"Ô nhiễm ở làng quê"

dgoanh

Ước mơ tôi...
Thành viên thân thiết
Tham gia
19/11/2010
Bài viết
1.453
Bài 1: Cả làng đi kiện... cái ống khói!

(VOV) - Tiếng là ở nông thôn, nhưng 24/24h, người dân ở thôn Phan Bôi (Hưng Yên) luôn phải đeo khẩu trang trùm kín mặt
Làng quê - môi trường sống tưởng như trong lành nhất ở Việt Nam, lại đang đứng trước những hiểm hoạ cận kề của vấn đề ô nhiễm môi trường. Công nghiệp hoá, hiện đại hoá đã làm thay đổi bộ mặt kinh tế - xã hội nông thôn, nhưng những hậu quả của nó đã ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống của người dân, cùng những hệ lụy rất đáng báo động.
Cả năm qua, những hộ dân tại thôn Phan Bôi (xã Dị Sử, huyện Mỹ Hào, Hưng Yên) khốn khổ vì… một cái ống khói. Nhiều người đã phải mua cả bạt trùm kín ngôi nhà, hệt như một cái lô cốt. Có người còn mua cả đống khẩu trang dự trữ và mang theo cả lúc ngủ. Nguyên nhân là do một cơ sở tái chế nhôm, phế thải liền kề cả năm nay… gây hoạ!
Bỏ nhà đi… ngủ nhờ hàng xóm!
Tối nào mẹ con chị Nguyễn Thị Toan cũng phải mau chóng thu xếp, dọn dẹp sớm để còn sang hàng xóm… ngủ nhờ. Căn nhà cấp bốn của chị, chỉ còn mỗi anh Lê Huy Triệu - chồng chị ở lại ngủ để trông coi nhà cửa. Nguyên nhân là do nhà chị ở liền kề với xưởng tái chế nhôm, phế liệu của cơ sở tư nhân Bường - Mười (Công ty TNHH Anh Tường), thôn Phan Bôi, nên “hứng đủ” khói bụi, mùi hoá chất và tiếng ồn… Cắn răng chịu đựng mãi không được, chị đành phải chọn giải pháp… đi ngủ nhờ!
Theo lời kể của anh Triệu, thời gian gần đây, cứ chập tối, cơ sở tái chế nhôm này bắt đầu hoạt động. Tiếng huỳnh huỵch phát ra từ việc đập, nghiền những tảng xỉ nhôm trước khi đưa vào lò nấu, khiến cả xóm mất ngủ. Mùi hoá chất nồng nặc, bụi than mù mịt. Tất cả khói bụi này đều được đưa thẳng… lên trời qua một ống khói tạm bợ cao chừng hai chục mét.
“Sáng nào cháu út nhà tôi quét sân cũng gom được cả một vốc bụi màu trắng như đất đèn, mùi rất khó chịu, chúng tôi cũng không biết đó là thứ hoá chất gì. Bụi trùm kín cây cối, không thở được. Chúng tôi phải đeo khẩu trang cả khi đi ngủ!” - anh Triệu kể.
Để đối phó với khói bụi, tiếng ồn, anh Triệu mua bạt phủ kín nhà. Tất cả các lỗ ánh sáng, cửa sổ, anh đều bịt kín. Thành thử, ngôi nhà anh ở hệt như cái… lô cốt, chỉ chừa một cái lỗ ton hỏn khoét ở một góc cánh cửa bên dưới, để con chó… chui ra chui vào trông nhà. “Làm thế này, hạn chế bụi và tiếng ồn được tí nào hay tí đó. Nhưng mùi hoá chất thì đành chịu. Cả nhà tôi phải mang khẩu trang cả khi ngủ. Chúng tôi đã nhiều lần góp ý, nhưng gia đình anh Bường - Mười (chủ cơ sở tái chế) đều bỏ ngoài tai. Gia đình tôi ở đằng sau, liền kề với nhà xưởng nên lãnh đủ và chịu hậu quả nghiêm trọng nhất!” - anh Triệu than phiền.
Chung nỗi khổ như gia đình anh Triệu, là gia đình cụ Huê (hàng xóm liền kề). Tất cả các cửa sổ, lỗ ánh sáng…, cụ đều tìm mọi cách để bít kín, chặn bụi không cho vào nhà. Thế nhưng, giải pháp ấy cũng chỉ là… đối phó. Vài tháng trước, một phần tường của xưởng tái chế nhôm không biết lý do gì bị đổ, bụi trắng theo đó đổ tràn ra chiếc ao sau nhà cụ. Hôm sau, cá trong ao chết nổi, cả xóm ra vớt được vài tạ cá. Ăn không dám ăn, nhìn đống cá phải mang đi chôn, cụ tiếc trào nước mắt. “Mẹ anh Bường có mang sang nhà tôi 500.000 đồng để “bồi thường”, nhưng tôi không nhận. 500.000 với tôi rất to, nhưng quan trọng hơn, không chỉ riêng mình tôi, cả xóm phải khổ sở từ khi cái xưởng này dời về đây hoạt động!” - cụ Huê cho biết.
Nín thở ngóng… hướng gió!
Gia đình ông Lê Quảng Ba, ở cạnh khu xưởng cũng là nạn nhân hứng trọn những hậu quả của xưởng sản xuất này. Sau mỗi đêm xưởng tái chế hoạt động, bụi thải mù mịt phủ trắng vườn rau sau nhà. “Chất phế thải của xưởng sản xuất đổ xuống ao còn khiến cá chết, thì hỏi làm sao chúng tôi dám ăn rau trong vườn, dù nó rất xanh tốt. Cả xóm Phan Bôi này, không ai dám ăn rau trong chính vườn nhà mình trồng, vì đám bụi nhôm kia phủ trắng cả!” - ông Ba nói.
