Thủ thuật săn mồi đa dạng: Cá heo thông minh hơn ta tưởng!

Mèo Cọp

“This world is merciless.”
Thành viên thân thiết
Tham gia
25/11/2012
Bài viết
351
(kenhsinhvien.vn) Từ lùa cá vào vòng bùn đến bảo vệ mũi bằng hải miên, loài thú biển này là những kẻ săn mồi lão luyện.

Cá heo mũi chai bơi ở Khu bảo tồn hải dương Ponta Do Oro, Mozambique. Cá heo mũi chai là một trong những loài cá heo được nghiên cứu nhiều nhất. Ảnh: Thomas P. Peschak, Nat Geo Image Collection
Cá heo mũi chai bơi ở Khu bảo tồn hải dương Ponta Do Oro, Mozambique. Cá heo mũi chai là một trong những loài cá heo được nghiên cứu nhiều nhất. Ảnh: Thomas P. Peschak, Nat Geo Image Collection

Cá heo là loài rất thông minh không phải bàn cãi. Nhưng cách chúng sử dụng trí khôn để sinh tồn vẫn khiến các nhà sinh vật học hải dương không khỏi ngạc nhiên, các tập tính mới và hấp dẫn của chúng được phát hiện mỗi năm.

Có 36 loài cá heo đã được biết, từ cá heo Maui nặng 110 pao đến cá voi sát thủ kích cỡ bằng một chiếc xe dã ngoại, và tất cả đều đang vật lộn với cùng một vấn đề: Làm thế nào để kiếm ăn khi không có tay chân?

Một trong những loài được nghiên cứu nhiều nhất là cá heo mũi chai đã phát triển nhiều chiến lược săn mồi ấn tượng, chẳng hạn như kiếm ăn bằng vòng bùn. Bằng một vài cú đập đuôi mạnh và chuyển động bơi vòng quanh, loài săn mồi này sẽ lùa đàn cá vào một xoáy nước bùn. Đối với cá, đám bùn này trông như một bức tường không thể xuyên thủng, khiến chúng cuống cuồng và cố nhảy lên mặt nước để vượt qua rào chắn. Không may cho chúng, đó là nơi những con cá heo háu ăn đang phục sẵn với hàm miệng mở to.


Cá heo tấn công bất ngờ từ góc khuất để bắt cá dễ dàng.

Cá heo tấn công bất ngờ từ góc khuất để bắt cá dễ dàng.
Với thủ thuật hợp tác kiếm ăn bằng vòng bùn, một con cá heo sẽ bơi nhanh thành vòng tròn, đánh đuôi gần đáy biển để khuấy động bùn. Bị mắc kẹt và bối rối, cá sẽ cố trốn thoát, lúc này những con cá heo khác sẽ nhanh chóng đớp được.

Trước đây, người ta cho rằng kiếm ăn bằng vòng bùn chỉ có ở một vài quần thể cá heo mũi chai sống tại Florida. Nhưng một nghiên cứu gần đây được công bố trên tạp chí Khoa học Động vật biển có vú đã chứng minh rằng tập tính ấy phân bố rộng hơn, và đã được xác nhận tồn tại cả ở Belize và Mexico, nhà sinh vật học hải dương Eric Ramos tại Đại học thành phố New York, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết.

Dù có thể cá heo kiếm ăn bằng vòng bùn đã mang tập tính này từ Florida đến Caribe, hoặc ngược lại, nhưng Ramos cho rằng cách giải thích ấy khó có thể xảy ra. Trái lại, anh cho rằng các quần thể cá heo riêng lẻ sống ở những sinh cảnh tương tự nhau đã phát kiến ra chiến lược săn mồi giống nhau một cách độc lập.

“Dù là cách nào đi nữa thì cũng ngầu thật đấy,” Ramos cho biết, và đó chỉ là một trong nhiều cách thông minh mà cá heo đã học được để sinh tồn.


Kiếm ăn trên cạn: cuộc chơi mạo hiểm nhất

Đối với động vật biển có vú, việc tiến quá sâu vào bờ biển là điều rất mạo hiểm, tại đó chúng có thể bị mắc cạn và bỏ mạng. Tuy nhiên, một số loài cá heo sẵn sàng chấp nhận rủi ro, đuổi cá lên bãi biển, và sau đó nuốt chửng con mồi trước khi rút lui về lại những con sóng.

