10 phát hiện hấp dẫn về tổ tiên loài người năm 2021

Mèo Cọp

“This world is merciless.”
Thành viên thân thiết
Tham gia
25/11/2012
Bài viết
351
(kenhsinhvien.vn) Chúng ta đã khám phá nhiều điều về tổ tiên của mình trong năm 2021.

Tái hiện cảnh tổ tiên loài người nhóm lửa gần hang động. Ảnh: gorodenkoff/Getty Images.

Tái hiện cảnh tổ tiên loài người nhóm lửa gần hang động. Ảnh: gorodenkoff/Getty Images.

Tổ tiên và họ hàng loài người của ta đã xuất hiện hàng chục ngàn năm đến hàng triệu năm trước. Vẫn còn nhiều thứ ta cần tìm hiểu về sự tồn tại và những khả năng của họ. Năm 2021, giới nghiên cứu đã tìm ra nhiều manh mối, như xương sọ cổ xưa giúp làm sáng tỏ quá trình tiến hoá bộ não của người Homo, những mảnh xương của những loài Homo chưa rõ danh tính và dấu chân hoá thạch tiết lộ cách những người thượng cổ đặt chân đến Bắc Mỹ.

Sau đây là 10 khám phá bất ngờ về tổ tiên của loài người trong năm 2021.

1. Bộ não của người tiền sử giống của vượn người

Ảnh phục dựng thực tế ảo 5 xương sọ được bảo quản nguyên vẹn của người Homo erectus từ Dmanisi, Georgia, cách đây từ 1,85 triệu đến 1,77 triệu năm. Ảnh: M. Ponce de León và Ch. Zollikofer/Đại học Zurich.

Ảnh phục dựng thực tế ảo 5 xương sọ được bảo quản nguyên vẹn của người Homo erectus từ Dmanisi, Georgia, cách đây từ 1,85 triệu đến 1,77 triệu năm. Ảnh: M. Ponce de León và Ch. Zollikofer/Đại học Zurich.

Ngày nay loài người khá thông minh, nhưng trong quá khứ thì không. Những thành viên đầu tiên của chi Homo có bộ não giống của vượn người. Chúng ta chỉ phát triển bộ não “cấp cao” từ 1,7 triệu đến 1,5 triệu năm trước. Hay nói cách khác, chi Homo đã tốn hơn 1 triệu năm để tiến hoá bộ não cấp cao.

Giới nghiên cứu phát hiện ra điểm ấy nhờ phân tích khung nội sọ (phần bên trong của hộp sọ chứa bộ não) của người cổ đại và người hiện đại, cũng như họ hàng còn sống gần nhất của ta – loài vượn lớn. Những phân tích này cho biết con người cần thời gian để phát triển thuỳ trán não bộ, vốn là nơi xử lý những nhiệm vụ nhận thức phức tạp.

2. “Long nhân” có thể có họ hàng gần với ta hơn người Neanderthals

Ảnh minh hoạ ngoại hình của “Long nhân”. Ảnh: Chuang Zhao.

Ảnh minh hoạ ngoại hình của “Long nhân”. Ảnh: Chuang Zhao.

Từ xương sọ người cổ đại tìm thấy ở Trung Quốc, một loài người mới đã được đặt tên: Homo longi, hay còn gọi là “Long nhân”. Loài này có thể là họ hàng gần nhất với ta, thậm chí còn gần hơn cả người Neanderthals, vốn trước đây được coi là họ hàng gần nhất của ta. Xương sọ khoảng 146.000 năm tuổi này là xương sọ lớn nhất của người Homo từng được ghi nhận và thuộc về một người đã chết khoảng 50 tuổi.

Nhưng phát hiện này lại gây tranh cãi. Ba chuyên gia trong lĩnh vực tiến hoá con người không tham gia vào nghiên cứu đều đặt nghi vấn liệu Long nhân có thật sự thuộc dòng dõi người Denisova bí ẩn hay không.