Gia đình ông Lê Hữu Hoàn, một quân nhân về hưu sống trên thửa đất rộng ngót 2.000m2. Trước, hai ông bà tính chuyện cải tạo trồng rau, đào ao thả cá. Thế nhưng, từ khi xưởng tái chế nhôm Bường - Mười hoạt động, ông bà không dám trồng rau, thả cá nữa. Cái ao đã kè bờ bỏ hoang. Cả khu vườn rộng đã làm đất, cũng bỏ phí. “Tiếng là ở nông thôn, nhưng 24/24h, lúc nào tôi cũng phải đeo khẩu trang trùm kín mặt. Những hôm trời nắng ráo còn đỡ, nếu trời mưa thì cả xóm hứng đủ, vì đám bụi ngấm nước nặng, không bay đi xa được, phủ trắng cả nhà cửa!” - ông Hoàn than.
anh-bai-2-moi-truong-2.jpg
Để đối phó với khói bụi, người dân phải phủ bạt kín nhà​
Nỗi lo lớn nhất đè nặng lên cả thôn Phan Bôi, ấy là… ngóng hướng gió. Hôm nào trời đổ gió nam, cả một nửa xóm phía sau nhà xưởng tái chế phải hứng trọn khói bụi, mùi hoá chất nồng nặc, rất tức thở. Những hôm gió bấc, nỗi lo ấy lại chuyển sang nhà bà Dung, cụ Huê…
Xưởng tái chế nằm ngay phía mặt đường 5, được ngăn với các nhà dân bằng bức tường gạch thô không trát vữa. Nửa trên được quây bằng tôn, chừa ra rất nhiều khe hở. Lỗ thoát duy nhất của đám khói bụi phế thải của lò tái chế là một ống tôn cao vài chục mét, được dựng khá thô sơ. “Gần tuần nay, có lẽ hàng xóm kêu ca nhiều quá, chủ xưởng sản xuất mới nối thêm một đoạn tôn nữa nên cái ống khói mới cao được như thế. Trước kia, nó chỉ ngắn một mẩu, xả thẳng khói bụi vào nhà hàng xóm!” - ông Hoàn cho biết.
Suốt một thời gian dài, cả thôn Phan Bôi mất ăn mất ngủ vì ống khói của xưởng tái chế phế thải. “Người dân chúng tôi không hiểu vì lý do gì, đã nhiều lần cơ quan chức năng lập biên bản yêu cầu xưởng ngừng sản xuất, thế nhưng đến nay nó vẫn ngang nhiên hoạt động!” - cụ Huê bức xúc.
Chính quyền bị “qua mặt”?
Trước những ảnh hưởng nghiêm trọng về môi trường do xưởng tái chế phế thải nhôm gây ra, nhân dân thôn Phan Bôi đã nhiều lần gửi kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền. Thế nhưng, câu trả lời mà họ nhận được là: Cơ sở tái chế này được phép hoạt động vì có… đầy đủ giấy tờ!
Kết quả xác minh thực tế cơ sở sản xuất tái chế phế thải nhôm của cơ sở sản xuất tư nhân Bường - Mười (ngày 5/1/2009) của Phòng CSMT (CA tỉnh Hưng Yên), Công an và Phòng TNMT huyện Mỹ Hào, công an xã Dị Sử kết luận: “Công ty TNHH Anh Tường do ông Vũ Hữu Hơn làm Giám đốc đi vào hoạt động từ tháng 12/2008 đến nay chưa có bản cam kết bảo vệ môi trường được phê duyệt của cơ quan chức năng; hành vi trên của cơ sở sản xuất này đã vi phạm các quy định về cam kết bảo vệ môi trường (quy định tại điều 24 - Luật Bảo vệ môi trường và khoản 3 điều 8 NĐ 81/2006/NĐ-CP ngày 9/8/2006 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường).
Tháng 9/2008, Cục Cảnh sát môi trường kết hợp cùng Phòng CSMT - CA tỉnh Hưng Yên kiểm tra và xử lý công ty TNHH Anh Tường về hành vi xử lý chất nguy hại không đúng quy định về bảo vệ môi trường, mức tiền phạt là 5,5 triệu đồng. Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của Phòng CSMT - CA tỉnh Hưng Yên đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Anh Tường về hành vi nói trên; yêu cầu cơ sở dừng hoạt động nấu, đúc nhôm trước khi có bản cam kết bảo vệ môi trường được phê duyệt của cơ quan chức năng”.
Kết luận này khiến người dân ngỡ ngàng, bởi trước đó, khi phản ánh với chính quyền xã Dị Sử về tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng của cơ sở tái chế phế thải nhôm này, xã cũng phân trần: Công ty Anh Tường có đầy đủ giấy tờ để hoạt động.
Những giấy tờ đầy đủ để cơ sở tái chế phế thải nhôm này được phép hoạt động, gồm có: Giấy phép hành nghề “Xử lý sơ bộ chất thải nguy hại” do PGĐ Sở TNMT Hưng Yên, ông Phạm Nam Lượng ký; “Hợp đồng xử lý chất thải công nghiệp” giữa Công ty TNHH Anh Tường và Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Môi trường Đô thị (18 - Cao Bá Quát - Ba Đình - Hà Nội). Lạ lùng nhất, là có cả giấy xác nhận đăng ký “Bản cam kết bảo vệ môi trường” do ông Vương Văn Đức, Chủ tịch UBND huyện Mỹ Hào, ký ngày 15/12/2008. Trong kết luận kiểm tra của Phòng CSMT - CA tỉnh Hưng Yên ngày 5/1/2009 khẳng định, chưa có bất kỳ bản cam kết bảo vệ môi trường của cơ sở tái chế phế thải Anh Tường. Phòng CSMT - CA tỉnh Hưng Yên đã “bỏ sót”, hay đó chỉ là sự phù phép của cơ sở tái chế phế thải này?./.
 
