Thầy giáo tôi với câu chuyện về chiếc đồng hồ

Nhím.xù

Lại thế nữa rồi ~.~
Thành viên thân thiết
Tham gia
5/9/2011
Bài viết
4.128
Kết thúc khoá học đại học, tôi - một chàng trai trẻ đang hừng hực sức sống với bao đam mê và hoài bão, trở về phố huyện với rất nhiều kế hoạch và dự định. Tôi hoàn toàn tin rằng mình có thể làm được điều gì đó có ý nghĩa; rằng bao nhiêu kiến thức tôi đã tích luỹ được trong hai mươi mấy năm có mặt trên đời, rồi mười sáu năm miệt mài trên ghế nhà trường sẽ giúp tôi thực hiện được mơ ước.
Nhưng cuộc sống không hẳn lúc nào cũng như người ta mong đợi. Với cái bằng khá trong tay, tôi đã tự cầm hồ sơ đi xin việc khắp nơi mà chưa được. Nói là khắp nơi thì hơi quá. Nhưng tôi đã tới năm cơ quan để xin việc theo đúng ngành học của mình. Ở đâu cũng nói là “đã đủ người”, “đang thừa biên chế”… Tôi bắt đầu chột dạ “ngành học của mình là ngành mới cơ mà, sao đã đủ được”. Tôi trở về nhà nghỉ ngơi sau cả tháng trời làm giấy tờ, hồ sơ, xin dấu, nộp hồ sơ, đăng kí thi tuyển… Tất nhiên là với cú vấp này, tôi chưa đầu hàng. Tôi về nhà và ngẫm nghĩ về sự: “tại sao lại thế?”, và “phải làm thế nào?”.
Đang trong lúc hoang mang ấy thì thằng bạn chí cốt của tôi xuất hiện. Từ lúc trở về, tôi vẫn chưa gặp lại nó. Nó bây giờ thật khác, thật ra dáng một ông chủ, chứ không còn lông bông, yếu ớt thư sinh như tôi. Thằng bạn tôi, nó không học dài như tôi. Học hết cấp ba, nó ở nhà làm kinh tế cùng gia đình. Thế rồi, nhà nó cũng mở được công ti riêng. Va chạm, tiếp xúc với xã hội và đồng tiền nhiều nên nó trưởng thành nhanh hơn tôi. Và tất nhiên là nó không thể không cho tôi vài lời khuyên quý giá. Nó bảo tôi rằng: “Mày ngốc quá, thời buổi nào rồi mà đi xin việc còn đi tay không”. Rồi tôi cũng vỡ lẽ ra rằng, cần phải “vòng vèo” để xin được việc. Nhưng vấn đề là nhà tôi không có lấy một phần tư số tiền mà nó gợi ý cho tôi cầm đi xin việc. Một mình mẹ tôi đã phải chắt chiu bao nhiêu mới nuôi nổi tôi học xong đại học. Tôi đã nghĩ và đã làm cho mẹ tôi nghĩ rằng là khi ra trường, tôi sẽ đi làm kiếm tiền để báo hiếu mẹ, mẹ sẽ không phải vất vả vì tôi nữa.
Thế rồi bằng số tiền mà thằng bạn cho mượn, tôi cũng xin được việc. Công việc ở đây khá vất vả. Môi trường và điều kiện làm việc cũng còn nhiều thiếu thốn.
Nhưng điều đó không quan trọng bằng việc tôi đã đi làm năm năm trời, với bao nhiêu cố gắng mà vẫn không được thừa nhận. Tôi kể sự tình cho thằng bạn tôi nghe. Nó lại nhăn nhó kêu rằng: “Tao đến là không hiểu nổi mày. Người ta muốn thăng tiến, không chỉ cần đến tài năng. Mày cứ mở mắt ra mà theo dõi những đứa vào cùng với mày ấy. Nó không giỏi bằng mày nhưng giờ nó đã ở vị trí nào rồi. Nhìn kĩ xem là nó có cái gì.”
