Chuyện hay tặng bạn

svthichdocsach

Thành viên
Tham gia
14/10/2013
Bài viết
30
Tin tốt lành


Ý nghĩa cuộc sống không phải ở chỗ nó đem đến cho ta điều gì, mà ở chỗ ta có thái độ đối với nó ra sao; không phải ở chỗ điều gì xảy ra với ta, mà ở chỗ ta phản ứng với những điều đó như thế nào.

- Lewis L. Dunnington


Một anh sinh viên vừa tốt nghiệp đại học đang tìm việc làm đã tham dự một cuộc thi sáng tạo chuyên ngành do liên hiệp các trường đại học trong cả nước tổ chức. Sau nhiều vòng sơ khảo kéo dài cả tháng trời, anh được lọt vào nhóm những người xuất sắc nhất để dự vòng thi chung kết. Rồi anh cũng vất vả vượt qua các đối thủ trong cuộc đấu trí cuối cùng, kéo dài ba ngày liền căng thẳng và giành được giải nhất.

Phần thưởng cho anh là một món tiền khá lớn mà cuộc đời sinh viên trước nay của anh chưa từng mơ ước tới. Sau khi rời hội trường và trốn nhanh khỏi ánh đèn camera của báo giới, anh vào bãi lấy xe ra về. Bất ngờ một phụ nữ tiến đến gần anh. Bà nghẹn ngào:

- Chú ơi! Chúc mừng chú, thật vinh dự cho chú đã đạt được giải nhất trong cuộc thi khó khăn này. Tôi có một chuyện muốn nói với chú nhưng không biết có tiện không. Nếu chú có con nhỏ chú mới hiểu được điều tôi sắp nói. Con của tôi bị ung thư và đang nằm trong bệnh viện, nếu không có một khoản tiền để mổ, chắc em nó không qua khỏi được! Mà nhà tôi thì... không thể lo được một khoản tiền lớn đến như vậy...

- Thế bác cần bao nhiêu? – Anh sinh viên nhìn bà hỏi, lòng cảm thông thật sự.

Sau khi nghe người phụ nữ kể hết sự việc, anh liền lấy chiếc phong bì đựng số tiền vừa được thưởng và trao cho bà.

- Cầu mong cho con bác qua được hiểm nguy. Bác về lo cho em ấy ngay đi. – Anh nói.

- Cảm ơn chú, không biết tôi phải lấy gì mà đền ơn chú đây.

Nói rồi người phụ nữ với vẻ xúc động quày quả bước ra cổng.

Vài ngày sau anh có dịp quay lại trường. Một người trong thấy liền tiến tới hỏi:

- Có người kể với tôi rằng tối hôm trước anh có gặp một người phụ nữ sau cuộc thi và anh đã cho bà ấy tiền để chữa bệnh cho đứa con sắp chết của bà ấy, phải không?

Người thanh niên gật đầu xác nhận.

- Vậy thì tôi phải báo với anh tin này để anh biết.

Bà ta là một tay lừa đảo thật sự đấy. Bà ta chẳng có đứa con nào bị bệnh gần chết cả. Anh cả tin quá! Anh bị lừa rồi, anh bạn ạ!

Một thoáng im lặng, anh thanh niên hỏi lại:

- Có thật là không có đứa bé nào bị bệnh gần chết cả, đúng không?

- Đúng vậy. Tôi bảo đảm là như thế. – Người đàn ông quả quyết.

- Ồ, đó là tin tốt lành nhất trong ngày mà tôi được biết đấy. – Người thanh niên nói.

Đoạn anh nói thêm:

- Chúng ta nên ăn mừng vì không có đứa trẻ nào phải chết cả.


(Rút từ Hạt giống Tâm hồn – Cho lòng dũng cảm và tình yêu cuộc sống 1)
 
Tấm huy chương vàng


Bạn nhận được sức mạnh, lòng can đảm và sự tự tin từ bất kỳ trải nghiệm nào khiến bạn đau khổ và sợ hãi. Bạn có thể tự nhủ rằng: “Tôi đã vượt qua. Giờ đây, tôi sẵn sàng đón nhận những điều kế tiếp”.

