- Tham gia
- 20/7/2015
- Bài viết
- 1.309
Andrew Carnegie là một doanh nhân người Mỹ gốc Scotland, “cha đẻ” của ngành sản xuất thép và được ngưỡng mộ qua tấm lòng bác ái khi ông dành phần lớn gia sản của mình cho việc từ thiện.
Câu chuyện ngắn về cuộc đời của Carnegie
Sinh năm 1835, Carnegie vui hưởng tuổi thơ của mình trong sự che chở đùm bọc của một gia đình nhiều thế hệ. Cha của ông đưa cả gia đình đến Mỹ khi ông sắp lên mười tuổi, nhưng giọng nói và tình cảm dành cho quê hương Scotland không bao giờ phai tàn trong ông.
Carnegie từng làm nhân viên điện báo và đường sắt ở Pittsburgh, sau đó đi lên từ Công ty đường sắt Pennsylvania. Khi cuộc nội chiến tại Hoa Kỳ nổ ra, ông được yêu cầu phụ trách mảng đường sắt và điện báo của chính phủ, và ông đã đảm nhiệm công việc của mình một cách xuất sắc.
Ngoài khả năng to lớn trong công việc và cách đối nhân xử thế, Carnegie thành công do ông đã lựa chọn đúng con đường cho mình. Hệ thống đường sắt của nước Mỹ đang trong thời kỳ phát triển nhanh, và ông đã nắm bắt cơ hội khi thành lập Công ty thép Carnegie.
Sau khi bán công trình sản xuất thép lớn nhất cho J.P Morgan, ông trở thành người giàu nhất thế giới. Ông trải qua thời kỳ nghỉ hưu tại lâu đài Skibo ở Scotland, và qua đời ở Lenox, Massachusetts vào năm 1919.
Nguyện vọng khi sinh thời của ông là dành trên 100 triệu đô la xây các thư viện công cộng trên khắp nước Mỹ và Anh, cũng như dành nhiều quà tặng cho các trường đại học.
Người yêu chuộng hòa bình Carnegie rất buồn lòng bởi chiến tranh, vì thế ông cũng hỗ trợ tài chính cho các tổ chức hòa bình, ngăn chặn và nghiên cứu nguyên nhân của chiến tranh.
4 bài học từ người thành công
Dưới đây là 4 bài học từ người được xem là giàu nhất trong những người giàu nhất.
1. Bạn chỉ cần biết những gì cần phải biết
Hiểu được những điều cần phải biết cho công việc cũng quan trọng như hiểu những gì mà bạn không cần phải biết. Trong cuốn tự truyện của mình, Carnegie lưu ý rằng, “Tôi không hiểu máy móc chạy bằng hơi nước, nhưng tôi cố gắng hiểu một cơ chế còn phức tạp hơn nhiều, đó chính là con người”.
Là cựu sinh viên học về bản tính của con người, Carnegie nổi tiếng với sự hiểu biết làm thế nào để kết hợp các nguồn nhân lực cần thiết nhằm tạo ra các sản phẩm tuyệt vời.
Bằng việc khai thác và nhìn nhận tài năng của người khác, bạn có thể tham gia vào các cơ hội kinh doanh mà bạn chưa hẳn đã biết. Sự nghiệp của Carnegie là minh họa thuyết phục cho bài học về kỹ năng để thành công của doanh nhân, đó là cần xác định những gì họ cần biết về công việc của mình và những gì họ không cần phải biết.
2. Chỉ sản xuất những gì tốt nhất
Phần lớn thành công của Carnegie đến từ khả năng vượt qua những công việc khó khăn và cống hiến toàn bộ năng lượng cho công việc của mình.
Trong kinh doanh, điều đó có nghĩa là bạn phải đảm bảo rằng những sản phẩm hay dịch vụ bạn làm ra đều tuyệt vời, khách hàng hài lòng và nhân viên vui vẻ phục vụ hiệu quả. Việc này sẽ giúp doanh nghiệp đối phó với sự cạnh tranh cũng như giúp bạn mở rộng quy mô và khai thác các cơ hội. Khi bạn tự hào về công việc của mình, bạn sẽ càng làm việc hiệu quả hơn.
Carnegie luôn nỗ lực để tạo ra sự minh bạch trong quản lý của tất cả các nhà máy công nghiệp của ông. Ông giữ chúng thật trật tự, sạch sẽ và luôn chào đón thanh tra chính phủ.
3. Tập trung vào chỉ một thứ
“Tôi tin rằng con đường đúng để đạt được thành công xuất sắc ở bất kể ngành nào là trở thành người thông thạo trong ngành đó. Tôi không tin vào việc phung phí nguồn lực vào quá nhiều thứ. Và theo kinh nghiệm, tôi hiếm khi, nếu không nói là chưa bao giờ, gặp một người đàn ông thành công xuất sắc trong việc kiếm tiền mà lại quan tâm đến quá nhiều thứ. Còn đối với bản thân tôi, quyết định của tôi đã được đưa ra từ sớm. Tôi tập trung vào sản xuất thép và sẽ trở thành bậc thầy trong lĩnh vực này”, trích từ cuốn tiểu sử của Andrew Carnegie.
Nếu năng lượng của bạn bị phân tán, bạn sẽ khó có thể cạnh tranh với những người khác đang tập trung.
Bên cạnh đó, Carnegie còn gợi ý nơi mà bạn nên đầu tư: “Lời khuyên của tôi dành cho những thanh thiếu niên là không chỉ dành thời gian và quan tâm chỉ một việc, mà nên bỏ vốn của mình vào đó”.
4. Hãy thành thật quan tâm đến người khác
“Tôi tin rằng cách phòng ngừa tranh cãi tốt nhất là công nhận khả năng và dành sự quan tâm chân thành đến người khác cũng như vui mừng trong sự thành công của họ… Không có hành động tốt nào lại bị cho là vô ích. Ngay cả đến giờ này, tôi thỉnh thoảng gặp những người đàn ông mà tôi đã quên và họ nhắc lại những sự quan tâm nho nhỏ mà tôi đã dành cho họ”, Carnegie viết trong cuốn tự truyện của mình.
Ngoài việc xây dựng một tình bạn với các đối tác để thúc đẩy các mối quan hệ làm ăn, Carnegie cũng rất chú trọng trong các mối quan hệ với nhân viên của mình. Nhiều trong số các cuộc đình công của nhân viên đã được ông xoa dịu thông qua các buổi gặp gỡ, trò chuyện, lắng nghe những khiếu nại của họ.
Carnegie luôn tìm kiếm những mối quan hệ tốt với các nhân viên và thường thưởng cho nhân viên thứ mà họ muốn khi họ hoàn thành tốt công việc.
(Theo Doanh Nhân Sài Gòn)