3 giai đoạn trưởng thành của nhà đầu tư (3)

gaconueh2005

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
3/3/2013
Bài viết
4.056
Nếu như giai đoạn (2) HOW là sự phát triển logic của giai đoạn (1) WHAT thì giai đoạn (3) lại là một hướng đi hoàn toàn khác. Nó xảy đến thường là do một sự giác ngộ tình cờ, khi nhà đầu tư thừa nhận sự thất bại của mình trên con đường đi tìm một “bí quyết” kỳ diệu để chinh phục thị trường.

Quyết định từ bỏ, chấp nhận đầu hàng trước sức mạnh siêu nhiên của thị trường, chính tại thời điểm này, nhà đầu tư hiểu ra rằng đầu tư không phải là một trò đánh bạc. Nó cần phải được xây dựng trên cơ sở của các nguyên lý khoa học, chặt chẽ và logic.

Đó là một thế giới của khoa học và những suy luận hợp lý.

Chào mừng bạn đến với thế giới thế giới của WHY

Tái khám phá đầu tư

Đây là lúc nhà đầu tư bắt đầu quay lại và đào sâu xuống gốc rễ của vấn đề với một câu hỏi đơn giản: “Tại sao mọi việc lại xảy ra như vậy?”

Đó là lúc chúng ta bắt đầu đối mặt với những khái niệm thật cơ bản: “Thị trường là gi?”, “Đầu tư là gi?”, “Cấu tạo, bản chất, các động lực, các nguyên lý vận động… của thị trường là gi?”.

Chúng ta thực sự bừng tỉnh khi hiểu ra rằng hóa ra lâu nay tất cả những gì mình làm là sai lầm, thất bại là không thể tránh khỏi khi tất cả những gì mình làm đều chống lại các nguyên lý cơ bản của thị trường. Một định hướng sai thì không bao giờ có thể đem lại kết quả đúng trong dài hạn cả (trong ngắn hạn thì rất thường khi yếu tố may mắn sẽ che mờ vấn đề).
invest1_zps6b69a309.gif

Đó là lúc chúng ta tái khám phá hai chữ tưởng chừng như đơn giản: “Đầu tư”.

Trả lời được câu hỏi “Why?” chúng ta cũng sẽ thấu hiểu như một lẽ đương nhiên : “Phải làm gì để chiến thắng thị trường?”

Tại sao lại là WHY?

Tại sao nắm bắt nguyên lý lại quan trọng như vậy?

Rất đơn giản, hãy liên tưởng một chút vào cuộc sống nhé.

Chúng ta hãy quay lại với lớp học nấu ăn trong bài (2) để hình dung tiếp. Bây giờ, nếu thay vì hướng dẫn chúng ta thực hiện từng bước theo đúng nguyên mẫu, người thầy bắt đầu giảng về các vấn đề có tính nguyên lý khoa học như:

- Các phương pháp nấu cơ bản

- Tác dụng của nhiệt năng lên các loại thức ăn

- Nguyên lý kết hợp của các loại mùi, các loại vị

- Cấu tạo hóa học và cách thưc phản ứng của các chất hữu cơ dưới tác dụng của nhiệt, của hóa chất.

- Khoa học về dinh dưỡng cơ thể

- Khoa học về các giác quan trong ẩm thực của con người

- Lịch sử các loại món ăn và thói quen ăn uống các dân tộc trên thế giới

………….

Kết quả là gi?

Chúng ta sẽ có được sự thấu hiểu sâu sắc về ẩm thực, hoàn toàn biết cách làm chủ các nguyên liệu, gia vị và ngọn lửa.

Chúng ta có thể tùy ý gia giảm cho phù hợp khẩu vị. Không những thế ta còn có thể chế ra những món ăn mới, tìm ra những công thức mới, phát minh ra những cách thức chế biến mới.

Sự thành thạo chỉ còn là vấn đề thời gian. Và chinh khả năng sáng tạo tự do đó sẽ nâng tầm chúng ta lên trên những “thợ nấu” khác.

Đó là cách thức rèn luyện nên những đầu bếp thực sự.


Rõ ràng một khi nắm được các nguyên lý, hiểu được tại sao mọi việc lại diễn ra như thế này mà không phải thế kia, chúng ta sẽ biết cách phải làm gì tốt nhất trong từng hoàn cảnh cụ thể, sẽ thực sự làm chủ đối với lĩnh vực của mình.



Sự tiến hóa của tri thức

Tri thức của loài người được xây dựng trên nền tảng của câu hỏi WHY. Không bao giờ là WHAT hay HOW

Ngành y học trong suốt hàng ngàn năm dài của lịch sử loài người đã được xây dựng trên nền tảng của “tôi không hiểu tại sao nó lại có tác dụng” (đến nay vẫn còn thịnh hành trong các phương pháp chữa bệnh dân gian). Thế rồi đột nhiên từ đầu thế kỷ 20, sự bùng nổ của các bộ môn di truyền học, giải phẫu học và đặc biệt là sinh học phân tử đã chấm dứt thời kỳ “mô phỏng” – loài người chúng ta bắt đầu hiểu được cơ chế gây bệnh, cơ chế chữa bệnh và cấu tạo sinh học của cơ thể người. Điều này mở đường cho sự bùng nổ của vô số phát minh khoa học trong y khoa và đến nay chúng ta có gi? Chúng ta đang mơ về sự bất tử.