3. Xương sọ của “đứa trẻ hắc ám” trong hang động

Xương sọ của Leti nằm gọn trong lòng bàn tay của người hiện đại. Ảnh: Đại học Wits.

Xương sọ của Leti nằm gọn trong lòng bàn tay của người hiện đại. Ảnh: Đại học Wits.

Rốt cuộc làm thế nào di hài của một đứa trẻ người Homo naledi lại xuất hiện trong một lối đi sâu và hẹp ở Nam Phi? Chính các nhà khoa học cũng chưa rõ. Họ tìm thấy xương sọ của đứa trẻ này (đặt tên là Leti) trong đoạn hầm hẻo lánh của hệ thống hang động. Đây có thể là nơi chôn cất của đứa trẻ.

Leti sống từ 35.000 năm đến 241.000 năm trước và là một trong hơn hai mươi cá thể người H. naledi có di hài được tìm thấy trong hệ thống hang động này từ năm 2013. Những di hài này cho thấy người H. naledi có dáng đi thẳng đứng, cao khoảng 1,44 mét và nặng 40-56 kilogam.

4. Bắt gặp tổ tiên trực hệ của loài người: người Homo bodoensis

Loài Homo bodoensis mới đặt tên (tổ tiên của loài người) sống ở châu Phi vào giữa thế Canh tân. Ảnh: Ettore Mazza.

Loài Homo bodoensis mới đặt tên (tổ tiên của loài người) sống ở châu Phi vào giữa thế Canh tân. Ảnh: Ettore Mazza.

Một phân tích mới về xương sọ 600.000 năm tuổi được tìm thấy năm 1976 đã vén màn một loài người mới: người Homo bodoensis. Đây có thể là tổ tiên trực hệ của người Homo sapiens. Khám phá này có thể giúp gỡ rối thắc mắc làm thế nào hậu duệ loài người di cư và hỗ tương nhau trên khắp hành tinh.

Nhưng giới nghiên cứu không chỉ khám phá lại xương sọ này. Mà họ còn thực hiện một bài đánh giá có hệ thống về những hoá thạch loài người từ 774.000 đến 129.000 năm trước. Nhiều bằng chứng cho thấy những loài đã được đặt tên trước đây như H. heidelbergensisH. rhodesiensis có vấn đề. Những mẫu vật của người H. heidelbergensis giờ đây được phân loại lại là của người Neanderthals hoặc H. bodoensis. Nghiên cứu sâu hơn về người Homo thời kỳ này thậm chí còn có thể phát hiện ra những loài chưa rõ danh tính.

5. Nơi chôn cất vén màn dòng dõi đã biến mất ở Indonesia

Xương sọ và xương hàm của người phụ nữ Toalean thời cổ được tìm thấy trong một hang động ở Nam Sulawesi, Indonesia. Ảnh: Đại học Hasanuddin.

Xương sọ và xương hàm của người phụ nữ Toalean thời cổ được tìm thấy trong một hang động ở Nam Sulawesi, Indonesia. Ảnh: Đại học Hasanuddin.

Những dòng dõi của người cổ đại nhiều lúc không để lại dấu vết. Nhưng một ngôi mộ 7200 năm tuổi được khám phá ở Indonesia đã cho thấy một dòng dõi chưa rõ danh tính đã tuyệt diệt. Phân tích di truyền di hài người phụ nữ này cho biết đây là một họ hàng xa của thổ dân Úc và người Melanesia (hay thổ dân trên các đảo New Guinea và phía tây Thái Bình Dương).

Người phụ nữ này có tỷ lệ DNA nhiều đáng kể từ loài người thượng cổ Denisova, rất giống thổ dân Úc và người New Guinea. Vì vậy có lẽ Indonesia và các đảo xung quanh từng là một điểm giao giữa người hiện đại và người Denisova.

