Hôm nay phải đi học rồi nhưng vẫn nhớ về Tết, cùng tìm hiểu một số phong tục đón Tết nào ( đang hâm hấp
)
Người Mông Cổ thường dậy sớm trước cả bình minh và mặc quần áo mới, nhóm lửa vào sáng mùng 1 trong khi dân Hàn Quốc lại treo một cái xẻng bằng rơm dùng để hốt thóc gạo rơi vãi ngoài cửa với mong muốn nhận phúc lộc quanh năm.
Giây phút tiễn năm cũ, chào đón năm mới với những niềm tin và hy vọng được xem là khoảnh khắc thiêng liêng nhất trong lòng nhiều người. Mỗi quốc gia, dân tộc lại có những truyền thống đón Tết mang nét đặc trưng văn hóa khác nhau, làm nên sự độc đáo riêng biệt từng vùng.
1. Mông Cổ
Theo tập quán, vào ngày Tết Tsagaan, mọi người cùng “rửa sạch” cả thể xác lẫn tâm hồn để đón chào sự khởi đầu mới tốt đẹp hơn. Thời khắc giao thừa được người dân Mông Cổ gọi là Bituun, có nghĩa “tối thui” bởi trong đêm này, bầu trời hoàn toàn không có ánh trăng hay sao. Họ sẽ ăn thật no vì tin rằng nếu không làm vậy thì suốt cả năm mới sẽ bị đói.
Vào ngày đầu năm, ai nấy đều dậy sớm trước khi mặt trời mọc, mặc quần áo mới và nhóm lửa. Tất cả nam giới sẽ tới đỉnh ngọn đồi hay núi gần đó, mang theo thực phẩm và cầu nguyện. Tiếp theo đó, người dân Mông Cổ sẽ làm lễ xuất hành
muruu gargakh.
Dịp lễ đặc biệt này, họ thường tụ tập ở nhà người lớn tuổi nhất trong gia đình để chúc Tết. Trong đó, các thành viên gia đình cầm những dải vải dài gọi là
khadag, tượng trưng cho lòng thương và điềm lành. Kết thúc nghi thức, tất cả mọi người cùng ăn món
buuz (một loại bánh như bánh bao có nhân là thịt cừu, bò băm nhỏ), uống rượu
arkhi và trao nhau những món quà cầu chúc năm mới thịnh vượng, ấm no.
Tết Tsagaan của người Mông Cổ. Ảnh:
Hunnutour.com
2. Hàn Quốc
Tết âm lịch cổ truyền của người Hàn Quốc, theo tiếng Hàn gọi là Seollal, thường rơi vào cuối tháng 1 hoặc đầu tháng 2 dương lịch. Vào ngày 30 Tết, các gia đình đều dọn sạch sẽ nhà cửa. Buổi tối trước giao thừa, họ tắm bằng nước nóng để tẩy trần. Các thanh tre được đốt trong nhà lúc giao thừa nhằm xua đuổi tà ma vì tục truyền tiếng nổ của các thanh tre sẽ làm ma quỷ khiếp sợ bỏ chạy.
Đặc biệt, người dân Hàn Quốc thường không ngủ trong đêm giao thừa bởi theo truyền thuyết, nếu làm vậy thì khi thức dậy sẽ bị bạc trắng cả lông mi và đầu óc kém minh mẫn. Trong những ngày Tết, nhà nào cũng treo “Bok jo ri”, một cái xẻng bằng rơm dùng để hốt thóc gạo rơi vãi ngoài cửa với mong muốn nhận phúc lộc quanh năm.
Gia đình quây quần trong ngày Tết Seollah của Hàn Quốc. Ảnh:
koreaherald.com
3. Trung Quốc
Mừng năm mới theo tiếng Trung Quốc là "Guo Nian". Theo truyền thuyết, “Nian” là tên một con quỷ luôn xuất hiện vào ngày cuối cùng của năm cũ để quấy phá dân lành. Người Trung Quốc phát hiện ra con quỷ rất sợ màu đỏ và tiếng động mạnh.