Bài 2: "Lò luyện dầu" giữa cánh đồng

(VOV) - Khi các lò hoạt động, gió từ cánh đồng đẩy khói vào làng, không khác gì… khói bom

Người dân An Thượng (huyện Hoài Đức, Hà Nội) cùng một lúc phải chung sống với 3 lò nấu dầu lậu ngày nào cũng đỏ lửa. Trung bình mỗi ngày, 3 lò “tiêu thụ” cả ngàn tấn dầu cặn, dầu thải. Cả làng lúc nào cũng ngùn ngụt những đụn khói đen như đốt đồng!



lo-luyen-1.jpg
Lò luyện dầu thải nằm giữa cánh đồng

Theo chân người dẫn đường là “thổ địa” của vùng, chúng tôi tìm tới những lò nấu dầu cặn đã qua sử dụng. Các lò nấu dầu đặt ở phần rìa đê, cách khu dân cư của xã An Thượng một đoạn đường. Những chiếc thùng phuy nằm chỏng chơ, những đống củi cao chất ngất, đầu máy nổ, những dây dẫn nhựa loằng ngoằng… nằm ngổn ngang. Trên mặt đất là lớp hỗn hợp đen kịt của dầu thải tích lại lâu ngày.
Một người đàn ông đang nằm trong lán dựng tạm giữa mớ hỗn độn của những thùng phuy xếp ngổn ngang, đống củi đốt cao chất ngất và một lò lửa đang ngùn ngụt khói. Một lát sau, anh này phăm phăm nhét thêm củi vào chiếc lò khổng lồ. Chiếc quạt điện hoạt động hết công suất lùa gió vào những thanh củi bén lửa đỏ rực. Ngọn lửa bốc lên phừng phừng như trong lò bát quái!

