Báo Mỹ viết về cánh cửa hẹp vào đại học ở Việt Nam

Newsun

Believe in Good
Thành viên thân thiết
Tham gia
11/11/2008
Bài viết
9.439
Để tham dự kỳ thi quan trọng nhất trong đời, Lê Thị Hoài Thương cùng bố vượt hành trình 38 tiếng bằng xe khách sau khi gia đình bán một con bò lấy tiền lộ phí, tờ Washington Post kể.

t1.jpg

Một thí sinh dự thi kỳ thi đại học năm nay. Ảnh:
Hoàng Hà.

Bố của Thương, một nông dân, không muốn con gái mình cũng cắm mặt trên cánh đồng như ông. Để có tiền cho con đi thi, gia đình cô gái 18 tuổi này bán một con bò được gần 14 triệu đồng. Trong hành trình dài vào TP HCM, điều hòa trên xe hỏng và người bố phải dùng tờ báo quạt cho con gái.

Đặt chân đến thành phố, lần đầu tiên Thương nhìn thấy nơi cô vẫn mong mỏi được học và cũng thấy khó khăn mà những sĩ tử đầy háo hức như cô sẽ phải gặp phải.

Đầu tháng này, 1,9 triệu học sinh trung học dự các kỳ thi vào đại học và cao đẳng ở Việt Nam. Con số đó cho thấy tốc độ hiện đại hóa nhanh chóng và thế hệ trẻ ngày càng coi tấm bằng đại học là hành trang cần thiết vào đời.

Vấn đề là hệ thống giáo dục chưa phát triển kịp để đáp ứng đủ nhu cầu. Với gần 85 triệu dân, Việt Nam chỉ có khoảng 400 trường đại học và cao đẳng, trong khi Mỹ có 310 triệu dân và hơn 4.400 trường. Tỷ lệ sinh viên của Việt Nam chỉ bằng một nửa của Thái Lan và bằng một phần ba của Hàn Quốc.

Thậm chí các trường dưới trung bình của Việt Nam cũng có tỷ lệ chọn đầu vào cao tương đương những trường đại học danh tiếng của Mỹ.

Một báo cáo năm 2009 của chính phủ Việt Nam về giáo dục bậc cao cho rằng hệ thống này không bắt kịp được với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Theo World Bank, tỷ lệ giảng viên có bằng tiến sĩ của Việt Nam giảm trong thập kỷ qua. Các trường đại học có trung bình một giảng viên cho 30 sinh viên, tỷ lệ này là cao so với chuẩn quốc tế.

Sự cạnh tranh gay gắt để chen chân vào đại học cũng gây ra tình trạng quá tải ở những nơi đặt địa điểm thi. Những học sinh từ vùng nông thôn như Thương đổ đến thành phố. Hệ thống đường sắt Việt Nam giảm 10% giá vé cho các sĩ tử và một số khách sạn giảm giá cho các thí sinh.

Tuần trước, Thương đến một địa điểm thi tại quận 9 cùng với 700 thí sinh khác và làm ba bài thi, mỗi bài kéo dài ba tiếng. Thương coi đó là giây phút trọng đại của cô, và có thể cả con cái cô về sau.

Trong khi các sĩ tử làm bài, các ông bố bà mẹ đầy lo lắng chờ ở bên ngoài. Một ông bố còn cầm theo cả nắm thuốc phòng tình huống khẩn cấp, trong đó có thuốc tiêu hóa, dầu gió và cả bông băng. Một tiếng sau khi buổi thi bắt đầu, những người tình nguyện tại điểm thi đó thông báo một thí sinh ngất xỉu. Vài bà mẹ ngồi bàn tán chuyện báo chí đưa tin một nam sinh ở Quảng Ngãi tự tử vì sợ không làm được bài.

"Cháu không lo lắng lắm", Thương nói. "Nếu có tấm bằng đại học, cháu sẽ kiếm được công việc tốt, có sự nghiệp tốt hơn. Cháu chứng kiến bố mẹ và ông bà rồi, làm ruộng thực sự vất vả".

Các thế hệ trước trong gia đình Thương đều làm ruộng. Không một ai, kể cả hai anh chị của cô, học lên cao. Bố của Thương không bao giờ nghĩ con cái ông có thể vào đại học.

Hai anh chị của Thương, lớn hơn cô 14 và 16 tuổi, bỏ học từ lớp 9. Ông bố học hết lớp 8 và rồi đi bộ đội. Ông đặt chân đến TP HCM, khi đó là Sài Gòn, năm 1975 và đây là lần thứ hai ông đến thành phố này.

"Đất nước thay đổi nhanh quá. Ngày càng nhiều xe máy, nhiều người hơn và nhiều nhà cao tầng. Khi tôi ở đây năm 1975, tòa nhà cao nhất cũng chỉ 17 tầng", ông nói.

Cũng như Thương, nhiều thí sinh khác hy vọng kiếm được một chỗ trong trường Cao đẳng công nghiệp TP HCM. Tỷ lệ chọi phụ thuộc vào từng khoa. Năm ngoái, trường này chọn 7,1% số thí sinh vào khoa quản trị kinh doanh và 6,2% vào khoa tài chính ngân hàng. Trong khi đó, tỷ lệ đầu vào gắt gao nhất của Mỹ năm nay là Đại học Harvard: 6,9%.

Khoảng 70% các thí sinh đại học và cao đẳng Việt Nam tham gia các lò luyện thi. Nhiều giáo viên trung học mở các lớp ôn thi buổi tối tại nhà. Trong suốt năm cuối trung học, Thương đạp xe mỗi ngày 45 phút tới trường và ở lại thêm hai đến bốn tiếng sau mỗi buổi học để ôn tại lò luyện, rồi lại đạp xe về nhà.

Cô gái này cho biết cô làm bài thi tốt, Kết quả sẽ chỉ được công bố vào cuối tháng tới. Thương nói rằng nếu trượt, cô sẽ đi làm, kiếm một chút tiền và ôn thi để năm sau thi tiếp. "Cũng cần phải cố gắng và xem mình có thể tiến được đến đâu", cô nói.

Ít phút sau giờ thi, Thương gặp bố bên ngoài cổng trường. Hai bố con vội vã ra bến xe để bắt xe về Thanh Hóa. Hai chiếc vé mất gần 650.000 đồng. Bố Thương nói rằng ông sẽ "hơi buồn" nếu con gái đi học xa nhưng ông cũng sẽ rất tự hào. Nếu Thương đậu lần này, ông sẽ vay tiền và nuôi thêm nhiều lợn. "Con bé sẽ thoát phận làm ruộng", ông nói.
Ngọc Sơn (lược dịch từ Washington Post)
VnExpress
 
×
Quay lại
Top Bottom