- Eleanor Roosevelt

Có một lần vào mùa xuân năm 1995, tôi đã được mời phát biểu tại một trường phổ thông trung học. Khi buổi lễ kết thúc, ông hiệu trưởng ngỏ ý mời tôi đến thăm một học sinh đặc biệt. Cậu bé bị bệnh phải nằm liệt gi.ường, nhưng cậu ấy rất muốn được gặp tôi. Ông hiệu trưởng bảo rằng điều đó sẽ có ý nghĩa lớn lao đối với cậu ấy. Tôi đã đồng ý.

Trong quãng thời gian lái xe chín dặm đường đến nhà Matthew, tên cậu học sinh ấy, tôi đã biết được đôi điều về cậu. Cậu bị mắc bệnh teo cơ. Khi mới chào đời, các bác sĩ đã cho cha mẹ cậu biết rằng cậu sẽ không sống được đến 5 tuổi, sau đó họ lại bảo cậu chẳng được dự sinh nhật thứ mười. Giờ cậu bé đã 13 tuổi, và theo những gì tôi được nghe kể thì cậu quả là một người dũng cảm thật sự. Cậu bé muốn gặp tôi vì tôi là một lực sĩ cử tạ đạt huy chương vàng, tôi biết cách vượt qua những chướng ngại khó khăn, điều mà bao người mơ ước.

Tôi đã trò chuyện với Matthew hơn một tiếng đồng hồ. Chưa một lần nào cậu than thở về cảnh ngộ của mình. Cậu toàn nói về chiến thắng, sự thành công và việc thực hiện những giấc mơ của mình. Cậu không đề cập gì đến việc các bạn cùng lớp đã chế giễu cậu vì sự khác biệt của cậu; cậu chỉ nói về những hy vọng trong tương lai và mong rằng một ngày nào đó cậu muốn cử tạ cùng với tôi.

Khi chia tay cậu bé, tôi lấy trong cặp của mình chiếc huy chương vàng đầu tiên mà tôi đã giành được trong môn cử tạ rồi đeo vào cổ cậu bé. Tôi bảo cậu rằng cậu còn hơn cả một người chiến thắng và cậu hiểu về sự thành công cũng như biết cách vượt qua mọi trở ngại còn hơn cả tôi nữa. Cậu bé nhìn chiếc huy chương một lúc rồi trao lại cho tôi. Cậu nói:

- Rick ạ, anh là nhà vô địch. Anh đã giành được chiếc huy chương này. Một ngày nào đó, khi em tham dự Thế vận hội và giành huy chương vàng của em, em sẽ cho anh xem.

Mùa hè năm ngoái tôi nhận được thư của cha mẹ Matthew. Họ báo tin Matthew đã qua đời. Họ muốn tôi đọc lá thư mà cậu bé đã viết cho tôi cách đó vài ngày:

“Rick thân yêu!

Mẹ bảo em nên viết thư cám ơn anh về bức tranh tinh tế mà anh đã gởi cho em. Em cũng muốn báo cho anh biết các bác sĩ bảo em chẳng còn sống được bao lâu nữa. Càng ngày em càng thấy khó thở và rất dễ mệt, nhưng em vẫn cố hết sức để mỉm cười. Em biết mình sẽ không bao giờ khỏe mạnh được như anh và chúng ta sẽ không bao giờ có thể cùng nhau nâng những quả tạ nữa.
Em mong muốn một ngày nào đó mình sẽ tham dự Thế vận hội và sẽ giành một chiếc huy chương vàng. Giờ thì em biết mình sẽ không bao giờ đạt được điều đó. Nhưng em biết em là một nhà vô địch, và có lẽ Thượng Đế cũng biết điều đó. Người biết em không phải là một kẻ chịu đầu hàng, và khi em lên Thiên đàng, Người sẽ trao cho em chiếc huy chương vàng của em. Khi nào anh đến đây, em sẽ cho anh xem nó.
Cám ơn vì tình cảm anh đã dành cho em.
Người em, người bạn của anh,

Matthew”
 
Bạn để lại gì cho cuộc sống?