Ừ, thì tôi cũng lờ mở hiểu ra nguyên do của sự việc. Nhưng tôi không có những “yếu tố mềm” kèm theo như họ. Song dù thế nào thì tôi vẫn tin rằng, những nhà quản lí - không nhà quản lí này thì có nhà quản lí khác - sẽ nhận ra khả năng thực sự của tôi.
Tôi có được niềm tin ấy là vì dù có đi đâu, làm gì, nhất là trong những lúc khó khăn, tôi lại nhớ câu chuyện về chiếc đồng hồ của thầy giáo tôi.
Thầy tài năng và giản dị nhưng sâu sắc. Thầy bảo rằng: “chiếc đồng hồ có kim giờ, kim phút, kim giây. Nhưng khi hỏi giờ, người ta chỉ thường quan tâm đến kim giờ (như kiểu “Mấy giờ rồi?”). Hoặc nhiều lắm là đến số phút. Chỉ trong những trường hợp đặc biệt hoặc khẩn cấp người ta mới hỏi đến số giây, rồi tích tắc”. Tôi nghĩ đến vị trí hiện thời của mình. Tôi bây giờ có lẽ chỉ là một chiếc kim giây bé nhỏ.
Nhưng cho dù chỉ là một chiếc kim giây thật bé nhỏ, tôi cũng hoàn toàn tự tin vào bản thân mình. Và tôi sẽ vẫn tiếp tục cố gắng để làm được những điều có ích trên con đường mình đã chọn. Tôi đã luôn mang theo lời dặn của thầy bên mình. Ở cuối câu chuyện về chiếc đồng hồ, thầy đã quả quyết rằng: “để biết một chiếc đồng hồ còn chạy hay không, người ta không nhìn vào kim giờ hay kim phút mà nhìn vào chiếc kim giây bé nhỏ. Mỗi bước đi của kim giây chẳng đáng bao quãng đường. Kim giây đi 60 bước mới bằng kim phút di chuyển một lần. Kim giây đi 3600 bước mới bằng kim giờ đi một bước. Số phận của kim giây vất vả bao nhiêu nhưng sự tồn tại của nó lại có ý nghĩa lớn bấy nhiêu. Cũng như trong cuộc sống, sự vận động của mỗi cá nhân là điều kiện để xã hội vận động, phát triển. Không thể có xã hội vận động nếu mỗi người chỉ dậm chân tại chỗ. Xã hội có thể có ít kim giờ, kim phút nhưng luôn cần có nhiều kim giây”.
f73cd51b73a818df2051e55d21f9ff32.jpg
Bây giờ thầy đã đi về nơi rất xa. Thời gian có thể làm tôi không nhớ nổi chi tiết khuôn mặt thầy nhưng tôi sẽ ghi nhớ mãi câu chuyện của thầy để sống lạc quan và luôn cố gắng trên đường đời. Câu chuyện của thầy thật giản dị nhưng đáng quý biết bao. Nó như là kim chỉ nam cho tôi vững bước. “Thầy ơi, em biết ơn thầy biết bao”.
 
Hay lắm, bài viết rất có ý nghĩa, cảm ơn bạn!
 
“để biết một chiếc đồng hồ còn chạy hay không, người ta không nhìn vào kim giờ hay kim phút mà nhìn vào chiếc kim giây bé nhỏ. Mỗi bước đi của kim giây chẳng đáng bao quãng đường. Kim giây đi 60 bước mới bằng kim phút di chuyển một lần. Kim giây đi 3600 bước mới bằng kim giờ đi một bước. Số phận của kim giây vất vả bao nhiêu nhưng sự tồn tại của nó lại có ý nghĩa lớn bấy nhiêu. Cũng như trong cuộc sống, sự vận động của mỗi cá nhân là điều kiện để xã hội vận động, phát triển. Không thể có xã hội vận động nếu mỗi người chỉ dậm chân tại chỗ. Xã hội có thể có ít kim giờ, kim phút nhưng luôn cần có nhiều kim giây”.

Mh lại tự tin vào bản thân và khả năng của mình rồi! cảm ơn bạn nhiều nhiều!
 
×
Quay lại
Top