Bao giờ có bình đẳng giới

sau doi

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
17/3/2012
Bài viết
101
Bài 1: Nhào nặn trẻ từ trong nôi vào hai cái khuôn: đàn ông - đàn bà
Cho đến hôm nay, dù ai trong chúng ta cũng có thể cho rằng công bằng cơ hội là tất yếu, nhưng đồng thời vẫn lại có những hành động đi ngược lại niềm tin của chính mình. Những phụ nữ thành đạt thường được "khen" một cách hồn nhiên chân thành: "Là con gái mà giỏi nhỉ. Tôi con trai mà cũng chả làm được thế". Chả ai có tý băn khoăn nào về sự phân biệt kỳ thị giới rõ mồn một trong lời "khen" ấy. Nó mặc định con gái là kém cỏi. Nó mặc định đàn ông đương nhiên là hơn đàn bà.
Thái độ trịch thượng ấy nhen nhóm từ khi một đứa trẻ sinh ra. Giới tính của em bé quyết định cái tên mà cha mẹ đặt theo đi suốt đời người. Tuy nhiên, nghiên cứu chỉ ra rằng những bé gái có cái tên hơi nam tính một chút sẽ học toán và thể thao giỏi hơn các bạn nữ cùng lớp. Đó là vì giáo viên mặc định một cách vô thức rằng con trai giỏi các môn tự nhiên hơn nên đã (vô thức) tạo ra nhiều cơ hội cho nam sinh phát biểu hơn, khen tặng khuyến khích thường xuyên hơn, thậm chí dù không giơ tay cũng được chú ý và gọi nêu ý kiến nhiều hơn.
Tương tự, các nam sinh phải chịu thiệt thòi ở rất nhiều mảng kiến thức như văn học, ngôn ngữ, nghệ thuật vì giáo viên mặc định rằng đó là thế mạnh của phái nữ. Khó có thể trách các giáo viên, vì chính bản thân họ cũng là sản phẩm của định kiến.
Đây là lý do mà những cái tên phi giới tính như Alex ngày càng trở nên phổ biến ở châu Âu. Thuỵ Điển thậm chí còn đi một bước xa hơn bằng cách tạo hẳn ra một từ mới trong ngôn ngữ của mình (hen), hoàn toàn phi giới tính để chỉ cả nam và nữ. Trong lớp học, các giáo viên hoàn toàn không dùng từ "trai" "gái" mà dùng từ mới "hen" để tự giác xoá bỏ định kiến giới tính của mình một cách chủ động.
Một cách vừa ý thức vừa vô thức, chúng ta đã góp phần nhào nặn trẻ con và ép chúng vào hai cái khuôn: đàn ông - đàn bà, theo cách mà chúng ta và xã hội mong đợi ở đàn ông và đàn bà, chứ không phải theo bản sắc cá nhân, niềm đam mê, hay tài năng của chính đứa trẻ đó.
Ngày đầu tiên lọt lòng mẹ, các bé trai và bé gái đã được nuôi dưỡng rất khác nhau, khởi đầu bằng những màu sắc quần áo khuôn sáo dành cho nam (xanh nước biển) và nữ (hồng). Việt Nam không có truyền thống phân loại màu như vậy, nhưng cách bố mẹ lựa chọn đồ chơi cho con mình thì khá giống các nước khác. Bước vào gian hàng trẻ con ở châu Âu, các bé gái được định vị với toàn màu hồng của búp bê, đồ nấu ăn, đồ nội trợ, hoặc ước mơ xa vời hơn thì làm y tá, làm cô giáo dạy trẻ con. Ngược lại, đồ chơi cho các bé trai có tính công nghệ, khuyến khích sáng tạo, thúc đẩy đầu óc phát triển, gợi ý những nghề nghiệp thành công như kiến trúc sư, cảnh sát, phi công, bác sĩ, hay những hình tượng anh hùng cứu rỗi thế giới như siêu nhân, robot thông minh.
Công ty đồ chơi Toy R Us thậm chí từng bị tổ chức các ông bố bà mẹ kiện vì đã góp phần tạo ra sự bất công giới tính cho con cái họ. Toy R Us sau đó đã dẫn đầu phong trào bình đẳng, thay đổi chiến thuật marketing nhằm vào sự phát triển tự nhiên của trẻ, cho ra thị trường một thế hệ catalogue không áp đặt định kiến giới, trong đó các bé trai cũng chơi đồ hàng, các bé gái cũng mặc đồ người nhện và siêu nhân, và tất cả các bé đều có thể chơi búp bê tuỳ ý thích.