6. Ngôi mộ lâu đời nhất ở châu Phi tồn tại 78.000 năm trước

Ngôi mộ trẻ sơ sinh tại hang động Panga ya Saidi này khoảng 78.000 năm tuổi. Đây là ngôi mộ lâu đời nhất của người Homo sapiens ở châu Phi. Ảnh: Jorge González/Elena Santos.

Ngôi mộ trẻ sơ sinh tại hang động Panga ya Saidi này khoảng 78.000 năm tuổi. Đây là ngôi mộ lâu đời nhất của người Homo sapiens ở châu Phi. Ảnh: Jorge González/Elena Santos.

Một đứa trẻ được yên nghỉ sâu trong một hang động ở Kenya khoảng 78.000 năm trước. Đây là nơi chôn cất có chủ ý cổ xưa nhất được ghi nhận ở châu Phi. Đứa trẻ 3 tuổi này được đặt tên là “Mtoto”, tiếng Swahili nghĩa là “trẻ em”, được đặt nằm nghiêng co người như đang say ngủ. Đầu của Mtoto có thể đã được đặt trên gối.

Có những ngôi mộ lâu đời hơn của người Homo sapiens, như những ngôi mộ khoảng 120.000 năm trước ở châu Âu và Trung Đông, nhưng mộ phần của Mtoto là ngôi mộ có chủ ý lâu đời nhất ở châu Phi.

7. Phân tích bộ gen hàng loạt tiết lộ tầm quan trọng của bán đảo Ả rập

Dường như bán đảo Ả rập có vai trò quan trọng trong những cuộc di cư ra khỏi châu Phi của người tiền sử. Ảnh: Shutterstock.

Dường như bán đảo Ả rập có vai trò quan trọng trong những cuộc di cư ra khỏi châu Phi của người tiền sử. Ảnh: Shutterstock.

Nghiên cứu lớn nhất từ trước đến nay về bộ gen ở Ả rập đã cho thấy tầm quan trọng của bán đảo Ả rập đối với người tiền sử di cư ra khỏi châu Phi. Nghiên cứu này xem xét DNA của 6218 người trưởng thành ở Trung Đông và đối chiếu với DNA của người cổ đại và hiện đại từ khắp nơi trên thế giới.

Phân tích cho thấy nhóm người Trung Đông đã góp phần đáng kể vào bộ gen người châu Âu, Nam Á và cả Nam Mỹ. Nguyên nhân có thể là do khi Hồi giáo lan rộng khắp thế giới trong hơn 1400 năm qua, những người gốc Trung Đông đã phối ngẫu với những cộng đồng trên. Hơn nữa, kết quả còn cho biết tổ tiên của nhóm người Ả rập chẻ nhánh từ người châu Phi khoảng 90.000 năm trước, khoảng thời gian tương đương với khi tổ tiên người châu Âu và Nam Á tách ra từ người châu Phi. Khám phá này củng cố giả thuyết khi người tiền sử rời khỏi châu Phi, họ đã rời đi bằng cách băng qua Ả rập.

8. Gen của người châu Mỹ đầu tiên trùng khớp với gen của người Úc

Một người đàn ông Xavánte ở Brazil, ngay sau cuộc đua thuyền độc mộc cổ truyền vốn là một phần của Hội nghị các Dân tộc Bản địa vào tháng 9/2012. Người Xavánte được đưa vào một nghiên cứu mới về mối liên hệ di truyền giữa người Nam Mỹ và người châu Đại Dương. Ảnh: Pedro Ladeira/AFP/GettyImages.

Một người đàn ông Xavánte ở Brazil, ngay sau cuộc đua thuyền độc mộc cổ truyền vốn là một phần của Hội nghị các Dân tộc Bản địa vào tháng 9/2012. Người Xavánte được đưa vào một nghiên cứu mới về mối liên hệ di truyền giữa người Nam Mỹ và người châu Đại Dương. Ảnh: Pedro Ladeira/AFP/GettyImages.