Tương lai hoàn toàn nằm trong tay bạn. Do vậy, tốt hơn là bạn nên khiến nó hoàn thiện hơn.

- Jodie Foster

Giáo sư dạy môn triết của tôi rất lập dị. Chiếc áo khoác len dày đã sờn cùng cặp kính dầy cộm xệ xuống tận chóp mũi, che gần hết khuôn mặt, càng làm nổi bật vẻ bề ngoài bê bối của thầy.

Thỉnh thoảng thầy hay khai mào cuộc thảo luận về các đề tài chẳng mấy ai quan tâm, đại khái như “Ý nghĩa cuộc sống là gì?”. Phần lớn những cuộc thảo luận đó không đi đến kết luận rõ ràng, nhưng cũng có khi chúng gây tác động mạnh. Chẳng hạn như câu chuyện tôi sắp kể ra đây.

- Em nào trả lời câu hỏi của thầy thì giơ tay lên - thầy nói với cả lớp - Ai có thể kể về cha mẹ mình?

Mọi người đều giơ tay.

- Ai có thể kể về ông bà mình? - Khoảng ba phần tư lớp giơ tay.

- Vậy em nào có thể kể về ông bà cố của mình? - Chỉ hai trong số 60 sinh viên giơ tay.

- Giờ thì các em hãy suy nghĩ kỹ đi nào - thầy bảo - Chỉ mới cách có hai thế hệ mà rất ít người biết cụ cố mình là ai. Có thể các em từng thấy một bức ảnh cũ kỹ phai màu được cất kỹ trong hộp thuốc lá mốc meo, hay đã nghe kể một câu chuyện tiêu biểu về gia tộc mình, và biết có người trong tổ tiên mình đã lội bộ năm dặm đường để đến trường. Nhưng mấy người trong các em thật sự biết tổ tiên của mình là ai, các cụ nghĩ gì, hãnh diện, lo sợ hay mơ ước điều gì. Các em thử nghĩ xem. Chỉ trong vòng ba thế hệ thôi mà các bậc tiền nhân đều đã bị lãng quên. Vậy, liệu điều đó có xảy đến với các em sau này không?

Để thầy nêu câu hỏi cụ thể hơn cho các em. Các em thử tưởng tượng ra ba thế hệ sau mình. Lúc ấy các em đã ra người thiên cổ lâu rồi. Chỗ các em ngồi bây giờ sẽ là chỗ của các chít chắt. Liệu chúng có biết gì về các em không? Hay là các em cũng sẽ chìm sâu trong dĩ vãng?

Các em muốn cuộc sống của mình hiện thời sẽ là dấu hiệu báo điềm xấu hay là tấm gương soi sáng cho các thế hệ sau? Các em sẽ để lại di sản nào? Sự lựa chọn hoàn toàn tùy thuộc vào quyết định của các em. Thôi bây giờ lớp chúng ta nghỉ.

Nhưng không ai trong lớp chúng tôi đứng ngay dậy và ùa về như mọi khi. Mọi người đều ngồi lại và suy nghĩ về lời thầy nói.

(Rút từ Tủ sách Hạt giống Tâm hồn – Cho lòng dũng cảm và tình yêu cuộc sống 2)
 
Tiếng nói không lời


Nếu có người nào đó nói rằng họ vừa giàu có lại vừa hài lòng với những gì họ có, bạn hãy chắc rằng họ hài lòng bởi họ biết cách để được hài lòng, chứ không phải vì họ giàu có.

