Tính tự học của sinh viên chưa cao

heokool

Cà rốt, trứng hay hạt cà phê?
Thành viên thân thiết
Tham gia
22/9/2011
Bài viết
14.934
Đào tạo tín chỉ được coi là một trong những giải pháp đột phá nhằm đổi mới giáo dục đại học, cao đẳng. Tuy nhiên để triển khai hiệu quả phương thức đào tạo này là điều không hề dễ dàng.

889497-hoa-dau130512.jpg
Sinh viên ngành Hóa dầu Trường cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa thực hành - Ảnh: T.HẰNG

BÊN CẠNH NHỮNG LỢI THẾ …

Giảm đáng kể phần “cứng”, tăng đáng kể “phần mềm” là một trong những nguyên tắc của đào tạo theo học chế tín chỉ. Phần “cứng” là những môn học có tính chất bắt buộc, còn phần “mềm” là những môn học dưới dạng tín chỉ và người học có thể hoàn toàn chủ động sắp xếp thời gian để có thể hoàn thành phần mềm này. Với những ưu điểm vượt trội so với hệ thống đào tạo theo niên chế, đào tạo theo hệ thống tín chỉ tạo tính mềm dẻo, linh hoạt phù hợp với năng lực và hoàn cảnh của người học, giúp người học chủ động trong kế hoạch học tập, nâng cao tính tự học, tự nghiên cứu và khả năng sáng tạo tốt hơn.

Trường cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa thực hiện quá trình đào tạo tín chỉ từ năm học 2009-2010 (áp dụng cho trình độ cao đẳng). Sau 3 năm triển khai đào tạo theo hệ thống tín chỉ, những thuận lợi và hạn chế trong quá trình đào tạo này được nhà trường “mổ xẻ” tại hội nghị tổng kết 3 năm đào tạo theo hệ thống tín chỉ. Báo cáo tại hội nghị cho biết, từ năm 2009, mỗi năm nhà trường tuyển hơn 1.100 sinh viên hệ cao đẳng chính quy. Với số lượng sinh viên tuyển được hàng năm như trên, đảm bảo để đào tạo theo hình thức tín chỉ. Để giúp người học có điều kiện lựa chọn học phần học tập từng kỳ theo năng lực bản thân, nhà trường xây dựng kế hoạch đào tạo thống nhất và có tính liên thông giữa các kỳ; lịch học tín chỉ được thiết kế cố định cho cả học kỳ, điều này giúp người dạy và người học chủ động trong công việc lập kế hoạch hoạt động và học tập lâu dài; thực hiện tổ chức đăng ký học phần trực tuyến từ năm 2011, điều này giúp người học đăng ký học phần mọi lúc, mọi nơi. Việc đăng ký học phần trực tuyến tăng độ chính xác trong việc lựa chọn lịch học theo kế hoạch người học, đồng thời giảm tải cho người xử lý đăng ký học phần do công việc được xử lý tự động. Công tác quản lý sinh viên học tập theo hệ thống tín chỉ đang dần đi vào nề nếp. Việc quản lý sinh viên trên phần mềm tạo ra sự đồng bộ, thống nhất trong công tác quản lý. Nhà trường tổ chức mỗi tuần 1 tiết để cố vấn học tập tư vấn, hỗ trợ và quản lý sinh viên của lớp được phân công.

Ngoài ra, đào tạo theo hệ thống tín chỉ, phương pháp giảng dạy của giáo viên trong toàn trường không ngừng được đổi mới. Hàng năm, nhà trường tổ chức các hội thảo về đổi mới phương pháp giảng dạy; Hội thảo về dạy và học tín chỉ; Hội giảng giáo viên dạy giỏi… nhằm trao đổi, học tập kinh nghiệm lẫn nhau. Thông qua các hội thảo, giáo viên được học tập nhiều kinh nghiệm quý báu về phương pháp sư phạm, phương pháp giảng dạy tín chỉ nhằm nâng cao khả năng giảng dạy.

Cũng theo báo cáo tại hội nghị, tổng số sinh viên tốt nghiệp khóa đầu tiên đào tạo tín chỉ là 818 sinh viên đạt tỉ lệ 88,53%. Một số ngành có số lượng sinh viên tốt nghiệp sớm so với thời gian quy định như: Kế toán, Quản trị kinh doanh, Công nghệ kỹ thuật môi trường…

… CÒN NHỮNG HẠN CHẾ CẦN THÁO GỠ

Sau 3 năm áp dụng, bên cạnh những thuận lợi, phương pháp đào tạo tín chỉ cũng đã bộc lộ những hạn chế thấy rõ. Thạc sĩ Huỳnh Mạnh Nhân, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa cho biết: “Đào tạo theo hình thức tín chỉ lấy người học làm trung tâm, bên cạnh kiến thức giáo viên truyền thụ, sinh viên phải tự học, tự nghiên cứu tài liệu. Với thời gian tự học được thiết kế bằng hai lần thời gian được học trên lớp, đòi hỏi tính tự giác của sinh viên rất cao. Ngoài ra, đề cương tự học của các học phần chưa được đầu tư đúng mức, chưa chỉ rõ nội dung, tài liệu tự học và chưa có biện pháp kiểm soát mức độ tự học của sinh viên làm ảnh hưởng lớn đến kết quả học tập, dễ dẫn đến tình trạng sinh viên bỏ học, bị buộc thôi học khi học tín chỉ ở năm học đầu tiên (tỉ lệ sinh viên có học lực kém ở năm đầu tiên thường chiếm khoảng 1,5-2%)”.

Thạc sĩ Huỳnh Mạnh Nhân nói thêm: Thông thường, sinh viên học vượt để được tốt nghiệp sớm hơn so với thời gian chuẩn đào tạo thường được tổ chức vào các kỳ phụ (kỳ hè). Tuy nhiên, do số lượng sinh viên ở một số ngành không nhiều nên sinh viên tham gia đăng ký học vượt ở học kỳ phụ không đủ mở lớp. Vì vậy, phần lớn học kỳ phụ thường được tổ chức cho sinh viên học lại các học phần không đạt trong học kỳ chính.

Việc hướng cho sinh viên đến việc tự học, tự nghiên cứu nhiều hơn cũng đang tồn tại những khó khăn. Theo các giảng viên, ý thức tự học, tự nghiên cứu của một số sinh viên còn thấp, có sinh viên thậm chí không có kế hoạch tự học ở nhà dẫn đến không hiểu được bài khi đến lớp. Hạn chế trong việc tự giác tìm kiếm tài liệu học tập, nghiên cứu cũng gây khó khăn rất lớn cho sinh viên, mặc dù thư viện trường với hơn 50.000 đầu sách các loại và được đầu tư theo mô hình Thư viện điện tử với gần 10.000 tài liệu số đảm bảo cho nhu cầu học tập và tra cứu. Cùng đó, việc đăng ký, lựa chọn các tín chỉ phù hợp đối với sinh viên không phải là dễ dàng gì, sinh viên phải có khả năng tự chủ cao trong việc sắp xếp lộ trình học tập…

Là trường cao đẳng đầu tiên trong khu vực áp dụng theo mô hình đào tạo tín chỉ, bên cạnh những thuận lợi, nhiều hạn chế cũng cần phải được khắc phục để mô hình đào tạo tín chỉ của nhà trường ngày càng hoàn thiện hơn, phục vụ tốt nhất cho người học.
Theo Baophuyen
 
×
Quay lại
Top