Khi một trong những làn sóng người Mỹ đầu tiên băng qua cầu đất Bering và tiến vào Bắc Mỹ trong kỷ băng hà cuối cùng, họ đã mang theo một thứ đặc biệt trong bộ gen: những đoạn DNA của tổ tiên người Australasia. Người Australasia là những thổ dân từ Australia, Melanesia, New Guinea và quần đảo Andaman ở Ấn Độ Dương.

Những đoạn DNA của người Australasia này vẫn còn hiện hữu đến ngày nay, ở những thế hệ sau, trong người những thổ dân ở Nam Mỹ. Tuy nhiên không phải mọi nhóm thổ dân châu Mỹ đều có DNA này. Dường như một trong những làn sóng người Mỹ đầu tiên mới mang DNA ấy, còn những làn sóng sau đó thì không.

Có thể đã có những màn ghép đôi giữa tổ tiên người Mỹ đầu tiên và tổ tiên người Australasia ở Beringia hoặc thậm chí là Siberia.

9. Dấu chân hoá thạch cổ xưa nhất ở châu Mỹ

Giới nghiên cứu đã phát hiện thấy 60 dấu chân người hoá thạch ở Vườn Quốc gia White Sands phía nam trung tâm New Mexico. Ảnh: Cục Vườn Quốc gia Hoa Kỳ, USGS và Đại học Bournemouth.

Giới nghiên cứu đã phát hiện thấy 60 dấu chân người hoá thạch ở Vườn Quốc gia White Sands phía nam trung tâm New Mexico. Ảnh: Cục Vườn Quốc gia Hoa Kỳ, USGS và Đại học Bournemouth.

Thời điểm chính xác những người Mỹ đầu tiên đặt chân đến vào kỷ băng hà cuối cùng vẫn còn là vấn đề đáng bàn luận. Nhưng 60 dấu chân được tìm thấy dưới đáy hồ cổ ở Vườn Quốc gia White Sands, New Mexico, có niên đại từ 23.000 đến 21.000 năm trước, là một dấu hiệu cho thấy con người đã xuất hiện tại đây từ khá sớm, sớm hơn nhiều so với những công cụ thời Clovis khoảng 13.000 năm tuổi được tìm thấy vài năm trước.

Những dấu chân này chưa phải là bằng chứng lâu đời nhất của loài người ở châu Mỹ, nhưng chúng là bằng chứng xác đáng nhất cho thấy loài người đã sinh sống tại đây vào thời gian lạnh nhất của cực đại băng hà cuối cùng, kéo dài từ 26.500 đến 19.000 năm trước.

10. Hoá thạch của người Denisova cổ xưa nhất

Đây là một trong những mảnh xương của người Denisova được tìm thấy tại hang động Denisova ở Siberia. Ảnh: Katerina Douka.

Đây là một trong những mảnh xương của người Denisova được tìm thấy tại hang động Denisova ở Siberia. Ảnh: Katerina Douka.

Những hoá thạch người Denisova này có tuổi đời khoảng 200.000 năm.

Người Denisova có thể từng phân bố rộng khắp châu Á. Nhưng hài cốt của họ vẫn rất hiếm thấy. Cho đến hiện tại, chỉ có 6 cá thể người Denisova được tìm thấy, 5 người từ hang động Denisova ở Siberia và một người từ Trung Quốc. Với phát hiện mới này, các nhà nghiên cứu giờ đây đã có thêm 3 hoá thạch nữa từ hang động Denisova.

Nếu các nhà nghiên cứu kiên trì tìm kiếm di hài người Denisova, có lẽ loài người bí ẩn này sẽ không còn quá bí ẩn đối với chúng ta trong tương lai.


Dịch bởi Kenhsinhvien.vn
(Theo Live Science)
 
×
Quay lại
Top