- Charles Wagner


Dường như tôi đã hoàn toàn chịu thua, không thể tìm ra cách gì khác để cải thiện tình hình. Ngay từ ngày đầu tiên bước vào cấp hai, Willard P. Franklin đã bắt đầu sống trong thế giới của riêng mình. Em khép kín lòng mình đối với các bạn cùng lớp cũng như với tôi, giáo viên của em. Những nỗ lực thiết lập một mối quan hệ thân thiện của tôi với em chỉ được đáp trả bằng sự lãnh đạm. Thậm chí những lời chào hỏi thân thiện của tôi em cũng chỉ đáp lại bằng những câu lầm bầm trong cửa miệng. Tôi nhận thấy bạn bè cùng lớp cũng không nhận được điều gì dễ chịu hơn từ Willard so với tôi. Willard hoàn toàn là một kẻ cô độc, dường như em không có mong muốn hay thấy cần phải phá vỡ bức tường im lặng của mình. Sau ngày lễ Tạ Ơn không lâu, lớp chúng tôi nhận được lời kêu gọi quyên tiền Giáng Sinh hàng năm cho những học sinh kém may mắn trong trường chúng tôi.


- Giáng Sinh là mùa trao tặng - tôi nói với các học sinh của mình - Trường chúng ta có một số bạn có thể không đủ điều kiện để hưởng một kỳ nghỉ lễ hạnh phúc. Bằng cách ủng hộ tiền cho việc quyên góp nhân dịp Giáng Sinh này, chúng ta có thể mua thực phẩm, quần áo và đồ chơi để làm quà tặng cho những bạn còn thiếu thốn đó.


- Chúng ta sẽ bắt đầu quyên tiền vào ngày mai các em nhé! - tôi dặn các học trò của mình.


Ngày hôm sau, tới giờ quyên góp, tôi phát hiện ra rằng hầu như các học sinh đều đã quên mất ch.uyện ấy, ngoại trừ Willard P. Franklin. Em thọc sâu tay vào túi quần của mình khi đi đến bàn tôi và cẩn thận bỏ hai đồng 25 xu vào chiếc thùng nhỏ.


- Em không cần phải uống sữa vào bữa trưa - em nói lí nhí trong miệng.


Thoáng qua mắt tôi, trong một khoảnh khắc hiếm hoi, tôi thấy Willard mỉm cười. Sau đó, em xoay người và bước về bàn mình. Chiều hôm đó, sau giờ tan học, tôi đem số tiền quyên góp ít ỏi đến cho ông hiệu trưởng. Tôi không thể nào ngăn mình không chia sẻ với ông ấy câu chuyện về Willard.


- Có thể là tôi sai, nhưng tôi tin rằng Willard có lẽ đang sẵn sàng để hòa nhập vào thế giới xung quanh em. Tôi nói với thầy hiệu trưởng.


- Vâng, tôi tin vào dấu hiệu sáng sủa mà cô vừa nói, ông gật đầu. Và tôi có linh cảm rằng có thể chúng ta đã có đủ thông tin để giúp em ấy chia sẻ một phần thế giới của em với chúng ta. Tôi vừa nhận được danh sách các gia đình cần được trợ giúp nhất của trường chúng ta trong dịp Giáng sinh này. Đây, cô hãy nhìn xem!


Khi nhìn vào danh sách, tôi đọc thấy tên Willard P. Franklin và gia đình em nằm ngay hàng đầu của danh sách này.


(Rút từ Tủ sách Hạt giống Tâm hồn – Cho lòng dũng cảm và tình yêu cuộc sống 2)
 
Quà tặng dành cho trái tim tan vỡ


Những lời tử tế có thể ngắn ngủi và dễ nói, nhưng tiếng vang của chúng quả thực là vô tận.

- Mẹ Theresa


Đi học về, bé Sussie 6 tuổi thấy mẹ đang bận rộn trong bếp, em lại gần và hỏi:


- Con chào mẹ, mẹ đang làm gì đó?


- Mẹ đang làm món thịt hầm cho bác Smith hàng xóm của chúng ta - mẹ cô bé trả lời.


- Nhưng sao mẹ phải làm vậy? Sussie lại hỏi.


- Vì bác Smith đang rất đau buồn; con gái bác vừa qua đời và giờ đây trái tim của bác Smith đang tan vỡ đó con ạ! Chúng ta cần phải quan tâm đến bác ấy một chút.