Cơ sở nấu dầu đặt giữa cánh đồng. Kế bên, một khu lò gạch với những ống khói lớn tưng bừng nhả ra những đụn khói. Liền kề với lò nấu dầu là một chiếc bể tạm. Bên trên là một tấm lưới mắt cáo. Chiếc bể này, người đàn ông cho biết, được sử dụng để làm “bể lọc” dầu cặn trước khi cho vào nấu.
Một dây dẫn nhựa to nối một đầu từ chiếc thùng sắt đang sùng sục trên lò lửa. Một đầu kia dẫn ra những chiếc phuy kín mít. Chúng tôi hỏi anh này về “công thức” luyện dầu, nhưng anh từ chối với lý do: “Đó là bí quyết nhà nghề, không thể tiết lộ!”. Theo quan sát, chúng tôi nhận thấy “quy trình” đều thủ công, trừ chiếc đầu máy nổ nằm sát rìa ruộng.
Một lát sau, một chiếc xe máy rẽ bụi từ phía đầu dốc đi xuống. Sau gác-ba-ga xe máy, ba can nhựa chừng trên 100 lít bịt kín. Đây là những can dầu cặn, dầu thải vừa đi thu mua được từ các điểm sửa chữa xe máy trong thành phố.

Ông Nguyễn Chí Lộc, cha đẻ của anh Nguyễn Chí Lưu, chủ lò nấu dầu giữa cánh đồng cho biết, cơ sở của con trai ông đã xin giấy phép của Sở TN&MT (Hà Tây cũ) để được hoạt động nấu dầu tái chế. Những phuy dầu cặn này, sau khi “luyện” khoảng 2 ngày sẽ cho ra sản phẩm dầu FO -Một sản phẩm khác, nhưng đòi hỏi thời gian “luyện” lâu hơn, là mỡ bôi trơn cho các động cơ, máy móc.
Một lít dầu cặn, dầu thải được thu mua lẻ tại các cửa hàng sửa chữa xe máy, các gara ôtô… với mức giá dao động từ 1.000 - 3.000 đồng. Nếu hàng được mang đến giao tận nơi, cơ sở của ông Lưu phải thu mua với giá cao hơn. Sản phẩm dầu FO sau khi luyện xong được bán với mức giá từ 7.000 - 8.000 đồng/lít. “Cơ sở của con trai tôi đặt xa khu dân cư nên không ảnh hưởng đến cộng đồng. Hơn nữa, việc nấu dầu cũng được khép kín, nên không ảnh hưởng đến môi trường!” - ông Lộc quả quyết.

lo-luyen-2.jpg
Khói đen bốc mù mịt từ những lò này

“Người dân kêu trời nhưng đâu vẫn hoàn đấy!”
Không như những gì ông Lộc nói, sự có mặt của 3 lò nấu dầu thải, dầu cặn đã làm người dân An Thượng khổ sở từ lâu. Anh N., một người dân địa phương than: “Có những ngày, cả 3 lò nấu dầu đều hoạt động. Gió từ cánh đồng đẩy khói vào làng, không khác gì… khói bom. Kinh khủng nhất là mùi dầu cháy, gây khó chịu, ăn cơm cũng buồn nôn. Có ngày đúng chiều gió, cả làng phải đeo… khẩu trang dù đang ở nhà!”.
Một người dân khác cho biết: “Đang vụ đông nên cánh đồng để ải. Hôm nay các anh về gặp may, vì thời tiết hanh khô, lặng gió, chủ yếu là gió quẩn nên mùi dầu không bị đẩy vào làng, chứ có gió thì cách vài cây số đã nồng nặc mùi dầu cháy! Thời gian lúc lúa bắt đầu vào đòng, lo nhất lúa bị héo úa vì khói đốt dầu ngùn ngụt!”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước đây, các cơ sở nấu dầu thải, dầu cặn “đóng đô” ở giữa làng. Nhưng nhiều người dân kịch liệt phản đối, các chủ lò nấu mới chịu “di dời” ra giữa cánh đồng! Cách đây vài tháng, chính quyền địa phương đem lực lượng xuống cưỡng chế, nhưng không hiểu sao các chủ lò nấu nên đã kịp thời “di dời” thiết bị ra khỏi hiện trường.
Sau một thời gian “án binh bất động”, rồi các lò lại thi nhau đỏ lửa. Một ngày, cả 3 lò hoạt động hết công suất cũng “xử lý” cả ngàn lít dầu thải. Trong khi đó, những đụn khói thải ra, bao gồm những chất độc hại gì, thì cả làng… chịu.
Trao đổi với ông Lê Văn Vinh, Chủ tịch UBND xã An Thượng, được biết, 3 cơ sở tái chế dầu thải, dầu cặn do 3 chủ lò Nguyễn Thế Thảo, Nguyễn Thế Vĩnh và Nguyễn Chí Lưu điều hành. Cách đây 2 năm, lò nấu dầu tái chế của ông Nguyễn Thế Thảo, Nguyễn Thế Vĩnh đóng đô ở làng An Khánh, cách An Thượng vài cây số. Vì khói thải quá nhiều, lại đặt giữa khu dân cư, nên 2 lò luyện trên bị người dân An Khánh tẩy chay. Không bỏ nghề, hai chủ lò này chuyển cơ sở về An Thượng và tìm cách hoạt động ở xóm bãi, giữa cánh đồng.