1735103085-1-DNA-of-life_zpsb4fb9dac.jpeg

Toàn bộ cuộc cách mạng diễn ra rất nhanh, tất cả bắt đầu từ câu hỏi “WHY

Clayton Christensen, nhà tư tưởng hàng đầu về sáng tạo, đã đưa ra một sự phân biệt đơn giản giữa khoa học và “ngụy khoa học”: khoa học xây dựng trên cơ sở các lý luận nhân quả chặt chẽ, còn ngụy khoa học xây dựng trên cơ sở các quan sát về sự tương quan.

Một ví dụ dễ hiểu nhất về ngụy khoa học chính là các khóa huấn luyện về “nghệ thuật thành công”, một dạng “HOW” điển hình. Các tác giả của các chương trình huấn luyện này thưởng đa phần tự rút ra bí quyết bằng cách quan sát, phỏng vấn những người đã thành công, sau đó rút ra các đặc điểm tương quan chung rồi biến nó thành các “bí quyết”. Chương trình của họ thường có dạng: ”8 nguyên tắc để..X”, ”10 bước để ..Y”, ”12 bí quyết để Z..”

Kết quả thế nào?

Học trò của họ đa phần cảm thấy rất hào hứng sau mỗi khóa học nhưng kết quả thì chẳng đi đến đâu, còn sự hứng khởi sau khóa học cũng sẽ nhanh chóng trở lại điểm zero bởi vì cái mà họ thực sự bán không phải là một khoa học chặt chẽ, nó chỉ là các quan sát tương quan dựa trên cảm nhận chủ quan đi kèm với các thủ thuật khích lệ tinh thần tạm thời mà thôi.


Một môn khoa học thực sự phải dựa trên cơ sở các lý luận nhân quả chặt chẽ, nó phải giải thích được điều gì gây ra điều gì, tại sao mọi việc lại diễn ra như vậy và quan trọng nhất nó có thể được vân dụng để đưa ra các dự báo tương lai.

Khoa học luôn đòi hỏi phải được xây dựng trên cơ sở của việc giải thích các nguyên nhân . WHY ?

Music-is-a-moral-law-Plato_zps22931110.jpg
Khoa học phương Tây đặt cơ sở trên triết học Plato. Đó là quan niệm triết học coi trọng tư duy nhân quả. Do đó không có gì ngạc nhiên khi khoa học phương Tây rất nhấn mạnh đến việc đi tìm nguyên nhân gốc rễ của vấn đề, các nguyên lý và các mô hình để giải thích sự vận động. Đó cũng là nội dung của WHY.

Nền tảng đó giúp khoa học Phương Tây phát triển rất nhanh vì người sau tiếp thu câu trả lời “WHY” của người đi trước, đánh giá nó, soi mói nó, phản biện nó và tiếp tục phát triển nó lên mức độ sâu sắc hơn. Học trò có thể tiếp thu hết hiểu biết của thầy và tiếp tục đào sâu hơn nữa.

Nói theo cách cùa Newton là : “Tôi nhìn xa hơn vì tôi đứng trên vai của người khổng lồ”


Khoa học Phương Đông, đáng buồn thay, lại đi vào con đường của HOW. Nó tập trung vào việc mô tả, đi tìm cách giải quyết HOW cho vấn đề trước mắt thay vì đào sâu xuống nguyên nhân gốc rễ. Kết quả là chúng ta có một nền khoa học èo uột, người đi sau tiếp thu một cách máy móc cách làm của người đi trước mà không cần biết tại sao (nhiều khi còn chẳng dám đặt câu hỏi). Trò luôn luôn kém hơn thầy, chỉ cắm cúi làm cái mà thầy dạy làm chứ không cần thắc mắc nhiều. Mọi cái dần trở nên trì trệ, bảo thủ, tụt hậu. Còn những bậc “danh sư” thì vẫn muôn đời là những tượng đài mà học trò đời sau không bao giờ vượt qua nổi.

Sau hơn 2000 năm, người Trung Quốc lại quay về tìm kiếm sự “minh triết” trong triết học Khổng Giáo !

Confucius_ColonelSanders_zpsfac60485.jpeg

Có gì phải ngạc nhiên khi 3 phát minh quan trọng của thế giới là la bàn, giấy và thuốc súng đều là sản phẩm của Trung Quốc nhưng người phương Tây mới là những người sử dụng những phát minh đó để xỉ nhục Trung Quốc?

Những hệ quả ?

Có quá nhiều thứ phải học, quá nhiều kiến thức phải nắm bắt.

Đi trên con đường WHY, chúng ta sẽ phải học và làm việc vất vả hơn, với thời gian lâu hơn nhiều so với các “thợ nấu” thông thường.

