Trong Chỉ thị của Thường vụ Trung ương về vấn đề thành lập Hội phản đế Đồng Minh ngày 18-11-1930, Đảng đã có tuyên bố đầu tiên về chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng của quần chúng: "... phải lãnh đạo từng tập thể sinh họat hay tập đoàn của nhân dân gia nhập một tổ chức cách mạng, để dần dần cách mạng hóa quần chúng và lại đảm bảo tự do tín ngưỡng của quần chúng...". Chính sách này cũng được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra ngay trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, ngày 3-9-1945" "Tín ngưỡng tự do và lương giáo đoàn kết", coi đó là một trong sáu nhiệm của Nhà nước non trẻ. Hay trong lời kết thúc buổi ra mắt vào ngày 3-3-1951, Đảng Lao động Việt Nam đã tuyên bố: "... vấn đề tôn giáo, thì Đảng Lao động Việt Nam hoàn toàn tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của mọi người". Ngày 14-6-1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 234-SL ban hành chính sách tôn giáo của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trong đó ghi rõ: "Việc tự do tín ngưỡng, thờ cúng là một quyền lợi của nhân dân. Chính quyền Dân chủ Cộng hoà luôn luôn tôn trọng quyền lợi ấy và giúp đỡ nhân dân thực hiện".
Ngay trong năm đầu của cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, mặc dù phải lo đối phó với cuộc chiến tranh ác liệt nhưng chính phủ vẫn quan tâm đến nhu cầu tâm linh của nhân dân. Ngày 11-6-1964, Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký Thông tư số 60-TTg yêu cầu thi hành chính sách tôn giáo theo Sắc lệnh 234.
Sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, ngày 11-11-1977, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 297-CP về "Một số chính sách đối với tôn giáo" trong đó nêu lên 5 nguyên tắc về tự do tôn giáo. Để đáp ứng với yêu cầu của quá trình đổi mới, ngày 21-3-1991, Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Nghị định 59-HĐBT "Quy định về các hoạt động tôn giáo". Nghị định 59 là văn bản mang tính pháp quy, là sự kế thừa thực tiễn của quá trình thực hiện công cuộc đổi mới. Sự nghiệp cách mạng là của toàn dân, đổi mới về nhận thức và thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước đối với các hoạt động tôn giáo là nhằm đảm bảo nhu cầu tín ngưỡng chính đáng của nhân dân. Qua đó đã phát huy được năng lực, sức sáng tạo của hàng chục triệu đồng bào theo tôn giáo, góp phần dân chủ hoá đời sống xã hội trên cơ sở ổn định chính trị.
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn có quan điểm, thái độ rõ ràng về tín ngưỡng, tôn giáo. Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng năm 1991 đã khẳng định: "Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân. Đảng và Nhà nước ta tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng và không tín ngưỡng của nhân dân, thực hiện bình đẳng, đoàn kết lương giáo và giữa các tôn giáo. Khắc phục mọi thái độ hẹp hòi, thành kiến, phân biệt đối xử với đồng bào có đạo, chống những hành vi lợi dụng tôn giáo phá hoại độc lập dân tộc và đoàn kết dân tộc, chống phá chủ nghĩa xã hội, ngăn cản tín đồ làm nghĩa vụ công dân". Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội cũng ghi rõ: "Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân. Thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, đồng thời chống việc lợi dụng tín ngưỡng để làm tổn hại đến lợi ích của Tổ quốc và nhân dân".
Chủ trương, chính sách của Đảng đối với tín ngưỡng, tôn giáo từng bước được hoàn thiện. Đến đầu thập kỷ 90, trong những năm đầu thực hiện công cuộc đổi mới, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 24-NQ/TƯ về công tác tôn giáo trong tình hình mới, ghi dấu son về sự đổi mới đường lối, chính sách tín ngưỡng, tôn giáo. Sau gần 10 thực hiện Nghị quyết 24, Đảng ta đã tổng kết, đánh giá những thành tựu và nêu rõ những khuyết điểm, đồng thời Bộ Chính trị ra Chỉ thị 37-CT/TƯ ngày 02-7-1998 về công tác tôn giáo trong tình hình mới. Cho đến Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ bẩy, khoá IX về công tác tôn giaó (Nghị quyết 25-NQ/TƯ ngày 12-3-2003) quan điểm, chính sách của Đảng đối với tín ngưỡng, tôn giáo tiếp tục được khẳng định và phát triển thêm một bước mới phù hợp với sự nghiệp đổi mới của Đảng. Đó là "Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào, quyền sinh hoạt tôn giáo bình thường theo đúng pháp luật".
Những quan điểm của Đảng ta từ ngày thành lập đến nay chứng minh rằng Đảng coi quyền tự do tín ngưỡng là một nhu cầu quan trọng của con người, là một trong những quyền công dân, quyền chính đáng của con người. Vì vậy, Đảng và Nhà nước ta luôn luôn tôn trọng đức tin của đồng bào theo tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau; tôn trọng quyền được theo bất cứ tôn giáo nào cũng như quyền không theo tôn giáo nào, mong muốn cho người dân theo tôn giáo được "phần hồn thong dong, phần xác ấm no".
Từ sau cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến nay, nước ta đã có 4 Hiến pháp (năm 1946, 1959, 1980 và năm 1992), trong đó Hiến pháp đầu tiên năm 1946 đã khẳng định quyền của người dân Việt Nam: "Mọi công dân Việt có quyền tự do tín ngưỡng" (Chương II, mục B). Từ những nguyên tắc cơ bản đó, Điều 80 Hiến pháp 1980 ghi rõ: "Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Không ai được lợi dụng tôn giáo để làm trái pháp luật và chính sách của Nhà nước". Điều 70 của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 được bổ sung rõ hơn: "Công dân Việt Nam có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo tôn giáo nào. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Những nơi thờ tự của các tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để làm trái pháp luật và chính sách của Nhà nước".
Tự do tín ngưỡng, tôn giáo là một quyền nhân thân cơ bản của công dân cũng được đề cập trong Bộ luật Dân sự , được bảo vệ bằng pháp luật và được cụ thể hoá trong các văn bản quy phạm pháp luật ngày càng ở mức độ cao hơn, hoàn thiện hơn. Sau 5 năm thực hiện Nghị định số 26/1999/NĐ-CP, ngày 19-4-1999 về các hoạt động tôn giáo đã được thay thế bằng Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo do ủy ban Thường vụ Quốc hội khoá XI thông qua ngày 18-6-2004 và Chủ tịch nước ký Lệnh công bố ngày 29-6-2004.
Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo ra đời là một minh chứng, một bước tiến và một lần nữa tiếp tục khẳng định nguyên tắc nhất quán trong chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam là tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
Thực tế, những chủ trương, chính sách tín ngưỡng, tôn giáo không phải chỉ được khẳng định ở Hiến pháp, pháp luật hay trong các chỉ thị, nghị quyết của Đảng mà được thể hiện sống động trong cuộc sống hàng ngày.
Cho đến nay, Nhà nước ta đã công nhận tư cách pháp nhân cho 15 tổ chức tôn giáo và tiếp tục xem xét theo tinh thần của Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo. Có thể khẳng định, hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo đã và đang diễn ra bình thường ở mọi nơi trên đất nước Việt Nam.