- Sao lại phải thế hả mẹ?


Mẹ Sussie dừng tay và ôn tồn nói với con:


- Như con thấy đó, Sussie, khi ai đó đang đau buồn, đang rất đau buồn, họ sẽ không tha thiết đến bất kỳ chuyện gì nữa, ngay cả những công việc hàng ngày như nấu bữa tối hay những việc lặt vặt khác. Vì chúng ta đang sống chung với nhau trong một cộng đồng. Vả lại, bác Smith còn là hàng xóm của nhà mình nữa nên chúng ta lại càng phải làm gì đó để giúp bác ấy. Bác Smith sẽ chẳng bao giờ còn có thể nói chuyện với con gái mình được nữa; bác ấy sẽ chẳng còn có thể ôm con gái vào lòng và cũng không thể cùng con gái mình làm những công việc tuyệt vời khác như bao bà mẹ và các con gái của họ thường cùng làm với nhau. Con là đứa trẻ thông minh mà, đúng không Sussie? Có lẽ con sẽ nghĩ ra cách nào đó để tỏ lòng quan tâm đến bác Smith được không?


Sussie suy nghĩ rất nhiều về lời mẹ nói và cô bé cố gắng nghĩ cách giúp bác Smith. Vài phút sau, Sussie đến gõ cửa nhà bác.


- Chào cháu, Sussie! bác Smith khẽ nói khi ra mở cửa cho Sussie.


Sussie nhận thấy rằng giọng nói của bác Smith không vang lên những âm điệu quen thuộc như em vẫn thường nghe thấy trước kia khi bác ấy lên tiếng chào ai đó. Sussie còn thấy mắt bác Smith đỏ mọng và sưng lên, chắc chắn bác ấy phải khóc nhiều lắm.


- Có chuyện gì không vậy Sussie? bác Smith hỏi.


- Mẹ cháu nói rằng con gái bác vừa mất và bác đang rất, rất đau buồn với trái tim tan vỡ - Sussie ngập ngừng xòe bàn tay ra. Trên tay em là một miếng băng dán vết thương - Cháu nghĩ cái này sẽ có ích cho trái tim tan vỡ của bác.


Bà Smith sững người và cảm động đến trào nước mắt. Bà ngồi xuống, ôm chặt bé Sussie vào lòng. Qua làn nước mắt bà nói:


- Cám ơn cháu. Bác rất cảm ơn cháu. Món quà này của cháu sẽ giúp cho bác nhiều lắm.


Bà Smith đón nhận cử chỉ nhân ái của Sussie và không chỉ đơn thuần đón nhận, bà còn tỏ ra rất trân trọng tặng vật chia sẻ nỗi buồn của em. Bà mua một dây đeo chìa khóa nhỏ có gắn một khung ảnh bằng thủy tinh - một vật dụng quen thuộc bấy giờ vừa dùng để treo chìa khóa vừa để đặt ảnh người mình quí mến trong gia đình vào đấy. Bà Smith đã đặt miếng băng dán vết thương của Sussie vào trong khung ảnh để mỗi lần nhìn thấy nó, bà như được nhắc rằng hãy gắng sức chữa lành vết thương lòng của mình. Bà cũng hiểu rõ rằng để làm được việc này phải cần có thời gian và

được nâng đỡ về mặt tinh thần. Và miếng băng dán của bé Sussie gửi cho bà đã trở thành một biểu tượng giúp bà vơi đi nỗi buồn đau, trong khi không quên đi những niềm vui và tình yêu mà bà đã từng chia sẻ với con gái mình.


(Rút từ tủ sách Hạt giống Tâm hồn – Cho lòng dũng cảm và tình yêu cuộc sống 2)
 
Ba năm cho một giấc mơ!

“Được đắm mình trong ánh mặt trời chính là mơ ước lớn nhất của tôi. Tôi không thể với tới những tia nắng huyền diệu đó nhưng tôi có thể chiêm ngưỡng chúng, tin vào sự kỳ diệu của chúng và vươn tới chúng đến cùng”.