“Quá mạo hiểm,” nhà sinh thái học hành vi Janet Mann tại Đại học Georgetown, Washington, D.C., chuyên nghiên cứu hành vi của cá heo mũi chai Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ở vịnh Shark, Australia cho biết.


Cá heo ăn cá mắc cạn trên bờ biển, chấp nhận rủi ro tự làm mình mắc cạn.

Cá heo ăn cá mắc cạn trên bờ biển, chấp nhận rủi ro tự làm mình mắc cạn.
Ở South Carolina, những đàn cá heo nhỏ lùa cá và sau đó tăng tốc để tạo sóng đẩy con mồi dạt lên bờ. Khi lao mình lên khỏi mặt nước để ăn cá trên bờ, cá heo mạo hiểm đến mức có thể nhảy quá xa và tự làm mình mắc cạn.
Vì kỹ thuật săn mồi này làm mài mòn răng, nên cá heo luôn nghiêng về bên phải, có thể là để giữ gìn răng bên trái.
Cá heo chọn nơi săn mồi dựa trên độ dốc của bờ biển. Quá thoải thì chúng sẽ dễ bị mắc cạn, còn quá dốc thì sẽ khó nhảy lên.

Trên thực tế, Mann cho biết một trong những con cá heo “mắc cạn” nổi bật nhất là một con cái có tên là Jamaica, đã xuất hiện những vết bỏng vài năm trước, có thể là do phơi nắng quá lâu sau khi bị mắc cạn trên bờ biển.

Kiếm ăn trên cạn, hay còn gọi là mắc cạn, là một chiến lược săn mồi hiếm gặp chỉ được phát hiện ở một vài nơi, như South Carolina và vịnh Shark. “Tập tính này thật thú vị, vì chỉ một vài con biết làm,” Mann nhận xét.

Đập nước: đùa giỡn với thức ăn

Khi cá heo đập mạnh đuôi trên mặt nước, hiện tượng đó có vẻ giống với một đứa trẻ đang chơi đùa trong bồn tắm. Nhưng đây lại là một tập tính săn mồi đầy chết chóc.

Tuỳ thuộc vào nơi sống, cá heo có thể sử dụng đuôi để gây choáng cá và thậm chí quăng chúng lên không trước khi bơi đến để kết liễu. Đây được gọi là “đá cá” hoặc “đánh cá”.

Một số quần thể cá heo mũi chai ở Australia còn thực hiện động tác đập bạch tuộc ra khỏi nước để vô hiệu hoá xúc tu giác hút của chúng, rồi mới nuốt chửng.

Ở các trường hợp khác, cú đánh của cá heo có thể vì mục đích khác. Một số con cá heo ở vịnh Shark, Australia sẽ đánh nước bề mặt bằng mũi trong lúc kiếm ăn dưới thảm cỏ biển, có lẽ là một cách để doạ cá rời khỏi chỗ ẩn nấp. Các nhà khoa học đặt tên cho tập tính này là “đập nước” (kerplunking).

Hợp tác kiếm ăn: kế sinh nhai

Nhiều loài động vật hợp tác cùng nhau để xử trí con mồi, ví dụ như cá heo khi chúng tham gia kiếm ăn bằng vòng bùn. Nhưng không có loài nào hợp sức với con người để kiếm ăn.

Ở Laguna, Brazil, cá heo mũi chai lùa cá vào bờ biển nơi ngư dân đang đứng đợi sẵn. Với mực nước cao đến ngực và tay cầm đầy dây lưới, ngư dân quăng lưới đúng vào thời khắc cá heo tiến vào.

“Lợi ích của ngư dân rõ ràng là bắt được nhiều cá hơn và thỉnh thoảng là cá lớn hơn nếu họ làm theo dấu hiệu từ cá heo,” nhà sinh thái học hành vi Mauricio Cantor tại Đại học bang Oregon cho biết. “Nhất là vì nước biển có thể rất đục, nên ta không thể nhìn thấy khi nào có cá.”

Tất nhiên, cá heo có thể “nhìn thấy” cá chỉ bằng cách sử dụng hệ thống xô na sẵn có, được gọi là định vị bằng tiếng vang. Và cá heo cũng được lợi, Cantor nói, vì ngư dân và lưới đánh cá đóng vai trò như một rào chắn giúp cá heo có thể dồn cá vào. Sự hợp tác này thành công mỹ mãn, nhiều ghi nhận về những lần hợp tác như vậy đã có từ khoảng 120 năm trước tại Brazil.

