Trung thực với chính mình

Sun Glare

Tân Sinh Viên
Thành viên thân thiết
Tham gia
26/6/2009
Bài viết
2.855


Năm tôi học lớp 10, là một học sinh học khá Anh văn nên mỗi lần đến tiết hoặc trước giờ làm bài thi môn Anh văn thì tôi là “đối tượng” được săn đón, đưa đẩy và hứa hẹn nhiều nhất.
Tôi cũng nổi tiếng trong lớp học vì đã giúp được nhiều bạn, đặc biệt là hai bạn ngồi bên cạnh tôi “tiến bộ hơn trong môn Anh văn” (lời nhận xét của cô giáo) khi cho hai bạn này… mặc sức chép bài.
Cô giáo dạy Anh văn của tôi không khó tính lắm, thành ra mỗi lần đến giờ kiểm tra 15 phút thì mô-típ “viết từ mới” luôn được cô sử dụng. Mười từ vựng tương đương với mười điểm, dễ như trở bàn tay với tôi nhưng lại là khó khăn với những bạn khác trong lớp vì cô sẽ hỏi bất kì từ nào trong quá trình học, không chỉ riêng từ mới của bài học trước đó.
Bài kiểm tra 15 phút cuối cùng của môn Anh văn làm cả lớp nhốn nháo, vì nghe đâu cô giáo sẽ ra đề hóc búa và đánh đố học sinh. Giờ kiểm tra hôm đó với tôi sẽ kết thúc tốt đẹp nếu đứa bạn ngồi bên không í ới: “Chữ kia là chữ gì vậy mày? Sao tao không đọc được? Mở nhanh ra coi, sắp hết giờ rồi”. Trong khi tôi đã cố đẩy bài làm của mình sát vào phía nó để nó… nhìn cho rõ thì nó vẫn một mực: “Khó quá, tao không nhìn ra được. Còn có một từ nữa thôi, mày viết giúp tau đi. Trống hết giờ rồi kìa”. Chần chừ vài giây, tôi đẩy hẳn tờ giấy bài làm của mình sang phía nó rồi giựt phắt tờ bài làm của nó, hí hoáy viết, trong khi ở trên, cô giáo đã ra lệnh dừng bút và bắt đầu đi thu bài ở những bàn đầu.
1233.jpg

Chỉ đến khi bài của cả lớp đã được cô giáo thu xong thì tôi mới giật mình: bài làm của nó ghi mực xanh, còn tôi lại chuộng mực đen… Thế này cô giáo không phát hiện ra mới lạ.
Tiết học Anh văn sau đó là địa ngục đen tối trong đời học sinh của tôi, khi cô giáo tiến hành chất vấn tôi và người bạn ngồi bên cạnh ngay trong lớp học. Không quá khó khăn để cô giáo phát hiện ra căn nguyên của việc bài thi “9 phần xanh, một phần đen” của nhỏ bạn tôi. Điều đáng nói là cô giáo vẫn tạo cơ hội để tôi bày tỏ, phản biện nhưng từ đầu đến cuối, sắc mặt tôi cứ tái mét và tôi tuyệt nhiên không hé răng nói lấy nửa lời, dù các bạn xung quanh luôn miệng thúc giục tôi nhận lỗi và hứa lần sau không tái phạm. Tôi biết, với tư cách là một học sinh ngoan ngoãn, luôn đạt thành tích tốt trong học tập thì chỉ cần tôi làm theo chỉ dẫn của các bạn thì cô giáo tôi sẽ rộng lượng và bỏ qua cho tôi và nhỏ bạn tôi.
Tuy nhiên, trong đầu tôi lúc đó vẫn ngoan cố cho rằng lỗi không phải do tôi, nên dù thật sự sợ hãi nhưng tôi vẫn không quyết tâm không thừa nhận lỗi lầm của mình. Hai ngày sau, khi đã ngồi ngẫm lại mọi chuyện, tôi mới nhận ra được nguồn gốc sâu xa của việc bị cô giáo phê bình, quở trách ngày hôm đó. Nếu tôi không “chiều” bạn tôi quá, nếu tôi kiên quyết không giúp nó thì có lẻ mọi chuyện đã không chuyển biến xấu như thế. Ngay lập tức tôi gọi điện thoại, đầu dây bên kia là giọng nói ấm áp và tấm lòng vị tha của cô giáo.
Sự việc trên giúp tôi nhận ra rằng: đứng trước một sai lầm nào đó thì điều đầu tiên con người ta phải đối diện là… chính mình. Nói hay không nói? Thừa nhận hay không thừa nhận?... Chỉ khi vượt qua được những sợ hãi, những rào cản do chính bản thân mình tạo ra thì lúc đó, ta mới có thể thật thà thừa nhận những sai phạm được tạo ra trước đó.
Trung thực với chính mình là điều kiện tiên quyết giúp chúng ta thể hiện sự trung thực đó khi đối diện với những người xung quanh.
 
×
Quay lại
Top