- Louisa May Alcott

Vào đầu thập niên 50, tại một thị trấn nhỏ ở miền Nam California, một cô bé mười tuổi thường xuyên đến thư viện đọc sách. Trong khi chờ người thủ thư già đóng dấu hẹn ngày trả sách, cô bé thường nhìn rất lâu vào danh mục sách mới đặt trên kệ. Cô ngạc nhiên thích thú nhận ra công việc thật tuyệt vời của những người cầm bút, và thật vinh dự làm sao khi tác phẩm của họ được đặt trên mọi kệ sách, nơi mà cả thế giới có thể ngắm nhìn.

1382668045_HGTH4.jpg


Một ngày nọ, cô bé thổ lộ niềm mơ ước của mình với người thủ thư già:

- Bác ạ, khi lớn lên, cháu sẽ trở thành một nhà văn. Cháu sắp sửa viết sách đấy.

Người thủ thư già ngước nhìn cô bé với ánh mắt khích lệ và nụ cười động viên. Bà đáp lại:

- Khi nào cháu viết sách xong thì hãy mang đến đây cho bác. Bác sẽ trưng bày chúng ở đây, ngay trên quầy sách này.

Cô bé hứa với bà thủ thư rằng một ngày không xa, cô sẽ hoàn thành tác phẩm đầu tay của mình.

Tám năm sau, cô bé đã tìm ra một tia sáng cho ước mơ của mình. Cô nhận công việc viết những mẩu tin nhỏ cho một tờ báo địa phương với khoản thu nhập 1,5 đôla cho mỗi tin như thế. Tuy nhiên, khoản thu nhập ít ỏi này chẳng là gì so với niềm vui khi cô thấy những bài viết của mình được đăng trên báo.

Còn một quyển sách ư? Phải mất khá nhiều thời gian mới làm được.

Một thời gian sau, cô làm biên tập cho bản tin của một trường trung học, lập gia đình và bắt đầu một cuộc sống mới. Thế nhưng nỗi khát khao được viết, được sáng tác vẫn luôn cháy bỏng trong cô. Những lúc rảnh rỗi, ngoài việc chăm sóc gia đình, cô nhận thêm việc phụ trách mục tin tức giáo dục tại một tờ tuần báo.

Tuy vậy, vẫn chưa có cuốn sách nào ra đời. Rồi cô chuyển sang làm chính thức cho một tờ nhật báo lớn trong khi vẫn cộng tác với các tạp chí. Công việc càng lúc càng trở nên bận rộn.

Cuối cùng, khi tin rằng mình đã tìm được đề tài tâm đắc, cô bắt tay vào viết. Cùng một lúc, cô gửi tác phẩm của mình đến hai nhà xuất bản. Một thời gian sau, cô nhận được phản hồi. Nhà xuất bản đánh giá cao ý tưởng của cô nhưng lại cho rằng tác phẩm của cô chưa đủ hay để có thể in thành sách. Cô buồn rầu ném xấp bản thảo vào một xó.

Nhưng vài năm sau, giấc mộng văn chương ngày xưa lại trở về, ngày càng mãnh liệt hơn. Sau nhiều đêm trăn trở, suy tư về cuộc sống, về hạnh phúc và khổ đau, cô quyết định bắt tay vào viết một tác phẩm mới, đồng thời chỉnh sửa lại tác phẩm đầu tay của mình. Rất tự tin, cô gửi cả hai bản thảo tới nhà xuất bản và thật bất ngờ, không lâu sau, cả hai đều được in thành sách.

Thế nhưng, phải mất đến hơn một năm sau, cô mới nhận được thùng sách biếu dành cho tác giả. Cô vội vã mở nắp thùng, lòng hồi hộp khi sắp được nhìn thấy đứa con tinh thần của mình. Và cô òa khóc. Cô đã phải đợi quá lâu để có thể nhìn thấy giấc mơ của mình thành hiện thực. Rồi cô chợt nhớ đến lời đề nghị của người thủ thư già ngày trước.