Đồ chơi trẻ con không những định hướng thành công sự nghiệp của các bé trong tương lai mà còn định hướng tâm lý và tính cách của các bé. Như một vòng xoáy truyền đời, nạn nhân vô thức của một xã hội bất bình đẳng cơ hội sẽ tiếp tục dạy những cô bé phải biết nhỏ nhẹ, phải đi đứng ý tứ khép nép, phải im lặng nghe lời, phải biết phục dịch chăm sóc, phải biết lo lắng chở che. Với các bé trai, chúng ngã đau không được khóc (ôi, con trai mà khóc nhè xấu quá), muốn chơi búp bê thì bị chê cười, thậm chí nếu hiền lành quá cũng bị kêu ca là con trai mà sao không cứng cỏi. Chúng ta chê cười tụi con trai bằng cách ví von chúng là đồ con gái (chơi bóng gì mà như đàn bà thế), và quở mắng con gái bằng cách so sánh chúng với bọn con trai (làm gì mà hùng hục như đàn ông thế).
Những tình cảm, sở thích, bản sắc cá nhân bị nhào nặn, dồn nén, những đứa trẻ bị ép phải tự phân loại, bị kéo dạt ra hai đầu đối lập của giới tính, chỉ có đen và trắng.
Những tình cảm, sở thích, bản sắc cá nhân bị nhào nặn, dồn nén, những đứa trẻ bị ép phải tự phân loại, bị kéo dạt ra hai đầu đối lập của giới tính, chỉ có đen và trắng.
Trẻ con lớn lên cùng sách vở. Nhưng những câu chuyện và cuốn sách đến tay các em lại chính là những khuôn phép rào cản đầu tiên về bình đẳng cơ hội. Trong các câu chuyện cổ tích, những cô gái của phe thiện luôn luôn xinh đẹp, không xinh không phải là người tốt. Và quan trọng nhất là cô ta luôn cần hoặc chờ một hoàng tử đến để giải thoát cho cô ta khỏi cái chết, mụ phù thuỷ độc ác, lâu đài cấm cung, lời nguyền, hoặc giấc ngủ ngàn năm. Không có hoàng tử thì cuộc đời của cô ta dù xinh đẹp cũng chả có gì đáng chú ý.
Trong sách giáo khoa, nếu để ý soi thật kỹ bạn sẽ thấy định kiến giới lẩn sâu vào từng bức tranh minh hoạ, từng câu chuyện đạo đức, từng lời thoại ngôn ngữ. Tôi còn nhớ một bài học trong sách lớp 2 vẽ cảnh bé gái quét nhà và bé trai đọc sách cho ông bà nghe với chủ đề: em giúp đỡ gia đình.
Và hẳn nhiên, sự nuôi dạy của cha mẹ luôn là nhân tố quan trọng trong việc tạo ra một thành viên xã hội có tư tưởng giới cân bằng. Một cách vô thức, chúng ta giao việc nhà cho con gái nhiều hơn, xét nét con gái nhiều hơn, dạy dỗ con gái phải chăm ngoan, phải biết giúp đỡ, phải biết nín lặng, trong khi thả rông tụi con trai trong việc nội trợ và thường phẩy tay cho qua những cơn tam bành vì cho rằng hormon nam tính nó phải thế.
Chúng ta cũng bắt đầu đặt lên vai đứa trẻ những trọng trách xã hội nặng nề mang đầy tính phân biệt giới. Một người bạn trên facebook của tôi, khá nổi tiếng và uyên bác, nhưng có lần status của anh làm tôi băn khoăn mãi khi anh gửi cho cậu con trai còn đái dầm của mình một bức thư ngỏ chứa đựng đầy những mong đợi lớn lao của một người cha dành cho người đàn ông tương lai của gia đình: sự kiên trì với mục đích sống, sự khoan dung độ lượng của đấng quân tử, sự khao khát vươn tới những chân trời xa. Cuối thư, anh nhắc đến cô con gái 16 tuổi mà anh thương hơn chính bản thân mình với chút đùa giỡn: "Còn con gái của ba, con không phải lo gì hết. Muốn gì chỉ cần hỏi ba!"
Một cách vừa ý thức vừa vô thức, chúng ta đã góp phần nhào nặn trẻ con và ép chúng vào hai cái khuôn: đàn ông - đàn bà, theo cách mà chúng ta và xã hội mong đợi ở đàn ông và đàn bà, chứ không phải theo bản sắc cá nhân, niềm đam mê, hay tài năng của chính đứa trẻ đó. Đó là còn chưa nói đến những giới tính khác mà chúng ta vẫn còn chưa dám hoặc chưa thể thừa nhận.
 
×
Quay lại
Top Bottom