảo, lừa đảo qua mạng đang bùng phát mạnh mẽ, trong khi việc phát hiện, xử lý loại tội phạm này còn nhiều bất cập.

Dính bẫy
Bạn đọc Nguyễn Văn T. (ngụ ở Trà Vinh) phản ảnh với báo Tuổi Trẻ: “Ngày 31-7, tôi đang chơi game trên Zing Me (một trang trò chơi của VNG) thì nhận được 1 tin nhắn với nội dung "Xin chúc mừng tài khoản của bạn lọt vào top 3 tài khoản nhận được quà may mắn trong sự kiện tháng 5. Click vào link XYZ". Tôi click vào thì thấy hiện lên trang có nội dung chúc mừng và yêu cầu nạp thẻ để tiếp tục. Ban đầu họ bảo nạp thẻ mệnh giá 100.000đ. Sau đó, tôi được yêu cầu thanh toán phí vận chuyển với số tiền 850.000đ. Thanh toán xong, tôi được yêu cầu gọi đến số điện thoại khác để được tư vấn thủ tục hồ sơ nhận thưởng. Sau nhiều lần trao đổi qua lại, anh T. bị thuyết phục đi vay mượn bạn bè để đóng 3,5 triệu đồng bằng hình thức nạp thẻ. Đến khi được yêu cầu đóng thêm 7 triệu đồng nữa, anh T. sinh nghi, gọi điện đến tổng đài của Công ty VNG tại TP.HCM thì mới té ngửa khi biết VNG không có chương trình trao thưởng nào cả.

Khi chị Kim T., số điện thoại 016…765… gọi đến số tổng đài của Công ty VNG để báo về trường hợp mình bị lừa đảo, chị vẫn chưa hết bức xúc. Do không nhớ chính xác địa chỉ trang web của Công ty VNG, chị T. lên Google để tìm kiếm website nạp thẻ cho tài khoản Zing của mình. Chị T. đã vào nhầm một website lừa đảo. Đăng nhập tài khoản và nạp tiền ở đó, chị bị lừa lấy mất số thẻ cào trị giá 360.000 đồng.

Tương tự, chị Tạ Thị K. bị đối tượng dụ vào website giả mạo nhanthuong.hopqua24h.net. Ban đầu khách hàng bị yêu cầu nạp 100.000 đồng để mở tài khoản, sau đó yêu cầu nạp tiếp 1.500.000 đồng để làm hồ sơ nhận xe. Chị làm theo và mất 1,6 triệu đồng. Còn chị Nguyễn Bích H. bị dẫn dụ vào website hackgame.in và nạp thẻ vào đó mất 200.000 đồng; bạn Nguyễn Văn H. bị lừa mất 120.000 đồng khi bị dẫn dụ vào website hackxuvip.com và nạp thẻ ở đó.

Cám dỗ: mua 1 được 10
Chúng tôi đăng nhập vào Google và thực hiện thao tác tìm kiếm với các từ khóa “ha.ck thẻ”, “ha.ck thẻ điện thoại” và “ha.ck thẻ game”. Kết quả hiện ra hàng loạt website hướng dẫn cách để nạp một thẻ được gấp hai, ba, hoặc thậm chí được gấp 10 lần giá trị thẻ nạp ban đầu. Tại trang web hackthecao.blogspot.com, chúng tôi đọc được lời rao đầy hấp dẫn: “Giờ đây bạn sẽ không còn phải lo lắng vấn đề này nữa, tài khoản của bạn sẽ đầy ắp tiền, thoải mái chuyện trò chỉ bằng 1 phút thao tác. Tôi xin giới thiệu luôn tôi đang là chuyên viên kỹ thuật, đã từng nằm trong nhóm xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông cho các nhà mạng nên tôi hiểu hệ thống nhà mạng làm việc như thế nào và làm sao để có thể ha.ck vào hệ thống của họ. Tôi đã giúp tất cả mọi người thân, bạn bè tôi rồi, và giờ tôi muốn giúp thêm bạn nữa… ”.

Sau khi quảng cáo rất nhiều lời có cánh, trang web hướng dẫn: “Bên dưới là biểu mẫu, bạn chỉ cần nhập email của bạn, mã pin và mã seri thẻ cào của bạn. Chúng tôi sẽ kiểm tra mã này có hợp lệ hay không và gửi lại danh sách mã thẻ cào khác vào email của bạn sau khoảng 1-2 phút để bạn nạp tiền. Hệ thống chỉ nhận các thẻ điện thoại: Viettel, MobiFone, Vinaphone”.