Cuối tháng 6/2008, xã đưa lực lượng gồm công an xã, phòng địa chính xuống kiểm tra các cơ sở nấu dầu ngoài bãi. Đến nơi, chính quyền mới tá hoả vì không chỉ gây ô nhiễm môi trường, mà các lò luyện trên đều tự ý… chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp. Khu lò nấu của ông Nguyễn Chí Lưu nguyên là một khu ruộng cấy một năm hai vụ. Để thuận lợi cho việc mở rộng cơ sở nấu luyện, ông Lưu đã thuê san lấp lấy mặt bằng làm trụ sở. Ông Lưu còn dựng một ngôi nhà hai gian làm chỗ ăn nghỉ ngay tại khu lò nấu để tiện việc sản xuất.
Khi chính quyền xã kiểm tra giấy phép hoạt động, các chủ lò đều không có. Tuy nhiên, một thời gian sau, hộ ông Nguyễn Chí Lưu mang đến xã "trình diện" một giấy phép của Sở TN&MT (Hà Tây cũ). Ông Vinh khẳng định: “Không biết vì sao họ có được cái giấy phép đó. Chứ nếu tôi là người có quyền cấp phép, chắc chắn tôi không bao giờ ký giấy!”. Xã lập biên bản xử lý hành chính về việc chủ lò Nguyễn Chí Lưu sử dụng sai mục đích đất nông nghiệp. Nhưng rồi, ba lần bảy lượt, chính quyền xã xuống hiện trường cưỡng chế, sự việc vẫn đâu vào đấy.

“Về mức độ ô nhiễm môi trường, cụ thể như thế nào tôi không dám khẳng định, vì xã không có chuyên môn trong việc thẩm định những khí thải đó là gì, nồng độ cho phép trong không khí là bao nhiêu… Nhưng chắc chắn, việc ảnh hưởng tới môi trường, sức khoẻ người dân là có. Xã chỉ có thẩm quyền lập biên bản xử lý việc sử dụng sai mục đích đất nông nghiệp của các chủ lò nói trên. Chúng tôi cũng đang hoàn thiện hồ sơ để gửi lên phòng cảnh sát môi trường phối hợp xử lý!”, ông Vinh cho biết!
Không biết đến bao giờ hồ sơ xử lý của xã An Thượng huyện Hoài Đức sẽ hoàn thành, chỉ biết rằng, những lò tái chế dầu thải, dầu cặn trái phép vẫn ngày ngày hoạt động. Và những người dân lại tiếp tục phải chung sống với bầu không khí bị ô nhiễm, mà theo họ, là đã quá nặng nề!/.
:KSV@18:
:KSV@18::KSV@18:
 
Hiệu chỉnh bởi quản lý:
Bài 3: Kỷ lục về... rác!

avatar.aspx



(VOV) - Với 99% hộ dân trong làng làm nghề tái chế rác, Làng Khoai (Hưng Yên) đã được báo động “đỏ” về ô nhiễm môi trường làng nghề của cả nước


Làng Khoai (thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) có hai thôn: Đông Minh Khai và Tây Minh Khai. Đây có lẽ là ngôi làng… kỷ lục về nhiều rác nhất Việt Nam. Đến mức, theo lời trưởng thôn Nguyễn Văn Thăng, nếu tìm hộ nào không làm nghề thu mua phế liệu tái chế, có lẽ khó hơn… đi tìm đom đóm trong đêm sáng trăng.