Từ đó, cứ mỗi dịp năm hết, Tết đến, họ thường trang trí nhà bằng cách treo những câu đối, đèn lồng, dán giấy đỏ và đốt pháo để xua đuổi quỷ sứ, đồng thời cầu mong muốn một cái Tết vui vẻ, năm mới an lành. Người Trung Quốc cũng bắt chước tiếng chim cuốc kêu. Loài vật này vốn được coi là chim báo hiệu mùa xuân, nhắc nhở mọi người gieo trồng. Bên cạnh đó, họ còn tung hạt giống lên trời với ước mong được mùa trong năm mới.
Sắc đỏ tràn ngập trong những ngày Tết tại Trung Quốc. Ảnh:
lifevancouver.jp
4. Singapore
Singapore đón tết nguyên đán khá giống với Trung Quốc. Người dân nơi đây cũng có những truyền thống như trang trí nhà cửa, đường phố với màu đỏ, lì xì trẻ em trong ngày đầu năm hay đến chúc Tết họ hàng, bạn bè.
Họ rất quan trọng việc đoàn tụ gia đình vào dịp năm mới. Con cháu dù ở xa tới đâu cũng đều tụ họp đông đủ để cùng nhau đón năm mới. Vào dịp này, người ta hay tặng nhau dứa và cam vì trong tiếng Trung Quốc, chúng được phát âm giống với từ giàu có, hạnh phúc và con cái.
Yu Sheng, món ăn may mắn không thể thiếu trong ngày Tết của người Singapore.
5. Triều Tiên
Trước kia, Triều Tiên đón Tết Nguyên đán vào tháng 10 và 11, gần đây mới chuyển sang mồng 1 tháng Giêng âm lịch như một số nước Đông Á khác. Tết của người Triều Tiên cũng kéo dài hàng tuần với nhiều phong tục truyền thống như dán hình động vật lên cửa để cầu may, mời thầy
saman (phù thủy) đến cúng tế và xem bói, tổ chức đón trăng mọc…
Vào sáng ngày 1 Tết, đàn ông phải tới hàng xóm chúc mừng nhau trong khi phụ nữ không được phép tham gia vào tục lệ này. Người Triều Tiên cho rằng gia đình sẽ gặp nhiều xui xẻo cả năm nếu người xông đất nhà họ là phụ nữ. Trong khi cánh đàn ông đi chúc tụng nhau, phụ nữ thường giết thời gian bằng cách chơi một loại cờ dân gian có tên gọi Yut Nori và cùng nhau chia sẻ đồ ăn, ca hát, nhảy múa.
Cơm thuốc, món ăn không thể thiếu trong ngày Tết của người Triều Tiên. Ảnh:
airasia.com
6. Việt Nam
Tết Nguyên Đán là lễ hội quan trọng nhất của người Việt. Phần "lễ" cũng như "hội", đều rất phong phú cả nội dung cũng như hình thức, mang giá trị nhân văn sâu sắc và đậm đà. Theo tập tục hàng năm, ông Táo sẽ chầu trời vào ngày 23 tháng Chạp. Bởi thế, mọi gia đình Việt Nam đều làm mâm cơm tiễn đưa "ông Táo” vào đúng ngày này. Đây được xem như hoạt động đầu tiên của Tết Nguyên đán.
Hoa quả là yếu tố tinh thần cao quý thanh khiết của người Việt Nam trong những ngày đầu xuân. Miền Bắc có hoa đào, miền Nam có mai, tượng trưng cho phước lộc đầu xuân của mọi gia đình người Việt Nam. Ngoài ra còn có quất với quả chín vàng mọng, biểu tượng cho sự sung mãn, may mắn, hạnh phúc...
Tết trên bàn thờ tổ tiên của mọi gia đình, ngoài chiếc bánh chưng vuông vắn thể hiện sự quy tụ của trời, đất và lòng biết ơn với tổ tiên, không thể thiếu mâm ngũ quả. Đây được xem là lộc trời, tượng trưng cho ý niệm khát khao của con người vì sự đầy đủ, sung túc.
Gói bánh chưng là một nét văn hóa đẹp trong phong tục ngày Tết của người Việt.