Đúng theo chỉ dẫn, chúng tôi nhập vào đó seri của một thẻ nạp MobiFone mệnh giá 20.000đ và chờ đợi suốt một ngày không thấy email gửi lại để thẻ mình được nhân lên gấp 3 lần số tiền như quảng cáo, mặc dù chủ blog nói sẽ gửi email trả lời chỉ trong 1-2 phút!

Đủ mọi chiêu lừa đảo
Bà Đoàn Đỗ Ngọc Thi, trưởng phòng truyền thông Công ty cổ phần VNG, cho biết: Để thực hiện hành vi lừa đảo, các đối tượng liên hệ với khách hàng bằng nhiều cách: mạo danh nhân viên của công ty gọi điện thoại hay nhắn tin trực tiếp đến khách hàng để dẫn dụ vào một website lừa đảo, tại đó chúng có thể dẫn dụ khách hàng tham gia một chương trình khuyến mãi (không có thực) nào đó với phần thưởng cực lớn rồi yêu cầu khách hàng nạp thẻ với số lượng lớn và chiếm đoạt số thẻ này. Một cách khác là thông qua các công cụ chat trực tuyến, đối tượng lừa đảo gửi các link lừa đảo đến người dùng và dụ dỗ họ click vào đó.

Ngoài những cái bẫy nhắm đến các đối tượng đã “được” lựa chọn kỹ càng này, bọn lừa đảo còn giăng hàng loạt cái bẫy “giữa đường” khác theo kiểu phần mềm ha.ck thẻ, website hướng dẫn ha.ck thẻ hay các website có tên miền và giao diện gần giống với website của các công ty cung cấp dịch vụ, sản phẩm.

Hiện nay các đối tượng lừa đảo trực tuyến thường tập trung lừa đảo người dùng của các công ty điện thoại di động và các công ty cung cấp dịch vụ nội dung số trên mạng như Công ty FPT, VTC, VNG. Để đối phó với nạn lừa đảo online và hỗ trợ khách hàng của mình, hiện nay các công ty chủ yếu cũng chỉ có thể cảnh báo khách hàng và báo cáo tình trạng bị lừa đảo đến các cơ quan chức năng.

Các nhà mạng như MobiFone, các doanh nghiệp công nghệ thông tin lớn như VNG, FPT, VTC đều từng nhiều lần đưa ra cảnh báo cho khách hàng, tuy nhiên cứ cảnh báo website này, website khác lại mọc lên, cảnh báo thủ đoạn này, bọn lừa đảo lại có thủ đoạn mới, hoặc nhắm vào những người dùng mới. Với hơn 30 triệu người dùng Internet tại Việt Nam, việc chỉ các công ty đưa ra cảnh báo thật khó để ngăn chặn được nạn lừa đảo trực tuyến.

Ngoài ra, đối với các đối tượng lừa đảo, việc đăng ký và lập một website miễn phí có tên miền nước ngoài là rất đơn giản. Tên miền nước ngoài cũng giúp các đối tượng lừa đảo dễ trốn tránh việc điều tra của các cơ quan chức năng hơn, vì vậy những tên miền lừa đảo thường có đuôi .ws; .us hay thậm chí .com; .net. Ở những trường hợp bị lừa đảo kể trên, thông tin lừa đảo được đưa trên các mạng xã hội, trên các blog, mạng YouTube…

Cần luật hóa việc định lượng giá trị tài sản ảo
Luật sư Nguyễn Thế Truyền, Công ty luật hợp danh Thiên Thanh, cho biết: trước năm 2009, tội phạm sử dụng công nghệ cao thường ít bị khởi tố, truy tố hay xét xử là do hệ thống pháp luật về hình sự của chúng ta còn thiếu các quy định cụ thể cho loại tội phạm trên. Năm 2009, khi sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự, Quốc hội đã thống nhất và thông qua các điều 226 a và 226 b vào Bộ luật hình sự để trấn áp các loại tội phạm này. Cụ thể, người sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, tùy tính chất, mức độ, giá trị thiệt hại có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, bị phạt tù từ 1 năm đến chung thân. Người phạm tội còn có thể bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Như vậy, theo quy định tại điều luật này thì các rào cản liên quan đến số tiền tối thiểu; vấn đề đã bị xử phạt hành chính hay phải gây hậu quả nghiêm trọng đã được xóa bỏ, tạo ra một hành lang pháp lý thông thoáng cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử liên quan đến các loại tội phạm trên.

Tuy nhiên, việc xác định giá trị tài sản ảo thành những con số định lượng làm căn cứ để có thể khởi tố, truy tố hay xử lý theo quy định của pháp luật đang là vấn đề cần phải được luật hóa trong các văn bản pháp lý cụ thể.
Theo tuoitre.vn
 
×
Quay lại
Top Bottom