Rác khắp nơi dồn ứ về làng
Trong danh sách các làng nghề truyền thống Việt Nam, làng Khoai cũng có tên. Tuy nhiên, cái nghề mà hiện nay người dân làng Khoai theo đuổi không có vẻ gì lãng mạn cho lắm: nghề tái chế phế thải.
Bởi một nhẽ, làng Khoai là “đầu nậu”, là “nơi tập kết” cuối cùng các loại phế thải (chủ yếu là nhựa, vỏ chai nhựa, nilon…) để tái chế ra các sản phẩm khác như: túi nilon, quần áo mưa (loại mặc một lần), đồ dân dụng bằng nhựa… để cung cấp cho khắp trong Nam ngoài Bắc.
Theo như lời trưởng thôn Tây Minh Khai, anh Nguyễn Văn Thăng, làng có 900 hộ dân thì có tới 99% số hộ làm nghề tái chế rác. Nghề này đã giúp cuộc sống người dân nơi đây thay da đổi thịt: nhà tầng mọc san sát. Xe ô tô (cả xe chở hàng, xe hơi du lịch đắt tiền) đỗ chật đường làng… Cả làng khó tìm thấy một khu đất trống, bởi người ta tận dụng tối đa mọi chỗ trống làm nơi tập kết, sơ chế, phân loại, đóng ép… các loại phế phẩm nhựa từ khắp các tỉnh đổ về…
Cho nên, dù là ngôi làng nằm giữa vùng đồng bằng Bắc bộ, song bước chân vào làng Khoai cứ ngỡ như lạc vào một khu… công nghiệp. Biển hiệu các cơ sở tái chế, sản xuất nhựa, sản xuất túi nilon, áo mưa, đồ dân dụng bằng nhựa, xốp… giăng dọc trục đường làng, dọc hai bên bờ sông… Những con đường chật chội và nhếch nhác, vì những kiện vỏ nhựa được ép thành từng lốc xếp chồng lên nhau cao ngất; những bao tải nilon đóng bao vứt chỏng chơ hai bên đường; rãnh nước thải lúc nào cũng vẩn lên những váng tù đọng…

lang-khoai-1.jpg


Con sông chảy qua làng trước đây hiền lành yên ả, và là nguồn nước sinh hoạt của cả làng. Nay, dù đã được kè cứng hai bên bờ như con sông Tô Lịch trong nội thành Hà Nội, nhưng rác thải đã ùn ùn lấp kín cả lòng sông. Cả làng có lẽ chẳng còn bóng cây nào che nắng mưa cho đường thôn ngõ xóm. Vì để có mặt bằng sản xuất, các hộ dân đã thi nhau đốn chặt.
Khoảng đầu năm 2000, cán bộ ngành môi trường đã đến kiểm tra không khí, nguồn nước… của làng Khoai. Kết quả phân tích cho thấy, tất cả các chỉ số đều vượt mức cho phép đến hàng chục lần. Và, làng Khoai trở thành một trong những “điểm đỏ” về ô nhiễm môi trường làng nghề của Hưng Yên và của cả nước.
Bà Vũ Thị Vòng, Trưởng phòng Tài nguyên môi trường (TNMT) huyện Văn Lâm cho biết: Dự án xây dựng, quy hoạch, phát triển làng nghề, quy hoạch làng nghề tái chế phế thải của làng Khoai được khởi động từ năm 2006, khi đó, tỉnh, huyện, thị trấn đều lo… ế vì không đủ số hộ đăng ký thuê đất, mua đất chuyển xưởng chế biến sang khu vực làng nghề. Thế nhưng, đến nay làng nghề không còn chỗ vì số các cơ sở sản xuất đăng ký nhiều quá. Huyện Văn Lâm đang có kế hoạch… mở rộng quy hoạch làng nghề để “quay” các xưởng tái chế ra khỏi khu dân cư, trả lại sự trong lành cho thôn xóm!
Không biết quy hoạch làng nghề giải quyết được bao nhiêu phần trăm mức độ ô nhiễm. Tuy nhiên, sự thật về “nhà nhà tái chế, người người tái chế” phế phẩm nhựa ở làng Khoai, đã là vấn đề nhức nhối gần 20 năm nay, khi nghề thu mua, tái chế phế phẩm ở làng Khoai bắt đầu manh nha từ những năm đầu thập niên 90 thế kỷ 20. Đến nay, nó đã “phình” to chưa từng thấy, đến mức, nhắc đến làng Khoai, ai cũng phải “thở hắt ra” khi nghĩ đến ngôi làng… nhiều rác nhất Việt Nam.