Khi cô quay lại thư viện thì người thủ thư già đã không còn nữa. Cô viết cho người quản lý thư viện một lá thư, kể rõ với ông rằng những lời động viên của người thủ thư già ngày xưa đã tác động đến cô mạnh mẽ như thế nào. Cô còn viết rằng cô sẽ tham dự buổi họp mặt cựu học sinh trường cũ và mong ông vui lòng nhận những quyển sách của cô.

Ngày họp mặt đã đến, cô hết sức ngạc nhiên khi trông thấy một thư viện mới rất khang trang được xây cạnh ngôi trường cũ. Từ phòng đọc sách có thể nhìn thấy lớp học, nơi cô từng đánh vật với các con số, công thức, định lý... Và sách của cô được đặt trang trọng trên chiếc kệ ngày xưa kèm theo lời giới thiệu. Cô ôm ghì lấy người quản lý thư viện để bày tỏ lòng biết ơn. Họ cùng chụp một bức ảnh bên ngoài thư viện để biết rằng mọi giấc mơ đều có thể trở thành hiện thực, mọi lời hứa đều có thể làm được cho dù có phải mất đến ba mươi năm hoặc lâu hơn nữa.

Có những ước mơ mãi mãi chỉ là ước mơ, có những ước mơ sẽ trở thành hiện thực. Đâu là sự khác biệt.

(Rút từ Tủ sách Hạt giống Tâm hồn - Từ những điều bình dị 4)
 
Đồng cảm


Cuộc sống chẳng có gì đáng quý hơn là hạn chế làm tổn thương người khác và xoa dịu một tâm hồn khổ đau với tất cả những gì mình có thể.

- Olive Schreineray


Một cậu bé xuất hiện trước một cửa hàng bán chó và hỏi người chủ cửa hàng:


- Các con chó được bán với giá bao nhiêu vậy bác?


Người chủ cửa hàng trả lời:



- Khoảng từ 30 tới 50 đôla một con!

Cậu bé rụt rè hỏi:


- Cháu có thể xem chúng được không ạ?


Người chủ cửa hàng gật gù rồi huýt sáo ra hiệu. Năm chú chó con như năm cuộn lông đủ kích cỡ chạy ra, duy có một chú bị tụt lại sau khá xa. Ngay lập tức, cậu bé chú ý tới chú chó chậm chạp, hơi khập khiễng đó. Cậu liền hỏi:


- Con chó này bị sao vậy bác?


Ông chủ giải thích rằng nó bị tật ở khớp hông và nó sẽ bị khập khiễng suốt đời. Nghe thế, cậu bé tỏ ra rất xúc động.


- Đó chính là con chó cháu muốn mua. – Cậu nói với giọng quả quyết.


- Nếu cháu muốn mua con chó đó, bác sẽ tặng cháu. Nhưng bác biết cháu sẽ không thích nó đâu.


Cậu bé nhìn thẳng vào mắt ông chủ cửa hàng:


- Cháu không muốn bác tặng nó cho cháu đâu. Nó cũng có giá trị như những con chó khác mà. Cháu sẽ trả cho bác đúng giá.


Ngập ngừng một lúc, cậu bé nói tiếp:


- Thực ra, cháu chỉ có và có thể trả bác ngay 3 đôla bây giờ. Sau đó, mỗi tháng cháu sẽ trả dần được không ạ?


- Nói thật nhé, cháu không nên mua nó. – Người chủ cửa hàng khuyên. – Nó không bao giờ có thể chạy nhảy và chơi đùa như những con chó khác được đâu.


Ông vừa dứt lời, cậu bé liền cúi xuống kéo ống quần lên, để lộ ra cái chân trái cong queo, bị liệt được đỡ bằng một thanh kim loại. Cậu nhìn ông chủ cửa hàng khẽ nói:


- Chính cháu cũng chẳng chạy nhảy được mà. Nó sẽ là người bạn thân của cháu.


(Rút từ Tủ sách Hạt giống Tâm hồn – Từ những điều bình dị 4)
 
×
Quay lại
Top