Hợp tác kiếm ăn cũng diễn ra ở một loài cá heo khác là cá heo nước ngọt Irrawaddy ở Myanmar (Burma).

Hải miên và vỏ ốc: công cụ hỗ trợ cho phi vụ săn mồi

Từ những năm 1980, các nhà nghiên cứu đã theo dõi vài chục con cá heo ở vịnh Shark thực hiện nghệ thuật “đeo hải miên”, một ví dụ của việc sử dụng công cụ hỗ trợ.

Hiện tượng này xảy ra khi một con cá heo bứng gốc hải miên từ đáy biển và đặt loài vật mềm mại này lên mũi, có thể là để bảo vệ mũi khi nó xới đáy biển đầy đá để tìm cá. Đeo hải miên cũng giúp loài săn mồi này doạ cá nhỏ bơi ra, vì một số loài cá có thể “tàng hình” khỏi hệ thống xô na tự nhiên của cá heo.

Đeo hải miên không hẳn chỉ là sở thích, Mann cho biết. Theo nghiên cứu của cô, nó khiến cá heo tách biệt văn hoá với quần thể láng giềng.

“Những con đeo hải miên rõ ràng là sống đơn độc hơn và ít giao tiếp xã hội hơn,” cô cho biết. Và khi giao tiếp xã hội, những con đeo hải miên có xu hướng lập nhóm với những con đeo hải miên khác. Thú vị nhất là đeo hải miên có vẻ được truyền từ mẹ sang con gái. “Một trong những con cá heo cái được phát hiện năm 1984 vẫn còn đeo hải miên,” Mann nói. “Nó đã 37 năm tuổi.”


Cá heo bảo vệ mặt bằng hải miên có dạng hình giỏ khi tìm con mồi trốn dưới đáy biển.

Cá heo bảo vệ mặt bằng hải miên có dạng hình giỏ khi tìm con mồi trốn dưới đáy biển.
Người ta cho rằng cá heo đeo hải miên là để bảo vệ chiếc mõm nhạy cảm khỏi đáy biển đá. Thủ thuật kiếm ăn này là một phương pháp thay thế cho thủ thuật định bị bằng tiếng vang, một cách thức phổ biến nhất và đáng tin cậy nhất của cá heo để phát hiện con mồi đang bơi, nhưng lại không hiệu quả với những loài cá sống ở đáy biển.
Nhiều loài cá sống ở đáy biển không có bóng bơi (bong bóng cá), là cơ quan chứa đầy khí điều khiển độ chìm nổi và dễ dàng dội lại sóng âm cá heo phát ra.
Cá bơi tự do có bóng bơi (phía trên)
Cá ở đáy biển không có bóng bơi (phía dưới)

Một tập tính thậm chí còn hiếm gặp hơn là “tận dụng vỏ ốc,” theo đó cá heo sẽ xua cá vào một vỏ ốc xà cừ rỗng.

“Cá heo đặt mõm mình vào miệng vỏ ốc, mang vỏ ốc lên mặt nước, và sau đó lắc lắc để cá rơi vào miệng mình,” nhà sinh thái học hành vi Sonja Wild tại Đại học Konstanz, Đức, người dẫn dầu nghiên cứu về việc tận dụng vỏ ốc của cá heo ở vịnh Shark năm 2020 cho biết.

Đáng tò mò là hành vi tận dụng vỏ ốc này được lan truyền theo chiều ngang, trong khi đeo hải miên lại chỉ được học hỏi theo chiều dọc. Nói cách khác, cá heo có thể học cách tận dụng vỏ ốc từ bạn bè mình, nhưng đeo hải miên được lưu truyền trong nội bộ gia đình.

Bằng ảnh vệ tinh và thiết bị bay, cũng như sự gia tăng của máy ảnh smartphone, các nhà khoa học sẽ có thể khám phá thêm được nhiều tập tính kiếm ăn của cá heo hơn, Ramos cho biết.

“Công nghệ đang giúp chúng ta tiếp cận nhiều thứ mà trước đây ta chưa từng thấy.”


Dịch bởi Kenhsinhvien.vn
(Theo National Geographic)
 
×
Quay lại
Top