Người chết cũng khổ vì ô nhiễm
Đó là câu chuyện khiến người dân thôn Tây Minh Khai (xóm 2, thị trấn Như Quỳnh, Văn Lâm, Hưng Yên) hoang mang và bức xúc, bởi nhiều người chết được an táng tại nghĩa trang làng từ 5 - 6 năm nhưng vẫn không phân hủy được. Nhiều gia đình, khi gặp phải tình huống trên đã phải đậy lại nắp huyệt để… mai táng tiếp, đợi thêm thời gian cho người chết phân hủy hết mới cải táng.
Anh Phùng Văn Kiêu, quản trang thôn Tây Minh Khai gần chục năm, nhà ở ngay lối vào nghĩa trang, xác nhận: “Trong thời gian tôi làm quản trang, rất nhiều gia đình đã gặp phải trường hợp trớ trêu không ai muốn! Ban đầu, nhiều gia đình nghĩ rằng đó là “mộ kết”, gia đình có phước lớn. Thế nhưng, quá nhiều trường hợp lặp lại hiện tượng trên khiến người dân hoang mang. Hiện tượng này xảy ra khoảng 6 - 7 năm nay. 10 ngôi mộ thì có tới 7 - 8 mộ người chết không hoặc chưa phân hủy hết!”.
Cũng theo anh Kiêu, trước đó, chưa bao giờ người dân làng Khoai gặp phải chuyện “oái oăm” như thế. Trong khi đó, tại nghĩa trang xóm Đông Minh Khai (cùng thuộc làng Khoai), người chết chỉ chôn 2 - 3 năm đã hoàn toàn phân hủy sạch sẽ, chưa xảy ra hiện tượng mộ “kết giả” như nghĩa trang Tây Minh Khai. Trước hiện tượng trên, nhiều gia đình khi có người thân mất, đã chọn phương án hỏa táng cho “an toàn”.
Người dân làng Khoai thì cho rằng, nguyên nhân là do nhiều nhà máy xung quanh nghĩa trang, đã xả trực tiếp nước thải vào nghĩa trang. Các hóa chất độc hại đã khiến người chết không phân hủy được.

lang-khoai-2.jpg


Nghĩa trang Tây Minh Khai nằm lọt thỏm giữa 3 nhà máy gồm Nhà máy kính Việt Hưng, Công ty may Nguyễn Hoàng và Công ty TNHH sản xuất phụ tùng xe máy Việt Nam (VAP). Con đường mòn chạy vào nghĩa trang dài chừng 300m. Có lẽ, đây là điểm khô ráo, sạch sẽ nhất ở nghĩa trang. Song song với con đường là rãnh nước thải ngả màu đen kịt, và sủi ngầu bọt. Người dân cho biết, vào những ngày nắng nóng, mùi hôi thối bốc lên từ rãnh nước thải không thể chịu được. Hai đường ống xả thải từ Công ty may Nguyễn Hoàng vẫn trực tiếp xả nước thải ra rãnh nước.
Trưởng thôn Tây Minh Khai, anh Nguyễn Đức Thăng xác nhận: “Hiện tượng trên xảy ra từ 6 - 7 năm nay. Nhiều người dân khi có người thân qua đời đã không dám địa táng, mà mang sang mãi Hà Nội để làm dịch vụ hỏa táng”. Theo anh Thăng, nhiều năm nay, các nhà máy xung quanh nghĩa trang đã xả nước thải, trong đó có nhiều loại hóa chất độc hại, đã ngấm xuống lòng đất và trực tiếp ảnh hưởng đến khu mộ trong khu vực. Trước kia, nghĩa trang làng Khoai nằm giữa khu cánh đồng, địa hình cao bằng mặt ruộng. Từ khi các nhà máy xây dựng quanh nghĩa trang, đã làm mặt bằng nền móng cao hơn khiến nghĩa trang làng Khoai trở thành khu đất thấp nhất, lại bị bốn bức tường bao quanh nên không có đường thoát nước. Vì thế, chỉ cần một cơn mưa nhỏ, nghĩa trang đã biến thành một cái… ao tù.
Ông Nguyễn Đình Phong, Trưởng ban Địa chính - Tài nguyên môi trường (UBND thị trấn Như Quỳnh) cho hay: UBND thị trấn Như Quỳnh đã biết được thông tin nói trên. Vì nghĩa trang ở địa hình thấp, trũng như vậy nên nếu vào ngày mưa, gia đình nào có người chết sẽ rất khó khăn để tìm đất chôn cất người thân.
Bà Vũ Thị Vòng, Phòng TNMT huyện Văn Lâm cho rằng chưa thể kết luận được nguyên nhân chính xác có phải do ô nhiễm nguồn nước thải của các nhà máy xây dựng xung quanh nghĩa trang hay không, vì kết luận đó phải có bằng chứng, có kết quả nghiên cứu các mẫu chất thải lấy từ khu vực nghĩa trang làng Khoai. Bà Vòng cũng thừa nhận, hiện tại, cơ quan chuyên ngành cấp huyện như Phòng TNMT huyện Văn Lâm chưa đủ nhân lực và năng lực để có thể tiến hành lấy các mẫu về để nghiên cứu, phân tích. Phải có một cơ quan, tổ chức chuyên môn làm công tác này, lúc đó mới có thể kết luận được nguyên nhân từ đâu.
Vì chưa có kết luận chính thức nên nguyên nhân của sự việc trên, người ta cũng chỉ dám phỏng đoán. “Chúng tôi cũng chỉ biết đề đạt ý kiến lên UBND thị trấn. Còn chính xác, những chất thải hóa chất đó là gì, thì phải do các cơ quan chuyên môn kết luận. Nhưng, nếu cứ kéo dài mãi như thế này, thì cả người sống, người chết ở làng Khoai đều khổ!” - Ông Nguyễn Đình Phong ngậm ngùi./.
(Theo VOV)

******



Đây là những câu chuyện thật..và rất thật về ô nhiễm môi trg ở các làng quê Việt Nam...Ở nhưg nơi tưởng như là trg lành nhất và ít ô nhiễm nhất...Nhug sự thật thì...:KSV@17:

Các lag quê Việt đag kêu cứu...:KSV@17:
 
Đây nữa..