Đó cũng là một trong các lý do vì sao WHY là con đường ít người đi đến vậy.

Chúng ta, trong tư cách là những nhà đầu tư, có 1 tin vui và 1 tin buồn:

- Tin vui: các nguyên lý đầu tư không quá khó hiểu, thực ra nó khá đơn giản là khác. Và ai cũng có thể nắm bắt được mà không gặp quá nhiều khó khăn.

- Tin buồn: tuy không khó hiểu nhưng để vận dụng được các nguyên lý này vào đầu tư thực tế thì lại không đơn giản. Nó đòi hỏi rất nhiều thời gian, công sức, nỗ lực để nghiên cứu đối với từng trường hợp cụ thể. Do giới hạn về thời gian, sức khỏe và nhất là ưu tiên trong cuộc sống, đây không phải là công việc ai cũng thích hợp để làm.

Tương tư như toán học, bạn chỉ cần học vài định lý là có thể nắm được nội dung nhưng để vận dụng các định lý đó vào giải một giải bài toán cụ thể lại cần nhiều nỗ lực và thời gian. Cái khó không phải là nắm được nguyên lý mà là hiểu được bối cảnh của bài toán để đưa ra cách giải phù hợp. Cái này đòi hỏi nhiều ở sự hiểu biết, suy nghĩ kỹ lưỡng và sự tích lũy dần kinh nghiệm qua thời gian

Hệ quả là:

- Không phải ai cũng có thể trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp, nó đòi hỏi nhiều kiến thức và sự lao động cật lực thực sự. Đừng ngạc nhiên nếu bạn cảm thấy choáng khi biết khối lượng tài liệu mà môt nhả đầu tư chuyên nghiệp phải đọc trong một năm.

- Tương tự như trong tất cả mọi lĩnh vực khác, trong đầu tư lợi thế sẽ nghiêng về những ai làm việc thực sự nghiêm túc để tích lũy dần kiến thức và sự thành thạo qua thời gian. Không có vấn đề công việc nhẹ lương cao ở dây. Đừng hy vọng có một con đường tắt trong đầu tư.

- Không có đam mê, bạn sẽ không thể đi hết được con đường gian khổ này. Một khi bước chân vào con đườngWHY, chúng ta nên biết rằng đó là con đường không có điểm kết thúc. Khác với HOW, điểm kết thúc mà chúng ta háo hức chờ đợi là một “bí kíp”cụ thể ở cuối con đường để giúp ta chiến thắng thị trường, thì với WHY, điểm kết thúc là nằm ở vô tận. Mỗi cơ hội là một bài học mới và mỗi ngày trôi qua sự vận động của cuộc sống lại đem đến bao nhiêu điều mới lạ cần phải học hỏi. Nhưng có sao, nếu thực sự có đam mê, chúng ta sẽ tìm thấy hạnh phúc không phải ở đích đến, mà nó nằm ở ngay trên cuộc hành trình.

- Nếu giới hạn của thời gian và nhất là các ưu tiên cuộc sống không cho phép bạn đi theo con đường đầu tư chuyên nghiệp thì bạn vẫn có thể hưởng lợi ích của đầu tư bằng cách theo đuổi một chiến lược đa dạng hóa đơn giản(điều này đã được Ben Graham giải thích cặn kẽ và có thể được thực hiện khá dễ dàng, nhưng để trình bày về nó thì có lẽ cần một bài viết khác). Điều quan trọng là đừng cố đi theo con đường của WHATHOW. Hãy luôn nhớ rằng sẽ chẳng bao giờ có cái gọi là “bữa ăn trưa miễn phí” hay “công việc nhẹ lương cao” trên cuộc đời này đâu.

Kết luận sau cùng

Đầu tư, bản chất của nó là một môn khoa học. Nó không phải là trò chơi đánh bạc, càng không bao giờ là những “bí thuật” huyền bí.

Tri thức về đầu tư là tri thức về các nguyên lý khoa học chi phối sự vận động của thị trường.

Nắm bắt được tri thức,chúng ta sẽ có sự tự do:

- Tự do thoát khỏi những biến động thất thường của thị trường (khi bạn biết rằng các nguyên lý đang đứng về phía minh).

- Tự do thoát khỏi sự dằn vặt của lòng tham, nỗi sợ hãi và sự hoài nghi của bản thân.

- Tự do thoát khỏi mọi lời xúi bẩy hay rao vặt của vô số các chuyên gia giả danh.

- Tự do thoát khỏi những cơn điên của đám đông và những thôi thúc của cảm xúc để tự hủy hoại túi tiền của chính mình.

- Tự do thoát khỏi những cạm bẫy ngọt ngào của thị trường và hướng đến những thành công bền vững trong dài hạn.

- Tự do vì đơn giản ta biết rằng điều mình làm là đúng đắn.

Tự do. Đó chẳng phải là điều chúng ta luôn khao khát hay sao?

Nguồn: amabi​
 
×
Quay lại
Top