Xây mỗi làng một bãi trung chuyển rác thải

Trước thực trạng rác thải được thu gom mà không chuyển đi gây ô nhiễm môi trường, UBND tỉnh Bắc Ninh vừa giao Sở Tài nguyên - Môi trường chỉ đạo xây dựng ở mỗi làng một bãi trung chuyển rác thải.

br1.jpg

Bãi rác thải ở thôn Nghiêm Xá. Ảnh: Thu Hòe.

Ông Nguyễn Khắc Lừng, trưởng thôn Nghiêm Xá (Việt Hùng, Quế Võ, Bắc Ninh) cho biết, trung bình mỗi ngày tại bãi rác Nghiêm Xá có khoảng 2 tấn rác thải các loại được thu gom và đổ tập trung ở đầu làng.

Bãi rác này không chỉ là nơi tập kết rác của riêng thôn Nghiêm Xá mà của cả những làng lân cận như: Lựa, Guột (xã Việt Hùng), Quế Tân, Lạc Xá (xã Quế Tân)… Thậm chí, rác thải công nghiệp của một số Cty trên địa bàn Khu công nghiệp Quế Võ cũng đổ trái phép tại đây.

Bãi rác Nghiêm Xá chiếm diện tích khoảng vài trăm mét vuông, lấn chiếm 1/3 đường đi, trong khi phần bị lấn chiếm này lại nằm trên trục đường giao thông liên xã. Ngoài rác thải sinh hoạt, nơi đây còn tập kết phân gia súc, gia cầm, xác động vật, rác thải công nghiệp.

Chị Nguyễn Thị Thoa, một người dân trong làng phản ánh: “Ngày nắng, bãi rác bốc mùi hôi thối rất khó chịu. Ngày mưa rác trôi nổi khắp nơi làm tắc nghẹt các cống thoát nước, mương máng… Nhiều người dân có diện tích đất canh tác gần khu vực bãi rác còn thường xuyên bị mắc các bệnh ngoài da, các bệnh liên quan đến hô hấp do làm gần khu vực này trong thời gian dài”.

Do chưa có nơi trung chuyển rác thải nên lãnh đạo thôn Nghiêm Xá giải quyết bằng cách mua dầu mazut về đốt rác ngay tại bãi 4 lần/năm. Tuy nhiên, giải pháp tình thế này không làm mức độ ô nhiễm của bãi rác Nghiêm Xá giảm bớt là bao.

Bãi rác tự phát thôn Nghiêm Xá chỉ là một trong những bãi rác điển hình từ việc người dân thu gom, tập kết. Tình trạng này xảy ra ở hầu hết các thôn, xã trên địa bàn huyện Quế Võ như Quế Tân, Lạc Xá, Đông Viên, Lê Độ (xã Quế Tân), Yên Đinh, Phù Lang, Hiền Lương (xã Phù Lương), các làng thuộc xã Phù Lãng, Mộ Đạo, Đại Xuân... Qua tìm hiểu được biết, tại 21 đơn vị hành chính trực thuộc huyện Quế Võ, chưa địa phương nào có bãi trung chuyển rác thải.

Để giải quyết tình trạng này, UBND tỉnh Bắc Ninh đã ban hành nghị quyết về việc hỗ trợ xây dựng điểm tập kết, vận chuyển rác thải khu vực nông thôn. Theo nghị quyết này, mỗi thôn sẽ xây dựng một điểm tập kết rác thải, rác chỉ tập kết ở bãi trung chuyển 1 - 2 ngày rồi sẽ được vận chuyển về nơi quy định.

Ông Nguyễn Anh Thắng, Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Quế Võ cho biết: Ở mỗi làng sẽ có một đội môi trường, một chiếc xe chuyên chở rác phụ trách việc thu gom và vận chuyển rác về nơi quy định hằng ngày. Khi có bãi trung chuyển thì tất cả rác thải của các địa phương sẽ được thu gom và vận chuyển về nơi quy định, những bãi rác tự phát trước đó cũng sẽ được dọn đi...
 
Hiệu chỉnh bởi quản lý:
×
Quay lại
Top